Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 - Đề số 5 - Phòng GD & ĐT Thủy Nguyên

doc 3 trang Người đăng dothuong Lượt xem 527Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 - Đề số 5 - Phòng GD & ĐT Thủy Nguyên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 - Đề số 5 - Phòng GD & ĐT Thủy Nguyên
UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
MÔN THI: NGỮ VĂN 9
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1.( 2,0 điểm)
 Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, tập một, em có học một tác phẩm, trong đó có hai câu thơ:
“ Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, 
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”
a, Hãy cho biết hai câu thơ đó trích trong tác phẩm nào? Của ai?
b, Em hiểu nghĩa của hai câu thơ đó như thế nào? Tác giả muốn gửi gắm điều gì qua hai câu thơ trên ?
Câu 2. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn, trình bày cảm nhận của em về khổ thơ sau:
 “...Cái cò... sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát, gió đưa về trời.
 Ta đi trọn kiếp con người,
 Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.”
 ( Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy )
Câu 3. (6,0 điểm)
 	Cùng viết về trăng nhưng ba bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy lại có những đặc sắc riêng.
Em hãy phân tích, so sánh để làm nổi bật những nét đặc sắc ấy của mỗi bài thơ.
---------------HẾT ---------------
UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG 
MÔN: NGỮ VĂN 9
Câu 1.( 2,0 điểm)
a. 
Hai câu thơ trong đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, trích trong tác phẩm truyện thơ “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
0,5 đ
b.
 Hai câu thơ có nghĩa là thấy việc hợp với lẽ phải (việc nghĩa) mà không làm thì không phải là người anh hùng.
0,5 đ
 Qua hai câu thơ, tác giả muốn thể hiện một quan niệm đạo lí: người anh hùng là người sẵn sàng làm việc nghĩa một cách vô tư, không tính toán. Làm việc nghĩa là bổn phận, là lẽ tự nhiên. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán.
1,0 đ
Câu 2. (2,0 điểm) 
HS viết được đoạn văn theo đúng yêu cầu (có nhiều cách cảm nhận khác nhau, miễn là hợp lý) song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
* Về nội dung:
 Thấy được cuộc đời của mẹ vất vả, lam lũ, hy sinh cho hạnh phúc của đời con như hình ảnh cái cò trong câu ca dao xưa. Tình yêu thương, lời dạy dỗ, nhắn gửi của mẹ trong lời ru, bên vành nôi thủa nhỏ mà đến trọn đời con vẫn ghi lòng tạc dạ.
1,0 đ
 Tác giả đã vận dụng sáng tạo ca dao, dân ca, biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, thể thơ lục bát... làm cho đoạn thơ giàu sức truyền cảm.
0,5 đ
* Về hình thức:
 Đoạn văn diễn đạt mượt mà, trong sáng, rõ ràng, không sai mắc các lỗi.
0,5 đ
 *Lưu ý: Những đoạn văn không đảm bảo đủ các yêu cầu trên, giám khảo linh hoạt có mức điểm phù hợp cho từng bài.
 Câu 3 (6,0 điểm)
 A. Yêu cầu:
1. Về kỹ năng:
 Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận văn học về hình tượng nghệ thuật trong thơ trữ tình.
 Bố cục rõ ràng, hợp lý, luận điểm, luận cứ đúng đắn.
 Diễn đạt trôi chảy, ít lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp và lỗi dùng từ.
2. Về kiến thức:
 Trên cơ sở hiểu biết về ba tác phẩm, học sinh so sánh được điểm giống nhau và khác nhau của hình tượng trăng trong bài thơ. Có thể có nhiều cách trình bày nhưng đảm bảo được các ý cơ bản sau:
 * Điểm giống nhau:
- Đều là hình ảnh thiên nhiên đẹp, trong sáng.
- Đều là người bạn tri kỷ với con người trong lao động, trong chiến đấu và trong sinh hoạt hàng ngày.
 * Điểm khác nhau:
a) Trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
 Trăng là biểu tượng đẹp của tình đồng chí gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
 Trăng là là hình tượng hiện thực và lãng mạn, là biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, là hình ảnh đất nước quê hương.
 Trăng còn là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ: lạc quan và lãng mạn.
b) Trăng trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận:
 Trăng như cánh buồm chuyên chở và nâng bổng niềm vui hào hứng của những người lao động.
 Trăng là nét vẽ tài tình, tạo nên bức tranh sơn mài của biển đêm tráng lệ, rực rỡ sắc màu.
c) Trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy:
- Trăng trong quá khứ:
	+ Gắn bó với tuổi thơ hạnh phúc.
	+ Là người bạn tri kỷ.
- Trăng trong hiện tại:
	+ Là “người dưng” đột ngột gặp lại trong một đêm thành phố mất điện, khiến nhà thơ giật mình, day dứt, suy nghĩ về cách sống hiện tại của mình, thức tỉnh lương tâm, nhắc nhở con người không lãng quên quá khứ, sống ân nghĩa, thủy chung.
 => Vầng trăng trong Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá chỉ hiện lên chốc lát, nhưng vầng trăng trong Ánh trăng lại gắn bó với một đời người: Quá khứ, hiện tại và tương lai.
 => Nếu như vầng trăng trong Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá chỉ soi vào phần tươi đẹp cuộc sống con người, vào chính diện của cuộc đời, thì Ánh trăng lại soi rọi vào góc khuất tâm hồn của con người để thức tỉnh lương tri, giúp người ta biết sống ân nghĩa, thủy chung.
 * Với sự sáng tạo tài tình của ba nhà thơ, hình ảnh trăng trong ba tác phẩm thật sự là hình ảnh đẹp, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng.
B. Cách cho điểm:
Điểm 6
Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên; văn viết có cảm xúc, hình ảnh; dẫn chứng phong phú; phân tích sâu sắc; diễn đạt tốt, chữ viết sạch sẽ, rõ ràng.
Điểm 4,5
Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên; văn viết có cảm xúc; dẫn chứng phong phú, diễn đạt tốt, chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, có thể còn một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
Điểm 3
 Đáp ứng được khoảng một nửa số ý trên hoặc đủ ý nhưng dẫn chứng còn hạn chế, diễn đạt chưa tốt nhưng rõ ý; còn mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
Điểm 1,2
Năng lực cảm nhận còn hạn chế; phân tích còn sơ sài; còn mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
Điểm 0
Hoàn toàn lạc đề.
--------------------HẾT --------------------

Tài liệu đính kèm:

  • docvan 9_hsg_5.doc