Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học: 2012 - 2013 môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2054Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học: 2012 - 2013 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS năm học: 2012 - 2013 môn: Ngữ Văn
 PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
Đề chính thức
NĂM HỌC: 2012 - 2013
Môn: Ngữ văn 
Thời gian : 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Đề thi có 01 trang
I. Câu I (4,0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn, gọi tên và phân tích tác dụng của các phép tu từ được dùng trong đoạn thơ sau: 
 " Không có kính, rồi xe không có đèn,
 Không có mui xe, thùng xe có xước,
 Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
 Chỉ cần trong xe có một trái tim."
 (Phạm Tiến Duật- Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, tập 1)
II. Câu II (4,0 điểm): Đọc phần văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người như thế ấy!...Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!...Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng...Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...
Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác...” (Nam Cao - Lão Hạc, Ngữ văn 8, tập 1)
a) Theo em, phần văn bản trên là lời độc thoại hay độc thoại nội tâm? Giải thích ngắn gọn lý do.
b) Từ nội dung đoạn trích và toàn tác phẩm, em hiểu các câu văn sau như thế nào? “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác...” 
III. Câu III (12 điểm): Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều sau khi học các đoạn trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (SGK Ngữ văn 9, Tập 1).
------- Hết -------
Họ và tên thí sinh: SBD:
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm! 
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THỦY
-----------------------------
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
Năm học: 2012 - 2013
Hướng dẫn chấm Môn: Ngữ văn 
Hướng dẫn có 03 trang
.................................
CÂU
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
ĐIỂM
Câu I
(4,0đ)
* Yêu cầu chung:
- HS viết được đoạn văn ngắn chặt chẽ, rành mạch theo cách trình bày nội dung tùy chọn, diễn đạt lưu loát. Trình bày đúng, chữ rõ ràng, viết đúng chính tả và ngữ pháp. 
- Nếu HS không trình bày thành một đoạn văn thì không cho quá nửa số điểm của bài này.
* Yêu cầu cụ thể:
- Giới thiệu TG, TP, vị trí đoạn thơ, dẫn đoạn thơ.
0,5
- Khái quát ý đoạn thơ: Chiến tranh ngày càng khốc liệt, bom đạn Mỹ làm cho chiếc xe ngày càng biến dạng; nhưng xe vẫn chạy ra chiến trường....
0,5
- Chỉ ra các PTT được sử dụng và hiệu quả nghệ thuật :
 + Các điệp ngữ: không có
 + Các hình ảnh liệt kê: không có kính, không có đèn, không có mui, thùng xe xước...
=> nhấn mạnh hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. 
1,0
 + Đối lập giữa hai phương diện vật chất và tinh thần... Các từ ngữ : không có, vẫn, chỉ cần có.. làm cho ý thơ, giọng thơ thêm mạnh mẽ, hào hùng.
0,5
 + Hoán dụ: Trái tim là hình ảnh hoán dụ tuy không mới mẻ nhưng đầy ý vị : Người lính có lòng yêu nước nồng nhiệt, sẵn sàng quyết chí chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là cội nguồn sức mạnh. Tác giả lý giải bất ngờ mà hợp lý...
1,0
- HS có thể nêu cảm nghĩ của mình về đoạn thơ, về tác giả, về anh bộ đội thời chống Mỹ, về bài học truyền thống...
0,5
Câu 2
(4,0đ)
Yêu cầu chung: Hiểu được yêu cầu của đề. Diễn đạt rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng. Trình bày đúng, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả và ngữ pháp. 
Yêu cầu cụ thể: Trên cơ sở nắm được nội dung tác phẩm, hình tượng nhân vật lão Hạc, nhân vật “tôi” (ông giáo) và hiểu biết về kiến thức xã hội, học sinh cần làm được các ý cơ bản sau:
a) Đoạn văn là lời độc thoại nội tâm của nhân vật “tôi” (ông giáo).
Lý do: Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc với ai đó trong tưởng tượng. Trong văn bản tự sự, khi người độc thoại nói thành lời thì phía trước câu nói có gạch đầu dòng; còn khi không thành lời thì không có gạch đầu dòng. Trường hợp sau gọi là độc thoại nội tâm.
1,0
b) Học sinh hiểu hàm ý trong các câu văn:
- Câu: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...”
=> Sự ngỡ ngàng, thất vọng của ông giáo trước việc làm và nhân cách của lão Hạc ( do hiểu lầm).
=> Nỗi chán ngán, chua chát của ông giáo trước cuộc đời và trước thế thái nhân tình: Đói nghèo có thể đổi trắng thay đen, biến người lương thiện như lão Hạc thành kẻ trộm cắp như Binh Tư, đáng để ta thất vọng...
1,0
- Các câu: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác...” 
=> Sự khẳng định mạnh mẽ, niềm vui, niềm tin của ông giáo về nhân cách cao đẹp của lão Hạc. Không gì có thể hủy hoại được nhân phẩm người lương thiện để ta có quyền hi vọng, tin tưởng ở con người.
=> Nỗi buồn, nỗi xót xa cho số phận, cuộc đời tăm tối, bế tắc của người nông dân nghèo trong xã hội cũ: Người tốt như lão Hạc mà đành phải chết vì không tìm đâu ra miếng ăn hàng ngày...
1,5
- Nhận xét về vẻ đẹp nghệ thuật của câu văn: Lời triết lý xen cảm xúc trữ tình sâu sắc, gợi cảm... 
- Các câu văn góp phần thể hiện chủ đề TP, thể hiện tấm lòng, tư tưởng nhân đạo của Nam Cao... 
0,5
Câu III
(12 đ)
I. Yêu cầu chung:
- Về kĩ năng: 
+ HS viết đúng kiểu bài nghị luận văn học, biết tập trung làm rõ được vấn đề cần nghị luận. 
+ Bài viết phải khái quát đặc điểm của nhân vật , xây dựng được hệ thống luận điểm xuyên suốt các đoạn trích đã học. Tránh phân tích rời rạc từng đoạn trích.
+ Bố cục cân đối; liên kết, lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc; biết phân tích các dẫn chứng tiêu biểu để làm nổi bật ý; văn viết có hình ảnh, có cảm xúc, có sức thuyết phục. Trình bày đúng, chữ rõ ràng, viết đúng chính tả và ngữ pháp. 
- Về kiến thức: HS nắm vững chủ đề các đoạn trích Truyện Kiều đã học, khái quát được đặc điểm của nhân vật Thúy Kiều và ý nghĩa của hình ảnh nhân vật trong tác phẩm.
II. Yêu cầu cụ thể: 
a) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh nhân vật Thuý Kiều với vẻ đẹp ngoại hình, những phẩm chất tốt đẹp và số phận bất hạnh.
0,5
b) Cảm nhận về nhân vật: 
* Kiều là hiện thân của nhan sắc tuyệt mỹ, của vẻ đẹp cuộc đời.
( Dẫn chứng, phân tích).
2,5
* Kiều tài hoa hiếm có, là nơi hội tụ của tài hoa con người... .( Dẫn chứng, phân tích).
1,0
- Kiều có một tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, sâu sắc. (Dẫn chứng, phân tích).
1,0
- Cuộc đời Kiều gặp nhiều bất hạnh: gia đình ly tán, tình yêu tan vỡ, nhân phẩm bị chà đạp, đau đớn về thể xác, cô đơn vò võ...( Dẫn chứng, phân tích).
1,5
- Kiều có phẩm hạnh cao đẹp: Hiếu thảo, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh, thủy chung, tình nghĩa, giàu tự trọng... ( Dẫn chứng, phân tích).
2,5
c) Suy nghĩ về nhân vật:
- Nhân vật Thúy Kiều được nhà văn thể hiện cảm động qua nghệ thuật miêu 
tả vẻ đẹp bên ngoài; miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế; sử dụng kết hợp các phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm. 
0,5
- Kiều là người con hiếu thảo, người yêu chung thủy, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp hình thức và phẩm chất của một phụ nữ lý tưởng trong xã hội. 
- Tiếc thay, xã hội cũ đã chà đạp lên nhân phẩm của Kiều, làm cuộc đời nàng phải chịu trăm cay ngàn đắng, khổ đau oan trái. 
0,5
d) Khái quát chung:
- Khẳng định các đoạn trích đã khắc hoạ thành công hình ảnh Thúy Kiều tiêu biểu cho người phụ nữ trong XHPK với phẩm chất tốt đẹp và số phận bất hạnh. 
- Cùng với cảm hứng ngợi ca, tôn vinh sắc- tài- tình, còn có cả niềm yêu thương quan tâm lo lắng, xót xa cho thân phận Thuý Kiều của Nguyễn Du. Những đoạn trích và toàn tác phẩm thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, lay động lòng người. 
1,0
 e) Liên hệ, so sánh, rút ra bài học. 
Có thể:
 - Liên hệ với các nhân vật trong các TP khác.
 - Bộc lộ những suy nghĩ tình cảm của mình đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Cảm thương người phụ nữ xưa, thông cảm, chia sẻ với những nỗi bất hạnh của họ. Cảm phục vẻ đẹp ngời sáng trong hoàn cảnh khổ đau. Căm ghét chế độ xã hội bất công đã chà đạp lên số phận người phụ nữ.
- Liên hệ để thấy tính ưu việt của xã hội mới ngày nay. Có thái độ đúng đắn, ủng hộ tư tưởng bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thấy rõ người phụ nữ cần phát huy truyền thống và khả năng để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và góp phần xây dựng đất nước.
1,0
* Lưu ý chung: 
 Trên đây là những định hướng, giám khảo cần linh hoạt khi chấm, tránh đếm ý cho điểm. Khuyến khích những bài làm sáng tạo, có chất văn.
 Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
Hết..

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_HSG_VAN_92012_TT.doc