Đề kiểm tra chất lượng Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Kim Sơn

doc 3 trang Người đăng dothuong Lượt xem 443Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra chất lượng Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Kim Sơn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra chất lượng Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Kim Sơn
PHÒNG GD&ĐT KIM SƠN
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 8
ĐẦU NĂM HỌC 2015- 2016
Môn : Ngữ Văn
Thời gian: 90 phút
(Không kề thời gian phát đề)
Câu 1 (2,0 điểm):
Câu đặc biệt trong các câu sau có tác dụng gì?
a) Một đêm mùa xuân. Trên dòng sông êm ả, cái đò cũ của Bác Tài Phán từ từ trôi.
b) Đoàn người nhốn nháo lên. Tiếng reo, tiếng vỗ tay.
c) “Trời ơi!” cô giáo tái mặt và nước mắt giàn giụa lũ nhỏ cũng khóc mỗi lúc một to hơn.
d) An gào lên:
– Sơn! Em Sơn! Sơn ơi!
– Chị An ơi
Câu 2 (3,0 điểm):
Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong 2 bài ca dao sau?
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Câu 3 (5,0 điểm):
Giải thích điều nhắn nhủ trong câu ca dao sau:
 Nhiễu điều phủ lấy giá giương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
—————– hết ——————–
ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM  HỌC 2015-2016
MÔN NGỮ VĂN Lớp 8
Câu 1 (2 điểm) – mỗi ý xác định đúng 0.5 đ
a) Xác định thời gian nơi chốn diễn ra sự việc.
b) Liệt kê thông báo sự tồn tại của hiện tượng.
c) Bộc lộ cảm xúc.
d) Gọi đáp.
Câu 2 (2.5 điểm): Học sinh có thể trình bày theo nhiều các khác nhau xong phải đảm bảo các ý sau:
– Bài thứ nhất: là một so sánh đẹp, người con gái đang tuổi mới lớn đầy sức sống tươi trẻ như chẽn lúa đòng đòng đang thời kỳ phát triển đâm trồi nảy lộc dưới ánh nắng hồng. Một vẻ đẹp trẻ trung, yêu đời, đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. (1.5 điểm)
– Bài thứ hai: Cũng là một hình ảnh so sánh về người con gái với tấm lụa đào nhưng mỏng manh yếu đuối. Câu ca dao gợi lên những thân phận tội nghiệp cay đắng của người phụ nữ, nêu lên sự đồng cảm sâu sắc về nỗi khổ của họ, số phận bị phụ thuộc, chìm nổi (phất phơ giữa chợ nơi mà mọi người tự do buôn bán trao đổi, nơi mà khi đó con người có thể bị coi là hàng hóa để mua bán trao đổi), lênh đênh vô định (vào tay ai? Người tốt người xấu), không có quyền tự mình quyết định cuộc đời.  Đồng thời bài ca dao có thể như lời phản kháng về sự bất công thiệt phận của người phụ nữ bình dân trong xã hội cũ. (1.5 điểm)
Câu 3 (5 điểm):
– Bố cục đầy đủ 3 phần:.
– Đúng thể loại văn nghị luận giải thích, có dẫn chứng sinh động lời văn rõ ràng, giàu cảm xúc, trình bày sạch đẹp
* Mở Bài : Giới thiệu khái quát nội dung câu tục ngữ. (0.5đ)
* Thân Bài: Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ: (4 đ) qua đó ta hiểu ông cha ta muốn nhắn nhủ ta điều gì. Giải thích vì sao ông cha ta lại khuyên chúng ta điều đó. Chứng minh đạo lý mà ông cha ta đã nhắn nhủ qua câu ca dao
+ Sự yêu thương đùm bọc trong gia đình
+ Sự yêu thương giúp đỡ nhau ở ngoài xã hội.
Phê phán những người đi ngược lại đạo lí của dân tộc
* Kết Bài:
Nêu ý nghĩa và bài học trong lời khuyên của ông ta trong câu ca dao (0.5đ)
THAM KHẢO BÀI CỦA HỌC SINH
Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Để diễn đạt tình nghĩa tha thiết này, ca dao có câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Những hình ảnh trong câu ca dao thật dễ hiểu nhưng ý nghĩa của nó thì thật là sâu sắc. “Nhiễu điều” là tấm vải đỏ; “giá gương” là giá đỡ tấm gương. Hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” có nghĩa đen là tấm vải đỏ che phủ, giữ cho sạch và làm đẹp cho giá gương cùng cả tấm gương. Hai tiếng “phủ lấy” nhắc nhở, thể hiện sự gắn bó không tách rời giữa giá gương và nhiễu điều. Hình ảnh đó còn gợi lên nghĩa bóng đó là sự yêu thương, đùm bọc, che chở. Lấy nghĩa bóng đó, dân gian muốn nhắn nhủ mọi người trong cùng một cộng đồng cần phải biết yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là một lời khuyên nhủ đậm đà tình nghĩa.
Vậy thì tại sao người trong một nước phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau? Trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều tin các dân tộc trên đất nước ta là anh em. Con người cùng một nước, có cùng chung một nguồn gốc lịch sử. Mọi người trong cùng cộng đồng, cùng làng, cùng nước, đời sống vật chất, tinh thần luôn gắn bó với nhau, rất cần đến sự quan tâm động viên giúp đỡ lẫn nhau; nhất là lúc có ai đó gặp khó khăn hoạn nạn. Hơn nữa, không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội mà phải hoà nhập vào cộng đồng. Thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là lẽ sống của mỗi người, nó đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Tình cảm yêu thương đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần sẽ giúp con người vượt qua bao khó khăn, chiến thắng kẻ thù và thiên tai, đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể kể đến các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta. Rồi những tấm lòng hảo tâm đóng góp vào các quỹ từ thiện đã giúp nhiều người nghèo khó, bệnh tật khắc phục được hoàn cảnh, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo trở về với cuộc sống bình thường.
Chúng ta phải làm thế nào để phát huy được đạo lí tốt đẹp đó? Chúng ta cần tránh quan điểm : “Đèn nhà ai người ấy rạng.”, có thái độ dửng dưng đứng trước nỗi đau khổ của họ hàng, làng xóm, dân tộc. Và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng chân thành, tự nguyện thì đó mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Để phát huy được đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, chúng ta phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoạn nạn với thái độ chân thành, kịp thời. Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc. Mỗi người cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Ý nghĩa của câu ca dao đã trở nên muôn đời. Vì đó là bài học đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó.

Tài liệu đính kèm:

  • doc1516-kim sơn KSCL dau nam Văn 8.doc