Tài liệu ôn tập hỗ trợ giáo viên giúp học sinh tự học ôn thi qg thpt năm học 2015 - 2016

doc 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1447Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu ôn tập hỗ trợ giáo viên giúp học sinh tự học ôn thi qg thpt năm học 2015 - 2016", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu ôn tập hỗ trợ giáo viên giúp học sinh tự học ôn thi qg thpt năm học 2015 - 2016
TÀI LIỆU ÔN TẬP HỖ TRỢ GIÁO VIÊN GIÚP HỌC SINH TỰ HỌC
ÔN THI QG THPT NĂM HỌC 2015-2016
( dành cho thầy cô và HS chưa chia sẻ với người viết)
Thầy ( cô ) và các em học sinh nào có nhu cầu tìm đọc 100 đề đọc hiểu ( trong đó có đề đọc hiểu về những chủ đề ngoài chương trình như chủ đề người lính và Tổ quốc, chủ đề biển đảo , 32 đề thi thử dạng so sánh và ý kiến bàn về văn học, dạng nghị luận về bài thơ, đoạn thơ, đoạn trích văn xuôi có đáp án, xin liên hệ qua Thầy giáo có địa chỉ Email nguyenhieudung1968@gmail.com và gọi DĐ Số 01223745614 được giải đáp. Tài liệu (có phí) chuyển qua Email của thầy/cô. Thầy(cô) vui lòng khi gửi Email ghi rõ Họ và tên, Địa chỉ nơi công tác ( Trường, xã, huyện, tỉnh) , số Di động cá nhân để được phản hồi những thông tin chi tiết hơn. 
ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM HỌC 2015-2016 ( MỚI NHẤT)
Môn: NGỮ VĂN 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
RA SÔNG GIẶT ÁO CHO CHỒNG
 	 Ra sông giặt áo cho chồng
Mây xanh thả xuống một dòng sông xanh
Áo đạn xé, người đâu lành
Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng
Bến sông bóng chị rưng rưng
Sông bao nước mắt dửng dưng được nào?
Gái quê như hạt mưa rào
Đã vào tay lính là trao trọn đời
Mỗi năm chỉ một lần thôi
Áo Trường Sơn giặt lại phơi nắng hồng.
Ra sông giặt áo cho chồng
Thời gian vò rối bòng bong tay người
Súng gươm một trận khóc cười
Gái quê buồn thả sông trôi se lòng.
Ra sông giặt áo cho chồng
Vắt vai cả một dòng sông mang về.
                                                                         Hồ Anh Tuấn
                   (Trong tập thơ “Tự tình với mùa thu”, nxb Văn hóa Dân tộc, 2010)
Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
        1/ Nhà thơ đã chọn hình tượng gì để gợi cảm hứng cho bài thơ? Ý nghĩa của hình tượng đó là gì ?
        2/ Xác định các yếu tố tạo nên chất dân gian của bài thơ?
        3/ Xác định phép điệp cú pháp và nêu hiệu quả nghệ thuật phép điệp đó trong bài thơ ?
        4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hình ảnh người vợ trong bài thơ.
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:
(1)Nguyễn Tuân (1910-1987), sinh ra trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Quê ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ nhỏ, theo gia đình sống ở nhiều tỉnh miền Trung. Nguyễn Tuân học đến cuối hết bậc Thành chung ở Nam Định, sau đó về Hà Nội viết văn và làm báo. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ 1948 đến 1958, ông là Tổng thư ký của Hội Văn nghệ Việt Nam.
(2)Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại: thúc đẩy thể tuỳ bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo. Năm 1996, Nguyễn Tuân được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 
(3)Những tác phẩm chính của Nguyễn Tuân: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Đường vui ( 1949), Tình chiến dịch ( 1950), Sông Đà ( 1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi ( 1972)...
( Trích Chữ người tử tù, Tr107, SGK Ngữ văn 11, Tập I, NXBGD 2007)
5/ Văn bản trên có mấy ý chính? Đó là những ý nào?
6/ Đoạn văn (1) có một câu văn không chính xác. Xác định câu văn mắc lỗi và cho biết nó thuộc loại lỗi nào.
7/ Thời điểm nào của lịch sử dân tộc giúp Nguyễn Tuân từ nhà văn lãng mạn trở thành nhà văn cách mạng?
8/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ cách hiểu của anh/chị về đánh giá“ Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”. 
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Trong phần đầu của đêm, anh hãy nghĩ về lỗi lầm của chính anh, trong phần sau của đêm, anh hãy nghĩ về những lỗi lầm của kẻ khác.
Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Trong bút kí Ai đã đạt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn:
Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hưong vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu "Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên". Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 198 - 199)
Theo anh (chị), những yếu tố nào đã làm nên vẻ đẹp của đoạn văn trên?
ĐÁP ÁN CHẤM THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2016-ĐỀ 32
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
 1/ Nhà thơ đã chọn hình tượng tấm áo của người chồng hy sinh còn để lại gợi cảm hứng cho bài thơ. Ý nghĩa của hình tượng đó: Ca ngợi sự hi sinh cao cả của người lính Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc, đồng thời thể hiện vẻ đẹp tâm hồn thông qua nỗi nhớ, lòng chung thuỷ, niềm tự hào của người vợ liệt sĩ. ( 0.25)
        2/ Các yếu tố tạo nên chất dân gian của bài thơ là :( 0.25)
Thể thơ lục bát truyền thống
Hình ảnh : dòng sông, mây xanh...
Vận dụng ca dao : ...như hạt mưa rào ; thành ngữ : vò rối ( rối như tơ vò)
        3/ Phép điệp cú pháp : Ra sông giặt áo cho chồng 3 lần ( không tính nhan đề)( 0.25)
Hiệu quả nghệ thuật phép điệp đó trong bài thơ :( 0.25)
-“Ra sông giặt áo cho chồng/Mây xanh thả xuống một dòng sông xanh” : người vợ mang áo ra sông như mang cả màu xanh, hay mang cả hình bóng của anh ; 
-“Ra sông giặt áo cho chồng/Thời gian vò rối bòng bong tay người” : gợi nỗi niềm nhung nhớ đến không thể cầm lòng khi nhớ tới những tháng năm anh đi xa ; 
-“Ra sông giặt áo cho chồng/Vắt vai cả một dòng sông mang về”: khi áo đã giặt xong, chị trở về nhà thì lại lập tức có cảm giác dòng sông (hay hình bóng anh) cũng trở nên gần gũi thân thương: 
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hình ảnh người vợ trong bài thơ.( 0.5)
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ; 
-Nội dung: đoạn văn thể hiện được tâm trạng của người vợ có chồng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Qua đó, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống và hiện đại.
5/ Văn bản trên có hai ý chính: Khái quát về tiểu sử tác giả Nguyễn Tuân và sự nghiệp sáng tác của ông.( 0.25)
6/ Đoạn văn (1) có một câu văn không chính xác là: Từ nhỏ, theo gia đình sống ở nhiều tỉnh miền Trung. ( 0.5)
Câu văn này mắc lỗi về cú pháp- thiếu chủ ngữ của câu
Sửa lại: thêm từ ông ( hoặc Nguyễn Tuân)trước từ theo.Viết lại là: Từ nhỏ, ông theo gia đình sống ở nhiều tỉnh miền Trung. 
7/ Thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công giúp Nguyễn Tuân từ nhà văn lãng mạn trở thành nhà văn cách mạng.( 0.25)
8/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ cách hiểu của anh/chị về đánh giá“ Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”. ( 0.5)
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ; 
-Nội dung: hiểu được đóng góp lớn của Nguyễn Tuân trong văn học hiện đại Việt Nam. Không những đi tìm cái đẹp ở một thời vang bóng, ông còn phát hiện cái đẹp ngay trong thiên nhiên và con người của cuộc sống hiện tại. Về nghệ thuật, mỗi sáng tác của Nguyễn Tuân để lại dấu ấn độc đáo trong cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, tạo cảm giác mãnh liệt...
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm):Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hãy nghĩ về lỗi lầm của mình trước khi nghĩ về lỗi lầm của người khác.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,75 điểm):
* Điểm 1,75: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
-   Giải thích ý kiến:
+ Câu nói trên sử dụng một lối nói bóng bẩy, phần đầu và phần sau của đêm không có nghĩa là phần đầu và phần sau của một đêm cụ thể mà chỉ đơn thuần chỉ thứ tự: hãy nghĩ về lỗi lầm của mình trước khi nghĩ về lỗi lầm của người khác.
+ Nội dung của ý kiến: đưa ra lời khuyên mỗi người, hãy nghiêm khắc với chính mình. Trước khi phê phán người khác, hãy tự kiểm điểm lại những lỗi lầm của chính mình.
-   Bàn luận về ý kiến:
+ Giống như trong cuộc sống,'nhìn thấy vết bẩn trên mặt người khác thường rất dễ nhưng nhìn thấy vết bẩn trên mặt mình lại không hề đơn giản. Con người ta thường có xu hướng dễ nhìn thấy những sai lầm của người khác nhưng lại ít khi nhìn nhận những sai lầm của chính mình. Từ đó dẫn đến việc con người thường nghiêm khắc với người nhưng lại dễ dãi với mình.
+ Thái độ nói trên dễ dẫn đến những hậu quả tai hại:
• Ta chỉ phê phán những cái sai của người khác mà không biết rằng chính ta cũng đang phạm phải những sai lầm và vì thế cứ tiếp tục phạm sai lầm, chính vì vậy nên không bao giờ ta có thể hoàn thiện được chính mình.
• Khi gặp phải khó khăn hay thất bại, ta dễ đổ tại hoàn cảnh mà ít khi nhìn thấy những nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính ta. Từ đó sẽ dẫn đến việc khó có thể rút ra được bài học đúng đắn.
+ Ngược lại với thái độ trên, việc nghiêm khắc với chính mình có thể mang lại hiệu quả tích cực, giúp con người không ngừng tự hoàn thiện mình để từ đó rút ra được những bài học có ích từ những thất bại trong cuộc sống và có thể có được những thành công trong tương lai.
-  Bài học về nhận thức và hành động:
Cần phải nghiêm khắc với chính mình, trước hết phải luôn nhìn vào những sai lầm của chính mình để tự hoàn thiện.
* Điểm 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
* Điểm 1,0: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,25 điểm) Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp nữ tính của sông Đà và sông Hương
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,5 điểm):
- Điểm 2,5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
-   Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một tặng phẩm xứng đáng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương, cho Huế. Bút kí được viết bằng một bút pháp tỉnh táo mà đắm say, chặt chẽ mà bay bổng. Tính trữ tình, tính triết lí, tính khoa học thống nhất với nhau, tạo nên một áng văn dễ làm mê đắm lòng người. Chỉ qua đoạn trích từ “Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi...” đến "giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”, ta đã có thể cảm nhận được điều này.
-   Nếu cả thiên bút kí kể về toàn bộ hành trình của sông Hương từ đại ngàn về châu thổ rồi xuôi ra biển cả thì riêng đoạn văn này chỉ nói về một chặng đường mà sông Hương đã đi qua - chặng nó uốn lượn giữa miền trung du “lô xô” những “đám quần sơn”. Đây cũng là chặng đường rất đáng nhớ, chuẩn bị tiền đề cho một thay đổi lớn: sông Hương, từ “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.
