Kỳ thi thử THPT quốc gia lần 2 năm học 2014 – 2015

docx 7 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1173Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi thử THPT quốc gia lần 2 năm học 2014 – 2015", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi thử THPT quốc gia lần 2 năm học 2014 – 2015
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 	 KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2
 TỈNH BÀ RỊA–VŨNG TÀU	 NĂM HỌC 2014 – 2015
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm)
	Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Trong buổi lễ trưởng thành và tri ân, em Quách Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12 A3 trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) đã xúc động chia sẻ:
(1)“Ba tôi – Quách Thành Trang, 19 tuổi, Ba vào bộ đội. Đó là năm 1973, khi chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tại mặt trận Phước Long 1974, trong lúc đang chiến đấu cùng đồng đội, Ba bị một tên lính Mỹ bắn vào người. Ba bị thương ở vùng bụng với giấy chứng thương mất sức 61%. Nhưng Ba còn trở về được có lẽ vẫn còn là phúc lớn với gia đình tôi.
(2)Từ ngày trở về, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại. Những đêm không ngủ và rên rỉ trong vô thức vì những mảnh đạn trong người nhưng Ba chưa một lần than vãn về chiến tranh, về những bất lợi của một người thương binh trong cuộc sống đời thường. Ba vẫn ngược xuôi bươn chải, mưu sinh để nuôi bốn anh chị em chúng tôi học hành. Thế nên tôi luôn tự hào được làm con của Ba.
(3)Từ cách Ba sống, khi trở về từ chiến trường, người đã dạy tôi rằng: Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn, phải bị mất mát, thương đau nhưng phải cố gắng để làm sao không rơi vào tuyệt vọng, không bị mất nghị lực để đi qua thử thách khó khăn. Và tôi nhận thấy điều đó qua cách mẹ chăm sóc ba tôi, từ bữa cơm đến ấm trà mẹ đều lo chu toàn. Mẹ dành cả cuộc đời để xoa dịu vết thương cho ba – vết thương của chiến tranh. Những điều mẹ làm cao cả biết nhường nào. Bởi chiến tranh không phải trò đùa, không phải cứ hạ súng thì mọi chuyện đã kết thúc
(4)Từ công lao ba mẹ, dường như tôi đã nhận ra mình đã trưởng thành hơn để nhận ra giá trị của cuộc sống thanh bình mà mình đang có, để biết tri ân công lao vô bờ bến mà ba mẹ đã nuôi dạy tôi. Để hôm nay tôi có cơ hội được đứng đây chia sẻ câu chuyện riêng của gia đình mình trong niềm vui chung của đất nước. Tôi cùng các bạn biết lắng lòng về quá khứ, đồng cảm với hiện tại và có trách nhiệm hơn với tương lai”
(Theo Báo Pháp Luật T.p Hồ Chí Minh, ngày 27/4/2014)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn (3) và đoạn (4) (0,25 điểm)
Câu 2: Tóm tắt nội dung chính của văn bản trên? (0,5 điểm)
Câu 3: Tại sao nói: chiến tranh không phải trò đùa, không phải cứ hạ súng thì mọi chuyện đã kết thúc?Trả lời khoảng 5 dòng. (0,25 điểm)
Câu 4: Từ cách sống của ba, từ việc làm của mẹ đã dạy cho thảo bài học quý giá trong cuộc sống, bài học đó được nêu ra ở câu nào trong văn bản trên? Ý nghĩa của bài học? (0,5 điểm)
	Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”
	(Trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ )
Câu 5: Đoạn thơ trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
Câu 6: Xác định một biện pháp tu từ trong bốn dòng đầu của đoạn thơ? (0,25 điểm)
Câu 7: Cảm nhận vẻ đẹp của tiếng Việt qua hai câu thơ: Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
Câu 8: Trước thực trạng đáng buồn là giới trẻ ngày nay đang làm cho tiếng Việt mất dần vẻ đẹp và sự trong sáng, anh chị hãy nêu ra ít nhất hai giải pháp cho vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Trả lời khoảng 5-7 dòng (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1. (3 điểm)
	Giáo sư Ngô Bảo Châu, người vinh dự được nhận giải Fields, khi nói về sự thành công đã chia sẻ: Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong ba từ: Kỉ luật, đam mê và quả cảm.
 (Trích GS Ngô Bảo Châu: Hạnh phúc là lúc làm một điều gì đó ý nghĩa; Như Lịch – Hà Ánh, Báo Thanh Niên, 18/03/2013)
 Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lời chia sẻ trên.
Câu 2. (4 điểm)
Nét riêng về vẻ đẹp thiên nhiên đất nước và con người qua hai đoạn thơ sau:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam, 2012)
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu 
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái 
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại 
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương 
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm 
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên. 
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam, 2012)
..................HẾT....................
Thi sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 	 KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2
 TỈNH BÀ RỊA–VŨNG TÀU	 NĂM HỌC 2014 – 2015
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHÍNH THỨC
MÔN THI: NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm từ trang 3 đến trang 7)
Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt biểu cảm hoặc thí sinh nói ngắn gọn: biểu cảm.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong hai cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2: Bài viết là những cảm xúc sâu sắc của người con – của Thảo, về cuộc đời của cha: Chịu những nỗi đau do chiến tranh gây ra, một người thương binh vất vả nuôi con giữa cuộc sống đời thường; về sự hi sinh thầm lặng của mẹ: luôn ở bên cạnh để yêu thương, chăm sóc, xoa dịu nỗi đau của ba. Từ đó Thảo nhận ra được sự khốc liệt của chiến tranh; những giá trị của cuộc sống hiện tại; bài học về ý chí nghị lực vượt qua thử thách....Sự tri ân công lao cha mẹ và những suy tư của Thảo về ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay.
Cũng có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, thuyết phục.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ các ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí, thuyết phục
- Điểm 0,25: Trả lời được ½ số ý hoặc trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 3: Bởi vì: Chiến tranh rất tàn khốc, gây ra những đau thương, những mất mát, những nghịch cảnh, để lại những hậu quả khôn lường, những vết thương khó có thể hàn gắn....Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau thì vẫn mãi mãi ở lại với mỗi con người.
	Cũng có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, thuyết phục.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng, đầy đủ theo các yêu cầu trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí, thuyết phục
- Điểm 0: Trả lời sai, trả lời miên man không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 4: Câu văn đó là: “Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn, phải bị mất mát, thương đau nhưng phải cố gắng để làm sao không rơi vào tuyệt vọng, không bị mất nghị lực để đi qua thử thách khó khăn”; Bài học ý nghĩa ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với mỗi người đó là: Cuộc đời đầy khó khăn, thử thách chúng ta cần phải có niềm tin, ý chí nghị lực để vượt qua những khó khăn thử thách đó.
-Điểm 0,5: Trả lời đúng hai ý theo yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Trả lời được đúng 1 trong hai ý trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không có câu trả lời.
Câu 5: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong hai cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 6: Biện pháp tu từ so sánh/ so sánh (Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa; mềm mại như tơ ) hoặc biện pháp nghệ thuật ẩn dụ (Óng tre ngà và mềm mại như tơ)
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong hai cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 7: Hai câu thơ cho thấy tiếng Việt vừa mộc mạc, chân chất, khỏe khắn, gần gũi (như đất cày); vừa có sự lung linh, óng ả, thanh tao (óng tre ngà). Hai câu thơ thật đặc sắc là một sự phát hiện, đúc kết của nhà thơ về vẻ đẹp phong phú, tinh tế và đậm bản sắc dân tộc của tiếng Việt
Cũng có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, thuyết phục.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ theo yêu cầu trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí, thuyết phục
- Điểm 0,25: Trả lời được ½ số ý.
- Điểm 0: Trả lời sai, trả lời miên man không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 8: Thí sinh trình bày giải pháp theo quan điểm riêng của mình, phải nêu ít nhất hai giải pháp. Câu trả lời phải chặt chẽ, thuyết phục
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ theo yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Trình bày một giả pháp.
- Điểm 0: Trả lời chung chung không rõ ý hoặc không có câu trả lời
Phần II: Làm văn (7 điểm)
Câu 1: (3 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mởbài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm: 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Biết sống theo khuôn khổ kỉ luật, có niềm đam mê và lòng quả cảm sẽ đạt được thành công trong cuộc sống.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
 + Giải thích các từ
	++ Kỉ luật: Là việc tuân theo những quy định có tính chất bắt bộc đối với hành động của các thành viên trong một tổ chức, cộng đồng. Kỉ luật còn là việc tự đưa ra nguyên tắc quy định cho bản thân để tạo nề nếp, thói quen tốt.
	++ Đam mê: Là những trạng thái cảm xúc mãnh liệt vượt trên trạng thái cảm xúc bình thường (những trạng thái cảm xúc như: vui thích, hứng thú, say mê); là làm việc gì đó với tất cả sự nhiệt tình, vui thích, hứng thú, say mê. 
	++ Qủa cảm: Là có quyết tâm, có dũng khí, dám đương đầu vơi những nguy hiểm để làm những việc nên làm.
	++ Ý nghĩa lời chia sẻ của Ngô Bảo Châu: Biết sống theo khuôn khổ kỉ luật, có niềm đam mê và có dũng khí, dám đương đầu với thử thách thì sẽ gặt hái được những thành công.
 + Bàn luận về vấn đề: Phân tích, chứng minh tính đúng đắn của vấn đề qua việc bày tỏ thái độ đồng tình. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được các ý sau:
++ Tính kỉ luật giúp ta kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình; tạo cho ta có nề nếp thói quen tốt, nâng đỡ bản tính yếu đuối của con người, giúp con người có trách nhiệm, có bổn phận, có nghĩa vụ một cách cao nhất và tự giác nhất. Kỉ luật đúng nghĩa không thúc ép ta mà nó ở bên cạnh nhắc nhở và khích lệ chúng ta làm việc tốt hơn, kiềm chế bản tính hiếu thắng ở mỗi người. Đó là yếu tố đưa đến sự thành công.
++ Khi con người sống trong cảm xúc của đam mê, của hứng thú mãnh liệt, toàn tâm, toàn ý với công việc họ sẽ tạo ra nguồn năng lượng bí ẩn, bất ngờ, những khả năng đặc biệt, những phát kiến khó tưởng tượng so với điều kiện bình thường. Đam mê giúp con người được sống với sự phát triển tinh thần và năng lực cá nhân, thổi bùng lên nhiệt huyết giúp bạn tỏa sáng.
++ Quả cảm sẽ giúp ta có ý chí, nghị lực, tự tin vào cuộc sống, vào chính mình; giúp chúng ta chiến thắng được những thói xấu của chính mình, dám gánh vác những khó khăn, dám đối đầu với thất bại. Những đột phá, bước ngoặt của tri thức tiên phong...vì vậy đòi hỏi rất nhiều ở lòng quả cảm.
Sự kết hợp của ba phẩm chất đó là chìa khóa của sự thành công.
 + Bài học nhận thức và hành động:
++ Đây là chia sẻ rất quý giá của giáo sư Ngô Bảo Châu, là bí quyết, bài học, là chìa khóa vàng đi đến thành công của mỗi chúng ta trong cuộc sống.
++ Phê phán thái độ sai trái: Phê phán lối sống thụ động, chỉ biết an phận không có những đam mê, ước mơ và không dũng cảm, không dám đương đầu với những khó khăn thử thách...
++ Từ đó nêu nên hướng hành động riêng của bản thân. 
*Lưu ý: Thí sinh có thể bàn luận về vấn đề theo hướng khác nhau như phản đối; hoặc vừa đồng thuận vừa phản đối tùy suy nghĩ riêng của mình nhưng phải hợp lí, thuyết phục, không đi ngược với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,75:  Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, phân tích, bình luận) còn chưa được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 0,5: Đáp ứng được  1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d. Sáng tạo (0,5 điểm).
- Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4 điểm)
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nét riêng trong vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam qua hai đoạn thơ trích từ bài “Việt Bắc” – Tố Hữu , và “Đất Nước ” – Nguyễn Khoa Điềm.
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
+ Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên, con người và nghệ thuật miêu tả vẻ đẹp đó ở hai đoạn thơ:
++ Đoạn thơ trong bài “Việt Bắc”
    Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật các ý sau:
+++ Cảnh thiên nhiên Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với vẻ đẹp bình dị, gần gũi nhưng cũng rất thơ mộng, lãng mạn, trữ tình qua sự thay đổi các mùa trong năm. Mỗi mùa mang một đặc trưng riêng của vùng núi rừng đại ngàn (Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lung;Ngày xuân mơ nở trắng rừng;Ve kêu rừng phách đổ vàng; 
Rừng thu trăng rọi hòa bình). Hòa quyện trong cảnh sắc thiên nhiên là hình ảnh con người Việt Bắc, con người được miêu tả trong công việc lao động, sinh hoạt thường ngày nhưng vẫn toát ra vẻ đẹp dung dị, mộc mạc, mạnh mẽ và đầy ân tình(Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng; Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang; Nhớ cô em gái hái măng một mình;Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.)...góp phần làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm sinh động và đầy sức sống.
+++ Nghệ thuật: Từ ngữ gợi hình, gợi cảm; hình ảnh đẹp, chọn lọc, gần gũi; cảm nhận thiên nhiên tinh tế; thủ pháp đồng hiện; thể thơ lục bát tạo âm hưởng du dương, ngọt ngào, điệp từ
	++ Đoạn thơ trong bài “Đất Nước”: 
 Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật các ý sau:
+++ Những danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước: núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, đất Tổ Hùng Vương, dòng sông xanh thẳm, núi Bút, non Nghiên, thắng cảnh Hạ Longđều in đậm vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm lối sống của con người Việt Nam. Đó là lối sống giản dị, giàu tình nghĩa, thủy chung gắn bó, là truyền thống hiếu học, là ý thức dựng nước và giữ nước. Nhân dân - những con người vô danh bình dị đã hóa thân vào cảnh quan thiên nhiên của đất nước, mỗi người lặng lẽ góp phần mình làm nên vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên “Những người vợ nhớ chồng; Cặp vợ chồng yêu nhau; Người học trò nghèo). Từ sự hóa thân đó làm cho thiên nhiên trở nên thiêng liêng hơn, gần gũi hơn đồng thời còn cho thấy được sự gắn bó, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa nhân dân và đất nước.
+++Nghệ thuật: Sử dụng linh hoạt chất liệu trong truyện kể dân gian để sáng tạo hình ảnh; hình ảnh thơ quen thuộc và gợi mở nhiều liên tưởng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc; thể thơ tự do với nhịp điệu và âm hưởng linh hoạt; biện pháp liệt kê
 + Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của cả hai đoạn thơ để thấy nét riêng trong vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên đất nước và con người ở mỗi đoạn thơ. Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật được: 
	++ Sự tương đồng: 
	+++ Cả hai đoạn thơ đều thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đồng thời cho thấy những tình cảm đẹp, niềm tự hào của các nhà thơ về quê hương đất nước và con người Việt Nam.
	+++ Cả hai đoạn thơ đều sử dụng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc; hình thức biểu cảm trực tiếp.
	++ Sự khác biệt:
	+++ Đoạn thơ trích trong bài “ Việt Bắc ” của Tố Hữu, bài thơ tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chông Pháp, tập trung thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên gắn với một vùng đất cụ thể, địa danh cụ thể. Trong đoạn thơ, vẻ đẹp của thiên nhiên được Tố Hữu cảm nhận, miêu tả qua những đường nét, màu sắc, đặc trưng bên ngoài đặt trong sự chuyển đổi của các mùa và hiện lên với vẻ lãng mạn thơ mộng, trữ tình, con ngườ xuất hiện hòa quyện vào thiên nhiên như một nét vẽ tạo sự hài hòa, sinh động cho bức tranh thơ; thể thơ lục bát với âm điệu du dương, ngọt ngào.
	+++ Đoạn thơ trích trong bài “Đất Nước ” của Nguyễn Khoa Điềm, bài thơ tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Mĩ, cho thấy cái nhìn bao quát của tác giả về danh lam thắng cảnh của đất nước, cảnh trải dài từ Bắc vào Nam. Ở đoạn thơ này, tác giả cảm nhận sâu trong cái hồn của tạo vật; phát hiện trong chiều sâu vẻ đẹp của thiên nhiên có sự hóa thân của con người, thiên nhiên in đậm vẻ đẹp và lối sống của con người Việt Nam; sử dụng chất liệu dân gian để sáng tạo hình ảnh, thể thơ tự do với sự biến hóa linh hoạt của âm hưởng, nhịp điệu.
 Thí sinh có thể

Tài liệu đính kèm:

  • docxTHACHDEDA_THI_THU_NV_12_BRVT.docx