Chuyên đề Một số vấn đề về rèn kỹ năng luyện câu cho học sinh ở Tiểu học

doc 9 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 21/07/2022 Lượt xem 309Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề Một số vấn đề về rèn kỹ năng luyện câu cho học sinh ở Tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề Một số vấn đề về rèn kỹ năng luyện câu cho học sinh ở Tiểu học
.
Một số vấn đề về rèn kỹ năng
luyện câu cho học sinh ở Tiểu Học
š « ›.
 A. Đặt vấn đề:
 	Học sinh Tiểu Học đa số thường viết câu sai. Do vậy các thầy cô luôn thường xuyên luyện cho các em viết câu trong các tiết chính và ngoại khoá. Việc làm này của các thầy cô, mỗi người một khác nhau nhưng mục đích chung là đều mong muốn các em viết câu đúng về ngữ pháp, đúng ý và có hình ảnh. Với bản thân là một người từ lâu đã giúp nhiều thế hệ các em luyện viết câu trong những đợt bồi dưỡng để các em chuẩn bị bước vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, chúng tôi xin nêu ra một số việc đã làm, hy vọng có thể giúp các thầy cô làm tư liệu tham khảo trong giảng dạy ở lớp mình chủ nhiệm. 
	B.Giải quyết vấn đề:
 Luyện câu thường sử dụng nhiều hình thức như :Luyện chấm câu, tập sửa chữa các câu sai, tập bổ sung và đẽo gọt cho câu đúng trở thành câu hayTuy vậy, còn tuỳ tình hình thực tế của địa phương, trình độ học sinh của từng lớp mà chúng ta vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp. Sau đây là một số việc chúng tôi đã làm ở các lớp mình được phân công giảng dạy và đã có những kết quả đáng khích lệ.
Luyện chấm câu:
 Luyện chấm câu cũng có nhiều cách. Thường thì chúng tôi viết một đoạn văn lên bảng, không có dấu ngắt câu và cho học sinh dùng phấn màu để ngắt câu. Chúng tôi gọi vài học sinh lần lượt lên bảng để tự ngắt câu. Sau đó, yêu cầu cả lớp tham gia ý kiến, trao đổiChúng tôi sẽ chốt lại theo ý đúng. 
	Ví dụ chúng tôi viết đoạn văn sau đây, không ghi dấu ngắt câu:
	“ Hưng đang đi về phía cổng làng. Gió ở cánh đồng thổi lên mát rượi. Anh nhìn những thửa ruộng lúa xanh tốt, rì rào dưới chân đê.Từng đàn cò trắng bay nhanh. Trên trời, những áng mây hồng trôi lững lờ. Trên đường làng râm mát, Hưng cầm chiếc mũ rơm trên tay, rảo bước. “
	Rồi chúng tôi yêu cầu các em lên bảng thực hiện như các bước đã nêu ở trên, nếu các em làm sai thì sẽ tạo nên những câu vô lý. Lúc ấy, chúng tôi sẽ cho các em phân tích, thảo luận thật kỹ để các em thấy sự vô lý ấy mà sửa chữa.
	Cần lưu ý là bài luyện chấm câu thường nên chọn những bài có câu gọn, nhiều dấu phảy, dấu chấm. Vì hai dấu câu này các em được học nhiều ở Tiểu Học.
Chúng tôi còn tập cho HS chia các câu dài thành những câu ngắn hoặc dồn nhiều câu ngắn thành câu dài.
 Ví dụ:Chúng tôi viết câu dưới đây lên bảng để tập cho HS chia ra nhiều câu ngắn (bằng cách thêm chủ ngữ ):
	“ Giải phóng quân là những chiến sĩ dũng cảm, không từ một hy sinh nào để bảo vệ quê hương đất nước. “ HS sẽ chia thành hai câu “ Giải phóng quân là những chiến sĩ dũng cảm. Họ không từ một hy sinh nào để bảo vệ quê hương đất nước. “ 
 Chúng tôi cũng còn cho HS dồn nhiều câu đơn thành câu ghép.
	Ví dụ: Trên sân vận động, một tốp học sinh đang chạy thi. Tốp khác đang nhảy cao. Các em sẽ thêm từ “ và “ sau câu thứ nhất.
3.Tập sửa chữa câu sai:
Sửa chữa câu sai về ngữ pháp ( như thiếu hoặc thừa chủ ngữ, vị ngữ, thừa tiếng làm cho câu rườm rà ).
	Ví dụ: Sửa câu “ Theo nghị quyết cuộc họp, đòi hỏi đội viên phải chăm chỉ học tập.” Muốn sửa câu này chúng ta chỉ việc xoá từ “ đòi hỏi “ là xong. Tuy vậy, chúng tôi thường tiến hành hai bước để các em dễ thấy.
	Bước 1: Phân tích câu để tìm chỗ sai.
	Sau khi phân tích câu, HS dễ dàng thấy được chủ ngữ là “ đội viên “ và vị ngữ là “ chăm chỉ học tập” còn “ đòi hỏi “ là thừa.
	Bước 2: Tìm cách sửa chữa chỗ sai.
	Có thể chữa theo 3 cách: 
 -Cách thứ nhất: Bỏ vị ngữ thừa “ đòi hỏi “
 -Cách thứ hai: Thêm chủ ngữ “ chúng ta “ để câu văn đủ thành phần: “Theo nghị quyết cuộc họp, chúng ta đòi hỏi đội viên phải chăm chỉ học tập.”
 -Cách thứ ba: Bỏ giới từ “ theo “ để cụm từ “ Nghị quyết cuộc họp “ làm chủ ngữ. “ Nghị quyết cuộc họp đòi hỏi đội viên phải chăm chỉ học tập.”
	Sửa câu sai có rất nhiều cách khác nhau, chúng ta cần chuẩn bị kĩ để gợi ý, nhằm phát huy óc thông minh của các em, tuyệt đối không nên bắt buột các em chữa theo cách của chúng ta.
	Việc chuẩn bị nhiều loại câu sai khác nhau theo nhiều cách, chắc chắn sẽ đem lại sự hứng thú tò mò, kích thích sự hưng phấn học tập của các em nhiều hơn và như vậy kết quả mang lại sẽ được nhiều hơn vì điều này rất phù hợp với tâm sinh lý của HS Tiểu học là hiếu động, ít tập trung, ham khám phá cái mới lạ.
	Ví dụ các câu sai vì thiếu cụm chủ - vị:
 -Trong lúc chúng em đang học ( thiếu cụm chủ - vị chính ) 
 -Qua câu chuyện mà bạn Nam kể ( cũng thiếu cụm chủ - vị chính )
	Hoặc các câu sai vì thừa tiếng, rườm rà.
Ở giữa bồn hoa có một tượng là tượng vua Quang Trung.( bỏ 3 chữ in nghiêng)
 -Hôm chủ nhật vừa qua, mẹ em ra chợ, thì gặp một ông bán lợn thì mẹ em mua một con lợn lang tuy bé nhưng rất xinh.( bỏ 9 chữ in nghiêng ).
Sửa chữa câu sai về ý.
 Loại này có thể có những câu sai về ý, có thể có những câu sai về mặt xếp ý lộn xộn, trùng lặp.
 -Câu sai về ý như: ” Em bé ấy gầy quá đến nỗi xương trồi ra ngoài da.” Điều này không thể có được vì xương làm sao có thê trôì ra ngoài da. 
 Hoặc có em viết : “ Thỉnh thoảng có những chiếc xe đạp lướt trên mặt phố.” ( nên sửa lại là đường phố ).
 -Câu sai về xếp ý như: 
 “ Trên cành chim hót líu lo, cây lá rung rinh như chào đón mọi người về nhà. Chim hót chỗ kia, các anh chị ca hát chỗ này chen lẫn với tiếng chim êm êm bài nhạc nhẹ khúc như chim ca.”
Muốn chữa đoạn văn trên, chúng tôi cũng hướng dẫn HS tiến hành theo hai bước như chữa câu sai về ngữ pháp.
 -Bước 1: Phân tích câu để tìm ra chỗ sai.
 - Bước 2:Tìm cách chữa chỗ sai.
 Ở đoạn văn trên, sau khi phân tích HS sẽ thấy tác giả nhắc đi nhắc lại tới 4 lần “ chim hót, chim ca, tiếng chim”. Do vậy , chúng tôi gợi ý để các em cần tìm cách bỏ bớt những ý trùng lặp ấy đi để câu văn ngắn gọn, sáng sủa hơn. Ví dụ các em có thể sửa lại đoạn văn trên như sau:
	“Cây lá rung rinh hai bên đường như chào đón mọi người về nhà.Tiếng chim hót líu lo trên cành cây hoà lẫn với giọng ca của học sinh tạo nên một khúc nhạc du dương.” 
	Cần lưu ý là câu sai về mặt xếp ý thường hay sai cả về mặt ngữ pháp. Chính vì vậy mà đối với những câu này, chúng ta phải cho HS sửa chữa cả về mặt ngữ pháp và về ý. Các câu này thường hay gặp trong tiết trả bài tập làm văn. Trong khi luyện viết câu, chúng ta nên không cho HS sửa chữa loại câu này vì sẽ tạo nhiều lúng túng cho các em mà chỉ nên đưa ra những câu sai về ngữ pháp hoặc sai về ý để HS dễ sửa chữa.
c)Sửa chữa để cho câu trở nên sinh động, ý cụ thể:
 Đây là một hình thức luyện câu rất cần thiết cho đối tượng HS chuẩn bị tham gia các kì thi chọn HS giỏi các cấp. Muốn cho câu văn trở nên sinh động, ý cụ thể, có sức truyền cảm, chúng tôi thường dùng 3 cách sau đây:
­. Cách thứ nhất: Dùng tính từ, các từ gợi cảm.
Ví dụ chúng tôi đưa ra câu:
Nước sông chảy mạnh vào cánh đồng.
 Chúng tôi sẽ gợi ý để các em thấy câu này chưa cụ thể vì nước sông màu gì, chảy như thế nào ta chưa tả rõ nên không tạo được hình ảnh trong óc người đọc. Nếu chúng tôi gợi ý cho HS dùng một số tính từ, các từ gợi cảm thì hình ảnh con sông và dòng nước sẽ hiện lên cụ thể sinh động hơn:
Dòng nước đục ngầu tuôn bọt trắng xoá, ào ào chảy vào cánh đồng.
­. Cách thứ hai: Dùng một số biện pháp miêu tả như so sánh, nhân hoá:
	Ví dụ ta có câu : “ Ánh trăng chiếu qua kẽ lá. “ 
	Nếu gợi ý, các em sẽ viết được : “ Trăng vạch kẽ lá nhìn xuống. “ 
	Hoặc câu : “Cây bàng ở sân trường có cành lá sum sê “. Nếu vận dụng biện pháp so sánh, các em sẽ viết lại được: “ Cây bàng ở sân trường , gốc to như cột đình, cành lá sum sê như cái nón khổng lồ”.
 Về loại này chúng tôi thường cho các em sửa chữa bằng cách thêm hình ảnh để so sánh hoặc bằng cách nhân hoá sự vật
 Ví dụ :Thêm hình ảnh so sánh vào các câu dưới đây:
	-Mặt trời đỏ ửng đang nhô lên ở phía đông.
	Sau khi được gợi ý, các em sẽ viết lại được :
	-Mặt trời đỏ ửng như một quả gấc chín đang từ từ nhô lên ở đằng đông.
	Hoặc câu: “ Bác nông dân ấy người khoẻ mạnh, có nước da rám nắng. “ 
	Học sinh sẽ viết lại khi đã vận dụng so sánh vào : “ Bác nông dân ấy người khoẻ mạnh, có nước da rám nắng như màu da chum.”
	Các em cũng có thể thay động từ để câu văn trở thành nhân hoá. 
	Ví dụ -Ánh nắng chiếu xuống mái nhà và mảnh sân xinh xắn.
	Sau khi được gợi ý các em sẽ viết lại như sau: “ Ánh nắng ôm lấy mái nhà và mảnh sân xinh xắn . “
	Hoặc từ câu : “ Mấy chú chim hót ríu rít trong bụi cây. “ Thì các em sẽ viết lại : ‘ Mấy chú chim đang trò chuyện ríu rít với nhau trong bụi cây. “
­. Cách thứ ba : Thêm chi tiết cụ thể vào câu văn:
 Đây là lối miêu tả cụ thể và sinh động. Vì vậy chúng tôi thường gợi ý rất cụ thể, ví dụ HS viết : “ Hôm nay, bác Hùng rất vui “. Chúng tôi sẽ gợi ý :
	-Nét mặt bác Hùng thế nào? 
	-Bác đối xử với mọi người xung quanh như thế nào?
	Học sinh sẽ tìm thêm những chi tiết như: ‘ Mặt mày hớn hở, cười nói luôn miệng, niềm nở với mọi người “. 
	Ngoài ba cách trên chúng tôi cũng thường sử dụng nhiều cách khác như :
	¬.Cho một số từ ở đầu câu để học sinh đặt tiếp cho câu hoàn chỉnh. 
	Ví dụ:
	-Trong khi
	-Theo lời Bác Hồ dạy
	-Qua việc làm của bạn Nam
	¬.Luyện cho học sinh các kiểu câu: Kể, khẳng định, phủ định, hỏi, cầu khiến,cảm 
	Ví dụ:
	-Trên cành cây khẳng khiu, đã lấm tấm lộc non.( câu kể )
	-Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu. ( câu khẳng định )
 -Hãy cố gắng lên! ( câu cầu khiến )
	¬.Tập cho học sinh diễn đạt một ý bằng nhiều cách khác nhau:
	Ví dụ tả mặt trời bằng nhiều cách khác nhau:
	-Mặt trời đỏ như quả gấc chín, đang từ từ nhô lên ở chân trời. 
	-Mặt trời đã xé toạc đám mây ở phía đông, tươi cười nhìn xuống cánh đồng.
	-Hôm nay, mặt trời như dậy sớm, rọi những tia nắng vàng xuống cánh đồng lúa xanh mượt.
	¬.Tập mở rộng câu bằng cách thêm vào các bộ phận phụ.
	Ví dụ Cho câu : “ Chim hót .”
	Học sinh sẽ thêm dần :
	-Chim hót líu lo.
	-Chim Hoạ Mi đang hót líu lo.
	-Trong vườn, một chú chim Hoạ Mi xinh xắn đang hót líu lo.
	-Lúc sáng sớm,trong vườn nhà em, một chú chim Hoạ Mi xinh xắn đang hót líu lo.
	¬.Tập thay đổi thời gian trong câu ( Dùng các từ đã, sẽ, đang, ngày mai) 
	¬.Tập đặt câu với những quan hệ từ, cặp quan hệ từ cho sẵn như: 
	-Chẳng những mà còn
	-Tuynhưng..
	-Sở dĩ là vì
 -Càngcàng 
 B.Kết thúc vấn đề:
	Luyện câu cho học sinh là một việc làm cần có thời gian và sự kiên nhẫn lâu dài, tất cả chúng ta ai cũng có thể làm và sẽ làm rất tốt nếu có sự chuẩn bị thật kỹ.Trong một tiết chúng ta không nên quá “ tham lam “, đặt nhiều yêu cầu mà nên xoáy vào trọng tâm để thấy rõ : “Cần luyện câu gì? Luyện bằng hình thức nào?Yêu cầu các em phải đạt được đến đâu? “ Có như vậy công việc luyện câu của chúng ta mới thực sự đạt kết quả như chúng ta mong muốn.
	Chúc các thầy cô thành công trong sự nghiệp trồng người của mình!
	Ân Đức ngày tháng năm 2015 
 Người viết
	 Nguyễn Tấn Phú
PHÒNG GD – ĐT HOÀI ÂN
TRƯỜNG TIỂU HỌC SỐ 2 ÂN ĐỨC
š«›
– & —
Người viết Nguyễn Tấn Phú
Năm học 2015-2016

Tài liệu đính kèm:

  • docchuyen_de_mot_so_van_de_ve_ren_ky_nang_luyen_cau_cho_hoc_sin.doc