Đề cương ôn thi học kì I Lịch sử lớp 11

docx 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 501Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn thi học kì I Lịch sử lớp 11", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn thi học kì I Lịch sử lớp 11
I/CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA
*Mở bài: Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều cuộc đấu tranh. Có những cuộc đấu tranh phi nghĩa, nhưng cũng có những cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì mưu cầu hạnh phúc cho con người. Và cuộc cách mạng tháng mười Nga là cuộc đấu tranh như thế, để lại dư âm lớn với chúng ta ngày hôm nay.
*Thân bài:
Nguyên nhân bùng nổ Cách mạng:
- Đầu thế kỷ XX, Nga trở thành một mắt xích yếu nhất trong dây chuyền chủ nghĩa đế quốc với nhiều những mâu thuẫn chồng chất.
- Về chính trị, nước Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, dưới sự thống trị và bóc lột tồi tệ của Nga hoàng Ni-cô-lai II. Do đó, nhân dân Nga và các dân tộc sinh sống trên đất nước Nga bị lâm vào đường cùng của cuộc sống, nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa chế độ Nga hoàng và nhân dân.
- Về kinh tế, cũng như xu hướng trên thế giới thời bấy giờ, kinh tế TBCN ở Nga hình thành và phát triển mạnh, tuy nhiên nó lại bị kìm hãm đáng kể bởi quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời. Nông nghiệp vẫn thô sơ, lạc hậu. 
- Chiến tranh Thế giới thứ I (1914-1918) bùng nổ, nước Nga tham chiến trong phe Hiệp ước, Nga hoàng Ni-cô-lai II đã đẩy nhân dân Nga vào cuộc chiến tranh Đế quốc phi nghĩa, đã gây ra những hậu quả nặng nề, đặc biệt đối với quần chúng nhân dân khi binh lính Nga chết trận nhiều vì đói à thiếu vũ khí trầm trọng, nhân dân tiếp tục bị đẩy vào cảnh bần cùng.
- Những mâu thuẫn trên ngày càng trở nên gay gắt đã đặt nước Nga trước một cuộc cách mạng mới.
- Năm 1903, Đảng Bôn-sê-vích Nga ra đời, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Lê-nin đã bắt tay vào phong trào Cách mạng, đưa tới bùng nổ Cách mạng Tháng Hai (tháng 2/ 1017) tạo tiền đề khách quan đưa tới bùng nổ Cách mạng Tháng Mười Nga, nước Nga Xô-viết ra đời.
Diễn biến Cách mạng
- Tháng 2 năm 1917, tại thủ đô Pê-tơ-rô-grát diễn ra cuộc tổng bãi công của 9 vạn nữ công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, cuộc tổng bãi công đã chuyển sang khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền lật đổ chế độ Nga hoàng – chế độ đã thống trị hàng trăm năm ở Nga.
- Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích đã bầu ra các Xô-viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Giai cấp tư sản đang nắm quân đội, nhân cơ hội chính quyền Xô-viết chưa đủ mạnh, đã tập hợp và thành lập Chính phủ lâm thời Tư sản. Nước Nga tồn tại cục diện song song hai chính quyền.
- Chính phủ Tư sản tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa, một mặt quay lại bóc lột đàn áp nhân dân một cách dã man; trong khi Chính quyền Xô-viết phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, ổn định đời sống nhân dân. Do đó mâu thuẫn trong xã hội Nga lại càng trở nên sâu sắc.
- Tháng 4 năm 1917, Lê-nin thông qua Luận cương tháng tư quyết định chuyển từ đấu tranh hòa bình sang khởi nghĩa vũ trang.
- Ngày 07/10/1917, Lê-nin bí mật từ Phần Lan trở về Nga trực tiếp lãnh đạo Cách mạng.
- Đêm 24/10/1917 (6/11), các đội Cận vệ đỏ chiếm những vị trí then chốt ở thủ đô.
- Đêm 25/10/1917 (7/11), quân khởi nghĩa chiếm Cung điện Mùa Đông, bắt toàn bộ chính quyền Chính phủ lâm thời.
- Đầu năm 1918, quân khởi nghĩa giành thắng lợi trên toàn đất nước Nga rộng lớn, chính quyền Xô-viết Nga cùng nhân dân xây dựng một đất nước kiểu mới.
Nguyên nhân thắng lợi & ý nghĩa lịch sử:
- Nguyên nhân thắng lợi: Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là do đường lối đấu tranh và sách lược đúng đắn của đảng Bôn-sê-vích mà lãnh đạo là Lê-nin, biết lợi dụng sức mạnh quần chúng đang chịu nhiều khổ cực do chiến tranh đế quốc. Ngoài ra, cuộc cách mạng cũng biết lợi dụng hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi các nước đế quốc đang tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có điều kiện can thiệp vào nước Nga.
- Ý nghĩa lịch sử: 
+ Đối với nước Nga: Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã lật đổ sự thống trị của tư bản Nga và tàn dư của phong kiến, đưa nhân dân Nga và hàng trăm dân tộc sinh sống trên đất Nga thành những người tự do, có quyền làm chủ vận mệnh đất nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại – lịch sử thế giới hiện đại. Lần đầu tiên, một đất nước chiếm 1/6 diện tích Trái Đất đi lên Chủ nghĩa xã hội.
+ Đối với thế giới: Cuộc Cách mạng đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong dây chuyền chủ nghĩa Đế quốc, làm cho CNTB không còn là hệ thống duy nhất thống trị thế giới. Thắng lợi này còn cổ vũ cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc Cách mạng trên thế giới ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh trong đó có Việt Nam.
*Kết luận: Cách mạng Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng điển hình, vĩ đại của lịch sử nhân loại. Nó đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ con người đấu tranh mưu cầu hạnh phúc. Cuộc CM Tháng Mười còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Thật vậy, tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tình cờ đọc được bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Le-nin đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự” và đã đi theo lý tưởng Độc lập dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và chủ nghĩa xã hội. 
II/ĐỨC GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI
*Mở bài: Vòng quay lịch sử cứ thế chầm chậm quay đi, để lại đằng sau là những thăng trầm của nó. Và đằng sau những thăng trầm ấy là những con người, những phần không thể thiếu để làm nên những tráng ca hào hùng hay những khúc sầu bi ai oán. Thật vậy, ở nước Đức, Hit-le là một nhà cầm quyền đã góp phần làm thay đổi bộ mặt chính trị nước Đức, đẩy nhân loại đến gần hơn với cuộc chiến tranh thế giới, với những chính sách theo hướng quân sự hóa. 
*Thân bài: 
Hoàn cảnh lịch sử:
-  Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cuối năm 1929 đã giáng đòn nặng nề làm kinh tế - chính trị - xã hội, Đức khủng hoảng trầm trọng .
- Để đối phó lại khủng hoảng, giai cấp tư sản cầm quyền quyết định đưa Hit-le thủ lĩnh Đảng Quốc xã Đức lên nắm chính quyền.
- Đứng đầu  Đảng Quốc xã là Hít le :
+ Công khai tuyên truyền tư tưởng phục thù cho nước Đức.
+ Chống cộng sản, đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và phân  biệt  chủng tộc .
+ Phát xít hoá bộ máy nhà nước
+Thiết lập nền chuyên chính độc tài do Hit-le làm thủ lĩnh tối cao và tuyệt đối.
- Đảng Cộng sản Đức kiên quyết đấu tranh song không ngăn cản được quá trình ấy. 
- Ngày 30/1/1933, Hit-le lên làm Thủ tướng. Chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức.
Nội dung công cuộc phát xít hóa đất nước của Hít-le
Trong thời kỳ cầm quyền (1933 - 1939) Hit-le đã thực hiện các chính sách tối phản động về chính trị, xã hội, đối ngoại.
*Chính trị:
+ Công khai khủng bố của Đảng phái dân chủ tiến bộ, đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
+ Thủ tiêu nền cộng hòa Vaima, thiết lập nền chuyên chính độc tài do Hit-le làm thủ lĩnh tối cao và tuyệt đối.
    Tháng 2/1933, chính quyền phát xít Đức dựng lên “vụ đốt cháy nhà Quốc hội” để lấy cớ khủng bố, tàn sát những người cộng sản. Năm 1934 Tổng thống Hin-đen-bua qua đời. Hit-le tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn nền cộng hòa Vaima, thay  vào đó là nền “Chuyên chế độc tài khủng bố công khai” mà Hit-le là thủ lĩnh tối cao và tuyệt đối.
+ Năm 1934 Hit le  xưng là quốc trưởng suốt đời .
- Toà nhà Quốc hội Đức bị đốt cháy , dẫn đến  việc  Đảng Cộng sản Đức sau đó bị cấm hoạt  động.
*Kinh tế:
 +Tổ chức nền kinh tế theo hướng tập trung mệnh lệch, phục vụ nhu cầu quân sự.
 +Thành lập Hội đồng kinh tế  (7-1933), phục hồi công nghiệp , nhất là công nghiệp quân sự , giao thông vận tải , giải quyết thất nghiệp
*Quân sự:
 + Hitler xây dựng nước Đức thành trại lính khổng lồ, trang bị hiện đại và không ngừng chạy đua vũ trang.
* Đối ngoại:  chuẩn bị chiến tranh
 +Nước Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để được tự do hành động.
 + Ra lệnh tổng động viên quân dịch (1935), xây dựng nước Đức trở thành một trại lính khổng lồ.
 + Ký với Nhật Bản “ Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản” hình thành khối phát xít Đức - Italia - Nhật Bản.
 => Mục tiêu: Nhằm tiến tới phát động cuộc chiến tranh để phân chia lại thế giới.
Kết quả:
- Những chính sách của Hitler đã kéo nước Đức ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phát triển trở lại, nhưng ông cũng là người biến nước Đức trở thành trại lính khổng lồ.
- Đức trở thành Đế quốc trẻ có tham vọng và hiếu chiến nhất, đặt nhân loại trước một cuộc chiến tranh mới – chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945).
* Kết luận:
Chiến tranh dù thắng hay thua cũng có những sự đau thương mất mát. Vì vậy cục diện nước Đức nêu trên đã đặt ra cho con người chúng ta ngày nay một trách nhiệm về việc giữ cho không có chiến tranh xảy ra trên thế giới lần nữa, vì đó sẽ là cuộc chiến tranh hủy diệt phi nghĩa...
III/ MỸ GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI
*Mở bài: Bánh xe lịch sử cứ thế chầm chậm quay đi, để lại đằng sau là những thăng trầm của nó. Và đằng sau những thăng trầm ấy là những con người – những phần không thể thiếu để làm nên những tráng ca hào hùng hay những khúc sầu bi ai oán. Thật vậy, sự thật lịch sử đã chứng minh có những con người vĩ đại đã góp phần thay đổi cả thế giới; và nói đến đây ta không thể không nhắc tới Ru-đơ-ven với những chính sách phục hưng nước Mỹ sau cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 4 năm(1929-1933)
*Thân bài:
Hoàn cảnh lịch sử:
- Ở những thập niên 20 của thế kỷ XX, Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc và vươn lên đứng đầu thế giới về mọi mặt.
- Tuy nhiên, năm 1929, cuộc khủng hoảng thừa bắt nguồn bùng phát từ Mỹ và lan rộng trong các nước tư bản trong khu vực và trên toàn thế giới.
- Nó gây ra một hậu quả nặng nề với Mỹ: kinh tế tài chính rối loạn, giá cổ phiếu giảm đến 80% năm 1929. Vòng xoáy của khủng hoảng không có gì là ngăn cản nổi, phá hủy nghiêm trọng các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp của nước Mỹ. Cụ thể năm 1932, sản xuất công nghiệp chỉ còn 53,8%, 11 vạn công ty thương nghiệp và 58 công ty đường sắt phá sản, 40% ngân hàng đóng cửa, hàng chục triệu người thất nghiệp,...Các mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng đặt nước Mỹ vào lựa chọn hoặc là cải cách đất nước, hoặc trượt dài trong khủng hoảng. Năm 1932, Ru-dơ-ven trúng cử tổng thống Mỹ, đề ra cải cách gọi là Chính sách mới.
Nội dung cải cách – Chính sách mới
- Về kinh tế, tài chính: Nhà nước can thiệp tích cực vào đời sống kinh tế phục hồi sự phát triển kinh tế thông qua đạo luật về ngân hàng, phục hưng công nghiệp, điều chỉnh nông nghiệp. Trong các đạo luật đó, Đạo uật phục hưng công nghiệp là quan trọng nhất, bởi nó quy định lại về việc tổ chức sản xuất công nghiệp theo hợp đồng chặt chẽ về sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
- Về chính trị - xã hội: Áp dụng triệt để các biện pháp giải quyết nạn thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo niềm tin với sự khả thi của Chính sách mới.
- Về đối ngoại: Chính phủ Ru-dơ-ven đề ra chính sách ngoại giao Láng giềng thân thiện với các nước Mỹ Latinh, chấm dứt can thiệp vũ trang, tiến hành thương lượng để xoa dịu cuộc đấu tranh chống Mỹ, đồng thời tìm kiếm quan hệ đồng minh để biến các nước Mỹ Latinh thành “sân sau” của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, tháng 11 năm 1933, chính phủ Mỹ quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, mặc dù không từ bỏ lập trường chống cộng sản.
- Ngoài ra, Mỹ một mặt giữ vai trò trung lập trước sự thành lập hệ thống trục phát xít, mặt khác buôn bán vũ khí cho các nước thu lợi nhuận dẫn tới gần hơn cục diện của Thế chiến thứ hai.
Kết quả: Chính sách mới của tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản của nước Mỹ trong cơn khủng hoảng nguy kịch. Nhà nước tăng cường vai trò trong việc hỗ trợ người thất nghiệp, phục hồi nền kinh tế, khôi phục sản xuất. Chính sách thành công đã đưa nước Mỹ vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng, xoa dịu được mâu thuẫn giai cấp Mỹ, giúp Mỹ giữ vững được chế độ dân chủ tư sản và trở lại dẫn đầu trên thế giới.
*Kết luận: Chính sách mới là một cuộc cải tổ, có ý nghĩa to lớn với Mỹ và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Mặc dù đã từ thế kỷ XX, song những cải cách ấy vẫn là bài học xương máu cho chúng ta ngày nay. Đó là Nhà nước phải đóng vai trò quyết định, cần ưu tiên giải quyết vấn nạn thất nghiệp cho người lao động, đặc biệt là nâng cao tính dân chủ trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với nhà nước và chế độ, đưa đất nước, xã hội phát triển bền vững...

Tài liệu đính kèm:

  • docxBai_on_thi_hoc_ky_I.docx