Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học cơ sở

doc 13 trang Người đăng TRANG HA Lượt xem 3735Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học cơ sở", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học cơ sở
BÀI DỰ THI
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC 
TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ
I. Tên tình huống: NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
 	Trong giờ chơi, An đang cùng các bạn tranh thủ dàn hàng ngang bên vòi nước để rửa mặt làm dịu bớt cái nóng bứt của những ngày cận hè. Lúc này bạn Lan cứ để vòi nước xả tràn, thậm chí cả lúc vừa nói chuyện vừa để nguyên cho vòi nước cứ chảy một cách phung phí. An nhẹ nhàng nhắc nhở bạn. 
- An: Bạn rửa nhanh lên, để nước chảy không như vậy phí nước quá. 
- Lan: Bạn đừng nói quá, có xí nước mà cũng tiết kiệm. Có hôm, các bạn dùng xong không thèm khóa nước, cứ thế để nó xả tràn thì có làm sao đâu ?
- An: Như vậy là bạn chưa áp dụng được những điều thầy cô dạy cho chúng mình và chưa biết hết được nước quan trọng với mỗi một con người, với tất cả sinh vật trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cùng tìm hiểu về vấn đề này. 
II. Mục tiêu giải quyết tình huống:
- Thứ nhất : Nước liên quan đến sự sống thiết thực của con người. 
- Thứ hai: Việc rèn kĩ năng sống cho tất cả các bạn học sinh trong đó có việc sử dụng nguồn nước hợp lí là vấn đề quan trọng, thiết thực. Xuất phát là học sinh chúng ta sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tạo những ảnh hưởng tốt đến tất cả bà con lối xóm, đến tất cả những người thân trong gia đình, cùng nhau bảo vệ nguồn nước hiện có và biết cách sử dụng một cách hợp lí nhất để hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước. 
-Thứ ba: Với riêng chúng em, khi giải quyết tình huống này, chúng em sẽ tìm hiểu được sâu hơn về kiến thức các môn học: Môi trường, Sinh học, Hóa học, Công nghệ, Địa lí, Công dân.Và từ đó các em tăng thêm kiến thức của mình và biết vận dụng các hiểu biểt đó vào cuộc sống hằng ngày của mình và cộng đồng xung quanh mình. 
III. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống:
 	Để giải quyết tình huống, nhóm chúng em đẫ tìm hiểu và thấy có nhiều kiến thức trong nhiều môn học khác nhau, chúng em phân công ra từng nhóm nhỏ và cùng nhau tìm hiểu mỗi vấn liên quan đến nguồn nước, sau đó họp và trao đổi nhau các kiến thức liên quan để giải quyết tình huống. 
IV. Giải pháp giải quyết tình huống: 
 	Chúng em đặt ra các câu hỏi theo hệ thống, sau đố phân công về từng nhóm nhỏ, từng nhóm thực hiện cách giải giải quyết, sau đó các em tổng hợp và xin trình bày cụ thể trong phần thuyết minh giải quyết tình huống dưới đây:
Vai trò của nước đối với đời sống con người và đối với hệ động thực vật trên trái đất. 
Các thông tin về nước của thế giới 
Vì sao nước bị ô nhiễm ? 
Tình trạng ô nhiễm nước ở nước ta và riêng ở địa 4 phương chúng ta. Hậu quả của ô nhiễm nước. 
Các biện pháp giữ gìn nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm nước và giữ nước sạch 
Một số biện pháp tiết kiệm nước trong đời sống hàng ngày. 
 7. Trách nhiệm của học sinh về việc tuyên truyền và cùng nhau bảo vệ nguồn nước 
V. Thuyết minh về tiến trình giải quyết tình huống :
 	Như chúng ta đã biết, con người có thể nhịn đói trong vài ngày thậm chí có thể cả tuần lễ mà không chết nhưng chỉ cần không có nước trong 24 tiếng đồng hồ sẽ bị chết, điều đó cho ta thấy nước có vai trò quan trọng đối với sự sống còn của con người. 
 	Trong cơ thể con người, nước chiếm 75% trọng lượng cơ thể. Trong 1 ngày một người cần từ 2 đến 3 lít nước. Nước tham gia vào mọi hoạt động trao đổi chất trong cơ thể con người. 
 	Không chỉ vậy, nước còn rất cần thiết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt hằng ngày từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp
Và nước còn rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của động, thực vật để duy trì sự sống cho cả hành tinh xanh của chúng ta.
 	Nói tóm lại, nước giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài nguyên nước đang trở thành vấn đề lớn của cộng đồng, của cả thế giới, trong đó mỗi người dân cần ý thức được rằng: tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước không chỉ là tiết kiệm tiền mà còn bảo vệ được cuộc sống của chính mình...
 	Trước hết chúng ta cần tìm hiểu qua thông tin về nước trên thế giới hiện nay: Trên trái đất có đến 97% là nước muối, chỉ còn 3% là nước ngọt nhưng gần 2/3 lượng nước ngọt này tồn tại ở dạng sông băng ở các cực, phần còn lại ở dạng nước ngầm.
 	Theo nguồn thống kê của Unicef thì có đến 60% quốc gia trên thế giới là những vùng có ít nước ngọt, có 61à80% quốc gia trên thế giới là vùng thiếu nước. Những vùng miền như sa mạc, vùng băng giá, vùng hải đảo nước vô cùng khan hiếm, người dân nơi đây phải gìn giữ từng giọt nước mưa để tồn tại.
 	Trong phần nước ngọt có sẵn, nước chúng ta dùng trong ăn uống mà ta gọi là “nước an toàn ” hay “nước sạch ” lại chiếm tỉ lệ ít hơn nữa.
 	Thế nào là “nước sạch” hay là “nước an toàn” ? 
 	Dựa vào kiến thức môn Sinh học chúng em đã học “nước sạch” hay “nước an toàn” là nước được sử dụng để ăn uống và không có các chất gây ảnh hướng đến sức khoẻ của con người. Trên thế giới hiện nay có đến hơn 25% dân số không thể uống được “nước an toàn ” và điều đáng lưu ý ở đây là có đến 80% bệnh tật trên thế giới gây ra từ nước có các mầm bệnh và qua đó 25000 người đang chết mỗi ngày. 
 	Như chúng ta đã biết: Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô tận, lượng nước an toàn con người đang sử dụng ngày càng bị thu hẹp lại. Nguyên nhân từ đâu mà nước ngọt đang sử dụng ngày càng bị ô nhiễm. 
 	Còn theo kiến thức môn Địa lí, Hóa học nước ô nhiễm là sự biến đổi theo chiều hướng xấu đi của các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của nước, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể rắn, lỏng làm cho nguồn nước trở nên độc hại, gây bệnh tật cho con người. Nguồn nước bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân: có thể từ tự nhiên như do mưa,bão, lũ lụt và phần lớn do các hoạt động của con người như chất thải sinh hoạt, các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, các sự cố tràn dầu, nổ tàu chở dầu 
 	Thiếu nước đang là một vấn đề lớn cho thế giới hiện nay. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn khi con người lại làm ô nhiễm các nguồn nước sẵn có. Nhiều quốc gia đã thiết lập những khu xử lý nước để cung cấp cho nhu cầu ngày càng lớn về nước sạch của người dân.
 	Qua môn Công nghệ, chúng em lại biết: tình trạng ô nhiễm ở nước ta hiện nay đang xảy ra ở nhiều nơi với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, thiếu nước vào mùa khô và lũ lụt mùa mưa đang xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ ngày càng nghiêm trọng như trữ lượng nước ở các hồ thuỷ điện lớn (Thác Bà, Trị An, Hoà Bình) hoặc lũ quét ở các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An Nguyên nhân chủ yếu là do nạn chặt phá rừng. Bên cạnh đó, tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt (sông, hồ, đất ngập nước), mặn hoá các thấu kính nước ngầm đang xảy ra ở các đô thị lớn và các tỉnh đồng bằng do các nguồn thải công nghiệp và hoá chất nông nghiệp. Cứ mỗi ngày hàng ngàn mét khối nước nước thải từ các nhà máy hóa chất, thuốc trừ sâu ,nhà máy sản xuất giấy,vải,giày da, vật liệu xây dựngxuống các dòng sông trong vùng làm nước bị nhiễm bẩn nghiêm trọng ,ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh vật và sức khoẻ người dân ,ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và toàn xã hội. 
 Nước ô nhiễm làm cá chết hàng loạt 
 Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm mạch nước ngầm 
 Chất thải công nghiệp từ các nhà máy thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm dòng sông 
 Sự cố tràn dầu gây ô nhiễm 
	Qua bộ môn Giáo dục công dân, chúng em lại biết: do tình hình dân số ngày càng tăng nhanh, dân cư sống ở các vùng đô thị với mật độ khá cao, nước thải sinh hoạt cộng với nước thải của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, vứt rác bừa bãi, xử lí rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập trong khu dân cư là đặc trưng ô nhiễm của các đô thị ở nước ta. 
	Với thành phố Hội An hiện nay, trên địa bàn thành phố và vùng ven của thành phố có nhiều cơ sở sản xuất nhất là các nhà hàng, khách sạn đan xen trong các khu dân cư, các cơ sở này hàng năm thải ra một lượng lớn chất thải làm ô nhiễm nặng nề các nguồn nước sông ,hồ trên địa bàn thành phố. 
 	Các cống thoát nước của thành phố dùng chung cho nước mưa và nước thải, hệ thống thoát nước đã xây dựng từ lâu, cũ nên vẫn còn nhiều hạn chế. Nước mưa và nước thải đều đổ dồn trực tiếp ra sông mà chưa qua xử lí hoặc có nhưng chưa triệt để nên nồng độ các chất ô nhiễm trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép đã gây nên tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng. 
 	Trong nhà trường hiện nay chúng em còn được học một số tiết tự chọn về Giáo dục Môi trường do Phòng Giáo dục & Đào tạo Hội an và phòng Tài nguyên Môi trường biên soạn : “ Nước và cuộc sống con người”; “Hiện tượng trái đất nóng dần lên, nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp giải quyết”
	Thông qua các bài học trên, chúng em đã có thêm nhiều kiến thức về môi trường xung quanh ta, biết được ảnh hưởng của môi trường đến cuộc sống của người dân, tình trạng xâm thực, xói lở ở bờ sông Cẩm Nam, Cẩm Thanh, bờ biển Cẩm An. Bão, lũ hằng năm đe dọa kinh tế và cuộc sống của người dân và thiên tai như vậy cứ tiếp diễn sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Nước ô nhiễm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:
- Gây ra nhiều bệnh cho con người, có những bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến tính mạng và suy kiệt kinh tế gia đình.
- Ảnh hưởng đến đời sống của các loài sinh vật, đa dạng sinh học có nguy cơ bị phá vỡ hệ sinh thái. 
- Gây ô nhiễm và mất cảnh quan môi trường. Riêng đối với Hội An chúng ta, việc ô nhiễm nguồn nước ở khu vực kênh mương Chùa Cầu vào những ngày hè, nước cạn, khi đi ngang qua di tích này, du khách lại phải nín thở vì mùi hôi của bùn dưới lòng kênh mương bốc lên, đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa du lịch của thành phố.
 	Với tầm quan trọng của nước như vậy, chúng ta cùng nhau cố gắng thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước:
+ Xử lí triệt để chất thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt và sản xuất. 
 	- Không vứt rác bừa bãi ra sông, suối, ao, hồ, biển.
 	- Thực hiện thu gom rác thải đúng theo qui định của thành phố: chất thải rắn, khó phân hủy tách riêng với chất thải dễ phân hủy theo đúng khẩu hiệu “ Rác cũng là nguồn tài nguyên” nếu ta biết cách xử lí hợp lí, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nói chung và nguồn nước ngầm xung quanh. 
 	- Hưởng ứng các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường nước tại các khu vực sông hồ, biển bị ô nhiễm. 
+ Tăng cường nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên nước nhẵm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. 
+ Tham gia tuyên truyền, phổ biến nâng cao trách nhiệm của từng người dân trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên nước vì: Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô tận.
+ Sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong mọi sinh hoạt của đời sống con người. 
+ Đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường kiểm tra và xử lí thật nghiêm các hoạt động của các cơ sở sản xuất hoặc các hành vi làm ô nhiễm môi trường nước. 
	Một số biện pháp tiết kiệm nước trong đời sống hàng ngày: Với khẩu hiệu “Tiết kiệm nước là bảo vệ cuộc sống của chính mình” chúng em luôn tuyên truyền cho các bạn cùng nhau góp sức, chung tay để thực hiện chương trình tiết kiệm nước.
 	Một số biện pháp tiết kiệm nước trong đời sống hàng ngày. Trong sinh hoạt hằng ngày có những sự việc diễn ra chung quanh chúng ta, những việc ta tưởng chừng như rất bé ,nếu ta biết cách tiết kiệm, mỗi người đều chung tay góp sức thì hiệu quả mang lại rất lớn.
 	NƯỚC là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước luôn luôn rất cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa tiết kiệm nước ở các lưu vực. 
	*Một số lời khuyên giúp bạn tiết kiệm nước (Sử dụng kiến thức môn Ngữ văn, môn Vật lí, môn toán, môn Sinh, môn Công nghệ, các em và tất cả các bạn trở thành những tuyên truyền viên tích cực để vận động, thuyết phục và giải thích cho mọi người )
	A/ Trong các sinh hoạt ở nhà: 
1/ Hạn chế việc rửa dưới vòi nước chảy: Khi rửa bát, rửa rau hay cọ đồ vật, nên hứng sẵn một thau nước sạch. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi chảy khi thật cần thiết, trong trường hợp đó nên điều chỉnh vòi nước vừa đủ dùng. 
2/ Khi rửa tay hoặc khi đánh răng: Không cần thiết để nước tiếp tục chảy trong khi bạn đánh răng hoặc đang xát xà phòng ở 2 bàn tay mà vẫn để vòi nước chảy thoải mái. Để đánh răng, bạn hãy nhúng ướt bàn chải và hứng đầy một cốc nước để súc miệng. 
3/ Sử dụng vòi tắm hoa sen tiết kiệm, hiệu quả: Các đầu vòi hoa sen tiết kiệm nước không tốn kém và rất dễ lắp đặt tại các hộ gia đình. Cứ một phút “nhàn rỗi” thì vòi hoa sen tiêu tốn 20 đến 45 lít nước, vì vậy hãy hạn chế xả nước tắm khi bạn xát xà phòng và kỳ cọ. 
4/ Sử dụng máy giặt: Chúng ta nên sử dụng máy giặt tự động khi có đủ khối lượng theo công suất của máy để tiết kiệm nước một cách tốt nhất. Với mỗi mẻ giặt, điều chỉnh mức nước phù hợp với khối lượng quần áo cần giặt. Nếu không dùng máy giặt, ta có thể sử dụng nước xả áo quần không còn xà phòng dùng vào tưới cây hoặc tưới sân. 
5/ Chỉ tưới bãi cỏ khi cần thiết: Ngày nay, nhiều gia đình trang trí sân vườn bằng cách trồng cỏ, cách tốt nhất để biết bãi cỏ có cần tưới hay không là đi trên cỏ. Nếu cỏ bật thẳng trở lại ngay khi bạn đi khỏi thì lúc này chưa cần phải tưới nước. 
6/ Tưới nước vào buổi sớm trong ngày, tránh tưới nước khi trời gió: Tưới nước vào sáng sớm thường tốt hơn so với lúc chiều tối vì giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm. Tưới nước vào lúc sáng sớm hoặc lúc chiều muộn, đều có thể giảm lượng nước thất thoát do bay hơi. Tưới nước vào buổi sớm trong ngày cũng là cách phòng tránh tốt nhất các loại ốc sên và sâu chuột hại vườn. Tránh tưới nước khi trời gió vì gió có thể thổi tạt các tia nước và làm tăng quá trình bốc hơi. 
7/ Trong trồng cây tại nhà: Bổ sung các chất hữu cơ và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây bụi ,thảm cỏ hoặc trồng các loại cây chịu hạn: Bón phân hữu cơ vào đất sẽ giúp tăng khả năng thẩm thấu của đất cũng như khả năng giữ nước. Tránh tưới quá nhiều cho cây cảnh và cây bụi, vì điều này có thể làm giảm sức đề kháng của cây và gây ra bệnh vàng lá. Nhiều loại cây bụi và cây cảnh đẹp có thể phát triển tốt mà lại cần ít nước hơn nhiều so với các loại cây khác. Các loại cây địa phương có lẽ sẽ cần ít nước hơn và có khả năng kháng các loại sâu bệnh lâu hơn.
 	Phủ một lớp mùn xung quanh cây và cây cảnh: Lớp mùn có thể làm chậm sự thoát hơi nước và hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Bổ sung 5 - 10cm chất hữu cơ như phân trộn hoặc lớp mùn cứng có thể tăng khả năng giữ hơi nước của đất.
8/ Kiểm tra rò rỉ nước: Để tiết kiệm nước, việc trước tiên bạn cần phải làm là kiểm tra hệ thống cấp nước trong nhà xem có rò rỉ hay không. 
9/ Gom rác thải đúng loại và đúng nơi qui định 
	B/ Ở trường : 
1/ Dùng nước rửa tay khi cần thiết và tiết kiệm (như tại nhà), dùng xong nhớ khóa nước cẩn thận, không để tình trạng rò rỉ nước. 
2/ Giữ vệ sinh chung, đổ rác đúng nơi qui định. 
3/ Tham gia tuyên truyền, cổ động, thi vẽ, thi viết về bảo vệ môi trường nước. Không dễ để thay đổi những thói quen sử dụng nước lãng phí như trên trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta, mỗi gia đình, mỗi ngày, mỗi hoạt động đều thực hành tiết kiệm từng giọt nước nhỏ, sẽ có một lượng nước sạch khổng lồ được bảo tồn cho tương lai. Đó cũng chính là thông điệp từ chương trình “1 phút tiết kiệm - triệu niềm vui” hoặc từng bước chung tay thực hiện “ước mơ nước sạch” ở nhiều vùng nông thôn. Và mỗi khi sử dụng nước chúng ta hãy nghĩ đến trên trái đất này còn tới 2 tỷ người đang khát nước...
 	Mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc  bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày. 
 Dọn vệ sinh ở các bãi cát biển 
VI. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống 
 	Thông qua các kiến thức trên ,chúng em đều ý thức được: NƯỚC là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô tận”, hiểu được “Tiết kiệm nước là bảo vệ cuộc sống của chính mình ” và biết cách nâng cao nhận thức của mình và các bạn xung quanh mình. Với ý thức sâu sắc trong việc tiết kiệm nước, ta có thể có nhiều sáng kiến ưu việt hơn tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Tiết kiệm nước sẽ trở thành thói quen khi tất cả mọi người trong gia đình nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nhờ vậy, chúng ta có thể cùng nhau tiết kiệm tiền, góp phần gìn giữ nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường. 
 	Trong các tiết học ở trường, từ tiết môi trường, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh học đến các tiết khác như địa lí, vật lí thậm chí chúng ta có thể sử dụng môn toán để tính toán cho chí phí lượng nước, lượng điện đang sử dụng để kịp thời phát hiện sự rò rỉ nước ,rò rỉ điện trong sinh hoạt để kịp thời giải quyết tình huống trên. Nếu hiểu nhưng vốn liếng về môn ngữ văn bị hạn chế thì sẽ gây trở ngại trong việc trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Từ đó các bạn thẩy rằng tất cả những điều chúng ta học được từ các bộ môn đều có tác dụng và ý nghĩa, có mối liên quan với nhau, không có kiến thức nào, môn học nào là không quan trọng. Từ đó các bạn xác định việc học tập quan trọng như thế nào, xác định động cơ học tập của mình để làm cho cuộc sống ngày càng ý nghĩa hơn. 
Thông qua những hoạt động đơn giản, gần gũi nhưng giàu nhiệt huyết của các bạn trẻ, thông điệp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã lan tỏa tới cộng đồng địa phương và du khách 
 	Vào ngày 9-9-2009, lần đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới có một sự kiện "Ngày không túi ni-lông - The Nature Day" được tổ chức tại Hội An. Nhiều hoạt động được tiến hành nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tác hại của túi ni-lông đối với sức khỏe và môi trường sống. "Ngày không túi ni-lông" sẽ được tổ chức thường niên hằng năm, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi, cổ vũ cho một lối sống không lệ thuộc vào túi ni-lông, vận động các cơ quan công sở, gia đình, cá nhân không sử dụng túi ni-lông để từng bước hình thành thói quen không sử dụng túi ni-lông vào các ngày còn lại trong năm.
 Cù Lao Chàm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường
Hình ảnh tuyên truyền quen thuộc trên đây nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên đảo Cù Lao Chàm trong chiến dịch “nói không với túi ni lông”. Với sự nỗ lực hưởng ứng của người dân trên đảo, UNESCO công nhận Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang gây “hiệu ứng” cho các địa bàn trong thành phố Hội An. Cảnh quan môi trường ở Cù Lao Chàm chính là “thông điệp” cho du khách quốc tế về vùng biển đảo xanh, sạch và đẹp.
 Biển Cù Lao Chàm Hội An xanh, sạch và đẹp 
 	Là điểm khởi đầu sự kiện "Ngày không túi ni-lông", Hội An cũng là thành phố thứ hai ở Việt Nam thực hiện dự án 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) bằng việc phân loại rác thải tại nguồn.	
 	Với nổ lực của cả cộng đồng chung tay góp sức, chúng ta đã có được kết quả đáng tự hào: “ Hội An là thành phố du lịch được yêu thích thứ hai châu Á”
 Dòng sông bên Chùa Cầu đã trở lại trong xanh và sạch sẽ 
 Bến Sông Hoài 
 Đèn lồng phố Hội soi bóng bên dòng sông Hoài
 Chúng em thi vẽ về môi trường 
	Tự hào về Hội An mình, chúng em sẽ trở thành những tình nguyện viên tích cực, vận động mọi người dân cùng nhau giữ gìn và ngày càng phát huy những thành tựu mà chúng ta đã có. 
 	Trên đây là một trong nhiều tình huống thực tiễn mà nhóm học sinh trường THCS Nguyễn Duy Hiệu đã giải quyết trong quá trình học tập. Trong quá trình giải quyết tình huống có thể còn những hạn chế và thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. 
 	Xin trân trọng cám ơn. 
 Hội An ngày 20 tháng 12 năm 2013 
 Trưởng nhóm 
 Nguyễn Phan Vỹ Huyền 

Tài liệu đính kèm:

  • docNUOC VA DOI SONG CON NGUOI.doc