Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2014 – 2015 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs

doc 5 trang Người đăng khoa-nguyen Lượt xem 5858Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2014 – 2015 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2014 – 2015 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2014- 2015
Môn: Ngữ văn - Lớp 9
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 2 tháng 4 năm 2015
=====================
Câu 1 (4,0 điểm) 
1. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ và các hình ảnh được sử dụng trong đoạn thơ sau:
	... “Ước làm một hạt phù sa
	Ước làm một tiếng chim ca xanh trời
	 Ước làm tia nắng vàng tươi
	Ước làm một hạt mưa rơi, đâm chồi”.
	(Lê Cảnh Nhạc- Xin làm hạt phù sa- 2005).
2. Tìm điểm chung trong cảm hứng sáng tác của các tác giả: Lê Cảnh Nhạc trong bài thơ Xin làm hạt phù sa, Thanh Hải trong bài Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong bài Viếng lăng Bác.
Câu 2 (6,0 điểm) 
	Nguyễn Đức Vĩnh, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã tự luyện tập để tham gia chương trình Tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent 2014. Với trích đoạn chèo truyền thống Thị Màu lên chùa ở vòng thử sức, bài hát chầu văn Cô Đôi thượng ngàn ở vòng bán kết, Nguyễn Đức Vĩnh đã chinh phục ban giám khảo và khán giả để bước vào vòng chung kết. Ban giám khảo hỏi “Vì sao tham gia chương trình”, cậu bé 8 tuổi vô tư trả lời “Vì con thích được nổi tiếng”.
	Qua hiện tượng “gây sốt” trên mạng của Nguyễn Đức Vĩnh, em hãy viết một văn bản nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của em về ước mơ trong sáng, ngây thơ của cậu bé quê hương quan họ “Thích trở thành người nổi tiếng”.
Câu 3 (10,0 điểm)
	Trình bày cảm nhận của em về tình yêu quê hương, đất nước qua hai tác phẩm Quê hương của Tế Hanh (Ngữ văn lớp 8, tập 2) và Nói với con của Y Phương (Ngữ văn lớp 9, tập 2).
=====Hết=====
(Đề thi có 01 trang)
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm).
Họ và tên thí sinh :................................................... Số báo danh .............................
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM
 ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2014- 2015
Môn: Ngữ văn - Lớp 9
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)
Câu 1 (4 điểm).
1. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ và các hình ảnh được sử dụng trong đoạn thơ sau:
	... “Ước làm một hạt phù sa
	Ước làm một tiếng chim ca xanh trời
	 Ước làm tia nắng vàng tươi
	Ước làm một hạt mưa rơi, đâm chồi”.
	(Lê Cảnh Nhạc- Xin làm hạt phù sa- 2005).
2. Tìm điểm chung trong cảm hứng sáng tác của các tác giả: Lê Cảnh Nhạc trong bài thơ Xin làm hạt phù sa, Thanh Hải trong bài Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong bài Viếng lăng Bác.
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Học sinh có thể viết thành một bài văn ngắn hoặc một đoạn văn. Yêu cầu bố cục sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc.
II. Yêu cầu về kiến thức: 
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được những ý cơ bản sau:
1. Điệp ngữ “ước làm” nhắc lại 4 lần để nhấn mạnh thi nhân có rất nhiều ước muốn để cống hiến, dựng xây cho quê hương, đất nước.
- Các hình ảnh “Một hạt phù sa’, “tiếng chim ca”, “tia nắng vàng tươi”, “hạt mưa rơi” là những sự vật bé nhỏ trong thiên nhiên nhưng đều có tác dụng với cuộc sống. Phù sa mang đến màu mỡ cho những cánh đồng. Tiếng chim hót làm “xanh trời” hoà bình. “Tia nắng vàng tươi”, “hạt mưa rơi” khiến cho hạt đâm chồi, nảy lộc, sự sống hình thành và phát triển. Các hình ảnh giản dị, khiêm nhường thể hiện ước nguyện sống, cống hiến cao đẹp của con người (2 điểm).
