UBND TỈNH BẮC NINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ CHÍNH THỨC ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 Năm học 2014 – 2015 MÔN: SINH HỌC Ngày thi: 02/4/2015 (Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề) Câu 1 (1,0 điểm) Từ sự hiểu biết về những diễn biến trong các pha của kì trung gian (thuộc chu kì tế bào), hãy đề xuất thời điểm dùng tác nhân gây đột biến gen và đột biến đa bội để có hiệu quả nhất. Câu 2 (1,5 điểm) Trình bày vai trò của các thành phần cấu tạo nên một opêron Lac ở vi khuẩn E. coli. Bằng cách nào để biết được một đột biến xảy ra ở gen điều hoà hay gen cấu trúc? Câu 3 (2,0 điểm) a. Trình bày cơ chế phát sinh thể tam bội và thể ba. b. Phân biệt thể đa bội và thể lưỡng bội. Câu 4 (2,0 điểm) Thế nào là sinh vật biến đổi gen? Người ta có thể làm biến đổi hệ gen của một sinh vật theo những cách nào? Cho ví dụ. Câu 5 (2,0 điểm) a. Ưu thế lai là gì? Kể tên các phương pháp tạo ưu thế lai. b. Vì sao các cây tự thụ phấn thường không xảy ra sự thoái hóa giống, trong khi hiện tượng này thường xảy ra khi tiến hành tự thụ phấn bắt buộc ở các cây giao phấn? Câu 6 ( 2,5 điểm) Ở một loài động vật, khi cho lai con cái thuần chủng lông trắng với con đực thuần chủng lông nâu, thu được F1 tất cả đều lông nâu. Cho F1 giao phối với nhau, được F2 gồm: 179 con đực lông nâu, 91 con cái lông nâu, 62 con đực lông đỏ, 29 con cái lông đỏ, 92 con cái lông xám, 31 con cái lông trắng, không có con đực lông xám và con đực lông trắng. a. Tính trạng màu sắc lông ở loài động vật trên được chi phối bởi những quy luật di truyền nào. b. Viết sơ đồ lai từ P đến F2. Biết rằng ở loài động vật này cặp NST giới tính của con đực là XY, con cái là XX; tính trạng nghiên cứu không chịu ảnh hưởng của môi trường và không có đột biến xảy ra. Câu 7 (3,0 điểm) Bệnh mù màu đỏ và lục ở người do gen đột biến lặn nằm trên nhiễm sắc thể X không có alen tương ứng trên Y. Bệnh bạch tạng do một gen lặn khác nằm trên nhiễm sắc thể thường quy định. Một cặp vợ chồng đều không mắc cả 2 bệnh trên, người chồng có bố và mẹ đều bình thường nhưng có cô em gái bị bạch tạng. Người vợ có bố bị mù màu và mẹ bình thường nhưng em trai thì bị bệnh bạch tạng. a. Tính xác suất để cặp vợ chồng này sinh con mắc bệnh bạch tạng. b. Tính xác suất để cặp vợ chồng này sinh con trai mắc bệnh mù màu. c. Xác suất để cặp vợ chồng này sinh con trai mắc đồng thời cả 2 bệnh là bao nhiêu ? Câu 8 (1,0 điểm) Thế hệ ban đầu của một quần thể có tần số của alen A ở giới đực bằng 0,6. Qua các thế hệ ngẫu phối quần thể có cấu trúc di truyền là 0,49 AA + 0,42 Aa + 0,09 aa. Tính tần số của mỗi alen ở giới cái của thế hệ ban đầu. Câu 9 (2,5 điểm) a. Một quần thể động vật sinh sản hữu tính bị giảm số lượng quá mức do tác động của yếu tố ngẫu nhiên, sau đó lại được phục hồi như ban đầu, song quần thể này vẫn có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tuyệt chủng. Trên quan điểm tiến hóa, em hãy giải thích vì sao ? Em hãy đề xuất các biện pháp để làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của quần thể này. b. Chọn lọc tự nhiên sẽ làm giảm sự đa dạng di truyền của quần thế sinh vật sinh sản hữu tính trong trường hợp nào? c. Chọn lọc chống lại alen trội hay alen lặn làm thay đổi tần số tương đối của các alen một cách nhanh chóng hơn? Giải thích. Câu 10 (2,5 điểm) a. Hãy nêu nguyên nhân chủ yếu và ý nghĩa của việc hình thành ổ sinh thái trong quần xã. Cho ví dụ về nơi mà các sinh vật thường có ổ sinh thái hẹp. b. Phân biệt các loài có kiểu tăng trưởng quần thể theo tiềm năng sinh học với các loài có kiểu tăng trưởng quần thể trong điều kiện môi trường bị giới hạn. -----------HẾT------------ Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh ................................ Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:............................................................................................ Họ và tên, chữ Giám thị 2:............................................................................................
Tài liệu đính kèm: