Phân tích Nhân vật Thúy Kiều nhìn từ bi kịch ứng xử cá nhân Ngữ văn lớp 9 - Phan Thị Thanh Thủy

doc 66 trang Người đăng dothuong Lượt xem 719Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Phân tích Nhân vật Thúy Kiều nhìn từ bi kịch ứng xử cá nhân Ngữ văn lớp 9 - Phan Thị Thanh Thủy", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân tích Nhân vật Thúy Kiều nhìn từ bi kịch ứng xử cá nhân Ngữ văn lớp 9 - Phan Thị Thanh Thủy
Phan Thị Thanh Thủy
Trường THCS Hà Linh
Hương Khê- Hà Tĩnh
ĐT 0913628409
 NHÂN VẬT THÚY KIỀU NHÌN TỪ BI KỊCH ỨNG XỬCÁNHÂN	 
 Về nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, xưa nay phần lớn đều được nhìn nhận từ bi kịch xã hội. Điều đó hoàn toàn có lí bởi con người luôn chịu ảnh hưởng, tác động của xã hội. Nhưng xã hội mà Kiều sống có mang tính cá biệt, hay bóng dáng nó tồn tại như một sự tất yếu ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại? Đây là vấn đề cần quan tâm sâu hơn.
Lịch sử phát triển xã hội loài người, trừ xã hội công xã nguyên thủy, xã hội nào chẳng có oan trái, đổi trắng thay đen, buôn thịt bán người, lừa gạt..., nhưng con người ứng đối như thế nào, nhìn nhận ra sao đó mới là điều quan trọng. Vì thế, đặt nhân vật Thúy Kiều trong xã hội nàng đang sống và xét nàng trong từng tình huống thử thách cụ thể, có phải lúc nào ảnh hưởng của xã hội cũng tác động đến nàng, hay chính cách ứng xử của nàng tạo nên bi kịch? Ở một góc nhìn khác, nhìn nhận và suy xét, ta thấy cuộc đời Kiều là một chuỗi bế tắc chủ yếu chính từ ứng xử của nàng.
Bi kich đầu tiên, cũng là nguyên nhân của chuỗi bi kịch trong cuộc đời Thúy Kiều là bán mình chuộc cha và em. Chỉ nhìn ở hành động, nàng quả là người hiếu nghĩa, sự hi sinh thật đáng ngợi ca! Nhưng xét theo mức độ sự việc thì hành động này là biểu hiện của cách xử sự vội vàng, thiếu suy đoán. Đối tượng vu oan chỉ là thằng bán tơ, kẻ thấp hèn, vô học trong xã hội; cha và em chỉ mới vào tù, chưa phân xử đúng sai, chưa gấp gáp, chưa đến cao trào đe dọa về tính mạng, thậm chí chưa được đưa ra công đường xét xử thì tại sao nàng vội vàng quyết định, mà lẽ ra nàng phải tìm những lối thoát khác trước khi bán mình? Hoặc phải bán mình chăng nữa thì cũng đến đỉnh điểm của sự bế tắc. Truyện đã đặt nhân vật Thúy Kiều vào tình huống thử thách đầu tiên để thấy cách ứng xử của nàng ra sao. Nếu là người biết đối nhân xử thế, trước tình huống như thế, đầu tiên nàng phải dựa vào yếu tố chủ quan là sự thông minh, sắc sảo của mình để nghĩ ra trăm phương nghìn kế. Mặt khác, phải dựa vào yếu tố khách quan để hỗ trợ, cùng giải quyết, đối phó. Tại sao nàng lại thụ động mà không vận dụng sự thông minh, sắc sảo để ứng đối trước tình thế? Là người coi trọng chữ tình, đã đặt niềm tin vào người yêu, tại sao nàng không tin báo, tìm gặp, chờ đợi Kim Trọng để cùng nhau tháo gỡ bởi chàng Kim đã yêu và hẹn ước với nàng sâu sắc tới mức Chưa chăn gối, cũng vợ chồng cơ mà? Hơn thế, Kim Trọng là người có học, Vốn nhà trâm anh, dòng dõi gia thế, đỗ đạt làm quan, việc làm rõ trắng đen trước thằng bán tơ vu oan có gì là khó, chàng sẽ là điểm tựa tinh thần cho gia đình nàng lúc này. Nàng có nghĩ rằng mới chỉ biết ở mức độ con gái bán mình làm vợ, Vương ông đã Liều mình, ông rắp gieo đầu tường vôi, huống hồ trong chặng đường tiếp theo, nếu biết cơn dông bão nào sẽ ập đến đầu nàng thì họ phải quằn quại đến mức nào? Giá trị đạo đức của con người luôn luôn được đề cao, trân trọng, nhưng sự hi sinh của Thúy Kiều trong tình huống này chưa thực sự có ý nghĩa bởi đặt vào hoàn cảnh cụ thể, nếu biết kết hợp nhiều yếu tố, ta thấy có thể thay đổi được tình thế hiện tại. Được tạo hóa ban cho thông minh, sắc sảo, vậy nhưng cách ứng xử của nàng không linh hoạt theo kiểu đời thường, không biết vận dụng khả năng chủ quan, khách quan, không biết suy đoán, lập luận mà chỉ hành động đơn độc theo bản năng để cuối cùng bước vào chặng đường đầu tiên của tấn bi kịch chính cuộc đời mình. Một tình huống truyện đưa ra đầy tính bi kịch để thử thách sự thông minh, sắc sảo của nàng trong việc lựa chọn cách giải quyết vấn đề trước hiện tượng xã hội. Trong tình huống này, yếu tố xã hội chỉ mới tác động rất nhỏ chứ chưa có tính chất quyết định số phận Thúy Kiều. Chính cách ứng xử của nàng là nguyên nhân tạo nên bi kịch.
Bi kịch xảy ra với nàng là một chuỗi sự kiện bị mắc lừa theo một logic và có tính hệ thống. Trong mười lăm năm lưu lạc, nàng chịu sự dày vò, chà đạp về thể xác và tinh thần. Đầu tiên, nàng bị mắc lừa Mã Giám Sinh là điều khó tránh khỏi bởi tay họ Mã đã bỏ tiền ra mua nàng, một mặt nào đó, nàng thuộc quyền sở hữu của hắn. Nhưng mắc lừa Tú Bà và Sở Khanh thì ngẫm nghĩ, phân tích, ta thấy trách nhiệm đang thuộc về nàng. Nếu không bị Sở Khanh lừa tình, nàng có phải vào lầu xanh hay không?
 Mã Giám Sinh mua Kiều về để cùng Tú Bà Chung lưng mở một ngôi hàng nhưng gặp trở ngại khi Kiều biết bị lừa đã rút dao tự vẫn. Việc không thành, đây cũng là lí do để Tú Bà đưa Kiều giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, chờ cơ hội giăng lưới tìm cách giữ chân nàng. Tình huống đối phó giữa hai con người, ưu thế thuộc về Thúy Kiều bởi lúc này Tú Bà đang phải nhượng bộ, hơn nữa nàng được trời phú cho thông minh, sắc sảo hơn người. Như thế, thời gian sẽ là thước đo số phận cuộc đời Kiều và miếng mồi béo bở của Tú Bà. Vậy nhưng trong lần này, Thúy Kiều đã thua cuộc trong cay đắng. 
Thứ nhất, trải qua dâu bể, hiểu rõ bản chất việc buôn người của Mã Giám sinh và Tú Bà, vậy mà Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non, với lời hứa gả chồng Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi. Sao nàng dễ tin đến thế? Rồi cũng trong khoảng thời gian này, sự xuất hiện đột ngột của một chàng chỉ mới Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng giữa chốn hoang vắng Bốn bề bát ngát xa trông, trùng hợp với ý định Tú Bà gả chồng mà nàng không chút suy nghĩ, nghi hoặc gì ư?
Thứ hai, vừa trải qua bi kịch tình yêu đau đớn chưa kịp lên da, chưa kịp khỏa lấp chỗ trống trong lòng, vậy mà nàng đã sinh tình với một người đang xa lạ hay sao? Nếu như trong hoàn cảnh bế tắc, cần dựa vào tình yêu để tìm lối thoát, thì tại sao trước khi quyết định bán mình, nàng không dựa vào Kim Trọng, người đã có một niềm tin, tình yêu chân thành? Còn Sở Khanh, chỉ mới xướng đi, họa lại đôi lời, nàng đã Đành liều nhắn một hai lời, chủ động, mạnh dạn bộc bạch nỗi lòng, tâm tư và Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. Sao nàng vội tin tưởng, phó thác thân mình đến như vậy? Khi Sở Khanh đồng thuận, trong phút chốc, dù đã sinh nghi, nhưng nàng không tìm cách dừng lại suy nghĩ, đối phó mà trái lại, khi đang còn đường lùi vẫn cứ Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Nàng đã buông xuôi, phó mặc cho số phận đưa đẩy. Hành động như thế có nhạt nhẽo với bản thân mình quá không? Màn kịch hoàn hảo của Tú Bà khép lại, Thúy Kiều đã bước vào kiếp thanh lâu. Như thế, bi kịch vào lầu xanh của Thúy Kiều trong cuộc thi thố với Tú Bà, nguyên nhân thua cuộc của nàng là đã mù quáng đặt niềm tin vào thứ tình yêu mà đáng ra không nên có để rồi hứng chịu hậu quả nghiệt ngã khôn lường. 
Hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác, nàng đã bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa đến mức phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tình huống truyện mở ra đã đặt nàng gặp gỡ với Phật giáo Qui sư, qui Phât, tu hành bấy lâu ở Quan âm các trong chùa riêng của gia đình Hoạn Thư. Tiếp xúc với đạo Phật, vậy mà trong chặng đường chông gai, chữ tòng vẫn không dứt bỏ được để rồi thoát ra rồi lại buộc vào như chơi trong sự đau đớn, não nề tấm thân ? Chữ tòng với Bạc Hạnh, ban đầu nàng quyết chẳng thuận tình, nhưng rồi trước lời lẽ khôn ngoan, ranh ma của Bạc Bà, nàng đã Tâm mình, xin quyết với nhau một lời!, chấp thuận Làm lễ tơ hồng kết duyên. Chữ tình dan díu nàng đến mức qua chặng đường đau đớn trong kiếp trầm luân mà đến giờ nàng vẫn vượt biển, ra khơi quản gì? Rõ ràng, Kiều không phải là người mềm yếu, chỉ tu là cõi phúc mà nàng chưa trọn đó thôi! Một cách ứng xử quá nhanh chóng trong quyết định số phận của mình dù đã trải qua biến cố đầy đau đớn khi chưa biết mặt, biết người. 
Trong chuỗi bi kịch bị lừa của Thúy Kiều, bi đát nhất là mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Ở trường hợp này, cách xử sự của Kiều không phải vội vàng mà tất cả đang được đặt lên bàn cân trong toan tính. Nàng muốn sự yên ả Thênh thang đường cái thanh vân hẹp gì và khao khát sum họp bên người thân Dần dần rồi sẽ liệu về cố hương. Lớn hơn nữa, Kiều tính đến ngôi mệnh phụ đường đường trong sự Nở nang may mặt, rỡ ràng mẹ cha. Dù trong suy nghĩ, ta cũng đọc được chữ “lợi” trước tiên cho chính bản thân Kiều. Từ suy nghĩ đến hành động, nàng đã biết tìm cách chọn lựa thời điểm phù hợp, thích ứng nhất để đạt mục đích Thừa cơ nàng mới bàn ra, tính vào. Hãy xem cách nàng bàn Từ Hải ra sao? Đó là ca ngợi, đề cao triều đình và thể hiện sự chán ghét chiến tranh trong sự so sánh Sao bằng lộc trọng quyền cao/ Công danh ai dứt lối nào cho qua. Mặc dầu Kiều cũng từng thỏa mãn trong giang sơn của Từ Hải Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày, gẫm ra thì nàng đã đặt mình trước sự cân đong đo đếm kĩ lưỡng không ngoài lợi ích bổng lộc, quyền cao chức trọng. Công tư vẹn cả hai bề, Trên vì nước,dưới vì nhà, tưởng là thế nhưng thực chất bàn cân đang nghiêng về tư, nhà chứ không hẳn là nước. Trong nhận thức Thúy Kiều Bình thành công đức bấy lâu/ Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao!, dù thế, nếu không có những lời hứa của Hồ Tôn Hiến với tư cách đại diện triều đình thì liệu nàng có tự nguyện tìm cách dụ Từ Hải để thu giang sơn về một mối hay không ? Ở bên Từ Hải, có Triều đình riêng một góc trời, vậy mà Thúy Kiều vẫn hoa mắt trước cám dỗ vật chất, đã bị mua chuộc bởi ngọc vàng, gấm vóc của Hồ Tôn Hiến Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu. Đặt nhân vật trong tình huống tâm lí, một sự lựa chọn theo “chiều thuận” của mong ước con người bình thường, chỉ phù hợp theo kiểu nữ nhi thường tình trong hoàn cảnh trải qua một quá khứ đầy biến động của cá nhân Kiều. Còn giờ đây, đường đường là bậc phu nhân từng được luận bàn cùng đấng phu quân đang đứng đầu một cõi biên thùy, mang tầm vóc lớn lao của quốc gia đại sự thì cách xử sự của Kiều thật không hợp lẽ. Hồ đồ dụ Từ Hải ra hàng, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, một bậc anh hùng hảo hán đã phải gánh chịu một bài học quá muộn màng Ai ngờ một phút tan tành thịt xương do chính hồng nhan tri kỉ gây nên.
 Một Thúy Kiều xuất thân trong gia đình thường thường bậc trung, trong bế tắc chỉ xử sự theo bản năng, thụ động, phó thác cho hoàn cảnh; khi may mắn có quyền cao chức trọng thì tận dụng cơ hội vì lợi ích cá nhân trong việc thù hận cũng như quan niệm sống, khác hẳn cách ứng xử của tiểu thư họ Hoạn xuất thân con nhà Lại bộ! Phải chăng là dụng ý của Nguyễn Du trong việc đề cao tư tưởng Nho giáo chính thống? Truyện được xây dựng rất linh hoạt trong việc đa dạng hóa cách ứng xử của Thúy Kiều nhằm đưa ra một loại hình nhân vật rất gần gũi, phổ biến trong cuộc sống con người. Cách xây dựng sự việc trong cao trào của nó, từ bi kịch một con người, một gia đình mở rộng ra đến bi kịch quốc gia đại sự, mang tính xã hội sâu sắc, mang màu sắc chính trị rõ nét. Thiếu phân tích, suy đoán, lập luận trước những cạm bẫy cuộc đời, suy nghĩ nông cạn, chỉ theo chiều thuận mà không nhìn ra chiều nghịch của nó, điều này không chỉ tai hại đối với bản thân Kiều mà còn ảnh hưởng đến người khác; không chỉ tác hại một người mà hủy hoại cả cơ đồ của anh hùng Từ Hải. Nguồn gốc từ một câu chuyện thời phong kiến ở Trung Quốc nhưng Truyện Kiều chẳng bao giờ xưa cũ bởi tính thời đại của nó. Nhẹ dạ, cả tin, thiếu tỉnh táo, thiếu suy xét, hồ đồ...luôn luôn là nguyên nhân thất bại, dù bạn là thường dân hay là người có quyền cao chức trọng. Càng có vị trí xã hội, nếu vướng phải những điều đó thì mức độ tai hại càng ghê gớm mà Từ Hải là bài học chính trị của muôn đời!
Trong cuộc đời Thúy Kiều, đáng tiếc nhất là khi có hai cơ hội mở trói cho bi kịch của mình, nhưng do nàng không biết cách ứng xử nên không những không giữ được hạnh phúc hiếm hoi mà còn tiếp tục chịu kiếp ô nhục.
Lần thứ nhất, Thúc Sinh đã chuộc nàng ra khỏi lầu xanh để về làm vợ. Vốn dòng dõi, Thúc ông không chấp nhận gái lầu xanh, nhưng nhờ họa thơ của Kiều, nàng chính thức làm vợ lẽ Thúc Sinh trong điều kiện hợp pháp về lí, thuận về tình.Vậy nhưng trước những mưu chước của vợ cả Thúc Sinh, Thúy Kiều đã không đối phó được. Nàng không đủ lí lẽ để biện hộ, đề cao mình ở những phương diện ấy, tự vô hiệu hóa danh phận của mình, đó là kẽ đó là kẽ hở để Hoạn Thư đày đọa nàng một cách nghiệt ngã nhất và cuối cùng là tìm đường tháo lui khỏi nhà họ Hoạn trong tổn thương. 
Lần thứ hai, một cơ may hiếm có, đó là khi bước ra khỏi lầu xanh,Thúy Kiều trở thành phu nhân của bậc anh hùng hảo hán Từ Hải. Vậy nhưng không biết cách ứng xử nên nàng không giữ được hạnh phúc. Bên cạnh Từ Hải, Kiều có tất cả: quyền lực, hạnh phúc, niềm tin. Trong việc quân cơ Cũng dự quân trung luận bàn, hay là Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi, một giá trị tinh thần ngoài sức tưởng tượng! Vậy mà nàng chưa thỏa mãn! Hồ Tôn Hiến mua chuộc, trước cám dỗ đời thường và suy nghĩ cạn hẹp, nàng đã thuyết phục được Từ Hải để rồi Thế công Từ mới giở ra thế hàng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cơ đồ của Từ Hải trong phút chốc tan theo mây khói. Bẽ bàng hơn nữa là Kiều phải hầu hạ Hồ Tôn Hiến và bị mua đi bán lại trong sự sỉ nhục. Thật tiếc cho những cơ hội ngàn vàng! Điều đó càng chứng tỏ, đối với Thúy Kiều, dù có vị trí xã hội, có cơ hội, nàng cũng không biết cách ứng xử để rồi không những bị tuột khỏi tay điều may mắn mà còn gây nên bi kịch.
Trong những bi kịch của Thúy Kiều, dễ bị nhầm lẫn nhất trong nhìn nhận của người đời đó là vô tình tước đoạt hạnh phúc của Thúy Vân. Cậy Thúy Vân kết duyên với chàng Kim, ở nhiều góc nhìn khác đã coi đây là cách bù đắp cho Kim Trọng, để Thúy Kiều đỡ day dứt khi phải chia li mối tình của mình. Nhưng xét trong tình tiết truyện, ta nhận thấy, dù vô thức, đây là một sự ích kỷ, biến Thúy Vân thành vật hi sinh, suốt đời làm cái bóng bên Kim Trọng. Còn chàng Kim nằm trong sự trói buộc bị động, nể nang. Xét ở góc độ truyền thống, trong xã hội phong kiến, hiện tượng thay thế trong hôn nhân là điều bình thường. Nhưng xét ở góc độ thực tế diễn ra trong truyện thì việc cậy nhờ, gán ghép này là không hợp tình.Tại sao Thúy Kiều luôn sống với tình yêu bằng khát vọng mãnh liệt mà lại trói buộc Thúy Vân vào vòng lễ giáo?
Khi đang yên ả, cuộc tình Kim Kiều đã mở ra chân trời tự do đôi lứa trong thế giới thực của con người. Trong điều cấm kị của tư tưởng Nho giáo khắt khe Nam nữ thụ thụ bất thân thì Xăm xăm rẽ lối đường khuya một mình là hành động đầy tính bứt phá của tư tưởng hiện đại. Hoặc có khi kìm hãm thì cũng đã vượt ra vòng rào khuôn phép Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Khi đứng trước dông bão cuộc đời, khát vọng hạnh phúc vẫn khôn nguôi. Dù bị lừa hay không, dù giữa đời thường hay trong cửa Phật, Thúy Kiều vẫn mong muốn tổ ấm tình yêu. Dù lên kiệu hoa hay chưa, đã bốn lần nàng khát khao tìm đến hạnh phúc. Đó là chưa nói đến trong chặng đường mười lăm năm, đủ minh chứng cho những tình cảm Kim - Kiều dành cho nhau trong tìm kiếm, nhớ nhung. Màn đoàn viên sau mười lăm năm xa cách, Kim - Kiều đã Tình xưa lai láng khôn hàn, chỉ vì Kiều thẹn bởi chữ trinh mà Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ chứ đâu phải vì giữ hạnh phúc cho Thúy Vân. Thử hỏi, trước cảnh Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên thì Thúy Vân liệu có còn chỗ hay không? Như thế, Thúy Vân trở thành cái bóng trong cuộc hôn nhân đáng ra không nên sinh ra và tồn tại. Nguyễn Du đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Thúy Vân theo kiểu nhân vật chức năng và nhân vật Thúy Kiều theo kiểu nhân vật tâm lí nhằm tăng thêm tính bi kịch. Một bi kịch ứng xử vô thức trong sự tước đoạt hạnh phúc của người khác mà chính người trong cuộc cũng không hay biết khi mà bản thân họ đang níu giữ lấy nó trong mọi hoàn cảnh.
Một người đàn bà trong tận cùng đau khổ, khi may mắn có hạnh phúc trong tay vẫn không chút thanh thản bởi đang thôi thúc sự báo thù. Chính điều này đã tạo nên sự thù hận trong chuỗi bi kịch của Thúy Kiều.
Ân oán phân minh cũng là lẽ thường của sự đời, nhưng với Kiều, đáng ra không nên ứng xử như thế. Trước khi báo oán, dù bất đắc dĩ, Thúy Kiều cũng đã chép kinh, gần gũi với Phật giáo, chẳng lẽ nàng thờ ơ đến mức không hiểu hay sự bao dung độ lượng, lòng vị tha của con người đã không dành chỗ cho nàng để rồi đáng ra chỉ cần báo ân thì nàng còn thêm báo oán? Màn báo oán ghê rợn, sao nàng chỉ biết làm cho hả dạ mà không biết đến cách ứng xử phù hợp, cứ muốn sư trưởng Giác Duyên, người luôn kinh kệ tạo âm phúc, sống thanh tịnh chốn cửa Phật Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù trong cảnh Máu rơi thịt nát tan tành? Trong màn báo oán, vì sao Hoạn Thư, người đã làm nàng đau đớn về thể xác và tinh thần đã được Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay? Ban đầu, với chủ ý trừng trị Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều, nhưng rồi lí lẽ Hoạn Thư đưa ra quá sắc sảo qua cách ứng xử rất khôn ngoan: bình thường hóa câu chuyện ghen tuông theo lẽ thường tình; bảo vệ và đề cao tình yêu dành cho chồng; tâng bốc giá trị chồng chung, lượng bể của Kiều; kể công, hạ tội rõ ràng để cuối cùng Kiều thất lí, phải nhún nhường. Như thế, dù muốn, nàng không đủ già dặn để khép tội nên Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen. Lời lẽ kiểu ban ơn trống rỗng của kẻ đang nắm trong tay quyền lực chẳng thể lấp láp nổi sự bẽ mặt nơi Ba quân đông mặt pháp trường trước lí lẽ Hoạn Thư, một thủ phạm đang dưới trướng của nàng!(Có lẽ đây là lần duy nhất nàng biết ứng xử trước tình thế!?). Màn báo oán diễn ra Ai ai trông thấy hồn kinh phách tàn đủ thấy thù hận trong lòng Kiều ngùn ngụt mà giờ đây nàng coi đó như một cơ hội báo thù. Lòng thù hận liệu có xoa dịu được Thúy Kiều hay biểu hiện sự non nớt trong ứng xử trước tội danh mình xét xử đang tạo nên bi kịch?
Trong tất cả những bi kịch của Thúy Kiều, điều tưởng như rất lạ là tài năng biến thành bi kịch cho chính mình. Tạo hóa ban cho tài năng Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương, tại sao nàng tự trói buộc nó vào kiếp đa sầu mà không đem lại giá trị tinh thần để làm giàu cuộc sống. Khi đang bình yên, ở độ tuổi xuân xanh đẹp đẽ nhất của đời người, tài sáng tác của Thúy Kiều không phải là khúc tình ca dịu ngọt dâng tặng tình yêu mà chỉ là Môt thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân. Hay trong buổi đầu gặp gỡ bén duyên, nghe tiếng đàn nàng, Kim Trọng đã thốt lên Rằng: “Hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.Tại sao trong không gian chỉ có tình yêu, hạnh phúc mà nàng không khuấy lên khúc nhạc tình êm ái để người yêu thưởng thức mà làm Kim Trọng phải trong trạng thái nghe đàn ngơ ngẩn sầu như thế? Sao nàng chỉ gieo vào lòng người âm thanh não nề đến vậy? Đây có phải là cách ứng xử hạn chế, không phù hợp trong không gian giao tiếp hay không? Rồi trong chặng đường lưu lạc, điều đáng tiếc là nàng đã đưa tiếng đàn phục vụ khách làng chơi mua vui, giải sầu. Đớn đau nhất khi đưa tài năng đánh đàn hầu hạ ở màn diễn tại nhà Hoạn Thư trong sự chứng kiến của người tình! Tủi hận và nhục nhã khi tiếng đàn phải cất lên cho Hồ Tôn Hiến, một kẻ đã dùng mưu cao, kế hiểm đánh vào tâm lí nàng để làm tiêu tan cơ đồ Từ Hải. Truyện đã xây dựng nhân vật Thúy Kiều đầy tài năng, nhất là ở tài đánh đàn, nhưng thật đáng tiếc, mở đầu là Một khúc bạc mệnh thật là não nhân, kết thúc Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao. Tiếng đàn của một bậc tài hoa, chỉ đem lại sự sầu muộn cho chính mình cũng như người thưởng thức, xem ra tài năng của mình làm héo hon chính tâm hồn mình. Tại sao với trí thông minh sắc sảo hơn người, nàng không thay đổi cách thức sáng tác, chọn lựa bản nhạc chơi đàn mà cứ phải Rằng: “Quen mất nết đi rồi” theo cách bảo thủ. Nàng không có ý thức dành niềm vui trong tài đàn vì người yêu hay sao? Có thể thay đổi được để làm cho cuộc sống giàu ý nghĩa, thêm niềm vui trong những hoàn cảnh có thể, sao nàng không trăn trở vì điều đó? Phải chăng vì thế mà tài năng của Thúy Kiều đã tạo nên bi kịch chính từ sự lựa chọn, cách ứng xử của nàng?
Câu chuyện đã xây dựng nhân vật Thúy Kiều với phẩm chất, tài năng, thông minh, sắc sảo hơn người và đặt nó vào những thử thách của con người để khẳng định rằng Thông minh vốn sẵn tính trời, Sắc đành đòi một tài đành họa hai, sự vượt trội tự nhiên ấy, nếu không nhào nặn vào đời thường để biết cách đối nhân xử thế thì không những trở nên vô nghĩa mà còn tạo nên chính bi kịch cho bản thân.
Qua phân tích, nhìn nhận về cách ứng xử của Thúy Kiều trong từng sự việc, hoàn cảnh cụ thể, ta nhận thấy cách xử sự của Kiều quả là hời hợt, nông cạn trước mọi vấn đề để rồi bi kịch cuộc đời cứ quấn lấy nàng từ lần này đến lượt khác. Điều dễ nhận thấy ở Thúy Kiều là trước những thử thách cuộ

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG.doc