TRƯỜNG TH – THCS BÃI THƠM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI *** NĂM HỌC 2015 – 2016 Môn thi: Ngữ văn – Lớp 9 Thời gian làm bài: 120 phút Câu 1 : ( 2 điểm ) Bằng sự hiểu biết của mình, em hãy giải nghĩa từ “Vàng” trong các cụm từ sau: Củ nghệ vàng Quả bóng vàng Tấm lòng vàng Ông lão đánh cá và con cá vàng Câu 2 : ( 2 điểm ) a. Phân loại thành ngữ và tục ngữ trong các tổ hợp từ sau đây; giải thích ngắn gọn nghĩa của mỗi thành ngữ, tục ngữ : 1. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. 2. Đánh trống lảng. 3. Hứa hươu hứa vượn. 4. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. b. Đặt câu hoàn chỉnh với mỗi thành ngữ, tục ngữ trên. Câu 3: ( 4 điểm): Vẻ đẹp của hai câu thơ Kiều: Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ( Cảnh ngày xuân – SGK Ngữ văn 9 – Tập 1) Câu 4: ( 12 điểm): Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (SGK Ngữ văn 9 – Tập 1) HƯỚNG DẪN CHẤM A. Hướng dẫn chung: - Giám khảo cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm. Chủ động, linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể. - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo. B. Đáp án và thang điểm: Câu 1 : ( 2 điểm ) Củ nghệ vàng: Vàng- Chỉ màu sắc vàng của củ nghệ ( 0,5 đ) Quả bóng vàng: Vừa chỉ màu vàng của quả bóng, vừa chỉ chất liệu làm ra quả bóng, vừa chỉ đặc điểm quý của biểu tượng được dùng làm phần thưởng ở lĩnh vực bóng đá (Có biểu tượng quả bóng vàng) ( 0,5 đ) Tấm lòng vàng: Vàng ở đây chỉ tấm lòng cao quý, cao cả... ( 0,5 đ) Ông lão đánh cá và con cá vàng: Vàng ở đây vừa chỉ màu sắc (cá màu vàng). Nhưng nghĩa chính là cá quý, cá thần ( 0,5 đ) Câu 2 : ( 2 điểm ) a. Phân loại thành ngữ và tục ngữ trong các tổ hợp từ; giải thích ngắn gọn nghĩa của mỗi thành ngữ, tục ngữ: (1 điểm) - Phân loại: (0,25 điểm) + Thành ngữ: 2 - 3 + Tục ngữ: 1 - 4 * Cho điểm: Sai bất cứ tổ hợp từ nào cũng không cho điểm. - Giải thích: (0,75 điểm) 1. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn: Đi đây đi đó thì có thể học hỏi, mở rộng hiểu biết. 2. Đánh trống lảng: Lảng ra, né tránh, không muốn đề cập đến một chuyện, một việc nào đó. 3. Hứa hươu hứa vượn: Hứa để được lòng nhưng không thực hiện lời đã hứa. 4. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: Gần người xấu thì nhiễm thói xấu, gần người tốt thì học tính tốt. * Cho điểm: + Đúng 4 tổ hợp từ: 0,75 điểm + Đúng 3 tổ hợp từ: 0,5 điểm + Đúng 1-2 tổ hợp từ: 0,25 điểm b. Đặt câu hoàn chỉnh (về ngữ nghĩa và ngữ pháp) với mỗi thành ngữ, tục ngữ trên, mỗi câu đúng cho 0,25 điểm. (1 điểm) Câu 3: ( 4 điểm): Về kĩ năng: Làm đúng kiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, cụ thể là cảm nhận về vẻ đẹp của hai câu thơ. Trình bày gọn gàng, bố cục mạch lạc, có cảm xúc, diễn đạt tốt. Về nội dung: Học sinh biết đặt các câu thơ trong mối quan hệ với toàn bài để phân tích, trình bày được các cảm nhận về: Ngôn ngữ “thuần Nôm” cực kì trong sáng (0,5 đ) Vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, tươi mới, tràn trề sức sống của mùa xuân đã lan tỏa, thấm sâu khắp không gian từ mặt đất, bầu trời đén cỏ cây, hoa lá đó là vẻ đẹp diệu kì của mùa xuân, vẻ đẹp riêng của mùa xuân ( 1 đ) Vẻ đẹp quyến rũ ấy được thể hiện bằng thiên tuyệt bút của Nguyễn Du với ngôn ngữ giàu sức gợi tả và đầy biểu cảm: Màu sắc tương phản mà hài hòa; không gian rộng lớn khoáng đạt; đường nét thanh tú, uyển chuyển; đặc biệt cách dùng từ sáng tạo “trắng điểm” (bút pháp thi trung hữu họa) đã gợi tả một cách thần tình sức sống của mùa xuân, vẽ nên một bức tranh xuân “đượm vẻ thiên nhiên” vô cùng diễm lệ, tươi sáng. ( 2 đ) Hai câu thơ đã thể hiện tâm hồn nhạy cảm của đại thi hào Nguyễn Du trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng thời truyền niểm say mê, khao khát yêu đời, yêu cuộc sống đến cho người đọc. ( 0,5 đ) Câu 4: ( 12 điểm): Yêu cầu kĩ năng: Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học ( về một vấn đề nội dung tác phẩm) Bố cục mạch lạc, trọn vẹn, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng giàu sức thuyết phục. Trình bày đoạn văn lô gic, ngôn ngữ trong sáng, khúc chiết, có chất văn Yêu cầu kiến thức: Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, nhưng cơ bản phải đáp ứng được các ý sau: Ngợi ca trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ việt Nam ( qua nhân vật Vũ Nương): ( 4 đ) Nhan sắc, tư dung tốt đẹp Hiền thục, đoan trang, đảm đang, tháo vát Hiếu thảo, thủy chung, yêu chồng, thương con Trọng danh dự, khao khát hạnh phúc gia đình, được sống trong sạch Vị tha, bao dung, nặng tình với cuộc đời Thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến: ( 4 đ) Hóa thân vào nỗi đau oan khuất của Vũ nương để cùng thổn thức xót xa với nỗi niềm của nhân vật + Mô tả một cách cảm động nỗi niểm của vũ Nương khi xa chồng, phải gánh vác vất vả lo toan; để cho nhân vật được bộc bạch tâm tình ( 3 lồi thoại). + Găm vào lòng người đọc nỗi chua xót về số phận mỏng manh và bi thảm của người phụ nữ trong xã hội đầy rẫy bất công oan trái ( qua việc xây dựng chi tiết chiếc bóng quyết định số phận Vũ Nương) Bày tỏ tình cảm thương yêu mến trọng dành cho nhân vật, muốn nhân vật được sống trong yêu thương và sự chở che tôn trọng ( xây dựng màn truyền kì cuối truyện) Lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã không đảm bảo quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người; lên tiếng bảo vệ phẩm giá và danh dự của người phụ nữ: ( 2 đ) Chiến tranh phong kiến đã gián tiếp tước đoạt cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ Tư tưởng nam quyền ( hiện thân là Trương Sinh độc đoán, vũ phu) đã đẩy người phụ nữ đến cái chết oan uổng, bi thảm. Điểm khuyến khích: Những bài làm thể hiện khả năng thiết kế bài, viết văn tốt, kĩ năng thuần thục: ( 2 đ) *Lưu ý: Nếu học sinh sa vào phân tích truyện, phân tích nhân vật hoặc không đảm bảo kĩ năng, giám khảo cho không quá nửa số điểm.
Tài liệu đính kèm: