Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Giáo dục công dân lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Thanh Hóa

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 594Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Giáo dục công dân lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Thanh Hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Giáo dục công dân lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Thanh Hóa
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
ĐỀ CHÍNH THỨC
 SỐ BÁO DANH
................................
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
Năm học: 2015-2016
Môn thi: Giáo dục công dân 
Lớp 12 THPT
Ngày thi: 10/03/2016
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề này có 06 câu, gồm 01 trang.
Câu 1 (2,0 điểm): 
Nhân nghĩa là gì? Để phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, mỗi học sinh chúng ta cần phải làm gì?
Câu 2 (2,0 điểm): 
Trong tình hình hiện nay, để tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, chúng ta cần phải thực hiện tốt những phương hướng và biện pháp cơ bản nào? Mỗi công dân phải có trách nhiệm gì để thực hiện tốt chính sách quốc phòng và an ninh?
Câu 3 (4,0 điểm): 
	Hãy trình bày những phương hướng và biện pháp cơ bản của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay? Là công dân, chúng ta phải làm gì để thực hiện tốt chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường?
Câu 4 (4,0 điểm): 
Pháp luật là gì? Hãy làm rõ vai trò của pháp luật đối với nhà nước, xã hội và công dân? 
Câu 5 (5,0 điểm): 
Thế nào là bình đẳng trong lao động? Em hãy làm rõ nội dung quyền bình đẳng của công dân trong lĩnh vực lao động? Lấy ví dụ?
Câu 6 (3,0 điểm): Bài tập tình huống:
	Bà An dựng xe máy ở hè phố nhưng quên không mang túi xách vào nhà nên đã bị mất. Quay trở ra, không thấy túi xách đâu, bà An hoảng hốt vì trong túi có hơn 10 triệu đồng và một số giấy tờ quan trọng khác. Bà An nghi ngay cho Nam (13 tuổi, nhà gần đấy) lấy trộm, vì lúc ấy Nam đang chơi gần đó. Bà An đòi khám nhà, nhưng chị, em Nam không đồng ý. Tuy nhiên, bà cứ thế xông vào nhà lục soát.
a. Trong trường hợp này, Bà An có quyền hành động như vậy không? Bà An đã xâm phạm đến quyền gì của công dân?
b. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, bà An đã phạm tội gì? Phải bị xử lý như thế nào?
 ---------------------------Hết----------------------------
Họ, tên và chữ ký giám thị 1..........................................................
Họ, tên và chữ ký giám thị 2.......................................................... 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
Năm học: 2015-2016
Môn thi: Giáo dục công dân 
Lớp 12 THPT
Ngày thi: 10/03/2016
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
HD chấm này có 06 câu, gồm 04 trang.
Câu
Nội dung cơ bản
Điểm
Học sinh trình bày được những nội dung sau:
* Khái niệm nhân nghĩa.
Câu 1
(2,0 điểm)
Nhân là lòng thương người, nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội.
0,25
Nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải. 
0,5
Đây là một trong những truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc ta.
0,25
* Để phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, mỗi học sinh chúng ta cần phải:
- Kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; biết quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi ốm đau, lúc già yếu.
0,25
- Quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn với người xung quanh, trước hết là người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm láng giềng.
0,25
- Cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn; Tích cực tham gia các hoạt động “uống nước nhớ nguồn”; “đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo do nhà trường, địa phương và các tổ chức xã hội tổ chức.
0,25
- Kính trọng, biết ơn các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, với dân tộc
0,25
Học sinh trình bày được những nội dung cơ bản sau:
Câu 2
(2,0 điểm)
* Phương hướng, biện pháp cơ bản nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh:
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
0,25
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
0,25
- Kết hợp quốc phòng với an ninh.
0,25
- Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng an ninh.
0,25
* Trách nhiệm của công dân:
- Tin tưởng vào chính sách quốc phòng và an ninh của Đảng và Nhà nước.
0,25
- Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi của kẻ thù.
