ĐỀ SỐ 5 I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2 điểm) - Thời gian làm bài 10 phút Thí sinh đọc các câu ca dao sau rồi trả lời các câu hỏi nêu ở dưới bằng cách chọn chữ cái chỉ kết quả mà em chọn là đúng và ghi vào tờ giấy làm bài. (1) Thương thay thân phận con tằm, Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ. (2) Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng. Có xáo thì xáo nước trong ðừng xáo nước đục đau lòng cò con. (3) Nước non lận đận một mình, Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay. Ai làm cho bể kia đầy, Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? Câu 1: Các câu ca dao trên cùng chủ đề nào? A. Tình cảm gia đình B.Tình yêu quê hương C. Than thân D. Châm biếm Câu 2: Biện pháp tu từ từ vựng nào đều được sử dụng trong các câu ca dao trên? A. nhân hóa B. ẩn dụ C. so sánh D. hoán dụ Câu 3: Nội dung biểu đạt chủ yếu trong các câu ca dao trên là gì? A. Cảm thông với cuộc đời, thân phận người lao động trong xã hội phong kiến. B. Phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến gây ra nỗi khổ cho con người. C. Ca ngợi tính cách chịu thương, chịu khó của người lao động trong xã hội phong kiến. D. Diễn tả nỗi nghèo khó của người lao động trong xã hội cũ. Câu 4: Phương thức biểu đạt nào được sử dụng chủ yếu trong các câu ca dao trên? A. tự sự B. biểu cảm C. miêu tả D. lập luận Câu 5: Từ "thân phận" trong câu "Thương thay thân phận con tằm" có nghĩa là gì? A. Chỉ cuộc đời riêng của một con người B. Chỉ cuộc đời những con người bất hạnh, buồn đau C. Chỉ người thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội D. Chỉ con người có địa vị xã hội thấp và cảnh ngộ không may Câu 6: Có mấy cặp từ trái nghĩa được sử dụng trong các câu ca dao trên? A. 1 B. 2 C. 3 D. 4 Câu 7: Dòng nào sau đây không có chứa đại từ? A. Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay B. Ai làm cho bể kia đầy C. Ông ơi ông vớt tôi nao D. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng Câu 8: Từ nào sau đây cùng loại với từ láy "lận đận"? A. nho nhỏ B. đèm đẹp C. nhấp nhô D. lúng túng II - PHẦN TỰ LUẬN: (8 điểm) - Thời gian làm bài 80 phút Câu 1: (2 điểm) a. Hãy viết lại theo trí nhớ bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh. b. Phân tích hiệu quả biểu đạt từ những hình thức nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài thơ trên. Câu 2: (1 điểm) ..."Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: "Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra." (trích Cổng trường mở ra - theo Lý Lan) a. Xác định các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn trích trên? b. Những từ nào được sử dụng như đại từ xưng hô trong đoạn trích trên? Hãy cho thêm năm từ tương tự như thế. Câu 3: (5 điểm) Viết bài văn phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật chính trong câu chuyện sau: Đỗ thủ khoa đại học Y Dược TPHCM năm 2011 với điểm số rất ấn tượng - 29,5 điểm (trong đó Toán: 10; Hóa: 9,75; Sinh: 9;75) cậu học trò nghèo Nguyễn Tấn Phong (tổ 13, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) khiến mọi người thêm cảm phục về nghị lực vượt khó của mình. Đang lứa tuổi học trò nhưng Phong không biết đi chơi là gì. Bà Võ Thị Đãi, ngoại Phong nhìn cháu tắc lưỡi thương: "Học ở trường về, ngơi việc nhà là thằng nhỏ ngồi vào bàn học ngay. Hắn rứa chớ làm phụ gia đình rành rẽ đủ thứ từ nấu cám cho heo ăn, đêm hôm đi dẫn nước vào ruộng phụ mẹ. Mỗi lần nghỉ hè thì tranh thủ vô xưởng cá làm công để phụ kiếm tiền lo chuẩn bị nhập học cho năm học mới". Vì làm đủ thứ việc như vậy, Phong tự biết: thời gian tự học ở nhà của mình cũng eo hẹp lại nên để học tốt em phải tìm ra phương pháp học tốt và tập trung cao độ. Suốt 12 năm phổ thông em đều học khá, giỏi mà không đi học thêm gì. Chàng thủ khoa chia sẻ: "Ở trường, em tập trung nghe bài giảng rồi về nhà em ôn tập lại ngay. Chỗ nào chưa hiểu thì em thảo luận với bạn bè hay hỏi thầy, cô." Hỏi Phong là em đã tìm ra lời giải cho "bài toán" chuẩn bị ngày vào Sài Gòn nhập học sắp đến chưa, chàng thủ khoa chia sẻ những dự định đầy nghị lực: "Em đi học, nhà mất thêm một lao động, dù chỉ là phụ bà, phụ mẹ chút việc nhà thôi, và lại thêm một gánh lo. Nhưng em biết có học hành đàng hoàng mới có tương lai và có cơ hội trả hiếu cho bà, cho mẹ đã hy sinh nhiều cho mình..." Khánh Hiền - Nguồn: Dân Trí Đáp án đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2 điểm) - Thời gian làm bài 10 phút Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 Kết quả C B A B D C A D II - PHẦN TỰ LUẬN: (8 điểm) Câu 1: (2 điểm) a. (1đ) Viết chính xác bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh (SGK, trang 140, Ngữ văn 7, tập I) Mỗi câu đúng: 0,25đ Sai hoặc thiếu 1 từ: - 0,25đ Thiếu 1 câu: - 0,25đ Sai 2 lỗi chính tả: - 0,25đ Thiếu tên tác giả hoặc thiếu tên tác phẩm: - 0,25đ b. (1đ) Phân tích hiệu quả biểu đạt từ những hình thức nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài thơ Cảnh khuya: Bằng việc sử dụng kết hợp các hình thức nghệ thuật như thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật; nhiều hình ảnh thơ lung linh, kì ảo; các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ; đặc biệt có có sự sáng tạo về nhịp điệu ờ các câu 1, 4... (0,75đ), bài thơ thông qua miêu tả cảnh núi rừng Việt Bắc trong một đêm trăng đã thể hiện tình cảm yêu thiên nhiên, yêu đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh. (0,25đ) Câu 2: (1 điểm) a. (0,25đ) Các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn trích: khai trường, can đảm, thế giới, kì diệu. b. - (0,25đ) Những từ được sử dụng như đại từ xưng hô trong đoạn trích: mẹ, con - (0,5đ) Cho thêm đúng được năm từ tương tự (Chẳng hạn: ông, bà, ba, mẹ. anh, chị...) - (0,25đ) Nếu chỉ cho thêm đúng từ hai đến bốn tử Câu 3 (5 điểm) - Yêu cầu: * Hình thức: Học sinh viết được văn bản biểu cảm có kết hợp với yếu tố tự sự, miêu tả; bố cục rõ ràng; lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu... * Nội dung: (4đ) Cảm nghĩ về nhân vật chính trong câu chuyện. * Tiêu chuẩn cho điểm: Sau đây là một gợi ý: a. Mở bài: (0,5đ) Giới thiệu khái quát về nhân vật chính trong câu chuyện và tình cảm của em đối với nhân vật ấy. b. Thân bài: (3đ) Biểu cảm về nhân vật chính trong câu chuyện. (0,5đ) - Sơ lược về nhân vật: hoàn cảnh nhà nghèo, tự học, đỗ thủ khoa trường đại học Y Dược... (1,5đ) - Cảm nghĩ về nhân vật: cảm phục về nghị lực vượt khó, có phương pháp học tập khoa học, là tấm gương hiếu thảo...(dẫn chứng từ câu chuyện) (1,0đ) – Học tập ở nhân vật: nỗ lực học tập, rèn thói quen tự học, phụ giúp công việc nhà, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ... c. Kết bài: (0,5đ) Khẳng định lại tình cảm đối với nhân vật chính trong câu chuyện. * Hình thức: (1đ) Đúng phương pháp (0,25đ) Không mắc lỗi chính tả, diễn đạt (0,25đ) Bố cục đầy đủ 3 phần (0,25đ) Chữ viết dễ đọc, sạch sẽ (0,25đ) * Lưu ý: Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Tài liệu đính kèm: