ĐỀ ÔN TẬP KIỂM TRA PHẦN THƠ LỚP 9 Câu 1: Thống kê tên các bài thơ và tác giả đã được học ở ngữ văn 9 giai đoạn 1975 đến nay. Câu 2: Nêu những hiểu biết của em về tác giả của bài thơ Sang thu trong SGK Ngữ văn 9 tập 2. Câu 3: Nêu nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ:Nói với con của Y Phương. Câu 4: a. Chép thuộc lòng hai khổ thơ thể hiện ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của ông. b. Phân tích giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của hai khổ thơ trên. Câu 5: Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” a. Khổ thơ trên trích trong văn bản nào? Của tác giả nào? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ? b. Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ. Câu 6: Em hiểu như thế nào về hai dòng cuối của bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh): “Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi” (Chú ý phân tích tác dụng của những hình ảnh ẩn dụ) Bài làm: (GV: Tiết Phúc Lộc – ĐT: 097.70.70.369 – THCS Phước Hải) HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ÔN TẬP KIỂM TRA PHẦN THƠ LỚP 9 Câu Nội dung 1 Nêu đủ , đúng tên các bài thơ , tên tác giả đã học : - Ánh trăng – Nguyễn Duy 1978 - Viếng lăng Bác – Viễn Phương 1976 - Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải 1980 - Sang thu - Hữu Thỉnh 1977 - Nói với con - Y Phương sau 1975 2 Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.có nhiều bài thơ hay viết về người mẹ người phụ nữ việt Nam và viết về mùa thu. Bài thơ Sang thu sáng tác năm 1977. 3 Với giọng thơ thủ thỉ tâm tình, tha thiết trìu mến. Xây dựng những hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa mang tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Bài thơ có bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên bài thơ Nói với con thể hiện tình yêu thương thắm thiết của cha mẹ dành cho con cái và đồng thời thể hiện tình yêu, niềm tự hòa về quê hương đất nước. 4.a Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc 4.b - Điều tâm niệm của nhà thơ: là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. + Hình ảnh thơ tự nhiên giàu sức gợi tả, dùng những hình ảnh của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình: làm một tiếng chim hót trong rộn rã, tiếng chim ca, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương sắc, một nốt trầm âm thầm, lặng lẽ để nhập vào khúc ca tiếng hát của nhân dân. + Những hình ảnh ấy được nhắc tới ở khổ thơ đầu, lặp lại ở khổ thơ này trong giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào mang ý nghĩa mới: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên. - Đánh giá: Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ - Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. - Ước nguyện đó được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp: Mỗi người nên cống hiến cho cuộc đời chung một nét riêng, cái phần tinh tuý nhất của mình dù là nhỏ bé, một cách lặng lẽ, khiêm tốn, không kể gì đến tuổi tác. + Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm phải luôn kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước + Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. - Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng của mỗi người. 5.a Khổ thơ trích trong bài thơ ”Viếng lăng Bác” của Viễn Phương. Bài “Viếng lăng Bác” được viết năm 1976, trong không khí xúc động của nhân dân ta lúc công trình lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành sau khi giải phóng Miền Nam, đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam có thể thực hiện mong ước được viếng lăng Bác. Tác giả cũng ở trong số những đồng bào, chiến sĩ từ miền Nam sau khi giải phóng được ra viếng Bác. 5.b Sự tôn kính của tác giả đối với Bác khi đứng trước lăng Người. -Khổ thơ thứ hai được tạo nên từ cặp câu với những hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi : “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” - Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh mặt trời thực, mặt trời tự nhiên đem lại nguồn sáng cho thế gian. Mặt trời ấy là sức sống của muôn vàn cỏ cây hoa lá. - “Mặt trời trong lăng” là mặt trời ẩn dụ, chỉ Bác Hồ kính yêu. Tác giả nhấn mạnh “mặt trời rất đỏ’ làm ta nhớ đến một trái tim nhiệt huyết chân thành vì nước vì dân. Ví Bác như “mặt trời”, nhà thơ muốn nói Bác như là người soi sáng cho dân tộc Việt Nam trên bước đường chiến đấu, đưa cả dân tộc thoát khỏi bóng tối nô lệ đến với cuộc sống tự do, hạnh phúc. Mỗi ngày mặt trời tự nhiên vẫn hành trình trên quỹ đạo cũng như mặt trời trong lăng lúc nào cũng tỏa sáng. Bác tuy đã ra đi nhưng mãi thuộc về vĩnh cửu đối với hàng triệu con người Việt Nam. =>Thông qua hình ảnh ẩn dụ “mặt trời”, nhà thơ đã nêu lên sự vĩ đại của Bác, đồng thời thể hiện niềm tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của nhân dân ta với Bác. - Nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh nữa về Bác : Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” - Thời gian cứ trôi ngày tiếp ngày nhưng dòng người vẫn nối nhau vào lăng viếng Bác. Nhịp thơ chậm, giọng thơ trầm như bước chân dòng người vào viếng Bác. Nhưng “dòng người đi trong thương nhớ” là đi trong nỗi xúc động bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn. - Và đến đây, cảm xúc thăng hoa : hình ảnh dòng người thành một tràng hoa trước lăng. Mỗi con người vào viếng lăng giống như một bông hoa đẹp, dâng lên Bác cả tấm lòng, cả cuộc đời, niềm thương nỗi nhớ. Điệp từ “ngày ngày” nhấn mạnh tràng hoa dâng lên Bác là bất tận. Chỉ một từ “thương” thôi mà gửi gắm cả tấm lòng dân tộc Việt Nam đối với Bác. Quả là cách diễn đạt mới lạ, thích hợp. Và tràng hoa ấy dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” – một hình ảnh hoán dụ thật hay. Con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và làm ra mùa xuân cho đất nước, cho mỗi chúng ta. Cuộc đời chúng ta nở hoa dưới ánh sáng của Bác. =>Hình ảnh “tràng hoa” một lần nữa tô đậm thêm sự tôn kính, biết ơn tự hào của tác giả cũng như của dân tộc VN đối với Bác. 6 - Hình ảnh ẩn dụ : “Sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi” + ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ (sấm cuối mùa, sâm cuối hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu). + Ý nghĩa ẩn dụ : Sấm : những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, con người càng trở nên vững vàng hơn. => Gợi cảm xúc tiếc nuối
Tài liệu đính kèm: