Đề kiểm tra học kỳ I, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn; lớp: 11 (thpt, gdtx)

doc 3 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2354Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra học kỳ I, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn; lớp: 11 (thpt, gdtx)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra học kỳ I, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn; lớp: 11 (thpt, gdtx)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG THPT
-----------—˜{™–----------
ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I, NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN: Ngữ văn; LỚP: 11 (THPT, GDTX)
Thời gian làm bài: 120 phút
(Không kể thời gian giao đề)
Câu 1. (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hi vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai.
Đâu những chiều sương phủ bãi đồng 
Lúa mềm xao xác ở ven sông 
Vẳng lên trong tiếng xe lùa nước 
Một giọng hò đưa hố não nùng.
(Trích “Nhớ đồng”, Tố Hữu)
a) Xác định phong cách ngôn ngữ chủ yếu của đoạn thơ. (0,25 điểm)
b) Đoạn thơ trên diễn tả tâm trạng gì của nhà thơ ? Những hình ảnh góp phần diễn tả rõ nét tâm trạng ấy. (0,75 điểm)
c) Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “bàn tay vãi giống” trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
d) Nêu tên và phân tích một phép tu từ có trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
[] Trên các cột đèn tín hiệu ở Bờ hồ Hoàn Kiếm, người ta đã lắp đặt thiết bị mà khi người đi bộ bấm vào nút thì xe cộ sẽ dừng lại để mình đi qua. Thế nhưng, thiết bị ấy hình như chỉ có người nước ngoài sử dụng, còn người mình thì cứ thế mà băng qua đường. Phóng viên đứng quan sát một lúc lâu và tưởng chừng như đã có thể đưa ra nhận xét cuối cùng về thử nghiệm kia, thì một nhóm 9X đã dùng nút bấm đó. Nhà báo vui mừng nhận xét: “Tương lai, 9X sẽ có ý thức giao thông tốt”
(Bài tập Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, trang 81)
Trình bày suy nghĩ của anh / chị sau khi đọc mẩu chuyện trên. (Bài viết không quá một trang giấy thi)
Câu 3. (5,0 điểm)
Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam). 
----------HẾT----------
Họ và tên học sinh:  Số báo danh: 
Chữ kí của 1 giám thi: .
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG THPT
-----------—˜{™–----------
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2015 – 2016 
MÔN: Ngữ văn; lớp 11 (THPT, GDTX)
(Hướng dẫn có 02 trang)
Câu 1. (2 điểm)
a) Phong cách ngôn ngữ chủ yếu của đoạn thơ: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. (0,25 điểm)
b) Đoạn thơ diễn tả một cách chân thực và rõ nét tâm trạng của nhà thơ: (0,25 điểm)
+ Tình cảm gắn bó máu thịt của nhà thơ đối với cuộc sống quê hương;
+ Nỗi nhớ nhung, thương nhớ quê hương tha thiết; tác giả đang trong dòng hồi ức miên man không dứt 
- Những hình ảnh góp phần diễn tả tâm trạng của tác giả: những trưa hiu quạnh, ruộng đồng quê, lưng cong, bùn hi vọng, những bàn tay, những chiều sương phủ bãi đồng, lúa mềm, tiếng xe lùa nước, giọng hò,  (0,5 điểm)
c) Ý nghĩa của hình ảnh “bàn tay vãi giống”: từ nghĩa đen là bàn tay vãi giống trên đồng ruộng (0,25 điểm) dẫn đến nghĩa bóng là bàn tay gieo sự sống mới cho đời (0,25 điểm).
d) Nêu tên và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ:
*Phép điệp ngữ (điệp từ / lặp từ / lặp từ ngữ / ): đâu những  đâu những  (0,25 điểm)
*Tác dụng: (0,25 điểm)
+ Diễn tả tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả đối với quê hương; những hình ảnh của quê hương giờ chỉ còn nhìn thấy trong tưởng tượng bằng trái tim chất chứa thương nhớ;
+ Câu hỏi đầy trăn trở cứ lặp đi lặp lại phản ánh nỗi nhớ thương, khắc khoải và hoài vọng đau đáu khôn nguôi 
Câu 2. (3,0 điểm)
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25 điểm)
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,5 điểm)
Đây là dạng đề mở nên thí sinh có thể lựa chọn các vấn đề khác nhau để bàn luận nhưng cần gắn với văn bản đã cho.
Gợi ý một số vấn đề: Ý thức về tham gia giao thông của người Việt Nam hiện nay (trong đó có thế hệ 9X); Một tương lai mới mở ra với thế hệ 9X biết kỉ luật, chấp hành tốt các quy định;  
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động:
- Giải thích: Từ mẩu chuyện, giải thích vấn đề đã nêu ra ở mở bài. (0,25 điểm)
- Bàn luận: (1,25 điểm)
+ Thí sinh trình bày nhận định, đánh giá ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đề bằng cách lập luận và phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề. (ví dụ: Tình trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay và ý thức của người tham gia giao thông; Vì sao lại có những tình trạng như vậy; Biểu hiện; Ý thức của 9X; Thế hệ 9X ngày nay biết kỉ luật tốt; Tương lai đất nước phụ thuộc vào các thế hệ mai sau;)
+ Bày tỏ thái độ, suy nghĩ của bản thân.
- Bài học nhận thức và hành động: Rút ra bài học phù hợp cho bản thân. (0,25 điểm)
4. Sáng tạo: (0,25 điểm)
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: (0,25 điểm)
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 3. (5,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng: 
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu hợp lí, phân tích được ý nghĩa của hình tượng chuyến tàu đêm như một biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm yêu thương vô hạn của Thạch Lam với những người nghèo; diễn đạt trôi chảy; cách dùng từ, đặt câu mạch lạc; văn viết đúng chính tả. 
b. Yêu cầu về kiến thức: 
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Thạch Lam và truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận.
- Chuyến tàu đi qua phố huyện mang đến ánh sáng, làm huyên náo trong chốc lát rồi lại chìm vào bóng tối.
- Tâm trạng chị em Liên: hân hoan hạnh phúc khi tàu đến, bâng khuâng lúc tàu đi qua.
- Con tàu mang theo ước mơ về một thế giới khác sáng sủa hơn và đánh thức trong Liên những hồi ức về Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực và huyên náo.
- Chuyến tàu đêm là biểu tượng về một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện.
- Tác giả sử dụng bút pháp tương phản, đối lập; giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng.
- Đánh giá chung về ý nghĩa hình ảnh đã phân tích: “Hình tượng chuyến tàu đêm như một biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm yêu thương vô hạn của Thạch Lam với những người nghèo”
Cách cho điểm:
Điểm 5: Bài làm đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có sáng tạo, phát hiện mới mẻ đáng trân trọng, có thể có một số sai sót không đáng kể. 
Điểm 4: Bài làm đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu trên, mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả.
Điểm 3: Bài làm đáp ứng được ½ các yêu cầu trên, mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả. 
Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
Điểm 1: Bài làm còn sơ sài, mắc rất nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
Điểm 0: Bài làm hoàn toàn lạc đề.
 HẾT 

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HKI_Ngu_Van_11_20152016_De_thi_de_nghi.doc