Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn lớp 11 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Nam Trực

doc 12 trang Người đăng dothuong Lượt xem 640Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn lớp 11 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Nam Trực", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn lớp 11 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Nam Trực
SỞ GD& ĐT NAM ĐỊNH MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ I
TRƯỜNG THPT NAM TRỰC NĂM HỌC 2016-2017
 MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
 ( Thời gian làm bài : 90 phút, không kể thời gian giao đề)
 I. Chuẩn kiến thức, kĩ năng và năng lực cần đạt:
	1. Kiến thức, kĩ năng:
	- Hoàn thiện kiến thức đọc hiểu văn bản thông tin nhật dụng, văn bản nghị luận, thơ, kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội.
	- Hiểu được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các văn bản Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc, thơ trữ tình Việt Nam Trung đại (Ngữ văn 11).
	- Hiểu yêu cầu và cách thức vận dụng tổng hợp các thao tác và các phương thức biểu đạt trong cách làm bài.
 - Đánh giá kĩ năng đọc hiểu và tạo lập văn bản.
2. Năng lực hướng tới :
	- Năng lực thu thập, lựa chọn và xử lí thông tin, dẫn chứng tiêu biểu để tạo lập đoạn văn bản.
	- Năng lực phân tích và đề xuất cách giải quyết những tình huống cụ thể được đặt ra trong tác phẩm và trong thực tiễn đời sống được gợi ra từ tác phẩm thơ.
	- Năng lực trình bày, cảm nhận, suy nghĩ và quan điểm của cá nhân để giải quyết những vấn đề liên quan đến xã hội.
II. Hình thức bài kiểm tra: Tự luận
III. Ma trận
Mức độ
Chủ đề
Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Cộng
Thấp
Cao
Chủ đề 1: Đọc hiểu
-Văn bản văn học
-Văn bản nhật dụng
- Nhận diện được phương thức biểu đạt/ thao tác lập luận/ thể loại...của văn bản.
- Nội dung/ chủ đề của văn bản.
 - Hiểu và lí giải được các chi tiết, hình ảnh, các biện pháp tu từ. 
Liên hệ với thực tế đời sống	
Số câu
 1 câu 
3 câu 
1 câu 
5 câu
Số điểm
0.5
2.0
0.5
3,0
%
5%
20 %
5%
30%
Chủ đề 2: Làm văn
Nghị luận xã hội
-Nghị luận về một tư tưởng đạo lí hoặc một hiện tượng đời sống
Nhận biết được vấn đề đặt ra ở đề bài 
- Hiểu đúng vấn đề cần bàn luận.
- Biết lựa chọn và sắp xếp các luận điểm.
- Vận dụng những hiểu biết xã hội và kĩ năng tạo lập văn bản để viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, một hiện tượng đời sống.
- Bày tỏ quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân..
Liên hệ với đời sống thực tế, so sánh mở rộng vấn đề NL
Số câu
(ý 1 câu 2)
(ý 2 câu 2 )
(ý 3câu 2)
(ý 4 câu 2 )
1 câu
Số điểm
0.25
0.25
1.0
0.5
2.0
%
2,5%
2,5 %
10 %
5%
20%
Nghị luận văn học
Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc, thơ trữ tình Việt Nam Trung đại 
- Nhận biết những nét chính về tác giả, tác phẩm Thơ ca Trung đại Việt Nam và Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc, đã học trong chương trình lớp 11 kì I
- Xác định được vấn đề cần bàn luận, phạm vi dẫn chứng, các thao tác lập luận 
- Hiểu được đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, chi tiết,  trong tác phẩm.
- Lí giải được vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, mối quan hệ giữa văn học và đời sống, phong cách nghệ thuật tác giả.
- Vận dụng kiến thức đã học viết một bài nghị luận văn học về một trích đoạn, một tác phẩm, một vấn đề văn học
- Bày tỏ được cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm của cá nhân về vấn đề cần bàn luận.
Liên hệ với đời sống thực tế, so sánh mở rộng vấn đề NL
số câu
(ý 1 câu 3)
(ý 2 câu 3 )
(ý 3câu 3)
(ý 4câu 3)
1 câu
Số điểm
0.5
0.5
3.5
0.5
5.0
%
5%
5 %
35%
5%
30%
Tổng
số câu
7
số điểm
1.25
2.75
4.5
1.5
10
%
12.5%
27.5%
45%
15%
100%
SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH
TRƯỜNG THPT NAM TRỰC
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KI I
NĂM HỌC 2016 – 2017
MÔN : NGỮ VĂN 11
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: 
 Hôm nay là ngày đầu tiên thầy giáo mới vào dạy môn Toán . Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm . Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho ba loại đề khác nhau rồi nói :
- Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ vừa khó , nếu làm hết các em sẽ được điểm 10 . Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ . Đề thứ ba có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ . Các em được quyền chọn đề cho mình .
 Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên ai cũng chọn đề thứ 2 cho chắc ăn .
 Một tuần sau, thầy trả bài kiểm tra . Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó , bất kể làm đúng hay sai . Lớp trưởng hỏi thầy :
Thưa thầy tại sao lại như thế a.?
Thầy cười nghiêm nghị trả lời :
Với bài kiểm tra này thầy chỉ muốn thử thách .
 ( Trích “ Hạt giống tâm hồn” )
1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản .
2. Tại sao cả lớp lại ngạc nhiên khi thầy giáo trả bài kiểm tra ?
3. Hãy viết tiếp câu nói của thầy với cả lớp sao cho phù hợp với mạch nội dung của câu chuyện trên ( tối đa 4 dòng )
4. Bài kiểm tra kì lạ của người thầy trong câu chuyện trên đã dạy cho chúng ta bài học gì ?
Trình bày suy nghĩ bằng một đoạn văn ( 7 - 10 dòng )
II. Phần làm văn ( 7,0 điểm )
Câu 1 ( 2,0 điểm )
 Cho đoạn văn bản sau:
 “ Đã từng có cuộc vận động quy mô cho một triệu chữ kí ủng hộ đội tuyển bóng đá nước ta, do một doanh nghiệp tài trợ và được đông đảo mọi người ủng hộ , thậm chí còn tổ chức những ngày “hội kí” rầm rộ . Có phải bạn cũng đã từng kí vào tấm băng rôn ấy ? Vậy mà trang web ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam kia chỉ có số chữ kí 40 lần nhỏ hơn thế, mà trong đó một phần không nhỏ do công dân các nước khác tham gia . Trong khi, để kêu gọi sự quan tâm của thế giới tới các nạn nhân chất độc màu da cam , bạn chỉ cần dành hai phút thôi , với chỉ vài cái nhấp chuột thôi, giữa hàng giờ lướt trên internet mỗi ngày”
 ( Dựa vào bài “ Chúng ta có vô cảm không ?” , báo điện tử TintucVietnam.com, ngày 7-8- 2004)
 Trình bày suy nghĩ của anh ( chị) sau khi đọc đoạn văn bản trên. Trình bày bằng một bài văn nghị luận ( khoảng 200 từ.)
Câu 2 (5,0 điểm )
 Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình qua bài thơ “ Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ?
  HẾT..
 HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I
 NĂM HỌC: 2016 – 2017
 MÔN NGỮ VĂN 11
A. YÊU CẦU CHUNG
 - Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh , tránh đếm ý cho điểm . Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm , sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí , khuyến khích những bài viết có cảm xúc , sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề , diễn đạt tốt vẫn cho điểm đủ điểm .
- Điểm bài thi có thể lẻ đến 0,5 điểm.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
I. Phần đọc hiểu ( 3,0 điểm)
Câu 1: Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng nhận biết phương thức biểu đạt của văn bản ( 0,5 điểm )
Mức đầy đủ : Phương thức thức tự sự 
Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác
Câu 2: ( 0,5 điểm)
Mức đầy đủ : Cả lớp ngạc nhiên khi thầy giáo trả bài kiểm tra vì ai chọn đề nào thì sẽ được tổng số điểm của đề đó.
Mức không đầy tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 3: Viết tiếp lời thầy :( 1,0 điểm)
Mức đầy đủ: Nói về lòng tự tin , dám đối đầu với thử thách để biến ước mơ thành sự thật ( viết không quá 4 dòng)
Mức không đầy đủ : viết được 1/ 2 ý nêu trên 
Mức không tính điểm : Không trả lời hoặc có câu trả lời khác 
Câu 4: Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng liên hệ với thực tế đời sống từ vấn đề đặt ra trong văn bản ( 1,0 điểm)
 Bài kiểm tra kì lạ của thầy đã dạy cho chúng ta một bài học : “ Có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn nên dễ làm chúng ta nản chí , không tin là mình có thể làm được . Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh cao của sự thành công . Vì thế mỗi chúng ta cần rèn luyện cho mình sự tự tin để chiến thắng chính mình, vững vàng trước khó khăn thử thách , trưởng thành hơn trong cuộc sống và vươn tới thành công.
Mức đầy đủ : HS trả lời được cơ bản như nội dung trên 
Mức không đầy đủ : Hiểu vấn đề song trình bày suy nghĩ một cách chung chung hoặc HS có những suy nghĩ khác đúng đắn , thuyết phục
Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác .
Phần II : Làm văn ( 7,0 điểm )
 Câu 1 ( 2,0 điểm )
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
 * Yêu cầu cụ thể
: a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự thờ ơ vô cảm của một số người trong xã hội chỉ quan tâm đến nhu cầu, sự đam mê cá nhân mà quên đi khó khăn hoạn nạn của người khác..
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm): 
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau;
+ Giải thích : Vấn đề đặt ra từ mẩu tin trên đó là sự ích kỉ vô trách nhiệm của một số người trong xã hội . Họ chỉ mải đắm chìm trong sở thích cá nhân mà thơ ơ với nỗi khổ của những người xung quanh mình.
+ Bàn luận :
Biểu hiện của bệnh vô cảm : Xuất hiện ở mọi nơi, mọi lứa tuổi , đặc biệt là trong giới trẻ ngày nay. Đó là căn bệnh lây lan nhanh , rộng khắp mọi nơi với những biểu hiện đáng sợ ( vô cảm với bạn bè, gia đình, những người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoạn nạn.. .( dẫn chứng ).
Nguyên nhân: Thiếu sự giáo dục từ phía gia đình , thiếu ý thức trách nhiệm , chạy theo lối sống thực dụng 
Tác hại: Vô cảm biến con người thành kẻ vô lương tâm, vô trách nhiệm , thậm chí vô cảm còn dẫn con người đến các hành vi tội ác.
Phê phán lối sống tiêu cực đó 
+ Rút ra bài học nhận thức và rèn luyện thái độ sống đúng đắn : Mỗi các nhân cần phải rèn luyện cho mình một lối sống lành mạnh biết sẻ chia, đồng cảm yêu thương với những người xung quanh góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp .
- Điểm 1,0: Đáp ứng các yêu cầu trên, bài viết diễn đạt tốt.
- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. 
- Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,25 điểm) 
- Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
Câu 2 ( 5,0 điểm )
 * Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; có khả năng liên tưởng, tượng tượng tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
 * Yêu cầu cụ thể: 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ được gói gọn trong hai từ “ ngất ngưởng”. Đó là một thái độ sống , một quan niệm sống tích cực của một con người có bản lĩnh biết sống và dám sống cho mình .
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng ( 3,0 điểm)
Điểm 3,0 đảm bảo các yêu cầu trên ; có thể trình bày theo định hướng sau
* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm ; Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ có thể xem đó là bức chân dung tự họa của chính tác giả .
* Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình:
Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được gói gọn trong hai từ “ ngất ngưởng” được nhắc lại 4 lần trong bài thơ . “ Ngất ngưởng” hàm chỉ một thái độ sống, một quan niệm sống đề cao bản thân, khinh đời ngạo thế ; không muốn khép mình vào khuôn phép mà muốn tự do hành xử theo nhu cầu và sở thích cá nhân.
Bài ca ngất ngưởng đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Nguyễn Công Trứ trên các phương diện sau:
 + Ngất ngưởng ở chí khí phi thường ( 2 câu đầu) : Tự tin đến mức kiêu hãnh về vị trí vai trò của mình trong cuộc đời ; chủ động dấn thân hành đạo để lập công, lập danh và cũng là để thực hiện trách nhiệm lớn lao đối với đời.
 + Ngất ngưởng ở tài năng xuất chúng ( 4 câu tiếp ) : Qua sự hồi tưởng về những gì mình đã làm cho đời , Nguyễn Công Trứ bộc lộ niềm tự hào khi mình đã tạo dưng được một sự nghiệp hiển hách . Tài năng của Nguyễn Công Trứ được bộc lộ ở nhiều vị trí . ở vị trí nào ông cũng xuất sắc hơn người .
+ Ngất ngưởng ở cá tính độc đáo ( 6 câu tiếp ): thể hiện ở hành động ngất ngưởng khi từ quan : về hưu ông cưỡi bò cái , đeo đạc ngựa cho bò ; ngất ngưởng tại cửa Phật : đi chùa mang theo cả “một đôi dì” . Đây là hành động trái khoáy khác đời, khác người , một cách chơi ngông để thể hiện cá tính mạnh mẽ , khẳng định cái tôi riêng độc đáo .
+ Ngất ngưởng ở nhân cách cao đẹp ( 7 câu cuối) : Thể hiện ở quan niệm sống thanh cao , sống thuận theo lẽ tự nhiên , bản lĩnh vững vàng , không quá bận lòng đến sự được mất , khen chê ở đời , không đua chen trong vòng danh lợi mà sống theo cách của mình ; ở đạo lí làm người : tấm lòng thủy chung của ông đối với dân với nước .
* Đánh giá khái quát : Qua thái độ ngất ngưởng , tác giả muốn thể hiện một phong cách sống đẹp có bản lĩnh : Ý thức rõ về giá trị của bản thân: tài năng, địa vị, phẩm chất , hết lòng vì vua , vì nước bất chấp mọi được mất khen chê ở đời . Đó là quan niệm sống tích cực biết sống và dám sống cho mình.
* Liên hệ bản thân: Từ vẻ đẹp của hình tượng rút ra bài học sâu sắc cho bản thân ( 0,5 điểm) 
Luôn ý thức được giá trị của bản thân , sống có lí tưởng hoài bão cao đẹp , sống có cá tính và bản lĩnh vững vàng , nhiệt tình cống hiến tài năng tâm huyết để xây dưng đất nước . Muốn vậy tuổi trẻ cần phải ra sức học tập trau dồi tri thức và rèn luyện nhân cách và phẩm chất để khẳng định bản thân và cống hiến cho đất nước.
* Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. 
- Điểm 2,5 - 2,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ. 
- Điểm 2,0 -2,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 1,5 - 1,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,5: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,5 điểm) 
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
 .Hết.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_8_tuan_KHI_nam_20162017.doc