SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐẮK LẮK ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi gồm 02 trang) KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI DỰ THI QUỐC GIA NĂM HỌC 2011-2012 Môn: SINH HỌC 12 - THPT Thời gian làm bài 180 phút (không kể giao đề) Ngày thi: 30/11/2011 PHẦN I: TẾ BÀO HỌC (3,0 điểm) Câu 1: (1,0 điểm) ADN thỏa mãn các yêu cầu đối với vật chất di truyền như thế nào? Câu 2: (2,0 điểm) Hãy nêu kết quả và nhận xét - kết luận của thí nghiệm xác định sự có mặt một số nguyên tố khoáng trong tế bào. PHẦN II: DI TRUYỀN HỌC (7,0 điểm) Câu 3: (2,0 điểm) a- Có thể nhận biết một thể dị hợp về chuyển đoạn nhiễm sắc thể bằng những dấu hiệu nào? Vai trò của loại đột biến này trong tiến hóa và trong chọn giống? b- Một loài thực vật, tế bào lưỡng bội có bộ nhiễm sắc thể 2n = 20; người ta thấy trong một tế bào có 19 nhiễm sắc thể bình thường và một nhiễm sắc thể có tâm động ở vị trí khác thường. Hãy cho biết nhiễm sắc thể có tâm động ở vị trí khác thường này có thể được hình thành bằng những cơ chế nào? Câu 4: (2,5 điểm) Cho một cặp côn trùng thuần chủng giao phối với nhau được F1 đồng loạt mắt đỏ, cánh dài. a- Cho con cái F1 lai phân tích được: 45% con mắt trắng, cánh ngắn: 30% con mắt trắng, cánh dài: 20% con mắt đỏ, cánh dài: 5% con mắt đỏ, cánh ngắn b- Cho con đực F1 lai phân tích được: 25% con ♀ mắt đỏ, cánh dài: 25% con ♀ mắt trắng, cánh dài: 50% con ♂ mắt trắng, cánh ngắn. Biện luận để xác định quy luật di truyền chi phối các cặp tính trạng; viết kiểu gen P, F1 và giao tử F1 (Không cần viết sơ đồ lai). Biết chiều dài cánh do 1 gen quy định. Câu 5: (2,5 điểm) Ở một loài thực vật, tính trạng hình dạng quả do hai gen không alen phân li độc lập cùng quy định. Khi trong kiểu gen có mặt đồng thời cả hai alen trội A và B cho quả dẹt, khi chỉ có một trong hai alen trội cho quả tròn và khi không có alen trội nào cho quả dài. Tính trạng màu sắc hoa do một gen có 2 alen quy định, alen D quy định hoa đỏ trội hoàn toàn so với alen d quy định hoa trắng. Cho cây (P) qủa tròn, hoa trắng giao phấn với cây quả tròn, hoa đỏ thu được F1 đồng loạt quả dẹt, hoa đỏ. Cho F1 tự thụ phấn, thu được F2 có kiểu hình phân li theo tỉ lệ: 6 cây quả dẹt, hoa đỏ : 5 cây quả tròn, hoa đỏ : 3 cây quả dẹt, hoa trắng : 1 cây quả tròn, hoa trắng : 1 cây quả dài, hoa đỏ. Biết rằng cấu trúc nhiễm sắc thể không thay đổi trong giảm phân, hãy biện luận và viết sơ đồ lai từ P đến F2 . PHẦN III: TIẾN HÓA (4,0 điểm) Câu 6: (2,0 điểm) a- Vì sao trong quần thể lưỡng bội giao phối tự do các kiểu hình lặn có hại dù có tần số thấp cũng không bị chọn lọc tự nhiên nhanh chóng đào thải? b- Tác dụng của chọn lọc tự nhiên đối với một alen lặn trên nhiễm sắc thể X so với một alen lặn có cùng giá trị thích nghi trên nhiễm sắc thể thường có gì khác nhau? Câu 7: (2,0 điểm) Vì sao nói ở các loài giao phối, đơn vị tiến hóa cơ sở là quần thể chứ không phải là cá thể hay loài? PHẦN IV: SINH THÁI HỌC (6,0 điểm) Câu 8: (2,5 điểm) Hãy nêu những dạng quan hệ chủ yếu giữa các cá thể cùng loài. Ý nghĩa sinh học của sự quần tụ và sự cách li giữa các cá thể trong loài? Câu 9: (2,0 điểm) a- Hãy nêu nguyên nhân chủ yếu và ý nghĩa của việc hình thành ổ sinh thái trong quần xã sinh vật. Cho ví dụ về nơi mà các sinh vật thường có ổ sinh thái hẹp. b- Hãy giải thích tại sao năng lượng hóa học lại luôn mất đi sau mỗi mắt xích của chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái. Câu 10: (1,5 điểm) Hiện tượng khống chế sinh học là gì? Cho ví dụ minh họa. Nêu ý nghĩa sinh học và ý nghĩa thực tiễn của hiện tượng đó. ----------HẾT---------- Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm. Họ và tên thí sinh: ................................................................ Số báo danh: ..................
Tài liệu đính kèm: