Đề cương ôn tập giữa học kì I Địa lí lớp 8

docx 10 trang Người đăng dothuong Lượt xem 7246Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập giữa học kì I Địa lí lớp 8", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn tập giữa học kì I Địa lí lớp 8
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN ĐỊA LÝ LỚP 8 HỌC KÌ I
BÀI 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH VÀ KHOÁNG SẢN
Câu 1:Nêu đặc điểm về vị trí địa lý, kích thước của lãnh thổ châu Á? Nêu ý nghĩa của chúng đối với khí hậu.
* Đặc điểm:
- Vị trí địa lý: 
 + Châu Á là bộ phận của lục địa Á-Âu.
 + Phía Bắc giáp Bắc Băng Dương, phía Nam giáp Ấn Độ Dương,phia Đông giáp Thái Bình Dương, phía Tây giáp châu Âu và châu Phi.
 + Phần lớn lãnh thổ nằm ở bán cầu Bắc, trong phạm vi từ xích đạo đến vĩ độ 800B.
- Kích thước:
 + Diện tích 44,4 triệu km2 (Phần đất liền 41,5 triệu km2)
 + Chiều dài Bắc – Nam trên đất liền là 8500 km
 + Chiều rộng Tây – Đông : 9200 km
* Ý nghĩa đối với khí hậu 
- Có đầy đủ các đới khí hậu: nhiệt đới, ôn đới và hàn đới.
- Khí hậu phân hóa rất đa dạng theo vĩ độ và theo các đai cao địa hình.
- Do lãnh thổ rộng lớn, khí hậu châu Á mang tính lục địa cao.
Câu 2:Nêu các đặc điểm địa hình của châu Á? Kể tên các dãy núi và đồng bằng lớn ở châu Á
* Đặc điểm địa hình
- Có nhiều hệ thống núi và sơn nguyên cao đồ sộ xen kẽ với nhiều đồng bằng rộng lớn.
- Các dãy núi chạy theo hai hướng chính (Đông- Tây, Bắc – Nam ) làm cho địa hình bị chia cắt phức tạp.
- Các núi và sơn nguyên cao tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm lục địa.
* Kể tên
-Các dãy núi cao: Hymalaya, Thiên Sơn, Côn Luân 
-Các Đồng Bằng lớn: Tây Xibia, Ấn Hằng, Hoa Bắc .
Câu 3: Nêu các khoáng sản chủ yếu của châu Á? Cho biết than đá, dầu mỏ và khí đốt phân bố tập trung nhiều ở những khu vực nào?
- Các khoáng sản chủ yếu ở châu Á là: dầu mỏ, khí đốt, than, sắt, crom, man gan và một số kim loại màu như đồng, thiếc,
- Than đá tập trung nhiều ở khu vực Bắc Á và Đông Á, dầu mỏ và khí đốt phân bố tập trung nhiều ở hai khu vực Tây Nam Á và Đông Nam Á.
BÀI 2: KHÍ HẬU CHÂU Á
Câu 1: Tại sao nói khí hậu châu Á phân hóa rất đa dạng?
 Châu Á phân hóa vô cùng đa dạng vì châu Á trải dài từ đường xích đạo ( nóng ẩm mưa nhiều do giáp biển ) đi đến vòng cực Bắc ( lạnh ít mưa ) mà trong những vùng đó thì tập hợp đủ khí hậu nhiệt đới , ôn đới , hàn đới 
Câu 2: Trình bày đặc điểm khí hậu châu Á. Vì sao khí hậu châu Á lại có đặc điểm như thế?
* Đặc điểm khí hậu châu Á
- Rất đa dạng, phân hóa thành nhiều đới khác nhau.
- Các đới khí hậu châu Á thường phân hóa thành nhiều kiểu khí hậu khác nhau.
* Giải thích
- Châu Á là châu lục rộng nhất thế giới, theo chiều Bắc Nam trải dài từ khu vự cận cực đến khu vực xích đạo, chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông nơi lãnh thổ mở rộng nhất hơn 9000 km.
- Cấu trúc địa hình phức tạp với các hệ thống núi và sơn nguyên cao,đồ sộ.
Câu 3: Kể tên hai đới khí hậu phổ biến ở châu Á. Trình bay đặc điểm của từng kiểu khí hậu 
*Đó là đới khí hậu gió mùa và đới khí hậu lục địa
*Đặc điểm
- Khí hậu gió mùa:
+ Phân bố ở Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á
+ Chia làm hai mùa rõ rệt:
 Mùa đông có gió từ các khu áp cao cận cực trong nội địa thổi ra, thời tiết lạnh và khô, lượng mưa ít.
 Mùa hạ có gió từ đại dương thổi vào lục địa, thời tiết nóng ẩm có mưa nhiều.
- Khí hậu lục địa khô
+ Phân bố ở Tây Nam Á, Trung Á và vùng nội địa Bắc Á.
+ Đặc điểm
 Mùa hạ khô và rất nóng, mùa đông khô và rất lạnh, các vùng núi cao và các khu vực Trung Á, Bắc Á có tuyết rơi.
 Lượng mưa trung bình năm ít, từ 200 đến 500 mm, độ ẩm không khí thấp vì độ bốc hơi lớn.
BÀI 3: SÔNG NGÒI VÀ CẢNH QUAN CHÂU Á
Câu 1:Nêu đặc điểm sông ngòi châu Á. Nêu giá trị kinh tế của sông ngòi châu Á
*Đặc điểm
- Mạng lưới sông ngòi khá phát triển, có nhiều hệ thống sông lớn, nhưng phân bố không đồng đều.
- Chế độ nước khá phức tạp, thay đổi theo chế độ mưa và chế độ nhiệt của từng miền. Thể hiện ở ba hệ thống sông ngòi lớn:
+ Bắc Á: Mạng lưới sông dày, mùa đông nước sông đóng băng, mùa xuân có lũ băng.
+ Tây Nam Á, Trung Á: Sông rất ít, nguồn cung cấp nước chủ yếu là do băng tan.
+ Đông Á, Đông Nam Á: Nhiều sông, nhiều nước.
* Giá trị kinh tế:
- Các sông ở Bắc Á có giá trị chủ yếu về giao thông thủy điện, còn sông các khu vực khác có vai trò cung cấp nước cho sản xuất, đời sống, khai thác thủy điện, giao thông, du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Câu 2: Em hãy kể tên các sông lớn ở Bắc Á, nêu hướng chảy và đặc điểm thủy chế của chúng.
+ Các sông lớn ở Bắc Á: Ô bi, I ê nit xây, Lê na
+ Hướng chảy từ nam lên bắc, đổ ra Bắc Băng Dương.
+ Đặc điểm thủy chế:
Vào mùa đông các sông bị đóng băng kéo dài.
Đến mùa xuân, băng tuyết tan, mực nước sông lên nhanh, thường gây ra lũ băng lớn
Câu 3: Tây Nam Á và Trung Á có các hệ thống sông lớn nào? Hãy nêu đặc điểm sông ngòi ở đó.
*Các hệ thống sông lớn
- Ở Tây Nam Á: Ti gro, Ơ phrat.
- Ở Trung Á: Xưa Da ri a, A mu Da ri a
*Đặc điểm
- Mạng lưới sông ngòi kém phát triển do khí hậu khô hạn.
- Nguồn cung cấp chủ yếu do băng tan và tuyết tan từ các núi cao cung cấp.
- Lưu lượng nước càng về hạ lưu càng giảm.
Câu 4: Nêu những nét nổi bật của cảnh quan thiên nhiên ở châu Á
- Cảnh quan thiên nhiên ở châu Á phân hóa rất đa dạng thay đổi từ Nam lên Bắc , từ tây sang đông.
- Cò những đặc điểm mang tính địa phương cao, các cảnh quan tiêu biểu:
+ Thuộc miền khí lạnh: đài nguyên, rừng lá kim.
+ Thuộc miền khí hậu ấm: rừng cận nhiệt đới ẩm, rừng nhiệt đới ẩm.
+ Thuộc miền khí hậu khô: hoang mạc, bán hoang mạc.
- Ngày nay trừ rừng lá kim, phần lớn các cảnh quan nguyên sinh đã bị con người khai phá và biến đổi.
Câu 5: Dựa vào hình 3.1 trong SGK, em hãy nêu tên các cảnh quan tự nhiên dọc theo vĩ tuyến 400B. Giải thích tại sao có sự khác nhau?
- Các cảnh quan tự nhiên dọc theo vĩ tuyến 400B: Rừng hỗn hợp và rừng lá rộng, thảo nguyên, hoang mạc và bán hoang mạc, núi cao, rừng và cây bụi lá cứng Địa Trung Hải
- Giải thích:
+ Do sự phân hoa về địa hình, nhiệt độ và lượng mưa( chủ yếu là lượng mưa)
 Vùng gần bờ phía đông, ảnh hưởng của biển, khí hậu ẩm hình thành cảnh quan rừng hỗn hợp.
 Càng vào sâu trong nội địa, khí hậu khô hạn do lượng mưa giảm hình thành thảo nguyên.
 Vào khu vực trung tâm, lượng mưa càng ít hình thành hoang mạc và bán hoang mạc.
 Ở vùng núi cao do nhiệt độ và lượng mưa thay đổi theo chiều cao nên có cảnh quan núi cao.
 Ở vùng ven địa trung hải, do mưa vào thu đông nên có cảnh quan rừng cây bụi lá cứng địa trung hải.
Câu 6: Thiên nhiên châu Á có những thuận lợi và khó khăn gì đối với đời sống và sản xuất?
* Thuận lợi
- Có nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn: than, dầu mỏ, khí đốt, sắt, kim loại màu.
- Tài nguyên đất, khí hậu, nguồn nước, sinh vật đa dạng.
- Nguồn năng lượng (thủy năng, gió, năng lượng mặt trời,) phong phú.
=> Là cơ sở tạo ra sự đa dạng các sản phẩm phục vụ cho đời sống.
* Khó khăn
- Có nhiều miền núi cao, hoang mạc rộng lớn và các vùng khí hậu khắc nghiệt.
- Có nhiều thiên tai thường xảy ra ( động đất, núi lửa, bão lụt,)
=> Gây nhiều thiệt hại và trở ngại cho đời sống, sản xuất.
Câu 7: Vì sao các cảnh quan của Châu Á phân hóa từ Bắc xuống nam & từ Tây sang Đông?
-Do lãnh thổ của Châu Á kéo dài từ vùng cực Bắc đến xích đạo nên Khí hậu Châu Á thay đổi theo các đới từ Bắc xuống nam do đó các đới cảnh quan cũng thay đổi từ Bắc xuống Nam.
-Khí hậu Châu Á thay đổi theo các kiểu từ vùng duyên hải vào nội địa do kích thước rộng lớn, nhiều núi sơn nguyên cao ngăn chặn ảnh hưởng của biển vào sâu trong nội địa nên các đới cảnh quan của Châu Á thay đổi từ Tây sang Đông.
BÀI 4: ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI CHÂU Á
Câu 1: Em có nhận xét gì về số dân và tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của châu Á so với các châu khác và so với thê giới? Giải thích tại sao lại có sự đông dân ở châu Á?
- Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới, chiếm 61% dân số thế giới
- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở châu Á vào loại cao, chỉ sau châu Mĩ và châu Phi nhưng ngang bằng với thế giới
* Giải thích
- Phần lớn diện tích đất đai châu Á thuộc vùng khí hậu ôn đới, nhiệt đới.
- Châu Á có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
- Đại bộ phận các nước kinh tế còn đang phát triển, hoạt động nông nghiệp là chính nên vẫn cần nhiều công nhân lao động.
Câu 2: Dân cư châu Á thuộc những chủng tộc nào? Trình bày tình hình phân bố chủng tộc ở châu Á
- Gồm ba chủng tộc chính:
+ Chủng tộc Môn gô lô it: Đông Á, Trung Á và Đông Nam Á. Ngoài ra còn ở Bắc Á.
+Chủng tộc Ơ rô pê ô it: Tây Nam Á, Nam Á và Bắc Á.
+ Chủng tộc Ô xtray lo it: Số ít, phân bố ở Đông Nam Á và phía Nam Ấn Độ.
- Ngày nay, các nguồn di dân và sự mở rộng giao lưu đã dẫn tới sự kết hợp người giữa các chủng tộc, bức tranh phân bố chủng tộc đang có sự thay đổi.
Câu 3: Trình bày đặc điểm của bốn tôn giáo lớn
Tôn giáo
Địa điểm ra đời
Thời điểm ra đời
Thần linh tôn thờ
Khu vực phân bố
Ấn Độ Giáo 
Ấn độ (khu vực Nam Á)
Thế kỉ đầu của thiên niên kỉ thứ nhất TCN
Đấng tối cao Bà Là Môn
Ấn Độ
Phật giáo
Ấn Độ
Thế kỉ VI TCN
Phật thích ca
Nam Á (Xri-lan-ca,Nê-pan, Bu-tan), Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,), Trung Á (Mông Cổ), Đông Nam Á(Mi-an-ma, Thái Lan, Lào,Cam-pu-chia,Việt Nam)
Thiên Chúa giáo
Pa-le-xtin
Đầu CN
Chúa Giê-su
Đông Nam Á(Phi-líp-pin, Đông Ti-mo)
Hồi giáo
A-râp Xê-ut
Thế kỉ VII SCN
Thánh A la
Tây Nam Á( trừ I-xra-en), Nam Á(Pa-ki-xtan), Đông Nam Á( In-đô-nê-si-a, Bru-nây,Ma-lai-xi-a)
BÀI 6: THỰC HÀNH: ĐỌC, PHÂN TÍCH LƯỢC ĐỒ PHÂN BỐ DÂN CƯ VÀ CÁC THÀNH PHỐ LỚN.
Câu 1: Nêu nhận xét về sự phân bố dân cư ở châu Á, cho biết vì sao có sự phân bố như thế?
* Nhận xét
- Phân bố dân cư ở châu Á chênh lệch lớn giữa các khu vự, giữa các vùng trong một khu vực.
- Dân cư tập trung đông ở vùng đồng bằng và ven biển của châu Á gió mùa (ba khu vực: Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á)
- Các vùng nội địa của khu vực Đông Á, Nam Á, vùng Bắc Á và khu vực Trung Á dân cư thưa thớt.
* Giải thích
Phân bố dân cư châu Á có sự chênh lệch như trên do ảnh hưởng của nhiều nhân tố:
- Khí hậu: Các vùng quá khô (Trung Á, nội địa của khu vực Tây Nam Á, Tây Bắc Ấn Độ) và các vùng quá lạnh (Bắc Á) dân cư thưa thớt.
- Địa hình: Vùng nùi cao (vùng Hi ma lay a) có mật độ dân số thấp, các vùng đồng bằng ven biển có mật độ dân số cao.
- Lịch sử khai thác lãnh thổ: đảo Gia va (in đô nê xi a) dân cư tập trung đông hơn các đảo còn lại.
- Nói chung dân cư tập trung đông đúc ở các vùng có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp lúa nước), cư trú, giao lưu và sinh hoạt.
Câu 2: Nhận xét về sự phân bố các thành phố lớn ở châu Á? Giải thích tại sao?
*Nhận xét
 Hầu hết các thành phố lớn ở châu Á phân bố ở ven biển hoặc gần biển (Trừ Te-hê-ran, Bát-da)
* Giải thích 
- Do thuận lợi về giao thông: địa hình đồng bằng bằng phẳng, có các cảng biển (nhất là giao thông với nước ngoài)
- Vùng ven biển hoặc gần biển dân cư tập trung đông, có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ.
MỘT SỐ CÂU BỔ SUNG
Câu 1: Đăc điểm phát triển kinh tế xã hội của các nước châu Á hiện nay như thế nào?
Đăc điểm phát triển kinh tế xã hội của các nước châu Á hiện nay 
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai các nước châu Á đều dành được độc lập, kinh tế bị kiệt quệ, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. (0,5 điểm) 
- Nửa cuối thế kỉ XX nên kinh tế các nước đã có nhiều chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (0,5 điểm)
- Trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các nước không đồng đều. (0,5 điểm)
- Hiện nay, số lượng các quốc gia nghèo khổ ở châu Á còn chiếm tỉ lệ cao. 
Câu 2: Nêu những thuận lợi,khó khăn do sông ngòi mang lại? Nguyên nhân làm cho sông bị ô nhiễm? Giải pháp (3 điểm)
- Thuận lợi: Cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, khai thác thủy sản, du lịch, thủy điện v.v...(1 điểm)
 -Khó khăn: lũ lụt, sạt lở, ngập úng, xói mòn v.v...(0.5 điểm)
-Nguyên nhân gây ô nhiễm sông: nước thải sinh hoạt, rác thải, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, rừng đầu nguồn bị tàn phá. (1 điểm)
-Giải pháp: xử lý nước thải, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn v.v...(0,5 điểm)
Câu 3 : Lãnh thổ Đông Á gồm mấy bộ phận? Kể tên các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực Đông Á? Nêu các dạng địa hình của khu vực Đông Á và sự phân bố của chúng?
a.Lãnh thổ Đồng Á gồm hai bộ phận: Phần đất liền gồm có Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, phần hải đảo gồm có quần đảo Nhật Bản ,đảo Đài Loan và đảo Hải Nam.
b. Các hệ thống núi, sơn nguyên cao, bồn địa phân bố ở nửa phía tây của Trung Quốc.
Các vùng đồi, núi thấp,các đồng bằng phân bố chủ yếu ở phía Đông Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
 Câu 4 . Trình bày đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam Á. ( 3điểm )
+ Vị trí chiến lược quan trọng.
+ Địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên.
+ Khí hậu nhiệt đới khô. 
+ Nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
+ Dân cư chủ yếu theo đạo Hồi.
+ Không ổn định về chính trị, kinh tế.
Câu 5. Trình bày đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội của khu vực Nam Á. ( 3 điểm )
 + Nam Á có ba miền địa hình chính :phía bắc là dãy Hi-ma-lay-a hùng vĩ, phía nam là sơn nguyên Đê- can. Ở giữa là đồng bằng Ấn –Hằng rộng lớn.
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình.
+ Dân cư tập trung đông đúc, chủ yếu theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
+ Các nước trong khu vực có nền kinh tế đang phát triển.
+ Ấn Độ là nước có nền kinh tế phát triển nhất.
Câu 6. Trình bày những đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư kinh tế, xã hội của khu vực Đông Á. (3 điểm) 
 + Lãnh thổ bao gồm hai bộ phận (đất liền và hải đảo) có đặc điểm tự nhiên khác nhau.
+ Có dân số đông, nhiều hơn dân số các châu lục khác trên thế giới.
+ Nền kinh tế phát triển nhanh với thế mạnh về xuất khẩu, có các nền kinh tế phát triển mạnh của thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Câu 7. Trình bày đặc diểm địa hình Đông Nam Á. Ý nghĩa của các đồng bằng châu thổ thuộc khu vực này. ( 3 điểm)
- Bộ phận đất liền có đặc điểm điạ hình đồi núi là chủ yếu. Phàn hải đảo có nhiều núi lửa, thường xảy ra động đất. 
- Đồng bằng phù sa màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, dân cư tập trung đông, làng mạc trù phú.
Câu 8: Tây Nam Á có vị trí địa lý chiến lược quan trọng như thế nào? (1 điểm) 
Tây Nam Á nằm ở vị trí ngã ba của ba châu lục lớn Á, Âu, Phi. Nằm án ngữ con đường biển ngắn nhất từ biển Đen ra Địa Trung Hải, từ châu Âu sang châu Á qua kênh đào Xuy-ê và biển Đỏ. 
Câu 9: Nêu đặc điểm tự nhiên của khu vực Tây Nam Á. (3 điểm) 
Địa hình: Gồm 3 miền: phía Đông Bắc là núi cao với 2 sơn nguyên Thổ Nhĩ Kỳ & Iran, ở giữa là Đồng bằng Lưỡng Hà, phía Tây Nam là sơn nguyên Arap. 
 Khí hậu: Phần lớn là khí hậu nhiệt đới khô hạn do có nhiều núi cao bao bọc, chịu ảnh hưởng của gió mậu dịch khô-nóng quanh năm thổi từ lục địa ra, ven Địa Trung Hải có khí hậu Địa Trung Hải.
Sông ngòi: Khô hạn, kém phát triển, lớn nhất là sông Ti-grơ và Ơ-phrat 
Cảnh quan: Phần lớn là thảo nguyên, nửa hoang mạc và hoang mạc.
Tài nguyên: Dầu mỏ có trữ lượng rất lớn, phân bố chủ yếu ở ĐB Lưỡng Hà. 
Câu 10 Điều kiện tự nhiên của khu vực Nam Á. (3 điểm) 
Điạ hình: Nam Á gồm ba miền địa hình chính. Phía Bắc hệ thống núi Hymalaya hùng vĩ. Phía Nam là sơn nguyên Đê-can, hai rìa nâng cao với hai dãy Gát Đông và Gát Tây. Giữa chân núi Hymalaya và sơn nguyên Đê-can là đồng bằng Ấn-Hằng rộng, bằng phẳng.
Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa. Gió mùa Tây Nam nóng ẩm mang nhiều mưa . Nhịp điệu gió mùa ảnh hưởng rất lớn đến nhịp điệu sản xuát, sinh hoạt của nhân dân khu vực.
Sông ngòi: Nhiều hệ thống sông lớn: sông Ấn, sông Hằng, sông Bramaput Vùng hạ lưu sông Hằng thường có lũ lụt lớn vào mùa mưa.
Cảnh quan tự nhiên: Rừng nhiệt đới ẩm, xa-van, hoang mạc, núi cao.
Câu 11 Nêu đặc điểm kinh tế của các nước ở khu vực Nam Á: (1,5 điểm) 
Các nước trong khu vực có nền kinh tế đang phát triển, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Ấn Độ là nước có nền kinh tế phát triển nhất Nam Á, đã xây dựng được một nền công nghiệp hiện đại, có nhiều ngành đạt trình độ cao, xếp thứ 10 trên thế giới về giá trị sản lượng công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu nhờ cuộc “cách mạng xanh, cách mạng trắng”

Tài liệu đính kèm:

  • docxDE_CUONG_ON_TAP_MON_DIA_GIUA_HOC_KI_i.docx