ĐỀ THI VÀO LỚP 6 A,B TRƯỜNG THCS QUỲNH CHÂU NĂM HỌC 2014 – 2015 MÔN: TIẾNG VIỆT (Thời gian làm bài: 90 phút) Câu 1 (2,0 điểm) Khi miêu tả màu vàng của hoa cải, tác giả Phạm Đức đã viết: “Màu vàng ánh nắng cô đúc lại, như vô vàn cánh bướm bé xíu đậu chấp chới khắp cành. Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại.” Dựa vào đoạn văn trên, em hãy trả lời các câu hỏi sau: a. Giải thích nghĩa của từ “đọng” trong câu văn: “Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại.” b. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tác giả Phạm Đức đã sử dụng trong câu văn thứ nhất. c. Câu (1) và câu (2) liên kết với nhau bằng cách nào? Câu 2 (1,5 điểm) Xếp các từ in đậm trong đoạn văn dưới đây vào bảng phân loại cho phù hợp: “ Họ khoác vai nhau thành một sợi dây dài, lấy thân mình ngăn dòng nước mặn. Nước quật vào mặt, vào ngực, trào qua đầu hàng rào sống. Họ ngụp xuống, trồi lên, ngụp xuống Nhưng những bàn tay khoác vai nhau vẫn cứng như sắt, và thân hình họ cột chặt lấy những cọc tre đóng chắc, dẽo như chão. Tóc dài các cô quấn chặt vào cổ các cậu con trai, mồ hôi như suối, hòa lẫn với nước chát mặn.” Động từ Tính từ Quan hệ từ Câu 3 (2,5 điểm): Cày đồng đang buổi ban trưa Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. (Ca dao) Em cảm nhận được điều gì mà nhân dân ta muốn gửi gắm qua bài ca dao trên. Câu 4 (4,0 điểm): Trong bài thơ gửi người lính đảo, một nhà thơ đã từng ca ngợi: Từ biển đảo khơi xa sóng quanh năm rì rào. Nơi đây anh đứng gác giữa biển trời bao la. Vì tổ quốc thân yêu đêm ngày anh canh giữ, Tên anh người chiến sĩ nơi biển đảo Trường Sa. Dưới mặt trời thiêu đốt chói chang Anh vẫn hiên ngang dù hiểm nguy đối mặt. Dựa vào ý của đoạn thơ trên, em hãy viết một bài văn miêu tả hình ảnh người lính biển đảo đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên biển Đông. ————— Hết ————— HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN TIẾNG VIỆT (Hướng dẫn chấm gồm có 02 trang) I. YÊU CẦU CHUNG: Đáp án chỉ nêu những nội dung cơ bản, giám khảo cần chủ động trong đánh giá, cho điểm. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, khuyến khích những bài viết sáng tạo, cảm xúc tự nhiên. Chấp nhận cả những ý kiến không có trong Hướng dẫn chấm nhưng hợp lí, có sức thuyết phục. Tổng điểm toàn bài: 10 làm tròn đến 0,25. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số thang điểm chính; trên cơ sở đó, giám khảo có thể bàn bạc thống nhất định ra các thang điểm cụ thể. II. YÊU CẦU CỤ THỂ: Câu 1 (2,0 điểm): a. Giải thích nghĩa của từ “đọng”: Chỉ sự kết tinh, lưu lại những nỗi vất vả khó nhọc, kết tinh những gì tinh túy nhất của sức sống mà thiên nhiên ban tặng. (0,75đ). Nếu học sinh trả lời sơ sài gv chiết điểm phù hợp. b. So sánh (0,5đ). Nếu hs tìm cả nhân hóa vẫn cho điểm tối đa. c. Lặp từ ngữ: màu vàng (0,75đ). Nếu hs làm thừa vẫn cho điểm tối đa. Câu 2 (1,5 điểm): Động từ Tính từ Quan hệ từ ngăn, trào cứng, chắc như HS điền đúng mỗi từ loại cho 0,5đ. Câu 3 (2,5 điểm) b, Viết đúng kỹ năng của đoạn văn cảm nhận Các ý định hướng: – Giới thiệu khái quát bài ca dao (0,5đ). – Bằng thể thơ lục bát, ngôn ngữ mộc mạc đậm chất dân gian, hình ảnh so sánh, khoa trương độc đáo tác giả dân gian muốn khuyên chúng ta phải hiểu được nỗi vất vả, cơ cực, sự tảo tần lam lũ, một nắng hai sương của người nông dân khi làm ra thành quả lao động. Qua đó gợi nhắc con người cần phải biết đồng cảm, biết ơn, nâng niu quý trọng sức lao động của người nông dân. Câu 4 (4,0 điểm) a. Yêu cầu về kĩ năng: – Xác định đúng kiểu bài: văn tả người được khơi nguồn từ những ý thơ. – Có kĩ năng làm bài tốt, diễn đạt lưu loát, trôi chảy, chữ viết đẹp, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. b. Yêu cầu về kiến thức: A. Mở bài: – Giới thiệu khái quát về hình ảnh người lính biển đảo. B. Thân bài: Dựa vào ý của đoạn thơ để tả các hình ảnh nổi bật: – Dáng vóc vạm vỡ, sức khoẻ dẻo dai được tôi luyện, thử thách qua sóng gió đại dương. – Tư thế hiên ngang, sững sững giữa biên khơi lộng gió. – Tinh thần dũng cảm, can trường, cầm chắc cây súng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. -> Các anh là những con người vô danh, thầm lặng, chiến đấu miệt mài để giành lấy chủ quyền đất nước C. Kết bài: – Suy nghĩ, tình cảm của em: Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn thử thách mà người lính phải chịu đựng, yêu quý, kính trọng, biết ơn, tự hào, cảm phục trước hình ảnh của họ. – Tự hứa sẽ cố gắng học tập để noi gương các anh * Lưu ý: Nếu thí sinh miêu tả lan man, gv tuỳ vào thực tế của bài làm để cho điểm nhưng không vượt quá 2 điểm.
Tài liệu đính kèm: