Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 10 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 681Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 10 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 10 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
-------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
 Dành cho học sinh trường THPT chuyên
Thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề.
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
 Có ý kiến cho rằng: Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác. Nhưng Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola, Bryan Dion lại khẳng định: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ mải đắm chìm trong quá khứ hay ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào trước những lời khuyên ấy.
Câu 2 (7,0 điểm).
Trong bài viết Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, Phạm Văn Đồng viết: Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc.
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích.
- Quá khứ: là cái đã qua, là thời gian đã qua.
- Hiện tại: là cái đang xảy ra, là thời gian đang sống.
- Tương lai: là cái chưa tới, có thể xảy ra, là thời gian sắp tới, sẽ tới.
- Bắn: ẩn dụ, chỉ thái độ, cách đối xử của con người với quá khứ, tương lai.
- Cuộc sống trôi qua kẽ tay: để cuộc sống trôi qua phí hoài, vô ích, thái độ thờ ơ với cuộc sống.
- Ý kiến thứ nhất: Bằng cách nói hình ảnh: bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác, cách dùng hình ảnh mang ý nghĩa tăng tiến: súng lục- đại bác, người nói muốn khẳng định: Cách đối xử của mỗi người với quá khứ như thế nào thì tương lai họ nhận được sẽ như thế, thậm chí còn tồi tệ hơn thế. Câu nói đề nghị một lối sống, một thái độ sống: trân trọng quá khứ, biết ơn quá khứ.
- Ý kiến thứ hai: Bằng cách nói nhấn mạnh, phủ định để khẳng định: chớ đểchỉ bằng cách sống trọn vẹn từng ngày, người nói muốn đề nghị một lối sống: trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại, sống hết mình trong hiện tại.
- Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng kì thực là sự bổ sung ý nghĩa cho nhau, cùng hướng con người tới một lối sống, một thái độ sống tích cực, đúng đắn: sống là phải biết trân trọng quá khứ, biết ơn nguồn cội. Song đồng thời phải biết đón nhận hiện tại, sống hết mình cho hiện tại và biết vun đắp cho tương lai.
2. Phân tích, bàn luận.
- Tại sao sống là phải biết trân trọng quá khứ?
+ Quá khứ là truyền thống, là lịch sử, là nguồn cội, tổ tiên, là văn hoá, văn minh xưa Quá khứ là những gì đã xảy ra, trôi qua, không bao giờ lấy lại được. Do đó, con người phải biết trân trọng quá khứ, nguồn cội, trân trọng chính mình.
+ Vì phải có quá khứ mới có hiện tại và tương lai, với quá khứ người ta xây dựng hiện tại và tương lai.
+ Quá khứ chính là tấm gương soi để con người tự nhận thức và rút ra những bài học kinh nghiệm quí báu cho mình.
+ Nếu con người quay lưng, “bắn vào quá khứ”, con người sẽ trở thành những kẻ vô ơn, bạc nghĩa. Họ sẽ bị tương lai đáp trả hậu quả tương xứng.
VD: 
Nếu cha mẹ không kính trọng ông bà, quay lưng lại truyền thống, nguồn cội thì khó mà dạy nổi con cháu; sau này họ cũng dễ bị con cháu khinh thường.
Đối với một quốc gia dân tộc, trong quá trình hội nhập văn hoá, nếu không biết giữ gìn bản sắc, sẽ dễ bị diệt vong.
vv
- Tại sao phải biết trân trọng hiện tại, sống hết mình cho hiện tại?
+ Vì hiện tại là cái đang hiện hữu, con người xây đắp những thứ quan trọng nhất trong hiện tại: những giá trị vật chất, những giá trị tinh thần
+ Hiện tại hôm nay cũng sẽ trở thành quá khứ ngày mai. Đời người là hữu hạn. Vì thế, nếu con người lãng quên hiện tại, tất yếu họ sẽ luôn phải nuối tiếc những gì đã trôi qua, không đạt được.
+ Quá khứ dù đẹp đẽ, thiêng liêng, cũng là cái đã qua. Tương lai dù hấp dẫn nhưng nếu ta không thực hiện hôm nay thì cũng chỉ là mơ ước. Bởi vậy, mỗi người cần biết sống thực sự, ngay trong hiện tại.
3. Mở rộng.
- Trân trọng quá khứ là như thế nào?
- Trân trọng hiện tại, sống hết mình trong hiện tại là ra sao?
- Nêu một số lối sống, thái độ sống chưa hợp lí:
+ Hoặc quá đề cao quá khứ mà coi nhẹ hiện tại.
+ Hoặc chạy theo chủ nghĩa hiện sinh, thực dụng mà lãng quên quá khứ.
- Bài học nhận thức, hành động của bản thân.
Câu 2 (7,0 điểm)I. Yêu cầu về kĩ năng Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức đảm bảo những ý cơ bản sau: 
Giải thích bài ca yêu nước và tự hào dân tộc.
Lòng yêu nước, tự hào dân tộc đã được nâng lên ở mức độ cao hơn, đẹp hơn. Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi là biểu hiện tuyệt vời của lòng yêu nước, đẹp như một bài ca.
2. Phân tích, chứng minh.
a. Qua cuộc đời:
- Nguyễn Trãi sớm có mối căm thù giặc sâu sắc (thù nhà, nợ nước, khắc sâu lời cha dặn ở cửa ải, quyết tâm rửa nhục cho nước, trả thù cho cha).
- Sống thiếu thốn, nghèo khổ nhưng vẫn luôn giữ vững khí tiết (thời kì bị bắt giam lỏng ở Đông Quan).
- Nung nấu ý chí phục thù, tìm người kết nghĩa chống giặc (theo giúp Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, kiên trì chịu đựng gian khổ, nếm mật nằm gai, hi sinh chiến đấu đến cùng cho thắng lợi của dân tộc).
- Tuổi già, vẫn trở lại gánh vác việc nước (giúp vua xây dựng đất nước, xây dựng kỉ cương cho một nền thịnh trị lâu dài để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân).
- Nguyễn Trãi sáng tác một lượng lớn tác phẩm về nhiều mặt góp phần cứu nước và phát triển đất nước.
b.Qua thơ văn:- Lòng yêu nước được thể hiện đầy đủ và rõ nét qua thơ văn.
+ Căm thù giặc sâu sắc, quyết không đội trời chung:
 Ngẫm thù lớn há đội trời chung
 Căm giặc nước thề không cùng sống.
+ Băn khoăn đau xót trước cảnh mất nước, sẵn sàng chịu đựng gian khổ hi sinh vì nước: 
 Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời;
 Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. 
 Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh
 Những trằn trọc trong cơn mộng mị, 
 Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi”.
+ Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, suốt đời Nguyễn Trãi mạng nặng tấm lòng ưu ái đối với vận mệnh của nhân dân:
 Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách
 Chăn dân mựa nữa mất lòng dân
 (Bảo kính cảnh giới -57)
- Thơ văn Nguyễn Trãi còn sáng ngời niềm tự hào dân tộc:
 	+ Tự hào về lịch sử dân tộc:
 Như nước Đại Việt ta từ trước,
 Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
 Núi sông bờ cõi đã chia,
 Phong tục Bắc Nam cũng khác.
 Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
 Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
 Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau.
 Song hào kiệt thời nào cũng có.
 (Bình Ngô đại cáo).
+Tự hào về sức mạnh của dân tộc, đề cao chí khí anh hùng của dân tộc:
 Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
 Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
 Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
 Voi uống nước, nước sông phải cạn.
 Đánh một trận sạch không kình ngạc,
 Đánh hai trận tan tác chim muông.
 (Bình Ngô đại cáo).
Nói đến sức mạnh của dân tộc chính là đề cao sức mạnh của nhân dân: Lật thuyền mới biết dân như nước (Đóng cửa biển).
 3. Đánh giá.
- Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi có điểm nhất quán: lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Tất cả thể hiện trọn vẹn, chói ngời vẻ đẹp của một nhân cách vĩ đại.
- Cuộc đời, những tư tưởng trong thơ văn Nguyễn Trãi mãi là những giá trị bất hủ.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG V10.doc