Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)

doc 4 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 05/07/2022 Lượt xem 683Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: Ngữ văn 6
Thời gian làm bài:120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (6,0 điểm) Miêu tả về hình ảnh chú bé Lượm, nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...”
a) Các từ láy trong đoạn thơ thuộc từ loại nào? Có tác dụng gì?
b) Gọi tên biện pháp tu từ trong đoạn thơ? Sử dụng phép tu từ như vậy có gì hay và độc đáo trong việc miêu tả nhân vật?
c) Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về hình ảnh chú bé Lượm trong đoạn thơ trên.
Câu 2 (4,0 điểm)
	Truyện cổ tích Thạch Sanh (SGK Ngữ văn 6-tập I), là câu chuyện dân gian có nhiều chi tiết đặc sắc. 
 	Viết đoạn văn trình bày những suy nghĩ của em về ý nghĩa của hai chi tiết: "tiếng đàn" và "niêu cơm".
Câu 3 (10,0 điểm) 
Trong gia đình, mẹ luôn là người yêu thương và gần gũi với em nhất. Những lần nhìn thấy mẹ khóc đều gắn với những kỷ niệm vui buồn trong kí ức thời thơ ấu của em.
Từ những ấn tượng sâu sắc đó, em hãy tự kể câu chuyện về giọt nước mắt của mẹ.
---------- Hết ----------
(Đề thi gồm có 01 trang)
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:..............................................; Số báo danh..............
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG CẤP HUYỆN 
Năm học 2015-2016
Môn thi: Ngữ văn 6
Câu 1 (6 điểm) 
HS cần trả lời theo những ý sau:
a) Các từ láy trong đoạn thơ là tính từ (0,5 điểm), có tác dụng gợi hình(0,5 điểm)
b) - Đoạn thơ sử dụng các phép tu từ: So sánh, Ẩn dụ (0,5 điểm) 
 - Tác giả so sánh hình ảnh của chú bé Lượm với chim chích để làm nổi bật vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, nhanh nhẹn, tâm hồn trong sáng, tính cách hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh, tinh nghịch nhưng rất đáng yêu của chú bé liên lạc, gợi được tình cảm yêu mến cho người đọc (0,75 điểm). Phép ẩn dụ góp phần gợi tả, tô đậm, làm đẹp hơn, sinh động hơn hình ảnh chú bé Lượm. Đó không chỉ là con đường đầy nắng vàng mà đó còn là con đường cách mạng, con đường đấu tranh, con đường vinh quang để đi đến chiến thắng. Lượm không chỉ là một thiếu niên mà còn là một chiến sĩ nhỏ vô cùng đáng mến (0,75 điểm)
c) HS viết được đoạn văn ngắn (3 điểm).
*Về hình thức: Trình bày gọn gàng, rõ ràng, sạch đẹp.
*Về nội dung: 
- Mở đoạn: (dẫn dắt) Hình ảnh những thiếu niên dũng cảm, gan dạ trong kháng chiến qua các bài thơ, câu chuyện kể luôn để lại cho em những ấn tượng. Chú bé Lượm trong bài thơ của Tố Hữu được khắc họa chân thực, sinh động, đáng yêu. (0,5 điểm)
- Thân đoạn: (Học sinh cảm nhận được những ý cơ bản về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ)
 Thể thơ 4 chữ, nhịp thơ nhanh, sử dụng từ láy gợi hình loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh, phép so sánh, ẩn dụ gợi ấn tượng về một chú bé liên lạc: Trang phục gọn gàng, vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, nhanh nhẹn tâm hồn trong sáng, tính cách hồn nhiên, vui tươi, tinh nghịch nhưng vẫn đáng yêu... ((2 điểm)
- Kết đoạn: Lượm là hình ảnh tiêu biểu của thiếu niên Việt Nam hồn nhiên, vui tươi, dũng cảm, gan dạ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Lượm mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ măng non đất nước hôm nay và mai sau. (0,5 điểm)
Câu 2 (4 điểm) 
Học sinh viết đoạn văn
*Về hình thức: Trình bày gọn gàng, rõ ràng, sạch đẹp.
*Về nội dung: HS có thể diễn đạt theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
- Khái quát: Chi tiết “tiếng đàn” và “niêu cơm” đều là các chi tiết đặc sắc vừa hiện thực, vừa hoang đường, kì ảo góp phần làm cho câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn. Hai chi tiết tô đậm màu sắc cổ tích trong câu chuyện, khẳng định trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo tuyệt vời của nhân dân ta... ((0,5 điểm)
- Cụ thể: Đây là hai chi tiết tưởng tượng có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Về chi tiết tiếng đàn thần:
+ Tiếng đàn là khúc hát tâm tình, là âm thanh kì diệu, là sợi dây tình cảm vô hình tượng trưng cho tình yêu đối lứa (tình yêu xóa bỏ ranh giới của giai cấp, của địa vị trong xã hội phong kiến). 
+ Tiếng đàn là liều thuốc thần dược. Nhờ tiếng đàn mà công chúa nói được trở lại (khỏi câm) và nhận ra ân nhân đã cứu sống mình. 
+ Tiếng đàn là đại diện cho công lí, công bằng xã hội: Thạch Sanh được giải oan. Lí thông bị vạch tội. 
+ Tiếng đàn là tiếng nói nhân đạo, giàu lòng vị tha, yêu chuộng hòa bình. Tiếng đàn có thể cảm hóa con người, thêm bạn bớt thù, đẩy lùi chiến tranh. 
+ Tiếng đàn còn khẳng định tài năng, tâm hồn, tình cảm của Thạch Sanh - chàng dũng sĩ có tâm hồn nghệ sĩ...(2 điểm)
Về chi tiết niêu cơm thần:
+ Cùng với tiếng đàn kì diệu, niêu cơm cũng có những khả năng phi thường, niêu cơm kì lạ cứ ăn hết lại đầy làm quân sĩ 18 nước chư hầu lúc đầu coi thường, chế giễu, nhưng sau đó phải ngạc nhiên, khâm phục. 
+ Niêu cơm thần đã cảm hóa được những kẻ xâm lược tham lam và khiến họ hoàn toàn khuất phục. Niêu cơm thần tượng trưng cho tình yêu thương, lòng nhân ái, ước vọng đoàn kết và tư tưởng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Sức mạnh đó có thể cảm hóa con người, thêm bạn bớt thù, đẩy lùi chiến tranh.
+ Ngoài ra, chi tiết niêu cơm còn mang ước mơ khát vọng về sự no đủ của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Đó là ước mơ chính đáng của con người lao động về cuộc sống no đủ, hạnh phúc... (1,5 điểm)
Câu 3 (10 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng :
- Học sinh biết xây dựng một văn bản tự sự, trình bày các sự việc chân thực, rõ ràng, trình tự hợp lí.
- Biết lựa chọn ngôi kể phù hợp. Từ tình huống nảy sinh cho đến sự phát triển và kết thúc truyện phải hợp lý, tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. 
- Học sinh phải dùng ngôn ngữ kể của mình. Không học thuộc sách, sao chép. 
- Đề bài tương đối mở, tuy nhiên học sinh phải biết xây dựng nhân vật, cốt truyện sao cho phù hợp.
*Yêu cầu về nội dung :
- Qua câu chuyện phải thể hiện được một nội dung ý nghĩa, một bài học đạo đức nào đó về con người, cuộc sống.
* Về hình thức, bài viết trình bày sạch, đẹp, đủ bố cục.
Bài viết có thể có những sáng tạo riêng song cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:
a) Mở bài 
- Giới thiệu được khái quát hoàn cảnh xuất hiện, những nhân vật chính liên quan đến câu chuyện về giọt nước mắt của mẹ. (1 điểm)
b) Thân bài
- Giọt nước mắt của mẹ xuất hiện trong hoàn cảnh (tình huống) cụ thể như: (1 điểm): + Khi đau buồn
	+ Khi quá vui mừng và xúc động.
- Lí giải về hoàn cảnh khiến mẹ rơi nước mắt: (3 điểm):
	+ Khi thương xót và muốn chia sẻ với một ai đó.
	+ Khi mẹ gặp chuyện đau buồn 
	+ Khi mẹ bị hiểu lầm, không được cảm thông chia sẻ.
	+ Khi mình làm được một điều gì đó khiến mẹ tự hào, hạnh phúc.
	+ Khi mình làm điều gì đó khiến mẹ lo lắng, buồn, giận
	+......
- Diễn biến câu chuyện: (kể và miêu tả tỉ mỉ hình ảnh của mẹ với những giọt nước mắt trong tình huống đó) : (4 điểm)
 + Khi đó những cử chỉ, hành động, cảm xúc của mẹ như thế nào?
 + Bản thân em và những người chứng kiến có hành động, thái độ, cảm xúc gì?
 + Những giọt nước mắt ấy của mẹ có khơi dậy hay làm thức tỉnh điều gì không?
 + Em đã và sẽ phải làm gì sau khi chứng kiến những giọt nước mắt ấy của mẹ.
c) Kết bài: (1 điểm)
- Khái quát lại câu chuyện mà em vừa kể
- Gửi gắm đến cho người đọc một lời nhắn nhủ hoặc một thông điệp nào đó qua câu chuyện (về tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng....)
 Trên đây chỉ là gợi ý chung mang tính định hướng. Giám khảo có thể linh hoạt trong khi chấm. Cần khuyến khích với những bài viết mang tính sáng tạo.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_6_nam_ho.doc