phòng Giáo dục&Đào tạo Kì thi chọn học sinh giỏi cấp cụm thiệu Hoá Năm học 2011 – 2012 Đề chính thức Môn thi: Giáo dục công dân Số báo danh Lớp 8 THCS Ngày thi: 19/04/2012 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) ( Đề này có 01 trang, gồm 6 câu) Câu 1 .(2,0 điểm) Hãy điền từ vào chỗ trống (....) để hoàn thành một số điều luật sau: Điều 30 (luật giao thông đường bộ năm 2008). Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy: 1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người: a) Chở. đi cấp cứu; b) ....................người có hành vi vi phạm......................; c) Trẻ em................. tuổi. Câu 2 .(4,0 điểm) Pháp luật nước ta quy định như thế nào về Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em? Nêu bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường và xã hội? Câu 3. (4,0 điểm): Nêu ý nghĩa của từng chuẩn mực đạo đức mà em đã được học trong chương trình giáo dục công dân lớp 8 ? Câu 4 .(4,0 điểm) Những quy định của pháp luật nước ta về “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình” Câu 5 (4,0 điểm): Khẩu hiệu hành động của mọi công dân Việt Nam là: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Bằng những hiểu biết của mình, em hãy làm rõ quan điểm trên (theo những gợi ý dưới đây) a. Hiến pháp là gì? Vai trò và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? b. Pháp luật là gì? c. Vì sao phải “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”? d. Trách nhiệm của bản thân em trong việc thực hiện khẩu hiệu trên như thế nào? Câu 6 (2,0 điểm): Tình huống: Bắc và Nam là hai cán bộ kiểm lâm của hạt kiểm lâm K. Trong một lần đi kiểm tra đã bắt được 2 người vận chuyển gỗ rừng trái phép. Bắc và Nam đã nhận tiền hối lộ của người vận chuyển gỗ nên đã để cho họ đi mà không bắt giữ. Bình học sinh lớp 9 đã biết chính xác việc này. Hỏi: a. Việc làm của 2 cán bộ kiểm lâm có vi phạm pháp luật không? Vì sao? b. Bình có thể tố cáo về việc nhận tiền hối lộ của 2 cán bộ kiểm lâm không? Nếu có Bình phải gửi đơn đến cơ quan nào? ---------------------------------------Hết------------------------------ - Thí sinh không được sử dụng tài liệu- Giám thị không giải thích gì thêm. PHềNG GD VÀ ĐT THIỆU HOÁ HƯỚNG DẪN CHẤM Thi HSG cụm, mụn GDCD 8 - Năm học 2011 - 2012 Câu 1 .(2,0 điểm): Điền đúng mỗi chổ trống (.) cho 0,5đ a.người bệnh b.áp giải; pháp luật c.dưới 14 Câu 2 (4,0 điểm): - Pháp luật nước ta quy định về Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như sau: * Quyền bảo vệ: (0,5đ) + Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch; Trẻ em được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự * Quyền được chăm sóc: (1,0đ) + Trẻ em được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển, được bảo vệ sức khoẻ. + Được sống chung với cha mẹ và được hưởng sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình. + Trẻ em tàn tật khuyết tật được Nhà nước và xã hội giúp đỡ trong việc điều trị phục hồi chức năng. + Trẻ em không nơi nương tựa được Nhà nước, xã hội và các tổ chức chăn sóc nuôi dạy * Quyền được giáo dục: (0,5đ) Trẻ em có quyền được học tập, được dạy dỗ, được vui chơi giải trí, được tham gia hoạt động văn hoá, thể thao - Bổn phận của trẻ em: * Đối với gia đình: (0,5đ) + Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ ông bà, cha mẹ. + Yêu thương đùm bọc, chăm sóc giúp đỡ anh, chị em * Đối với nhà trường: (0,5đ) + Nghe lời thầy cô giáo, chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức. + Chấp hành tốt điều lệ, nội quy của nhà trường..... * Đối với xã hội: (1,0đ) + Yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế. + Tôn trọng pháp luật, tôn trọng tài sản của người khác + Thực hiện nếp sống văn minh, trật tự an toàn công cộng. + Không đánh bạc, uống rượu, hút thuốc lá và dùng chất kích thích có hại cho sức khoẻ. + Tôn trọng lẽ phải, lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè. Câu 3 (4,0 điểm) ý nghĩa của các chuẩn mực đạo đức ở chương trình giáo dục công dân lớp 8: - Tự lập có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển cá nhân, giúp con người đạt được thành công trong cuộc sống và được mọi người kính trọng. (0,25đ) - Tôn trọng lẽ phải giúp mọi người có cách xử sự phù hợp; góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh; góp phần thúc đẩy xã hội ổn định và phát triển. (0,25đ) - Người biết tôn trọng người khác sẽ được người khác tôn trọng lại; mọi người biết tôn trọng lẫn nhau sẽ góp phần làm cho quan hệ xã hội trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp. (0,25đ) - Giữ chữ tín là tự trọng bản thân và tôn trọng người khác; người giữ chữ tín sẽ nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của người khác đối với mình, giúp mọi người đoàn kết và dễ dàng hợp tác với nhau. (0,25đ) - Tình bạn trong sáng, lành mạnh giúp con người cảm thấy ấm áp, tự tin, yêu con người và yêu cuộc sống hơn, biết tự hoàn thiện mình để sống tốt hơn, xứng đáng với bạn bè hơn. (0,25đ) - Liêm khiết sẽ giúp con người sống thanh thản, đàng hoàng, tự tin, không bị phụ thuộc vào người khác và được mọi người xung quanh kính trọng, vị nể. (0,25đ) - Lao động tự giác và sáng tạo là giúp con người học tập mau tiến bộ, nâng cao năng suất và chất lượng lao động, phát triển nhân cách; thúc đẩy sự phát triển xã hội. (0,5đ) - ý nghĩa của pháp luật, kỉ luật: xác định được trách nhiệm cá nhân; bảo vệ được quyền lợi của mọi người; tạo điều kiện cho cá nhân và xã hội phát triển. (0,5đ) - Tham gia các hoạt động chính trị – xã hội là điều kiện, thời cơ cho mỗi cá nhân bộc lộ, tự khẳng định, phát triển nhân cách và đồng thời được đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công việc chung của xã hội, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. (0,5đ) - Tôn trọng, học hỏi các dân tộc khác giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm tốt, tìm ra hướng đi phù hợp trong việc xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước. (0,5đ) - Xây dựng nếp sống văn hoá ở cộng đồng dân cư là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và cộng đồng. (0,5đ) Câu 4:(4,0 điểm) Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách (0,25 đ) Pháp luật nước ta có những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình như sau: * Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, ông bà đối với con cháu: - Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. (0,75đ) - Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. (0,25đ) - Các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ đối với con chưa thành niên mà còn đối với cả con đã thành niên bị tàn tật, mất khả năng hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. (0,25đ) - Ông bà nội ngoại có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên hoặc cháu thành niên bị tàn tật nếu không có người nuôi dưỡng. (0,25đ) * Quyền và nghĩa vụ của con cháu đối với cha mẹ, ông bà: - Con cháu có bổ phận yêu quí, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, lắng nghe những lời khuyên bảo của cha mẹ, ông bà, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà, đặc biệt khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm cha mẹ, ông bà. (0,75đ) - Con từ 15 tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì phải đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình. (0,25đ) - Con có quyền có tài sản riêng: tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và các thu nhập hợp pháp khác. (0,25đ) - Con có quyền xin nhận cha mẹ của mình, kể cả trường hợp cha mẹ đã chết. Con thành niên xin nhận cha không đòi hỏi sự đồng ý của mẹ, xin nhận mẹ không đòi hỏi sự đồng ý của cha. (0,25đ) * Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ. (0,25đ) Những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình nhằm mục đích xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chúng ta phải hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình đối với gia đình. (0,5đ) Câu 5 (4,0 điểm) a. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mọi văn bản của pháp luật khác đều được xây dựng ban hành trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp. (0.75 đ) + Vai trò và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: - Thể chế hoá đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng thời kì, từng gia đoạn cách mạng. (0,5đ) - Định hướng cho đường lối phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. (0,25đ) - Là căn cứ pháp lí cho các ngành luật. (0,25đ) b. Pháp luật là các quy tắc xử sự chung, do nhà nước ban hành, được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế. (0,75 đ) c. Chúng ta phải “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, vì: - Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (0,25đ) - Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ như nhau được pháp luật quy định. (0,5đ) - Như vậy, mỗi công dân cần phải tuân theo pháp luật và bắt buộc phải sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. (0,25đ) d. Trách nhiệm của bản thân em trong việc thực hiện khẩu hiệu trên là: - Trong học tập luôn thực hiện những nhiệm vụ được thầy cô giáo giao cho, thực hiện đúng nội quy của nhà trường, hoàn thành nghĩa vụ phổ cập giáo dục,... (0,25đ) - Trong gia đình phải kính trọng, lễ phép, vâng lời, biết ơn và chăm sóc ông bà, cha mẹ. (0,25đ) - Thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội, nếp sống văn hoá, văn minh đô thị; đảm bảo trật tự an toàn xã hội như không gây gổ đánh nhau, nói tục, chửi thề; bảo vệ môi trường... (0,5đ) Câu 6 (2,0 điểm): Tình huống: Học sinh nêu được: - Việc làm của 2 cán bộ kiểm lâm là vi phạm pháp luật (0,5 điểm). - Vì 2 cán bộ kiểm lâm có trách nhiệm tuần tra ngăn chặn lâm tặc phá rừng đã không bắt giữ mà còn nhận hối lộ của họ (0,5 điểm). - Nếu Bình biết chắc chắn việc nhận hối lộ này thì em có quyền tố cáo (0,5 điểm) - Bình có thể gửi đơn đến cơ quan nơi Bắc và Nam công tác hoặc có thể gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân hoặc Công an huyện K để tố cáo việc làm của Bắc và Nam (0,5đ). ------------------------------------Hết-------------------------------
Tài liệu đính kèm: