Sáng kiến kinh nghiệm Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động kể chuyện

doc 8 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 22/07/2022 Lượt xem 147Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động kể chuyện", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sáng kiến kinh nghiệm Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động kể chuyện
GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG
 CHO HỌC SINH QUA HOẠT ĐỘNG KỂ CHUYỆN
Đặt vấn đề:
	Chuyện kể nhất là những câu chuyện hay rất dễ lôi cuốn tất cả chúng ta và tác dụng của nó là đã làm cho chúng ta thoải mái, thư giãn sau một thời gian học tập, làm việc đầy mệt nhọc. Nhớ lại trước đây, tất cả chúng ta ai cũng đã từng nhiều lần vòi bố mẹ, ông bà thường xuyên kể cho nghe những câu chuyện đời xưa, những câu chuyện cổ tích hằng đêm để rồi cái hương vị của nó như ngấm vào chúng ta cho đến bây giờ. Và hiện nay, trong các lần sinh hoạt chuyên môn hay sinh hoạt chính trị, khi giữa buổi, ai cũng thấy mỏi mệt, khó tập trung nhưng nếu người báo cáo, người thuyết trình biết xen vào một câu chuyện vui lí thú thì cả hội trường gần như nín lặng, tỉnh táo và hết sức tập trung theo dõi. Hơn thế nữa, những câu chuyện hay mang tính giáo dục, triết lí ngắn gọn sẽ đọng lại trong người nghe cái ý nghĩa giáo dục như rèn cách làm người, rèn các kĩ năng sống rất nhẹ nhàng mà sâu lắng. Điều này đối với các em học sinh Tiểu học tác dụng lại càng nhiều và lâu dài hơn vì các em với lứa tuổi thơ ngây hồn nhiên, mẫn cảm ; rất dễ hay bắt chước làm theo các hành động, việc làm của các nhân vật chính có nhiều phẩm chất đáng quý thường làm việc nghĩa, đem lại sự công bằng cho những người bất hạnh hay đánh đổ cái ác, cái dữ.để giúp người hiền, người ngay thì tác dụng của những câu chuyện đúng lúc, đúng tình huống khi đưa ra lại càng to lớn hơn rất nhiều.
Giải quyết vấn đề:
Cơ sở tâm lí học:
Học sinh tiểu học với lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, các em rất dễ tưởng tượng và tin theo các nhân vật trong các câu chuyện kể. Đặc biệt các em rất thích nghe kể chuyện nhất là các câu chuyện cổ tích hay, giáo dục cách làm người; các câu chuyện lịch sử về các danh nhân, các nhân vật lịch sử anh hùng của dân tộc và nữa các câu chuyện có thực đang diễn ra trong đời sống thường ngày nói về các người tốt, các nhân vật điển hình, Tất cả những câu chuyện đó luôn làm cho các em thích thú theo dõi say mê và để lại trong các em những tác dụng hết sức tốt đẹp, rất có lợi về cách làm người, về rèn các kỹ năng sống bổ ích cho các em học tập.
Cơ sở thực tế:
	Ở tiểu học, hầu như tất cả các em đều mong chờ được nghe kể chuyện và do đó các tiết kể chuyện luôn được các em chờ đợi, đón nhận chăm chú theo dõi như nuốt lấy từng lời của các thầy cô và say sưa dõi theo các tình tiết, chi tiết của câu chuyện. Các em sẽ vui buồn theo sự buồn vui của nhân vật chính và những cảm xúc này của các em sẽ biểu hiện rất rõ qua cử chỉ, qua sự thể hiện trên khuôn mặt của các em. Có nhiều em còn mỉm cười hoặc bật khóc thật sự trước những may mắn, rủi ro của nhân vật các em yêu. Thế nên, sự lắng đọng hay tác dụng giáo dục của các câu chuyện kể đối với các em về nhiều khía cạnh để giáo dục cái tốt, cái hay rất là to lớn.
	Hiện nay, trong chương trình tiểu học, hàng tuần các em chỉ được học kể chuyện một lần chính khóa và đa số các thầy, các cô chưa thật sự đầu tư cho phân môn kể chuyện. Trong thực tế, để giảng dạy tốt bộ môn này, người giáo viên cần có một sự chuẩn bị đúng mức, hiểu và nắm kỹ nội dung, diễn biến các sự việc trong câu chuyện. Ngoài ra, người giáo viên còn phải có một ”sự nhập vai” như một diễn viên thể hiện đúng từng tính cách của các nhân vật qua cử chỉ, lời thoại, Có làm được như vậy thì câu chuyện mới gây sự tò mò và thích thú ở các em.
	Việc giúp các em tự thể hiện đúng các nhân vật trong câu chuyện cũng như kể lại câu chuyện cũng là một bước hết sức quan trọng và cần thiết để khắc sâu thêm những gì mà các em đã thẩm thấu, sau khi được nghe thầy cô kể. Trong những lúc này, nhiều em đã có sự sáng tạo bất ngờ qua trí tưởng tượng ngây thơ của mình.Những khi đó, các thầy, cô cần có sự ngợi khen đúng mức và động viên kịp thời để khích lệ và làm gương cho những em khác noi theo học tập.
	Ngoài giờ kể chuyện chính khóa hàng tuần, người giáo viên cũng cần phải biết tích lũy nhiều câu chuyện vui, chuyện ngụ ngôn, chuyện cổ tích có dung lượng ngắn, phù hợp với thời gian và chuẩn kiến thức kỹ năng cần giáo dục mà thể hiện đúng lúc kịp thời vào những khi các em sắp ra chơi hay chuyển tiết hoặc trước lúc ra về cũng là một sự thư giãn thích thú bổ ích, có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực, sát sườn và đó cũng chính là một lực hút không nhỏ để khích lệ các em đến trường học tập hình thành nên các kĩ năng như chúng ta mong muốn. Đây cũng chính là một biện pháp giáo dục rất phù hợp với các em ví như “mưa lâu dần cũng thấm”.
Việc tập cho các em trực tiếp kể lại câu chuyện hay đóng vai diễn lại nội dung câu chuyện cũng là một việc mà các thầy, cô đã và đang làm cũng giúp cho các em hiểu và nắm vững hơn nội dung ý nghĩa giáo dục của câu chuyện. Tuy vậy, muốn làm tốt nội dung này, theo chúng tôi các thầy cô cần chuẩn bị thật kĩ các bước tiến hành như nên chọn: Ai có khả năng diễn được vai nào? Ai là người đọc lời dẫn chuyện? Các cử chỉ và lời thoại sao cho phù hợp để khi tiến hành câu chuyện được trình bày như một vở kịch hay, nhẹ nhàng mà sát với nội dung vốn có của nó. Tóm lại, để làm tốt nội dung này các thầy cô được ví như một “ đạo diễn “ giỏi: Phân vai và chỉ đạo các công việc để học sinh diễn cho nhẹ nhàng, tự nhiên mà phù hợp.
Việc quản lí lớp sao cho thật kĩ để giúp học sinh góp ý thảo luận sâu cũng là một việc cần làm tốt, làm kĩ ngõ hầu giúp các em thấy được các mặt mạnh, mặt còn hạn chế mà phấn đấu hay khắc phục. Để làm tốt việc này, người giáo viên cần chuẩn bị kĩ một bảng phụ nhỏ ghi rõ các nội dung cần góp ý như:
Câu chuyện bạn vừa kể đã đúng chủ đề hôm nay yêu cầu chưa?
 Các chi tiết bạn kể có đúng không?
Giọng kể và cử chỉ của bạn thế nào?
Bạn có nêu đúng ý nghĩa, nội dung câu chuyện không?
 Có làm được như vậy mới giúp học sinh dễ dàng góp ý, xây dựng và thảo luận kĩ hơn những gì mà chúng ta mong muốn, yêu cầu.
 Trong thực tế, để giáo dục học sinh làm điều thiện, ngay thẳng, chơi với bạn phải chí tìnhNếu người giáo viên chỉ nói suông, chỉ nêu ra những việc phải làm, nên làm thì chắc chắn tác dụng sẽ không đọng lại trong học sinh bao nhiêu mà thay vào đó người giáo viên kể cho các em một câu chuyện như: “ Lưu Bình, Dương lễ” rồi phân tích cho các em thấy nhờ đâu mà Lưu Bình đỗ đạt cao, trở thành một vị quan to hơn cả Dương Lễ?Thì lúc này chắc chắn học sinh sẽ cảm nhận và nhớ sâu sắc nhiều hơn rất nhiều.
 Với các chuẩn mực đạo đức khác như tình bạn cần phải ân cần giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh người giáo viên cũng có thể kể cho các em nghe những câu chuyện :”Hai người bạn vào rừng“ 
Các câu chuyện được lấy từ đâu? Và kể lúc nào cho phù hợp? Muốn trả lời tốt các câu hỏi này giáo viên cần sưu tầm nhiều câu chuyện theo từng loại như: Truyện cổ tích, truyện kể lịch sử đất nước, địa phương, truyện ngụ ngôn, truyện vui, truyện người tốt việc tốt có thực, Tất cả những câu chuyện này có rất nhiều trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ các nước lân cận, hay truyện cổ của các dân tộc trong nước hoặc qua sách báo, phim ảnh, ti viTất cả các câu chuyện được tích lũy từ các nguồn nêu trên, người giáo viên cần có một cuốn sổ tay ghi rõ tên các câu chuyện đó theo từng loại để linh hoạt kể vào các lúc như trước khi ra chơi, hoặc trước lúc ra về; lúc chuyển tiết, những lần sinh hoạt ngoại khóa  
Tất cả những việc nêu trên nếu người giáo viên chuẩn bị và làm kĩ thì sẽ giúp các em hưng phấn, tích cực và rất ham thích đến trường để học tập hăng say vì các em tin chắc rằng mình sẽ được nghe nhiều câu chuyện hay, bổ ích, khi đến lớp.
 6. Hiệu quả của kinh nghiệm:
 - Trong thời gian tiến hành việc vận dụng các câu chuyện kể đúng chủ đề, đúng thời điểm thích hợp của thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy không khí trong những giờ học trở nên sôi nổi hơn, học sinh rất tích cực, các em chuyển từ thụ động sang chủ động chiếm lĩnh kiến thức, thích thú với những hình thức học tập mới lạ. Ngoài ra những kĩ năng sử dụng của các môn học trong giao tiếp của các em phát triển vượt bậc. Những học sinh giỏi thì ngày càng tự tin năng động, có trách nhiệm cao trong việc học tập còn những học sinh thụ động thì trở nên tích cực hơn, bắt đầu biết chia sẻ, hợp tác với các bạn để hoàn thành một hay nhiều nhiệm vụ học tập. 
 - Về phía bản thân tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không còn mệt mỏi khi truyền thụ kiến thức cho học sinh. Vì kiến thức được các em tiếp thu một cách chủ động tích cực, hưng phấn sau khi đã được nghe qua các câu chuyện kể ngắn gọn, súc tích mang đầy ý nghĩa giáo dục. Kĩ năng vận dụng các câu chuyện của tôi linh hoạt hơn, thành thạo hơn. Tôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc lựa chọn các câu chuyện sao cho phù hợp nhất , đảm bảo rèn đúng kĩ năng cho học sinh theo mục tiêu đề ra. Từ đó khả năng sáng tạo được nâng lên một bước, giúp cho cho tôi càng say sưa tìm tòi, thu thập thêm nhiều câu chuyện hay,bổ ích để làm sao ngày nào cũng có những câu chuyện kể cho các em.
 Trong thời gian đầu vận dụng các câu chuyện kể vào giảng dạy, tôi đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc, lo âu từ phía phụ huynh học sinh vì thấy trong tập vở của con em mình không ghi chép nhiều , không có bài tập về nhà. Tôi đã giải thích cụ thể từng trường hợp. Qua một thời gian, tự phụ huynh thấy được các em trở nên nhanh nhẹn hơn, thích thú hơn khi đến trường và đặc biệt là các em hoạt bát, mạnh dạn hơn. Tôi đã thuyết phục được họ
Việc sử dụng các câu chuyện kể trong những thời điểm phù hợp của tiết học chính là tạo ra một môi trường học tập mà học sinh có thể tích cực chủ động hơn. Các em mạnh dạn tham gia các hoạt động. Từ đó những kĩ năng giao tiếp được phát triển. Sự say mê học tập của các em là nguồn động viên thúc đẩy tôi phải luôn vận dụng các câu chuyện kể vào tiết học. Đồng thời luôn tìm tòi, sưu tầm thêm nhiều câu chuyện hay, mới để lôi cuốn các em tham gia vào các hoạt động học tập. 
7.Một số câu chuyện hay có thể vận dụng để kể cho học sinh:
a. Sự tích con muỗi
Nội dung:
 Kể về cuộc sống của hai vợ chồng đánh cá ven sông nhưng vì muốn giàu sang, sung sướng mà người vợ đã phụ bạc người chồng để theo một gã lái buôn. Mặc dù trước đó người chồng đã phải chịu bao khó khăn, khổ cực; vượt qua biết bao hiểm nguy để cứu lấy mạng sống cho người vợ. Tuy vậy, người vợ vẫn quyết định từ bỏ người chồng để đi theo gã lái buôn và cái hậu quả thích đáng mà cô nàng phải nhận lấy là trở thành kiếp con muỗi để cho người đời mãi mãi rẻ khinh.
Ý nghĩa giáo dục:
 Đề cao cuộc sống thủy chung giữa vợ chồng, con người sống cần phải có nghĩa, có tình còn nếu ngược lại thì sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng như người đàn bà phụ bạc trong câu chuyện.
 b. Sự tích bánh ít:
Nội dung: Kể về một chàng hoàng tử mồ côi vào thời kì các vua Hùng đã có một tấm lòng nhân hậu, rất yêu nước, yêu dân tộc, thông minh, dũng cảm, giỏi võ nghệ đã mày mò lao động ngày đêm và đã làm ra được một loại bánh với các nguyên vật liệu sẵn có trong xóm làng và được sự giúp đỡ của linh hồn chính người của mẹ mình. Vì vậy mà đã thành công khi tham dự hội thi tuyển chọn các món ăn ngon đầy ý nghĩa để rồi sau đó được lên kế vị ngai vàng.
Ý nghĩa giáo dục: Truyện đã đề cao lòng yêu nước, nhân hậu, chí tiến thủ, tinh thần vượt khó, chịu đựng bao khổ cực thì mới gặt hái được thành công.
c. Truyện : “ Bông sen trong giếng ngọc “ 
Nội dung: Kể về một danh nhân trong nước ta vào đời nhà Trần đã kiên trì vượt bao khó khăn với một sự cố gắng học tập phi thường cộng với sự thông minh trời phú đã thi đỗ cao nhất trong kì thi do nhà vua tổ chức để chọn người tài bổ nhiệm ra làm quan giúp nước. Sau khi được lên làm quan, ông đã làm việc hết mình vì dân, vì nước, sống thanh bạch đến cuối đời. Thật là một gương tốt để chúng ta học tập.
Ý nghĩa câu chuyện:Đề cao một tấm gương học tập tốt với một tinh thần học tập phi thường, có một cuộc sống mẫu mực để chúng ta học tập.
d. Truyện “Sự tích con thằn lằn”
Nội dung: Kể về một cuộc đời một anh bán nhang nghèo nhưng tham lam muốn lừa phỉnh một cô gái đẹp, ngây thơ, nhân hậu làm vợ. Cuối cùng anh ta đã chuốc lấy hậu quả thích đáng: Biến thành con thằn lằn sau khi chết còn cô gái thì thành hoàng hậu vợ vua để hưởng cuộc sống giàu sang vì trước đó nàng đã luôn luôn làm việc thiện, thành tâm giúp đỡ những người khốn khó.
Ý nghĩa: Truyện đề cao cuộc sống cần ngay thẳng, phải nỗ lực làm việc và nhận lấy kết quả đúng với khả năng của bản thân mình, tránh tham lam mà chuốc lấy hậu quả đáng thương như anh chàng bán nhang trong câu chuyện.
e. Truyện “Lưu Bình Dương Lễ”
Nội dung: Kể về một tình bạn tuyệt vời đã sống thủy chung, giúp đỡ chí tình và chính nhờ một tình bạn tốt đẹp, chân thật mà cả hai người đều thành đạt sung sướng.
Ý nghĩa giáo dục: Tình bạn cần chân thành, sống hết mình vì bạn thì sẽ được bạn sống hết mình vì mình.
g. Truyện “Sự tích cái nấm”
Nội dung: Kể về cuộc sống vợ chồng người thợ săn ven núi vì tham lam, hay đánh đập vợ mà kết quả cuối cùng phải chết thảm để rồi sau đó biến thành cái nấm làm gương cho đời sau.
Ý nghĩa giáo dục: Phê phán thói xấu vũ phu hay đánh đập vợ, đề cao cuộc sống thuận hòa giữa vợ chồng trong gia đình.
h. Truyện “Ông Trạng Nồi”
Nội dung:
 Kể về chàng học sinh nghèo Tô Lịch đã ngày đêm đèn sách và nhờ mượn nồi vét cơm để có cái ăn trong thời gian còn nghèo học tập và cuối cùng chính nhờ sự phấn đấu liên tục này mà đã đỗ đến trạng nguyên, sống vinh hiển giàu sang nhưng không quên ơn người đã cho mình ăn nhờ cơm sót lại trong nồi. 
Ý nghĩa:
 Đề cao gương hiếu học và tình nghĩa thủy chung của ông Tô Lịch người học giỏi đỗ cao nổi tiếng ở nước ta khi xưa.
i. Truyện “Vì sao vịt không biết ấp trứng”
Nội dung: Kể về tình bạn giữa gà và vịt vì để trả ơn vịt chở mình qua sông hàng ngày kiếm ăn, chính vì gà đã ấp trứng hộ lâu ngày cho vịt mà vịt quên mất công việc này cho đến tận ngày hôm nay
Ý nghĩa: Giáo dục tình bạn cần quan tâm giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.
k. Truyện “Hũ bạc của ông già đốt than”.
Nội dung:
 Kể về sự răn dạy của một ông già đốt than đối với đứa con trai độc nhất suốt ngày chỉ biết lêu lỏng, rong chơi mà chẳng lo học hành, làm việc kiếm sống. Cụ có để dành được một hũ bạc nhưng chưa cho con trai ngay mà bảo con trai hãy đi làm, khi nào làm ra được đồng tiền thì cụ sẽ cho hũ bạc. Vì thương con nên người vợ sợ con khổ cực, lén đưa cho con một ít tiền khiến con tránh đi ít hôm thì hãy quay về.Thế nhưng, người con đã không qua được đôi mắt của cụ già vì cụ đã có nhiều kinh nghiệm. Cuối cùng người con đã lao động thực sự và đồng tiền chính do anh làm ra đã thuyết phục được người cha cho anh hũ bạc ông để dành.Ông còn bảo: “ Hũ bạc mà anh ăn không bao giờ hết chính là sự lao động. vì lao động sẽ cho chúng ta mọi thứ.”
Ý nghĩa :
 Giáo dục chúng ta phải biết chăm chỉ học tập và lao động vì chính học tập và lao động đã cho chúng ta mọi thứ mà chúng ta mong muốn.
l. Truyện: “ Cái chum vàng. “
Nội dung: Kể về một ông lão nông dân nghèo nhưng rất chăm chỉ làm việc, ngay thẳng và ngày ngày lão ra đồng cày ruộng. Một bữa, lão thấy vướng nơi lưỡi cày. Khi dừng trâu lại và đào lên lão mới phát hiện ra đó là do một cái chum được chôn sâu dưới ruộng, bên trong chứa đầy vàng. Lão đã cố lăn cái chum lên bờ và tối về nhà đã kể lại cho vợ nghe, ai ngờ trong lúc đang trò chuyện cùng vợ thì bên ngoài có hai tên cướp nghe lén. Bọn chúng đã hí hửng chạy ngay ra ruộng khiêng cái chum về nhà. Ai dè khi mở chum ra thì bên trong lại toàn là một chum rắn độc. Cuối cùng, với bản chất thật thà, cái chum vàng đã được hai tên cướp khiêng về tận nhà cho lão.
Ý nghĩa: Truyện đề cao đức tính thật thà ngay thẳng, không nên tham lam, nếu biết chăm lo làm việc thì vận may sẽ mỉm cười với chúng ta. 
 Và còn rất nhiều câu chuyện nữa ở trong các tuyển tập truyện cổ Việt Nam và truyện cổ các nước trong thư viện hay nhiều câu chuyện hay đã đăng trên các báo, đăng trên đài, các câu chuyện truyền miệng ở địa phương hay các câu chuyện có thực trong cuộc sống hàng ngày, rồi còn các câu chuyện mà chúng ta biết thu lượm tích lũy trong sổ tay riêng để làm tư liệu thì sẽ không thiếu để chúng ta có thể chọn mà kể cho các em vào từng thời điểm cho phù hợp. 
8. Những bài học kinh nghiệm rút ra:
	Tùy theo từng chủ đề, chủ điểm của môn học, tùy theo lúc mà giáo viên chọn một câu chuyện có nội dung và dung lượng phù hợp để kể, tránh kéo dài thời gian quá lâu. Theo chúng tôi nội dung không nên kéo dài quá 7 – 8 phút.
 Sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm các câu chuyện sẽ có tác dụng rất tích cực, kích thích hứng thú học tập giúp tiết học đạt hiệu quả cao.
 Không lạm dụng biến các tiết học thành những tiết kể chuyện; tránh lặp đi, lặp lại những câu chuyện có cùng nội dung chủ đề dễ gây nhàm chán, ít hấp dẫn đối với học sinh. 
 Các câu chuyện vui nên kể vào lúc chuyển tiết, còn các câu chuyện cổ tích thì kể lúc các em sắp ra chơi hoặc lúc sắp ra về là phù hợp.
	Các câu chuyện anh hùng lịch sử dân tộc hay lịch sử địa phương rất có tác dụng đối với các em nên chúng ta cần kể vào các tiết sinh hoạt cuối tuần sau khi các em đã sinh hoạt xong, còn thời gian.
9. Phạm vi áp dụng:
 Kể chuyện là một việc làm thường xuyên và hàng ngày của nghề dạy học. Với học sinh tiểu học thì được nghe một câu chuyện hay ví như được ăn một món ăn ngon bổ ích giúp các em thư giãn, sảng khoái mà học tập tiếp được tốt hơn. Chính vì vậy mà tất cả chúng ta ai cũng làm và làm được rất tốt nếu có cái tâm và từ đó sẽ có sự chuẩn bị, luyện tập phù hợp, thích đáng để đem đến cho các em một món ăn tinh thần bổ ích mà hầu như tất cả các em đều rất ham thích, đợi chờ.
C. Kết thúc vấn đề:
“Học mà chơi, chơi mà học”. Đây là một vấn đề mà các nhà giáo dục, các vị lãnh đạo đang rất quan tâm sâu sắc, đặc biệt là đối với học sinh Tiểu học. Việc kết hợp giữa vui chơi và học tập một cách khéo léo sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ đối với mọi đối tượng học sinh. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện để học sinh được thư giãn, vui chơi, được nghe những câu chuyện bổ ích đúng lúc, đúng từng chủ điểm của từng thời kì, từng giai đoạn học tập, đây là một việc nên làm và cần làm gấp song song với hoạt động học tập hằng ngày cho tất cả các em.
 Trong điều kiện và hoàn cảnh đất nước hiện nay, nhất là với các phong trào: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; lồng ghép giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; lồng ghép giáo dục môi trường cho học sinh do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phát động và triển khai trong cả nước thì việc tăng cường chú trọng hơn cho phân môn kể chuyện, tạo điều kiện cho học sinh được nghe những câu chuyện bổ ích, có ý nghĩa và có tính giáo dục triết lí sâu sắc đúng lúc, đúng chủ đề, chủ điểm là một việc cần và nên làm. Tất cả chúng ta hãy vì tương lai của các em, tương lai của sự phát triển của đất nước mà cùng nhau ra sức thực hiện tốt nội dung này.
Trên đây là một số suy nghĩ của tôi về việc vận dụng các hoạt động kể chuyện vào trong từng thời điểm của tiết dạy để gây hưng phấn kích thích các em thích thú học tập, qua đó giáo dục các kĩ năng sống cho các em. Rất mong ý kiến đóng góp của các vị lãnh đạo, của các bạn đồng nghiệp giúp cho việc vận dụng các câu chuyện kể hay, mang tính giáo dục cao đạt hiệu quả tốt nhất góp phần vào đổi mới phương pháp dạy học thành công. 
Chúc các thầy cô thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.
 	Ân Đức, ngày 17 tháng 9 năm 2015
 	Người viết
Nguyễn Tấn Phú
 Nhận xét của nhà trường:

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_giao_duc_ki_nang_song_cho_hoc_sinh_qua.doc