Đề kiểm tra học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà

doc 3 trang Người đăng dothuong Lượt xem 624Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà
 UBND Huyện hưng hà
 Phòng giáo dục và đào tạo
Đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
năm học 2011 - 2012
Môn: ngữ văn 6
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (6,0 điểm) 
Trình bày cảm nhận của em về bài thơ:
 Chuyện ở lớp
 - Tô Hà -
 “ Mẹ có biết ở lớp
 Bạn Hoa không học bài
 Sáng nay cô giáo gọi
 Đứng dậy đỏ bừng tai
 Mẹ có biết ở lớp
 Bạn Hùng cứ trêu con
 Bạn Mai tay dây mực
 Còn bôi bẩn ra bàn
 Vuốt tóc con mẹ bảo
 Thôi đừng kể đâu đâu
 Nói mẹ nghe ở lớp
 Con đã ngoan thế nào ?”
 (Dẫn theo “ Thơ với tuổi học trò” - NXB Giáo dục Việt Nam)
Câu 2: (14,0 điểm)
Hãy tưởng tượng, em đang là phóng viên cho tờ "Nhật báo của những chú dế " có trụ sở tại xóm Cỏ May. Sau khi nhận được tin báo về cái chết của Dế Choắt - một công dân của khu vực này, em đã xuống xóm Cỏ May lấy tin viết bài (Trong vai trò là một phóng viên mục An ninh xã hội). 
Dựa vào văn bản "Bài học đường đời đầu tiên"- Trích "Dế Mèn phiêu lưu ký"- Tô Hoài, em hãy kể lại cuộc gặp gỡ với những cư dân xóm Cỏ May để làm rõ sự thật về cái chết của Dế Choắt.
---Hết---
 Họ và tên thí sinh:Số báo danh
UBND Huyện hưng hà
Phòng giáo dục và đào tạo
hướng dẫn chấm
đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
Năm học : 2011 - 2012
Môn: Ngữ Văn 6 (Gồm 02 trang)
Câu 1: (6 điểm)
A. Yêu cầu: 
1. Về kỹ năng:
1.1 Bài viết có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
1.2 Diễn đạt lôgic, trong sáng, giàu cảm xúc.
1.3 Chữ viết cẩn thận, đủ nét, đúng chính tả.
2. Về nội dung: 
 Học sinh phát hiện và cảm nhận cái hay, cái đẹp của bài thơ và trình bày theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây chỉ là một hướng gợi ý cảm nhận.
2.1 Giới thiệu và nêu cảm nhận chung về bài thơ.
2.2 Cảm nhận cụ thể cái hay, cái đẹp của bài thơ.
- Bài thơ theo thể thơ năm tiếng, kết cấu giống như một câu chuyện, có lời kể, nhân vật, tình huống Đằng sau những dòng thơ ấm áp tình mẹ con và ấm áp những trao gửi nhẹ nhàng mà sâu lắng của tác giả.
- Em có giống nhân vật em bé trong bài thơ này không ? Toàn kể cái xấu, cái hư của bạn khác. Từ trong lời kể ấy, đọc tinh có thể thấy cái ngoan của người bị nói đến: ấy là vẻ xấu hổ không thuộc bài qua việc “đỏ bừng tai”. Chi tiết thơ này là tình cảm và cũng là sự tinh tế của tác giả, không nhìn việc một mặt - điều rất cần trong thơ, rộng hơn là trong đối xử với mọi người.
- Có thể thấy thái độ khuyên con của người mẹ trong câu hỏi sau khi dịu dàng vuốt tóc con. Thấy cái xấu cái hư của bạn để tránh nhưng trước hết là nên xét mình, thấy cái xấu, cái hư của mình để sửa.
- Bài thơ vừa là lời khuyên con chăm ngoan, vừa là bài học không nên chỉ chú ý khuyết điểm người khác mà quên xét nét mình.
- Thơ hay là thơ thấm đượm tình cảm và nhiều tầng ý nghĩa. Bài thơ toả sáng chiều sâu tình mẹ, nghệ thuật làm mẹ - dạy con biết yêu thương, biết nhìn toàn diện, độ lượng về cuộc sống, biết tự phê bình để từ đó lớn khôn lên.
B. Biểu điểm:
	- Điểm 5 - 6: HS cảm nhận đầy đủ, sâu sắc và tinh tế các yêu cầu trên, diễn đạt trong sáng, giàu chất văn, chữ viết đẹp, không sai chính tả.
	- Điểm 3 - 4: Phát hiện khá đầy đủ, diễn đạt khá lưu loát.
	- Điểm 1 - 2: Cảm nhận, phát hiện được một vài chi tiết đúng.
	- Điểm 0: Bài để giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.
Câu 2: 14 điểm
A. Yêu cầu:
1. Về kĩ năng
	Nắm được cách làm bài văn kể chuyện tưởng tượng: Dựng được cốt truyện, sắp xếp các tình tiết một cách hợp lý, xác định đúng ngôi kể, vận dụng linh hoạt các phương thức biểu đạt, kết hợp ngôn ngữ tự sự với miêu tả và biểu cảm. Đối với học sinh giỏi cần đặc biệt chú ý năng lực tưởng tượng và khả năng sáng tạo trong cách kể. Chữ viết cẩn thận, đủ nét, đúng chính tả.
2. Về kiến thức
	Bài viết bố cục theo nhiều cách. Dưới đây là một cách lập dàn ý:
	1. Mở bài: Giới thiệu cuộc gặp gỡ với những cư dân xóm Cỏ May (không gian, thời gian)
	2. Thân bài: Diễn biến của cuộc gặp gỡ:
- Cư dân xóm Cỏ May(Cào Cào, Gọng Vó...) bàn tán xôn xao về cái chết của anh Dế Choắt.
- Cái chết bất ngờ của Choắt liên quan đến Dế Mèn.
- Gặp gỡ và phỏng vấn Dế Mèn. (Miêu tả hình ảnh Dế Mèn: mặt mũi hốc hác, vẻ mặt buồn rầu đau khổ, đôi râu rủ xuống, mắt Mèn đỏ hoe...)
- Mèn kể lại việc Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thương tâm của Dế Choắt. Tâm trạng Dế Mèn; đau khổ, dằn vặt, ân hận, tự trách mình...
Mèn nhớ lại lời trăng trối của Dế Choắt, tự rút ra bài học đường đời đầu tiên.
	3. Kết bài: Cảm nghĩ từ bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
B. Biểu điểm:
* Điểm 13 - 14:
	- Nhận thức đề tốt, đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nội dung và phương pháp, cách kể có sáng tạo, khả năng tượng tượng phong phú.
	- Hành văn lưu loát, có ý thức sử dụng các biện pháp tu từ làm cho câu văn sinh động, cảm xúc. Những bài văn đạt điểm tối đa cũng có thể vẫn còn những sai sót nhỏ.
	* Điểm 10 - 12 điểm:
	- Hiểu đề, đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nội dung và phương pháp. cách kể có sáng tạo nhưng tưởng tượng chưa được phong phú.
	- Hành văn trôi chảy, có mắc một số lỗi diễn đạt.
	* Điểm từ 7 - 9:
	- Tỏ ra hiểu đề, kể được chuyện, đáp ứng được khoảng trên một nửa các yêu cầu, bố cục khá rõ ràng nhưng dấu ấn của sự sáng tạo không nhiều, chưa biết kết hợp các phương thức biểu đạt, có đoạn còn trần thuật truyện.
	- Hành văn nhìn chung trôi chảy, không mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	* Điểm 4 - 6: Tỏ ra hiểu đề nhưng nội dung còn sơ sài. Chủ yếu đi vào trần thuật lại văn bản mà không chú ý đến yêu cầu tưởng tượng, sáng tạo.
	* Điểm 1- 3: Không hiểu đề, bố cục không rõ ràng, chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
	* Điểm 0: Bài để giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_huyen_Ngu_van_6_HD_cham.doc