0,25
- Chấp hành pháp luật về quốc phòng và an ninh, giữ gìn trật tự, an ninh quốc gia
0,25
- Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tích cực tham gia vào các hoạt động trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh tại nơi cư trú.
0,25
Câu 3
(4,0 điểm)
* Mục tiêu: Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. (Học sinh chỉ nêu mục tiêu)
0,25
Học sinh cần làm rõ những nội dung sau:
* Phương hướng, biện pháp cơ bản (Học sinh lấy ví dụ kèm theo):
- Tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. 
0,5
- Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường cho mọi người dân. 
0,5
- Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tham gia các chương trình hợp tác để để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường chung với các quốc gia có liên quan.
0,5
- Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên. 
0,5
- Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt, chúng ta cần chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi gây lãng phí tài nguyên rừng, suy thoái đất và ô nhiễm môi trường.
0,5
- Áp dụng công nghệ hiện đại để khai thác tài nguyên và xử lý chất thải,... nhất là ở các thành phố lớn...
0,5
* Trách nhiệm của công dân:
- Chấp hành chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường.
0,25
- Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường.
0,25
- Vận động mọi người thực hiện, đồng thời chống các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường.
0,25
Học sinh làm rõ được những nội dung cơ bản sau:
Câu 4
(4,0 điểm)
* Khái niệm pháp luật
Pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do nhà nước xây dựng, ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
0,75
* Vai trò của pháp luật đối với nhà nước, xã hội và công dân thể hiện như sau (Học sinh lấy ví dụ kèm theo):
- Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý xã hội. 
0,25
+ Không có pháp luật, xã hội sẽ không có trật tự, ổn định, không thể tồn tại và phát triển được.
0,5
+ Nhờ có pháp luật, nhà nước phát huy được quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ.
0,75
+ Pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách thống nhất trong toàn quốc và được bảo đảm bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước nên hiệu lực thi hành cao.
0,5
- Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
0,25
+ Quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ công dân được phép làm gì. Căn cứ vào các quy định này, công dân thực hiện quyền của mình.
0,5
+ Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, ... công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
0,5
Học sinh làm rõ được những nội dung cơ bản sau:
* Khái niệm bình đẳng trong lao động:
Câu 5
(5,0 điểm)
Bình đẳng trong lao động là bình đẳng giữa mọi công dân trong thực hiện quyền lao động thông qua tìm việc làm, bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua hợp đồng lao động, bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong từng cơ quan, doanh nghiệp và trong phạm vi cả nước.
1,0
* Nội dung cơ bản của bình đẳng trong lao động (Học sinh lấy ví dụ kèm theo):
- Công dân bình đẳng trong thực hiện quyền lao động: Mọi người đều có quyền làm việc, tự do chọn việc làm và nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nguồn gốc gia đình, thành phần kinh tế.
1,0
- Công dân bình đẳng trong giao kết hợp đồng lao động: Trong quan hệ lao động cụ thể, quyền bình đẳng của công dân được thực hiện thông qua hợp đồng lao động.
1,0
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
0,5
Việc giao kết hợp đồng lao động phải tuân theo nguyên tắc: Tự do, tự nguyện, bình đẳng; không trái pháp luật và thoả ước lao động tập thể; giao kết trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động.
0,5
- Bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ: Bình đẳng về cơ hội tiếp cận việc làm; bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
1,0
Học sinh trả lời:
Câu 6
(3,0 điểm)
a. Trong trường hợp này, Bà An không có quyền hành động như vậy. 
0,5
Bà An đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
1,0
b. Theo quy định tại khoản 1, Điều 124 của Bộ Luật Hình sự năm 1999, bà An đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
0,5
Như vậy: Bà An phải bị xử lý theo khoản 1, Điều 124, Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định về: “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân”
0,5
1. Người nào khám xét trái phép chỗ ở của người khác, đuổi trái phép người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”
0,5
Giám khảo căn cứ vào cách trình bày; ví dụ đúng, đủ... để cho điểm tối đa theo thang điểm trên.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_HSG_tinh_2016_co_HDC.doc