Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3262Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ Văn
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
Năm học 2015 – 2016
MÔN: Ngữ văn
(Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 3 câu, trong 01 trang
Câu 1 (2,0 điểm):
 Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu ca dao trên? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?
Câu 2 (6,0 điểm):
Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. 
Suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên (bài viết không quá 02 trang giấy thi).
Câu 3 (12,0 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng thể hiện tình yêu và khát vọng được cống hiến cho đời của Thanh Hải.
Hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Văn bản: Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.
 Tháng 11 – 1980
(SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội 2012, tr 55 - 56)
-----HẾT-----
Họ và tên thí sinh: ............................................... Số báo danh: .............................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1: ...................................................
 Giám thị 2: ...................................................
HDC THI CHỌN HSG LỚP 9 THCS
Năm học 2015 – 2016
MÔN: Ngữ văn
(Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)
Câu 1 (2,0 điểm):
- Thí sinh chỉ ra đúng các biện pháp tu từ được dùng trong câu ca dao:
	+ Phép so sánh: mồ hôi của người cày đồng với mưa. (0,5 điểm)
+ Nói quá: mồ hôi rơi xuống thánh thót nhiều như mưa. (0,5 điểm)
- Hiệu quả nghệ thuật: 
+ Nhấn mạnh nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân trong lao động. (0,5 điểm)
+ Hàm ý nhắc nhở con người biết cảm thông, trân trọng công sức lao động. (0,5 điểm)
Câu 2 (6,0 điểm):
1. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết cách làm một bài nghị luận xã hội đúng và trúng yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không sai các loại lỗi.
2. Yêu cầu về kiến thức: 
Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Nêu vấn đề cần nghị luận.
* Giải thích
 - vùng sỏi đá khô cằn: nơi khó có sự sống của cây cối, chỉ sự khắc nghiệt của môi trường sống.
 - có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp: sự thích nghi, sức chịu đựng, sức sống, vẻ đẹp. 
=> Là hiện tượng có thể bắt gặp trong thiên nhiên có ý nghĩa chỉ sức chịu đựng, sức sống kỳ diệu, ý chí nghị lực, bản lĩnh vươn lên trong cuộc sống của con người. 
 * Bàn luận 
 - Thực tế cuộc sống vùng đất khô cằn có thể là hoàn cảnh khó khăn, những gian nan vất vả, khắc nghiệt của cuộc sống 
=> + Hoàn cảnh không thuận lợi cho con người sống, phát triển nhân cách, tài năng.
 + Môi trường để tôi luyện, giúp con người vững vàng trong cuộc sống.
 - Trước hoàn cảnh ấy, có những con người:
 + Với những cố gắng phi thường, sự vươn lên không mệt mỏi đã tạo được thành công; dâng hiến cho đời những gì cao đẹp, ý nghĩa.
 + Chán nản, bi quan, buông xuôi bất lực dẫn đến thất bại trong cuộc sống.
* Bài học nhận thức, hành động 
(Con người với vẻ đẹp của ý chí, nghị lực luôn vươn lên chiến thắng hoàn cảnh là niềm tự hào, ngưỡng mộ của chúng ta, động viên và thậm chí cảnh tỉnh những ai chưa biết chấp nhận khó khăn, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Từ đó học sinh liên hệ với bản thân)
3. Thang điểm:
 - Điểm 6: Đáp ứng tốt nội dung trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài, có hiểu biết sâu sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thấu đáo, cách bày tỏ chân thành, có cảm xúc.
 - Điểm 4: Đáp ứng khá tốt nội dung trên, có sự hiểu biết và lập luận thuyết phục, lí lẽ đúng đắn, diễn đạt có cảm xúc, có mắc một số lỗi nhưng không đáng kể.
 - Điểm 3: Đáp ứng cơ bản yêu cầu trên, có thể thiếu ý hoặc một vài chỗ chưa hoàn thiện.
 - Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi các loại.
 - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Câu 3 (12,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng: Biết làm kiểu bài nghị luận văn học, phân tích bài thơ để làm sáng tỏ một nhận định. Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát có cảm xúc, ngôn ngữ có chọn lọc, không mắc các loại lỗi.
2. Yêu cầu về kiến thức:
 Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, dẫn dắt vấn đề nghị luận.
* Giải quyết vấn đề.
 - Tiếng lòng thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước:
+ Tình yêu mùa xuân của thiên nhiên: Bức tranh mùa xuân tươi tắn, thơ mộng với những hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím, chim chiền chiện hót vang trời => Nhà thơ đã cảm nhận bằng mọi giác quan, hình ảnh thơ trở nên lung linh, đa nghĩa; mùa xuân được đón nhận bằng một tình yêu tha thiết, tâm hồn lạc quan 
+ Cảm xúc trước mùa xuân đất nước, tác giả hướng tình cảm của mình đến những con người cụ thể của quê hương dân tộc: các điệp từ “mùa xuân”, “lộc”, “người” có ý nghĩa khái quát về cuộc sống, chiến đấu, lao động của nhân dân; nghệ thuật lặp cấu trúc “tất cả như” và lối so sánh trực tiếp diễn tả không khí khẩn trương, rộn ràng, náo nức. 
	Từ những con người cụ thể nhà thơ suy ngẫm về đất nước trong cảm nhận khái quát cùng cái nhìn suốt chiều dài lịch sử vừa xúc động vừa tự hào (Đất nước như vì sao.)
 - Khát vọng cống hiến cho đời: 
+ Nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời với khát vọng hòa nhập và dâng hiến cho mùa xuân chung của đất nước: nguyện làm con chim hót, cành hoa, nốt trầm trong bản hòa ca chung của đất nước, “Mùa xuân nho nhỏ” - một sáng tạo bất ngờ độc đáo, ẩn dụ về khát vọng, lẽ sống, ý thức cao đẹp => quan niệm sống đẹp, có trách nhiệm, việc cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, thầm lặng, khiêm tốn như con chim cho tiếng hót, bông hoa dâng sắc hương.
	+ Nhà thơ bộc lộ niềm yêu mến tự hào với cuộc đời trong tiếng hát tự nguyện – muốn hát lên điệu hát của quê hương xứ Huế.
 - Thể thơ 5 chữ mang âm hưởng gần gũi với dân ca; hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị, giàu ý nghĩa khái quát biểu trưng; ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu nhạc điệu; sử dụng nhiều biện pháp tu từ; cấu tứ chặt chẽ; giọng điệu thơ linh hoạt
=> Bài thơ như một sự tổng kết đánh giá về cuộc đời nhà thơ, một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho dù bệnh tật, ốm đau thậm chí cái chết kề cận. Điều đó thể hiện một bản lĩnh, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một khát vọng sống đẹp.
* Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
3. Thang điểm:
 - Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. 
 - Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ nhưng không đáng kể.
 - Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.
 - Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
 - Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi các loại.
 - Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
 - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Lưu ý: Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25. 

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_Van_9_hay.doc