Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 7 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 648Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 7 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 7 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà
 UBND Huyện hưng hà
 Phòng giáo dục và đào tạo
Đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
năm học 2011-2012
Môn: ngữ văn 7
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (6,0 điểm) 
Trình bày cảm nhận của em về bài thơ:
 Các nhà toán học của mùa xuân
 - Đặng Hấn -
 "Cánh én làm phép trừ
Trời bớt đi giá rét.
Bầy chim làm phép chia
Niềm vui theo tiếng hót.
Tia nắng làm phép nhân
Trời sáng cao rộng dần.
Vườn hoa làm phép cộng
Số thành là Mùa Xuân."
 (Trích "Văn học và Tuổi trẻ", số Tháng 01- 2006)
Câu 2: (14,0 điểm) 
 	Tình yêu quê hương đất nước là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm văn học. Em hãy trình bày cảm nghĩ của mình về những biểu hiện của tình yêu ấy qua một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam( từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX) trong chương trình Ngữ văn 7.
---Hết---
 Họ và tên thí sinh:Số báo danh
UBND Huyện hưng hà
Phòng giáo dục và đào tạo
Hướng dẫn chấm
đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
Năm học : 2011 - 2012
Môn: Ngữ Văn 7 (Gồm 02 trang)
Câu 1: (6 điểm)
A. Yêu cầu: 
1. Về kỹ năng: Bài viết có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Diễn đạt lôgic, trong sáng, giàu cảm xúc. Chữ viết đẹp, không sai chính tả.
2. Về nội dung: 
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một hướng cảm thụ.
2.1 Cảm nhận chung: Bài thơ ngũ ngôn giản dị, tươi sáng có đáp số kỳ diệu: Thiên nhiên, vạn vật đều góp sức đem mùa xuân về cho cuộc đời.
2.2 Cảm nhận chi tiết:
 	- Bài thơ theo thể ngũ ngôn nhưng kết cấu các khổ thơ khá đặc biệt, mỗi khổ chỉ có hai dòng như những nét chấm phá diệu kỳ cho bức tranh ngày xuân. Mỗi cảnh vật góp một chút, điểm tô một chút sẽ tạo ra một mùa xuân tươi đẹp, tràn trề nhựa sống.
	- Những hình ảnh quen thuộc, cụ thể của mùa xuân: "cánh én", "bầy chim", "tia nắng", "vườn hoa " được tác giả nhân hóa tài tình, được nhìn qua lăng kính của trẻ thơ rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Nhà thơ của vùng đất Thái Bình đã thật khéo cho "cánh én" đưa thoi mang đi cái lạnh giá mùa đông, đón về "nắng" ấm với chim ca lảnh lót, đem chia đều cho mọi nhà. Lẽ thường các phép toán vốn vận vào các con số chính xác khoa học. Nay cộng, trừ, nhân, chia lại là công việc của hoa, chim, nắng... Để cuối cùng tạo thành một đáp số chung kỳ diệu, một mùa xuân dâng cho đất trời, cho muôn người... Phép nhân hóa đã biến cánh én, bầy chim, tia nắng, vườn hoa thành các nhà toán học, vẽ tranh và làm thơ xuân.
	- Bức tranh có bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia mà sống động, vui tươi, giàu hình ảnh, tràn đầy sức xuân. Mùa xuân là kết tinh chung của đất trời, là do tạo vật "trừ, nhân, chia, cộng" mà thành. Bài thơ ngắn mà thật giàu hình tượng, gợi thật nhiều cảm xúc cho người đọc. Đọc bài thơ, ta như nghe thấy mùa xuân đã về bên cạnh, đã lan tỏa không gian, rạo rực đất trời.
	- Bài thơ bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cái đẹp của cuộc sống.
B. Biểu điểm:
	- Điểm 5 - 6: HS cảm nhận đầy đủ, sâu sắc và tinh tế các yêu cầu trên, diễn đạt trong sáng, giàu chất văn, chữ viết đẹp, không sai chính tả.
	- Điểm 3 - 4: Phát hiện khá đầy đủ, diễn đạt khá lưu loát.
	- Điểm 1 - 2: Cảm nhận, phát hiện được một vài chi tiết đúng.
	- Điểm 0: Bài để giấy trắng.
Câu 2 :
1. Về kĩ năng
1.1 Nắm vững phương pháp làm bài văn phát biểu cảm nghĩ
1.2 Bài viết có bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài , kết bài
1.3 Hành văn lưu loát , trong sáng, giàu cảm xúc
1.4 Chữ viết cẩn thận, đủ nét, đúng chính tả.
2.Về nội dung: 
 - Học sinh biết chọn lựa những tác phẩm tiêu biểu để biểu cảm về những biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước.
 - Có thể đi theo từng bài hoặc theo những biểu hiện riêng nhưng phải đảm bảo được những ý cơ bản sau:
2.1 Cảm nghĩ chung về đề tài: Tình yêu quê hương , đất nước là tình cảm rất tự nhiên trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Tình yêu đó có thể bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc hay gần gũi hơn là tình yêu với thiên nhiên, vạn vật. Chính đất nước quê hương đã đánh thức hồn thơ, tiếng lòng yêu quê hương của các thi nhân và trở thành một dòng chảy bất tận trong văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng.
2.2 Phát biểu cảm nghĩ về những biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước
2.2.1 ý thức tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc
- Hai câu đầu bài thơ : “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt(*) thể hiện niềm tự hào, ý thức quốc gia về chủ quyền lãnh thổ qua những từ ngữ quan trọng “Nam quốc,“Nam đế” ,“cư” với một cơ sở pháp lí theo quan niệm “thần quyền” của nhân dân.
- Hai câu đầu bài thơ : “ Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải là niềm tự hào về chiến thắng lẫy lừng đã đi vào lịch sử với tinh thần “Hào khí Đông A” bất diệt. Niềm vui ấy, khí thế ấy được gợi lên qua các địa danh lịch sử “Chương Dương”, “ Hàm Tử”, qua những từ ngữ thể hiện sức mạnh quật cường, đứng trên đầu thù “đoạt sáo”...
2.2.2 Lòng căm thù giặc sục sôi
 Hai câu thơ cuối trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” là lời kết tội đanh thép, đầy sức răn dạy, là sự coi thường, khinh bỉ, đồng thời cũng cảnh báo cho kẻ thù nếu đi ngược với đạo lí, đi ngược với lẽ trời thì sự đón nhận những thất bại là tất yếu.
2.2.3 Mong cho đất nước được thái bình, thịnh trị, bền vững muôn đời
- Hai câu cuối trong bài “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải như một lời tâm tình, nhắn nhủ với mình, với thế hệ mai sau về nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài về thái bình, thịnh trị qua lời thơ sâu lắng, thâm trầm : Giặc ngoại xâm đã bị quét sạch, đất nước đã thanh bình thì mỗi người dân phải “tu trí lực”, phải gắng sức đem tài trí của mình dựng xây đất nước.
2.2.4 Tình yêu đối với thiên nhiên , cảnh vật
- Đó là bức tranh thiên nhiên êm đềm, nên thơ của cảnh xóm thôn, làng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của vua Trần Nhân Tông.
- Đó là vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên Côn Sơn và tình yêu, sự gắn bó , giao hoà với thiên nhiên của Nguyễn Trãi.
- Đó có thể là một nỗi niềm tâm sự sâu kín của nữ sĩ Thanh Quan trước cảnh Đèo Ngang...
2.2.5 Khái quát
- Tình yêu quê hương đất nước được biểu hiện ở nhiều màu vẻ, thể hiện sâu sắc nhiều cung bậc tình cảm của con người.
- Liên hệ với những bài thơ cùng đề tài, bài học đọng lại trong em....
II. Biểu điểm
1. Điểm 13 - 14: Hiểu đề sâu sắc. Văn viết giàu cảm xúc. Bố cục rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt thông thường
2. Điểm 10 - 12: Hiểu đề. Đáp ứng 2/3 yêu cầu đề. Cảm xúc đôi chỗ còn mờ nhạt. Chữ viết dễ đọc, văn viết dễ hiểu, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
3. Điểm 7 - 9 : Hiểu đề. Đáp ứng 1/2 yêu cầu về nội dung. Cảm xúc còn chung chung, mờ nhạt, chưa rõ điểm nhấn.
4. Điểm 4 - 6 :Hiểu đề lơ mơ, chủ yếu đi vào diễn xuôi. Hành văn thiếu cảm xúc.Diễn đạt còn mắc nhiều lỗi.
5. Điểm 1 - 3 : Chưa hiểu đề. Nội dung sơ sài, kĩ năng kém. Chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
6. Điểm 0: Bỏ giấy trắng

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_huyen_Ngu_van_7_HD_cham.doc