Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Ứng Hòa

doc 6 trang Người đăng dothuong Lượt xem 3321Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Ứng Hòa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Ứng Hòa
 PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
ỨNG HÒA
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi gồm 01 trang)
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
 (Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (2 điểm).
	Vận dụng kiến thức đã học về từ láy để phân tích nét nổi bật của việc dùng từ trong những câu thơ sau:
	- Nao nao dòng nước uốn quanh
	Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
	- Sè sè nắm đất bên đường,
	Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
	 ( Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (6 điểm).
Danh ngôn có câu:
“Ý nghĩ là nụ hoa.
Lời nói là bông hoa.
Việc làm là quả ngọt.”
Em hãy viết một bài văn nghị luận có độ dài khoảng hai trang giấy thi bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến trên.
Câu 3 (12 điểm).
	Thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, ngoài hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn mang nhịp thở của con người lao động mới.
	Bằng những hiểu biết về văn học giai đoạn này, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên
Họ và tên thí sinh:............................................................... Số báo danh:........................
Lưu ý: Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
 PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
ỨNG HÒA
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 9
CÂU
NỘI DUNG
ĐIỂM
Câu 1
(2 điểm)
- Các từ láy: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu. 
- Tác dụng: vừa để tả cảnh vừa tả tâm trạng. Gợi vẻ hoang vắng, trơ trọi, buồn tẻ của ngôi mộ vô chủ và tâm trạng nao nao buồn của ba chị em Thúy Kièu vào thời điểm cuối ngày hội đạp thanh. Đồng thời như báo hiệu một sự kiện sắp xảy ra với nhân vật Thúy Kiều.
1,0
1,0
Câu 2
(6 điểm)
1. Yêu cầu về kỹ năng: 
- Thể hiện vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết của bản thân một cách sâu sắc, tinh tế qua việc nhận thức, bàn luận, bình giá, dẫn chứng cụ thể và bày tỏ quan điểm... một cách hấp dẫn, thuyết phục.
- Có kỹ năng viết bài nghị luận xã hội với những lập luận chặt chẽ; trình bày ý mạch lạc, rõ ràng. 
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc, không mắc các lỗi cơ bản về chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt.
2. Yêu cầu về nội dung: 
 * Giải thích ý kiến:
- Ý nghĩ: là điều nảy sinh ra trong đầu óc do kết quả của hoạt động trí tuệ của con người.
- Lời nói: là những điều con người nói ra do nhu cầu và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. 
- Việc làm: là hành động cụ thể của con người.
- Nụ hoa, bông hoa, quả ngọt: Là quá trình phát triển tự nhiên, tất yếu theo quan hệ nhân - quả. Trong đó, nụ hoa là vẻ đẹp, giá trị tiềm ẩn; bông hoa là giá trị, vẻ đẹp đã bộc lộ song chỉ tồn tại trong giới hạn thời gian; quả ngọt là giá trị, vẻ đẹp đã được bộc lộ trọn vẹn để tạo ra những hiệu quả viên mãn.
=> Câu danh ngôn trên không chỉ xác định mối quan hệ biện chứng giữa ý nghĩ, lời nói với việc làm mà còn đặt ra một yêu cầu đối với chúng: có suy nghĩ tốt mới có lời nói hay và từ đó mới có việc làm đẹp, có ý nghĩa, giá trị.
* Bàn luận vấn đề:
*Ý nghĩ: Thí sinh bàn luận những cơ sở hình thành ý nghĩ (sự hiểu biết, năng lực nhận thức, bản tính của con người...) Từ đó xác định yêu cầu đặt ra với ý nghĩ là phải trong sáng, sâu sắc, đúng đắn, tích cực để khởi đầu cho những điều tốt đẹp.
- Mỗi người phải biết tự nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm nhận thức, sửa đổi và hoàn thiện tâm tính, nhân cách để tránh bị tác động tiêu cực từ cuộc sống làm vẩn đục tâm hồn.
* Lời nói: Lời nói được hình thành do nhu cầu của bản thân về giao tiếp trong cuộc sống trong những hoàn cảnh, đối tượng cụ thể và mục đích nhất định.
- Lời nói giúp chúng ta biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc, truyền tải thông tin. Nó có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến người khác. 
- Yêu cầu đặt ra là lời nói cần tế nhị, sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp, đạt được hiệu quả cao nhất về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
- Con đường để đáp ứng những yêu cầu đó là tích lũy hiểu biết, có ý thức đầy đủ về hiệu quả, khả năng tác động của lời nói để thận trọng phát ngôn.
* Việc làm: Là hoạt động thể chất và tinh thần để tạo ra những giá trị về vật chất và tinh thần phục vụ mọi nhu cầu trong cuộc sống.
- Việc làm thể hiện năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của bản thân; là con đường gắn lý thuyết với thực hành....
- Yêu cầu đặt ra là việc làm phải có mục đích rõ ràng, phương pháp thực hiện chuẩn xác, hiệu quả cụ thể.
- Phải tích lũy tri thức, rèn luyện kinh nghiệm, kỹ năng, tính thực tiễn cao để làm việc tốt.
* Bài học:
- Ý nghĩ gắn với hiểu biết, tâm hồn và nhân cách. Hiểu biết sâu thì tâm hồn phong phú, nhân cách đẹp mới có được ý nghĩ sâu sắc, có tầm vóc. Đây là cái hạt mầm quan trọng nhất, là khởi đầu, xuất phát của tất cả. Ý nghĩ đẹp, nói lời hay, làm việc tốt là biểu hiện cao đẹp của thanh lịch - văn minh, nhất là với học sinh.
- Tuy nhiên, có ý nghĩ tốt chưa chắc đã có lời nói hay và việc làm giá trị. Cần phải học nói để lời nói được giá trị và giàu sức thuyết phục. Bởi ngôn ngữ là công cụ trực tiếp của tư duy, ngôn ngữ thể hiện trình độ nhận thức, phẩm chất, tâm hồn của con người. Cần phải học làm việc để biết và làm tốt. Cần có ý thức và lòng tự trọng để lời nói đi đôi với việc làm. 
1,0
1,0
1,0
1,0
1,0
1,0
Câu 3
(12 điểm)
 1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh xác định được đây là kiểu bài nghị luận chứng minh nhưng vẫn cần có sự kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phân tích, chứng minh, bình luận và biểu cảm.
- Biết làm bài văn nghị luận văn học.hoàn chỉnh với bố cục 3 phần rõ ràng; kết cấu chặt chẽ, lập luận chắc chắn, có sức thuyết phục
- Văn viết lưu loát, có cảm xúc, không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, ngữ pháp, trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng.. 
2. Yêu cầu về kiến thức: 
a. Mở bài: (2 điểm)
- Nêu được hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975. Hiện thực đó đã tạo nên vóc dáng người chiến sĩ và vóc dáng của con người mới xây dựng CNXH. 
- Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người dân tộc Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống của văn học thời kì 1945 - 1975.
b. Thân bài: (8 điểm)
 * Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: họ là những con người nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan:
- Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (Đồng chí của Chính Hữu), những chàng trai trí thức vừa rời ghế nhà trường (Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật), là em bé liên lạc (Lượm của Tố Hữu)...
- Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. (dẫn chứng) 
- Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp... (dẫn chứng) 
* Hình ảnh người lao động mới: họ xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước:
- Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực và trí tụê của mình.(Dẫn chứng).
- "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long mang nhịp thở của người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp (Dẫn chứng)
* Kết bài: (2 điểm)
 Khẳng định lại giá trị và những đóng góp của Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX.
2,0
1,0
1,0
0,5
0,5
1,0
1,0
1,0
1,5
1,5
2,0
*Lưu ý: Giám khảo linh hoạt khi chấm bài của học sinh. Khuyến khích những bài viết diễn đạt tốt, kết cấu chặt chẽ, có sức thuyết phục; bài viết có cá tính, giọng điệu cảm xúc riêng.

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_9.doc