Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 9

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3662Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 9
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
 TĨNH GIA Năm học 2015 - 2016
 ĐỀ CHÍNH THỨC
 Môn: Ngữ văn – Lớp 9
 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (2 điểm). Trong bài thơ Bếp lửa, Bằng Việt viết:
	 “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
 	Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
	Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
	Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
	Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”
 Phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được dùng trong đoạn thơ trên.
Câu 2 (6 điểm). Suy nghĩ của em về câu chuyện sau (viết bài nghị luận ngắn):
 Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản, tại một trường tiểu học, người ta tổ chức phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong những người xếp hàng, tôi chú ý đến một em nhỏ chừng chín tuổi, trên người chỉ mặc một bộ quần áo mỏng manh. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt em thì chắc chẳng còn thức ăn nên đến gần và trò chuyện với em.
 Em kể thảm họa đã cướp đi những người thân yêu trong gia đình: cha, mẹ và đứa em nhỏ. Em bé quay người lau vội dòng nước mắt. Thấy em lạnh, tôi cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em: “Đợi tới lượt cháu chắc hết thức ăn rồi, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, cháu ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó, nhưng thật bất ngờ, cậu mang khẩu phần ít ỏi ấy đi thẳng đến chỗ những người đang phân phát thực phẩm, để túi thức ăn vào thùng rồi quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao cháu không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi chắc còn có nhiều người bị đói hơn cháu. Cháu bỏ vào đó để cô chú phát chung cho công bằng.”
 (Dẫn theo báo Dân trí điện tử)
Câu 3 (12 điểm). 
“Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng...”
 (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)
 Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy nói về “ánh sáng riêng” mà truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã “rọi vào” tâm hồn em.
Họ tên học sinh: .....................................................................................; Số báo danh: ..........................
HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
 NĂM HỌC 2015- 2016
Môn: Ngữ văn – Lớp 9
I. HƯỚNG DẪN CHUNG:
	- Giám khảo chấm kĩ để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm.
	- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo vận dụng linh hoạt, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có ý tưởng sáng tạo.
	- Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu.
	- Chấm theo thang điểm 20 (câu I: 2 điểm; câu II: 6 điểm; câu III: 12 điểm), cho điểm lẻ đến 0,25.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu
Nội dung cần đạt
Điểm
I
Phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ
2,0
- Giới thiệu đoạn thơ: (0,25 điểm)
 Bằng việc lựa chọn và sử dụng các biện pháp tu từ điệp ngữ, hoán dụ, ẩn dụ một cách đặc sắc, đoạn thơ là dòng suy ngẫm sâu sắc của cháu về “bếp lửa” của bà
0,25
- Lần lượt chỉ ra và phân tích hiệu quả của từng phép tu từ: (1,75 điểm)
+ Điệp từ nhóm bốn lần lặp lại liên tiếp đầu mỗi câu thơ vừa nhấn mạnh công việc nhóm bếp của bà vừa soi sáng chân dung người bà tần tảo, nhẫn nại, giàu đức hi sinh. Bà không chỉ nhóm lên bếp lửa bằng đôi tay khéo léo để bếp lửa cháy sáng, để có nồi khoai sắn ngọt bùi, có nồi xôi gạo mới. Từ công việc nhóm lửa hàng ngày, bà còn nhóm lên cả những nét đẹp tâm hồn tuổi thơ cháu, bồi đắp ước mơ và tình yêu thương cho cháu. 
0,5
+ Hoán dụ: khoai sắn ngọt bùi, nồi xôi gạo mới gợi ra tình cảm gắn bó với những gì giản dị, gần gũi của quê hương. Bà bồi đắp cho cháu tình đoàn kết xóm làng.
0,5
+ Ẩn dụ: bếp lửa vừa tả thực vừa là hình ảnh biểu tượng cho lòng bà, tình yêu thương bà dành cho cháu, trở thành kỉ vật thiêng liêng của tình bà cháu, là hành trang theo cháu suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
0,5
 Các phép tu từ trên đã góp phần thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của người cháu hiếu thảo phương xa với người bà yêu kính và bếp lửa tuổi thơ. 
0,25
II
Viết bài nghị luận xã hội
6,0
Yêu cầu về kỹ năng:
- Đảm bảo là một văn bản nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc quá năm lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
0,5
Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
5,5
* Nêu được ý nghĩa của câu chuyện:
 Thể hiện tình yêu thương ấm áp, sự đồng cảm, sẻ chia giữa những con người đang ở trong hoàn cảnh éo le, hoạn nạn. Điều này có thể thấy qua nghĩa cử cao đẹp của nhân vật “tôi” đối với em nhỏ cũng như suy nghĩ, việc làm đáng trân trọng của em bé bất hạnh. 
1,5
* Bàn luận về vấn đề tình yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống:
- Trong cõi đời, tình yêu thương giữa con người với con người là một giá trị cao quý, là điều cần thiết mà ai cũng phải hướng tới. (VD minh họa)
- Trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, lòng nhân ái càng cần thiết để sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. (VD minh họa)
- Lẽ “công bằng” trong khó khăn, hoạn nạn là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương giữa con người với con người. (VD minh họa)
- Phê phán những kẻ sống vô cảm, ích kỉ, thờ ơ với cộng đồng.
0,75
0,75
0,75
0,75
* Liên hệ bản thân và rút ra bài học:
 Mỗi người cần biết sống yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với cộng đồng; đặc biệt là cần quan tâm, giúp đỡ những kiếp đời kém may mắn.
1,0
III
Viết bài nghị luận văn học
12,0
Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Đảm bảo là một văn bản nghị luận văn học có bố cục 3 phần rõ ràng, kết cấu chặt chẽ. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc quá năm lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
1,0
Yêu cầu về kiến thức: Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản đáp ứng được những nội dung sau:
11,0
1. Giải thích nhận định: (2,0 điểm)
- “Tác phẩm lớn”: tác phẩm mang dấu ấn của từng giai đoạn, từng thời kì, mở ra trước mắt người đọc những hiểu biết phong phú về cuộc sống xã hội con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp. Vẻ đẹp thẩm mĩ của tác phẩm làm lay động bao trái tim người đọc và có sức sống lâu bền với thời gian.
0,5
- “Ánh sáng” của tác phẩm: là cảm xúc, tâm sự, tấm lòng, tinh thần của thời đại mà nhà văn đã chuyển hoá vào trong tác phẩm. 
0,5
- “rọi vào bên trong”: là khả năng kì diệu trong việc tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của ta, chiếu toả soi rọi vào sâu thẳm tâm trí ta, làm thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ
0,5
- Mỗi tác phẩm mang một ánh sáng riêng in đậm dấu ấn, phong cách riêng của nhà văn, từ cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, bày tỏ quan điểm, cách nhìn cuộc sống đều mang nét riêng độc đáo.
0,5
2. Chứng minh qua “Lặng lẽ Sa Pa”: (8,0 điểm)
- Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất thơ của Nguyễn Thành Long. Đây là một tác phẩm đẹp từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Trong tác phẩm nhà văn đã xây dựng được những hình tượng nhân vật độc đáo, giàu lí tưởng tiêu biểu cho phẩm chất của con người Việt Nam trong công cuộc lao động xây dựng quê hương đất nước. 
1,0
- Trước hết về giá trị nội dung: có thể xem tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng đẹp đẽ. 
1,0
+ Ánh sáng người đọc đón nhận từ tác phẩm trước hết là âm vang của cuộc gặp gỡ giữa ông hoạ sĩ, cô kĩ sư nông nghiệp và anh thanh niên khí tượng. Ở những con người này ánh lên những phẩm chất tốt đẹp đã thành bản chất bền vững, những quan niệm đạo đức trong sáng, cao cả và một ý chí kiên định cách mạng, tất cả đã được tôi luyện trong thử thách của chiến tranh, nay đang được tiếp tục củng cố, phát huy trong công cuộc xây dựng xã hội mới. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng).
1,0
+ Tác phẩm rọi vào trong lòng người đọc những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống của lao động tự giác về con người và về nghệ thuật. Cuộc sống của mỗi người chỉ thật sự có ý nghĩa khi mọi việc làm của họ đều xuất phát từ tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu mến tự hào về mảnh đất mình đang sống. Con người cần phải biết sống có lý tưởng, say mê với công việc, hiểu được ý nghĩa công việc mình làm. Vẻ đẹp của con người lao động chính là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ ươm mầm. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
1,0
- Về giá trị nghệ thuật: thứ ánh sáng đặc biệt của Lặng lẽ Sa Pa mà người đọc cảm nhận được toả ra từ chất thơ bàng bạc xuyên suốt tác phẩm.
1,0
+ Chất thơ trong cốt truyện, chất thơ thấm đượm trong bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Mỗi câu mỗi chữ khắc hoạ bức tranh thiên nhiên đều giàu sức tạo hình, rực rỡ sắc màu, nhịp điệu êm ái như một bài thơ. Cảm xúc trước cảnh mới lạ ấy truyền cho người đọc những rung động thẩm mĩ về vẻ đẹp của tác phẩm, làm dội lên ước muốn một lần được đặt chân lên Sa Pa. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
1,0
+ Chất thơ trong nét đẹp tâm hồn của nhân vật, trong ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện nhẹ nhàng trong sáng. Ngôn ngữ truyện như dòng nước mát trôi vào tâm trí người đọc, khơi gợi bao khao khát về một vùng đất lặng lẽ mà thơ mộng. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
1,0
- Ánh sáng toả ra từ Lặng lẽ Sa Pa là một thứ ánh sáng rất riêng. Nó đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ thâm trầm, sâu sắc: Lặng lẽ Sa Pa - mới đọc tên, ngỡ nhà văn nói về một điều gì im ắng, hắt hiu, giá lạnh; nhưng kì diệu thay trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn ngân lên những âm thanh trong sáng, vẫn ánh lên những sắc màu lung linh, lan toả hơi ấm tình người và sự sống. Từ đó làm cho người đọc thấy tin yêu cuộc sống, bồi đắp lí tưởng sống cao đẹp - sống cống hiến dựng xây quê hương đất nước.
1,0
3. Đánh giá và liên hệ bản thân: (1,0 điểm)
- Tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật lớn là con đẻ tinh thần của nhà văn. Nó được tạo ra bằng quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo.
0,5
- Tác phẩm lớn sẽ chiếu tỏa, soi rọi; có khả năng giáo dục, cảm hóa sâu sắc tới nhận thức và hành động của bạn đọc nhiều thế hệ (liên hệ bản thân)
0,5
* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý và định hướng chung, giám khảo cần vận dụng linh hoạt dựa trên thực tế bài làm của học sinh. Khuyến khích những bài có cảm nhận sâu sắc, có cảm xúc và sáng tạo trong cách viết.

Tài liệu đính kèm:

  • docDEDAP_AN_MON_NGU_VAN_9_HUYEN_TINH_GIA_NAM_HOC_20152016.doc