Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2012 - 2013 - Ngữ văn 12

pdf 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1287Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2012 - 2013 - Ngữ văn 12", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2012 - 2013 - Ngữ văn 12
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
VĨNH PHÚC 
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH 
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
ĐỀ THI CHÍNH THỨC 
Môn: NGỮ VĂN 
Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề. 
Ngày thi: 02/11/2012. 
Câu 1 (3,0 điểm). 
W. Whitman từng tâm niệm: Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau 
lưng bạn. 
Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên. 
Câu 2 (7,0 điểm). 
Phân tích vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến 
trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. 
----------------HẾT---------------- 
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. 
Họ tên học sinh..Số báo danh.. 
1 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
VĨNH PHÚC 
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH 
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
 Môn: NGỮ VĂN – THPT 
HƯỚNG DẪN CHẤM 
(Gồm 03 trang) 
Câu 1 (3,0 điểm) 
I. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý 
sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt 
chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả. 
II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau 
nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định. 
- Mặt trời là nguồn sáng đem lại hơi ấm và sự sống cho muôn loài. Mặt trời còn là 
biểu tượng cho những điều tươi sáng, đẹp đẽ, là niềm tin và hi vọng tốt đẹp ở tương lai 
trong cuộc đời con người. 
- Bóng tối là màn đêm âm u, tăm tối. Bóng tối cũng là biểu tượng cho sự đen đủi, bi 
đát, bất hạnh, thiếu may mắn, những thất bại trong đường đời của con người. 
◊ Ý nghĩa nhận định: Lời nhận định là một phương châm sống tích cực, một lời 
khuyên sâu sắc nhắc nhở ta phải biết vượt lên những bất hạnh, rủi ro, đau buồn, thất bại 
trong cuộc đời. Phải biết quên đi quá khứ đen tối mà hướng về tương lai tươi sáng, tốt đẹp ở 
cuộc sống phía trước. 
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề. 
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một 
trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc đời mỗi con người cũng không thể tránh khỏi những gian 
nan, trắc trở, những khó khăn, thất bại. 
- Mỗi người cần phải có ý chí, nghị lực, dũng khí để vượt lên những thất bại. Phải 
xem những gian nan, trắc trở như một thử thách để ta được rèn luyện, trưởng thành. 
- Cần biết hướng về phía trước, lạc quan, tin tưởng vào tương lai, có bản lĩnh vững 
vàng để vượt lên những vấp ngã của bản thân. Đây là xu hướng phát triển, là yêu cầu tất yếu 
phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống. Nếu cứ đắm chìm trong những thất bại, đau 
buồn là tự hại mình. 
- Phê phán những người không có niềm tin, không có ý chí phấn đấu vươn lên trong 
cuộc sống. 
3. Bài học nhận thức và hành động. 
- Cần phải có ý chí, nghị lực, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai để vững bước 
trong cuộc đời. 
- Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình, không nên 
chùn bước trước những khó khăn thử thách. Sống cần có lý tưởng, khát vọng và ước mơ. 
Câu 2 (7,0 điểm) 
I. Yêu cầu về kĩ năng 
 2
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm 
sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. 
Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả. 
II. Yêu cầu về kiến thức 
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được 
những ý cơ bản sau: 
1. Khái quát về hình tượng người lính, vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng 
- Hình tượng người lính là nguồn cảm hứng lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tuy 
nhiên, hình tượng người lính được cảm nhận từ nhiều phương diện với nhiều cảm xúc khác 
nhau: có hình tượng người lính được viết theo cảm hứng hiện thực mang vẻ đẹp hồn nhiên, 
chân chất, giản dị; có hình tượng người lính được viết theo cảm hứng lãng mạn với vẻ đẹp 
oai phong, sang trọng, hào hoa. 
- Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện trên những phương diện: cái tôi trữ tình tràn đầy tình cảm, 
cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng những yếu tố cường điệu, thủ pháp đối lập 
để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hào hùng, tuyệt mĩ. Vẻ đẹp lãng 
mạn thể hiện ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng chung của dân tộc, 
thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, thơ mộng. 
- Cái bi là sự gian khổ, hi sinh. Cái tráng là sự hào hùng, tráng lệ. Chất bi tráng hòa 
quyện vào nhau, sự gian khổ, hi sinh được thể hiện qua màu sắc hào hùng, tráng lệ, bi mà 
không lụy. 
2. Vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến trong 
bài thơ Tây Tiến 
a. Vẻ đẹp lãng mạn 
- Bằng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên chân dung người lính được đặt 
trong khung cảnh miền Tây vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ dữ dội, lại hết sức thơ mộng. Ngòi 
bút của nhà thơ chú trọng đến những nét độc đáo, khác thường làm nổi bật vẻ đẹp hào hùng, 
hào hoa của người lính Tây Tiến. 
- Vẻ đẹp hào hùng của người lính qua bức tượng đài tập thể. Cảm hứng lãng mạn 
khiến cách nhìn những người lính có vẻ tiều tuỵ, tàn tạ trong hình hài nhưng lại chói ngời vẻ 
đẹp lí tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thời xưa. Đó là ý chí, tư thế hiên ngang 
vượt lên, coi thường gian khổ, hi sinh. 
- Vẻ đẹp hào hoa thể hiện ở tâm hồn của người lính: nhạy cảm trước thiên nhiên Tây 
Bắc hùng vĩ, hoang sơ dữ dội mà huyền ảo thơ mộng; đằm thắm tình người; những khao 
khát, mộng mơ mãnh liệt. 
b. Chất bi tráng 
- Quang Dũng không hề che dấu sự gian khổ, khó khăn trên những chặng đường 
hành quân, những căn bệnh hiểm nghèo và cả những hi sinh mất mát của người lính. 
- Những câu thơ khẳng định mạnh mẽ khí phách của tuổi trẻ. Người lính Tây Tiến 
không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh 
xuân cho Tổ quốc. Đó là dũng khí tinh thần và hành động cao đẹp. Tư thế ra trận, lý tưởng 
lên đường hào hùng mà bi tráng. 
- Tuy nhiên, những người lính không hề chìm trong bi thương, bi luỵ. Bài thơ viết về 
sự hi sinh của người lính một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết của người 
 3
lính gợi lên sự bi thương nhưng họ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đó là cái chết hợp 
với trời đất, lòng người và trở nên thiêng liêng, bất tử. 
3. Đánh giá 
- Bài thơ có sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng 
mạn. Thể thơ 7 chữ chắc khoẻ mang giọng điệu hào hùng như một khúc quân hành. Thủ 
pháp đối lập tương phản đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn được sử dụng triệt để, phát huy 
cao độ trí tưởng tượng, sử dụng những yếu tố cường điệu để tô đậm vẻ đẹp khác thường, phi 
thường của người lính. Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ vừa gân guốc, khỏe khoắn vừa mềm 
mại, trữ tình. Những vần thơ giàu chất nhạc, chất hoạ 
- Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có 
sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp, sức mạnh của dân tộc ta trong thời kỳ đầu chống thực dân 
Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến, được khắc 
tạc bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối với những người đồng đội, đối với đất nước mình. 
- Tây Tiến được ví như “một thứ quả lạ trái mùa” trong thơ ca kháng chiến còn bởi lẽ 
bài thơ đã góp vào nền thi ca hiện đại Việt Nam hình tượng người lính hào hoa, thanh lịch, 
lãng mạn mang đậm chất Hà Thành. 
- Bài thơ tiêu biểu cho thơ ca dân tộc trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp 
và thơ ca cách mạng Việt Nam, là một trong những thi phẩm hay nhất viết về người lính. Từ 
hình ảnh người lính Tây Tiến đã gửi đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và lí tưởng 
sống cao đẹp của con người. 
III. Biểu điểm 
* Lưu ý: - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng 
quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ 
sáng tạo. 
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với 
tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 
điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài. 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfCHO_DOI_TUYEN_HSG.pdf