2. Lê Cảnh Nhạc, Thanh Hải và Viễn Phương đều là những nhà thơ thuộc giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại. Họ đều có điểm giống nhau trong cảm hứng sáng tác. Trước cuộc sống sôi động, trước cảnh mùa xuân đất nước, trước lãnh tụ vĩ đại, họ đều có những ước muốn làm các sự vật nhỏ bé, khiêm nhường để thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước bằng hành động cống hiến. Thanh Hải ước muốn làm tiếng chim, bông hoa, nốt nhạc, “Mùa xuân nho nhỏ” để làm đẹp mùa xuân dân tộc. Viễn Phương ước muốn làm tiếng chim, bông hoa, cây tre trung hiếu để ngày đêm được ở bên Bác. Đó là tình cảm, lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới.(2 điểm)
Câu 2 (6 điểm).
	Nguyễn Đức Vĩnh, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã tự luyện tập để tham gia chương trình Tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent 2014. Với trích đoạn chèo truyền thống Thị Màu lên chùa ở vòng thử sức, bài hát chầu văn Cô Đôi thượng ngàn ở vòng bán kết, Nguyễn Đức Vĩnh đã chinh phục ban giám khảo và khán giả để bước vào vòng chung kết. Ban giám khảo hỏi “Vì sao tham gia chương trình”, cậu bé 8 tuổi vô tư trả lời “Vì con thích được nổi tiếng”.
	Qua hiện tượng “gây sốt” trên mạng của Nguyễn Đức Vĩnh, em hãy viết một văn bản nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của em về ước mơ trong sáng, ngây thơ của cậu bé quê hương quan họ “Thích trở thành người nổi tiếng”.
	I. Yêu cầu về kĩ năng: 
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lí.
- Vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, 
- Lời văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
II. Yêu cầu về kiến thức:
1. Giới thiệu: 
- Người nổi tiếng được khâm phục, được nhiều người biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó.
- Ai cũng có ước mơ và ước mơ được trở thành người nổi tiếng như cậu bé Đức Vĩnh là mơ ước của nhiều người.
	2. Bàn luận:
2a. Khẳng định ước mơ của Đức Vĩnh là đúng, rất trong sáng và ngây thơ. Ước mơ đó rất phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Tuổi thơ thường có thần tượng và mơ ước được như thần tượng. Có rất nhiều trẻ em đã trở thành nhân vật nổi tiếng được cả nước biết đến. 	
2b. Khát vọng trở thành người nổi tiếng là chính đáng nhưng không phải ai cũng có năng lực, tố chất và điều kiện để đạt được. Bản thân người mơ ước phải có tố chất, có niềm yêu thích say mê và đặc biệt phải có quyết tâm, nỗ lực rèn luyện, bởi 99% của thành công là mồ hôi và nước mắt. (Đức Vĩnh thích nghệ thuật truyền thống, tự mua băng xem, tự luyện tập, biết nhiều loại hình chèo, quan họ, chầu văn, nhạc trữ tình đậm chất dân ca). 
	2c. Nếu cố gắng bằng mọi cách chỉ để nổi tiếng, con người dễ trở nên mù quáng, ảo tưởng về bản thân, thậm chí gây tác hại cho xã hội. Ước mơ không đi liền với niềm yêu thích, say mê, không có ý chí quyết tâm, rèn luyện thì không thể biến ước mơ thành hiện thực. 
	3. Bài học cho mỗi tuổi thơ, HS:
	- Mỗi con người đều có quyền được mơ ước. Hãy xây cho mình một ước mơ cao đẹp, trong sáng, phù hợp với khả năng, để ước mơ trở thành hiện thực
	- Có quyết tâm, cần cù, chăm chỉ để luyện tập; khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội
	Mỗi luận điểm cần lấy dẫn chứng thực tế để minh họa.
	Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo quan điểm riêng. Tuy nhiên, cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần nhân văn, lập luận thuyết phục. 
 	III. Biểu điểm: 
	- Điểm 5-6 : Luận điểm đủ, rõ, lập luận sắc sảo, dẫn chứng phong phú, diễn đạt giàu chất văn, không mắc lỗi chính tả ngữ pháp.
	- Điểm 3-4 : Luận điểm đầy đủ, dẫn chứng chưa thật phong phú, văn viết trôi chảy song còn thiếu cảm xúc, còn lỗi hành văn, diễn đạt, ngữ pháp.
	- Điểm 1-2 : Luận điểm thiếu, diễn đạt khô khan thiếu cảm xúc.
	- Điểm 0 : Sai nội dung và phương pháp hoặc không làm bài.
Giám khảo có thể chấm theo ý - Điểm hình thức lồng trong nội dung.
	-Ý 1: 1,0 điểm	
	- Ý 2: 4,0 điểm trong đó: 
+Ý 2a: 1,5 điểm	
+Ý 2b: 1,5 điểm.
	+Ý 2c: 1,0 điểm	
-Ý 3: 1,0 điểm.
Câu 3: (10 điểm)
	Trình bày cảm nhận của em về tình yêu quê hương, đất nước qua hai tác phẩm Quê hương của Tế Hanh (Ngữ văn lớp 8, tập 2) và Nói với con của Y Phương (Ngữ văn lớp 9, tập 2)
	I. Yêu cầu về kĩ năng:
 	Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 
II. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:
	1. Giới thiệu vấn đề: 
- Quê hương, đất nước là nguồn cảm xúc dạt dào, phong phú cho các tác giả xưa và nay sáng tác. Nhiều tác giả đã có những tác phẩm thành công khi viết về đề tài này
- Hai nhà thơ Tế Hanh và Y Phương đều rất thành công khi nói về tình cảm của mình với quê hương qua hai bài thơ Quê hương và Nói với con. Hai nhà thơ một sinh ra ở miền biển, một sinh ra ở miền núi nhưng đều giống nhau ở một điểm, đó là lòng yêu mến thiết tha với quê hương, với con người của vùng quê mình. 	
	2. Tình yêu quê hương, đất nước qua hai bài thơ:
	a. Tình yêu quê hương, đất nước của các nhà thơ thể hiện qua sự rung động trước những vẻ đẹp tươi sáng, sinh động, chân thực của mỗi miền quê.
	- Trong Quê hương, Tế Hanh yêu quê hương làng chài ven biển với khung cảnh “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”. Trên mặt biển những con thuyền với cánh buồm “giương to như mảnh hồn làng,” “rướn thân trắng” lướt nhẹ ra khơi để ngày hôm sau trên bến ồn ào, tấp nập dân làng đón thuyền về đầy ắp cá. Cuộc sống làng chài thật thanh bình, ấm no. Hình ảnh quê hương “nước xanh, cá bạc, buồm vôi, con thuyền” trở thành biểu tượng quê hương trong lòng người xa quê như Tế Hanh.
	- Trong Nói với con, người cha dặn con nhớ về thiên nhiên núi rừng, quê hương mộng mơ và nhân hậu. “Rừng cho hoa”, cho con những gì quý giá nhất, cho những con đường nối liền mọi miền quê. Quê hương là nơi rất giàu truyền thống, làm nên những phong tục, tập quán đẹp truyền lại muôn đời sau.
b. Tình yêu quê hương, đất nước thể hiện ở tình cảm thiết tha gắn bó với con người của quê hương.
	- Trong bài thơ Quê hương, Tế Hanh đã nhớ về những chàng trai khoẻ mạnh bơi thuyền đi đánh cá mỗi sớm mai, nhớ về dân làng tấp nập đón ghe về đầy cá. Những người dân làng chài thân quen, gần gũi “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng. Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.” Và con thuyền, vật vô tri vô giác cũng trở nên có hồn, một tâm hồn tinh tế “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm. Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.” Không có một tâm hồn tinh tế và tài hoa, nhất là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có câu thơ xuất thần như vậy.
- Trong Nói với con, tình yêu quê hương, nguồn cội được thể hiện một cách sinh động, cụ thể, là niềm tự hào về “người đồng mình”:
+ Tự hào người đồng mình có tâm hồn lãng mạn, hào hoa, giàu chất thơ, giàu tình nghĩa “Đan lờ cài nan hoa... những tấm lòng”.
+ Tự hào người đồng mình giàu ý chí, giàu nghị lực “Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn”
+ Tự hào về sức sống mãnh liệt, sự cần cù, tinh thần lạc quan, sự hồn nhiên của người đồng mình “Sống trên đá... không lo cực nhọc”
+ Tự hào về tinh thần tự tôn dân tộc của người đồng mình “Người đồng mình tự đục đá...”
3. Nét riêng của mỗi nhà thơ, mỗi bài thơ :
	- Cùng viết về đề tài quê hương, mỗi bài thơ đem đến cho người đọc cảm nhận về một vùng quê khác nhau.
+ Đó là hình ảnh của một làng chài ven biển trong thơ Tế Hanh, với những hình ảnh của sông nước “Nước vây quanh cách biển nửa ngày sông”, đó là hình ảnh của mái chèo, cánh buồm, bến sông, là những con cá tươi ngon thân bạc trắng. Con người làng chài cũng có nét riêng “Dân trai tráng bơi thuyền...”, “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng. Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” đậm chất khoẻ khoắn của người vùng biển.
+ Với Nói với con của Y Phương, đó lại là hình ảnh của núi rừng với cỏ cây, hoa lá, với những con đường mòn, núi cao vách đá...Đó còn là hình ảnh những người dân miền núi với vẻ đẹp tâm hồn mộc mạc, chất phác nhưng cũng lãng mạn hào hoa, đầy nghị lực và lòng tự tôn dân tộc. 
- Ngôn ngữ, nghệ thuật diễn đạt khác nhau:
+ Cùng là bài thơ trữ tình, Quê hương của Tế Hanh, phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm nhưng phần lớn số câu thơ lại là miêu tả. Miêu tả phục vụ cho biểu cảm, ngòi bút miêu tả thấm đậm cảm xúc chủ quan. Bài thơ có những so sánh đẹp, bay bổng, nhân hóa độc đáo như thổi linh hồn vào sự vật.
+ Trong Nói với con, cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh mang đậm màu sắc miền núi. Lối thơ cụ thể, mộc mạc mà khái quát, giọng điệu thiết tha trìu mến. 
	4. Đánh giá: 
- Đây là hai bài thơ thành công về đề tài quê hương đất nước thể hiện tình yêu quê hương giản dị mà sâu nặng, nhỏ bé mà lớn lao, chân thật mà tinh tế của hai tác giả. Cùng một đề tài, cùng một cảm xúc nhưng mỗi bài thơ lại in đậm dấu ấn riêng của từng nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. 
- Quê hương chính là điểm tựa tinh thần, là động lực cho mỗi con người vượt mọi khó khăn, gian khổ để dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp 
- Liên hệ tình yêu quê hương đất nước của học sinh hiện nay
	III. Biểu điểm: 
- Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.
- Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
- Điểm 5-6: Tương đối đủ các ý lớn tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.
- Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.
- Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
	Giám khảo có thể chấm theo ý - điểm nội dung kết hợp với hình thức.
	- Ý 1: 1,0 điểm	
	- Ý 2 : 6,0 điểm trong đó	
	+ Ý 2a: 3,0 điểm
	+ Ý 2b 3,0 điểm 
- Ý 3: 2,0 điểm
- Ý 4: 1,0 điểm
===================================

Tài liệu đính kèm:

  • docK9_NH20142015.doc