Đề thi chọn học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Thái Thụy

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 633Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Thái Thụy", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Thái Thụy
PHÒNG GD&ĐT
THÁI THỤY
ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI HUYỆN
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn 8
Thời gian làm bài: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (8 điểm)
 HỎI
Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào ?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào ?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào ?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào ?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào ?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào ?
 Trích trong tập thơ Thư mùa đông - Hữu Thỉnh
Trình bày những bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người mà em học được từ bài thơ trên bằng một bài văn nghị luận ngắn.
Câu 2: (12 điểm)
ĐI ĐƯỜNG
Đi đường mới biết gian lao,
 Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng, 
 Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
 (Bản dịch thơ của Nam Trân)
 Hồ Chí Minh, Nhật kí trong tù
 Sách Ngữ văn 8, tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016
Bằng việc phân tích bài thơ Đi đường, em hãy làm sáng tỏ ý nghĩa tư tưởng sâu sắc: Từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
--- Hết ---
Họ và tên thí sinh: .. ; Số báo danh: 
PHÒNG GD&ĐT
THÁI THỤY
HƯỚNG DẪN CHẤM
BÀI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI HUYỆN
NĂM HỌC 2016-2017
Môn: NGỮ VĂN 8
I. Hướng dẫn chung
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
- Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
- Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
II. Đáp án và thang điểm
CÂU
NỘI DUNG
ĐIỂM
Câu
1
8 điểm
 Trình bày những bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người mà em học được từ bài thơ trên bằng một bài văn nghị luận ngắn.
 Đây là dạng đề mở, học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, dưới đây là một số gợi ý cần chỉ ra trong bài làm: 
+ Bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người: 
 - “Chúng tôi tôn cao nhau”: tinh thần vị tha, biết đặt lợi ích của mợi người lên trên lợi ích của mình, thậm chí phải hi sinh thầm lặng. 
 - “Chúng tôi làm đầy nhau”: tinh thần rộng lượng biết “cho đi”, biết “làm đầy” và hoàn thiện đồng loại, hoàn thiện những gì mà người khác còn thiếu về kiến thức, nhân cách 
 - “Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời”: tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người.
 - Khẳng định: Đây những bài học về lối sống đẹp, vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi, đố kị, bon chen, hướng tới sự khoan dung độ lượng, biết ước mơ, vươn tới, biết hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho xã hội góp phần làm đẹp cuộc sống
+ Ngợi ca, khẳng định, biểu dương lối sống đẹp cho cả cộng đồng, đồng thời biết phê phán lối sống vị kỉ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, thực dụng, cơ hội, cá nhân trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. 
4,0
1,0
1,0
1,0
1,0
4,0
Câu 2
12 điểm
Bằng việc phân tích bài thơ Đi đường, em hãy làm sáng tỏ ý nghĩa tư tưởng sâu sắc: từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Yêu cầu chung:
- Người xưa nói: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn " - theo quan niệm triết lí Phương Đông, từ việc đi đường thường được liên tưởng, chiêm nghiệm tới đường đời... Trên bước đường gian lao trong thời kì Bác bị giải tới giải lui qua các nhà lao của chế độ nhà tù hà khắc Tưởng Giới Thạch, Bác luôn suy ngẫm để đúc rút cho bản thân mình những bài học sâu sắc ...
- Phân tích bài thơ " Đi đường " (Trích Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh) để làm sáng tỏ ý nghĩa tư tưởng của bài thơ: Từ việc đi đường núi (nghĩa hiển ngôn) đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường (nghĩa hàm ngôn).
Mở bài: 
+ Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh ra đời của tập thơ. 
+ Giới thiệu bài thơ " Đi đường " (Tẩu lộ). 
2,0
1,0
1,0
Thân bài: 
 + Việc đi đường thật khó khăn, gian khổ - nhất là với người đi đường núi. Câu thơ đơn sơ nhưng chứa đựng sự suy ngẫm có ý nghĩa khái quát sâu sắc, vượt ra ngoài sự đi đường thông thường: 
 - Vượt qua hết lớp núi này lại đến lớp núi khác cao hơn, khó khăn hơn.
 - Mọi sự gian lao vất và như đã lùi lại phía sau khi người đi đường lên tới đỉnh cao nhất 
 - Lên tới đỉnh cao chót là lúc gian lao nhất nhưng đồng thời cũng là lúc đã vượt qua mọi khó khăn. Nỗi gian lao của người đi đường núi dù có chồng chất nhưng không phải là vô tận. Con người có quyết tâm sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng. 
 - Người đi đường gian lao, vất vả bỗng trở thành người du khách ung dung say đắm trước phong cảnh đẹp. Con đường núi gian lao, hiểm trở trong bài thơ gợi ra hình ảnh con đường cách mạng; hình ảnh con người ung dung thu muôn dặm nước non vào tầm mắt là hình ảnh người chiến sĩ đứng trên đỉnh cao chiến thắng ... 
+ Ý nghĩa tư tưởng sâu sắc được rút ra là: Trải qua chặng đường dài gian lao thì sẽ tới đích, càng gần đích, càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian lao. Con người có nghị lực, có quyết tâm vượt khó sẽ giành được thắng lợi vẻ vang. Đó cũng chính là bài học đường đời, đường cách mạng mà bài thơ đã gợi ra ... 
8,0
4,0
1,0
1,0
1,0
1,0
4,0
Kết bài:
 - Khẳng định lại ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của bài thơ: từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng. 
 - Khẳng định con đường cách mạng lâu dài, gian khổ nhưng nếu kiên trì, bến chí thì nhất định thắng lợi hoàn toàn - đó cũng chính là chân lí mà Bác Hồ đã chỉ ra cho chúng ta... 
2,0
1,0
1,0
VẬN DỤNG CHO ĐIỂM CÂU 2
11 - 12 điểm: 
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận chặt chẽ, lựa chọn được dẫn chứng tiêu biểu, có sự kết hợp nhuần nhuyễn văn nghị luận với biểu cảm, bài viết có cảm xúc, diễn đạt tốt. 
9 - 10 điểm: 	
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận tương đối chặt chẽ, lựa chọn được dẫn chứng khá tiêu biểu, có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, diễn đạt tương đối tốt.
7 - 8 điểm: 
Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận tương đối chặt chẽ, biết lựa chọn được dẫn chứng, có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, có thể còn một số lỗi về diễn đạt .
5 - 6 điểm: 
Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung và phương pháp, biết cách lập luận, biết lựa chọn được dẫn chứng, tuy nhiên chưa có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, còn mắc lỗi về diễn đạt .
3 - 4 điểm: 
Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được các yêu cơ bản về nội dung và phương pháp, có đoạn còn lạc sang phân tích hoặc kể lại truyện, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt .
1 - 2 điểm: 
Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được các yêu cơ bản về nội dung và phương pháp, có đoạn còn lạc sang phân tích hoặc kể lể, diễn đạt trùng lặp, lủng củng.
0 điểm: Để giấy trắng.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_HD_cham_HSG_Ngu_van_8_nam_hoc_20162017.doc