-   Trước hết, bằng cái nhìn của một người biết rõ sự tồn tại về phương diện địa lí của đối tượng, nhà văn đã vẽ ra một “bản đồ” thật chi tiết, miêu tả đường đi của sông Hương với những đợt “chuyển dòng”, “uốn mình” liên tục theo các hướng khi nam bắc, khi tây bắc, khi đông bắc... Bằng cách đó, ông đưa lại một cái nhìn bao quát về sông Hương tại “toạ độ” trung du với các điểm xác định: ngã ba Tuần, điện Hòn Chén, bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, chùa Thiên Mụ, Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo... Tất cả như muốn làm rõ “một cuộc tìm kiếm có ý thức” của sông Hương sau khi đã ròi bỏ đại ngàn. Hoá ra, sự tỉ mỉ, khoa học trong cách đánh dấu các vị trí trên bản đồ lại phục vụ rất đắc lực cho việc miêu tả tính cách hay khí chất đang định hình của sông Hương. Việc làm này tương tự việc các nhà văn khác đi tìm những chi tiết thật đắt để miêu tả hành trình số phận của nhân vật. Theo từng dòng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã thực sự ám ảnh độc giả như một con người đích thực, với những “chuyển”, “vòng", “uốn”, “vấp”, “vẽ”, “ôm”... đầy xúc cảm.
-   Kiến thức khoa học nếu sử dụng không chắc tay dễ khiến bài bút kí khô khan, nhưng trong trường hợp này, nó đã được đưa vào hết sức nghệ thuật, làm cho mạch văn mềm mại, trữ tình mà không hề dễ dãi. “Sắc nước trở nên xanh thẳm” của Hương giang đoạn qua Ngọc Trản được lí giải là do con sông đang vượt qua một vực sâu. Sự đổi sắc của nền trời “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” phía tây nam thành phố Huế được cắt nghĩa bằng lí do phản quang ánh nắng của những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo. Đọc đoạn văn, ta không chỉ được thấy mà còn được hiểu, nhờ sự giải thích khéo léo, tự nhiên nhưng rất thuyết phục của tác giả.
-   Trong lí luận hội hoạ cổ phương Đông, khi khái quát về cách diễn tả xa gần, người ta thường dùng các thuật ngữ: bình viễn, thâm viễn, cao viễn, về bức tranh mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ ra trước độc giả trong đoạn văn này, ta hoàn toàn có thể nói nhà văn đã rất thành thục trong việc làm nổi bật các khía cạnh cao, sâu, xa ấy của cảnh. Từ chữ nghĩa trên mặt giấy, một hình tượng hiện lên sống động, đầy cảm giác.
-   Trong đoạn trích, câu văn rất dài sau đây có ý vị thật đặc biệt, đã dồn nén được nhiều ấn tượng: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Hàng loạt ấn tượng về “đám quần sơn”, về “những lăng tẩm đồ sộ”, “những rừng thông u tịch” quyện vào nhau. Từ ngữ chỉ đặc điểm của đối tượng này cũng đồng thời ám gợi đặc điểm của đối tượng khác, tạo nên một vùng cảm giác phức hợp soi chiếu vào nhau. Đây là một kiểu biểu đạt rất thơ: trùng điệp, luyến láy và biến hoá; vừa tô đậm, xoáy sâu, vừa tạo ra những vùng nhoè, mờ, mở rộng không gian và khả năng liên tưởng cho người đọc.
 -   Câu cuối của đoạn văn vô cùng gợi cảm: “Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...”. Câu văn gợi nhớ những kiểu kết thúc các khổ thơ, đoạn thơ trong một bài thơ: xoa dịu tâm trí vốn chật căng những ấn tượng, tạo phút giây chùng lắng để người đọc chuẩn bị tâm thế tiếp nhận một đợt sóng mới của cảm xúc.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm) Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tài liệu đính kèm:

  • docGioi_thieu_100de_doc_hieu_va_de_thi_thu_QG_Van_2016.doc