KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 2011 - 2012 MÔN THI : NGỮ VĂN – Hà Nội Ngày thi : 22 tháng 6 năm 2011 Thời gian làm bài : 120 phút --------- Phần I (6 điểm) Đọc đoạn thơ sau: “Người đồng minh thương lắm con ơi Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc” (Theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2010) Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả của tác phẩm ấy. “Người đồng mình” được nhà thơ nói tới là những ai? Xác định thành ngữ trong đoạn thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào? Dựa vào phần đã trích dẫn, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 10 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp làm rõ những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha đối với con, trong đó có sử dụng câu ghép và phép lặp (gạch dưới câu ghép và những từ ngữ dùng làm phép lặp). Phần II (4 điểm) Dưới đây là một đoạn trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ): “Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: _ Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.” (Theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2010) Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại hay đối thoại? Vì sao? Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn cảnh nào? Qua đó, nhân vật muốn khẳng định những phẩm chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy của nhân vật. Làm nên sức hấp dẫn của truyện truyền kì là những yếu tố kì ảo. Nêu 2 chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương BÀI GIẢI GỢI Ý Phần I: Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm “Nói với con” của tác giả Y Phương ( tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, người dân tộc Tày) “Người đồng mình” : người vùng mình, người miền mình; người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng một dân tộc. Thành ngữ trong đoạn thơ trên: “lên thác xuống ghềnh”. Nó được dùng để ví cảnh gian truân, vất vả Học sinh phải viết một đoạn văn nghị luận đáp ứng đủ các yêu cầu của câu hỏi: khoảng 10 câu, theo cách lập luận tổng – phân – hợp, nội dung nói về đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, đoạn văn có sử dụng câu ghép và phép lặp. Sau đây là một đoạn văn tham khảo: (1) Đoạn thơ là lời tâm tình của người cha với con về đức tính cao đẹp của “người đồng mình.(2) Đó là những người mạnh mẽ, khoáng đạt.(3) Đó là những người “cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn”. (4) Cuộc sống chốn núi rừng khó khăn, nghèo khổ, thiếu thốn. (5) Đó là cuộc sống “trên đá” “gập ghềnh”, “trong thung” “nghèo đói”. (6) Đó là cuộc sống gian truân , vất vả “như sông, như suối”, “lên thác xuống ghềnh”. (7) Nhưng người đồng mình vẫn luôn gắn bó, thủy chung: người đồng mình vẫn không chê đá gập ghềnh, không chê thung nghèo đói. (8) Điệp ngữ “không chê” đã tô đậm lên đức tính thủy chung, cao đẹp đó. (9) Đoạn thơ còn thể hiện mong muốn tha thiết của người cha với người con: Hãy nhận thức được phẩm chất cao đẹp của nhân dân và sống nghĩa tình, xứng đáng với nhân dân. (10) Lời dặn dò này, cùng với đức tính cao đẹp của người đồng mình đã để lại nhiều ngân vang trong lòng người đọc. Phần II: Lời thoại trên là lời độc thoại. Tuy tác phẩm viết: “nàng ngửa mặt lên trời mà than rằng” nhưng thực chất đây là lời Vũ Nương tự nhủ với chính mình. Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn cảnh: Vũ Nương bị Trương Sinh nghi ngờ, ghen tuông, la mắng và một mực không tin tưởng lòng thủy chung của nàng dù nàng đã tha thiết phân trần, hàng xóm minh oan khiến nàng tuyệt vọng và quyết định quyên sinh. Qua lời độc thoại của Vũ Nương, ta thấy nàng muốn khẳng định nết đoan trang, lòng trong trắng và thủy chung của nàng đối với chồng. Học sinh viết một đoạn văn ngắn gọn, khoảng 6 câu nói lên suy nghĩ của bản thân về phẩm chất ấy của nhân vật. Sau đây là một đoạn văn gợi ý: (1)Vũ Nương là người phụ nữ cao quý. (2) Cô đoan trang, trong trắng, thủy chung. (3) Chồng đi đánh trận, cô ở nhà nuôi con và chờ đợi. (4) Cô hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, khiến mọi người đều biết. (5) Thế mà, cô lại bị nghi oan, phải quyên sinh để chứng minh lòng chung thủy. (6) Vì vậy, không ai không xúc động. 3. Toàn bộ phần cuối cùng của tác phẩm mang tính chất kì ảo. Từ phần cuối đó, ta có thể kể 2 chi tiết sau: _ Phan Lang chết đuối nhưng được Linh Phi ở thủy cung cứu sống. _ Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa ở giữa dòng sông, theo sau có đến năm mươi chiếc xe, cờ tán, võng lọng rực rỡ, lúc ẩn, lúc hiện khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng. Nguyễn Hữu Dương (Trường THPT Vĩnh Viễn - TP.HCM) Gợi ý lời giải môn Văn (Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội) Phần I (6 điểm) 1. Đoạn trích thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả của tác phẩm ấy. “Người đồng mình” được nhà thơ nói đến là những ai? Gợi ý: -Đoạn thơ trên trích từ bài thơ “Nói với con” của Y Phương - “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình, có thể hiểu cụ thể là những người cùng sống trên một miền đất, cùng một quê hương, cùng một dân tộc. 2. Xác định thành ngữ trong đoạn thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào? Gợi ý: - Thành ngữ có trong đoạn thơ trên là “Lên thác xuống ghềnh”, nhấn mạnh nỗi vất vả, khó nhọc trong cuộc sống làm ăn của “người đồng mình”. 3. Dựa vào phần đã trích dẫn, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 10 câu theo cách lập luận tổng hợp- phân tích- tổng hợp làm rõ những đức tính cao đẹp của “Người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha với con, trong đó có sử dụng câu ghép và phép lặp (gạch dưới câu ghép và những từ ngữ dùng làm phép lặp) Gợi ý: a. Về hình thức: - Đoạn văn nghị luận viết theo cách tổng- phân- hợp gồm ba phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn, liền mạch, không xuống dòng. - Viết khoảng 10 câu, chữ viết đúng chính tả, trình bày rõ ràng, sạch sẽ. b. Về nội dung: Học sinh làm rõ ý chính đề yêu cầu: Những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và lời nhắc của cha đối với con. Học sinh có thể phân tích theo hai cách: Hoặc “cảm nhận những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” được nhà thơ ca ngợi rồi tìm hiểu lời nhắc nhở của cha đối với con, hoặc có thể kết hợp phân tích cả hai ý này. Học sinh có thể tham khảo dàn ý đoạn viết sau: *Mở đoạn: Giới thiệu đoạn thơ, trích tác phẩm “Nói với con” của Y Phương và nêu ý chính mà đề bài yêu cầu. *Thân đoạn: Có thể sắp xếp những mạch ý nhỏ sau: - Cuộc sống của “Người đồng mình” còn nhiều vất vả, nhiều nỗi buồn, song họ luôn mạnh mẽ, giàu ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thể hiện qua cách nói của người miền núi: “Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn” -Sự thủy chung bền bỉ, gắn bó với quê hương, dẫu còn cực nhọc, đói nghèo. Phân tích điệp ngữ “không chê” mang tính khẳng định, hình ảnh mộc mạc mà giàu ý nghĩa khái quát như “đá”, “thung”, “gập ghềnh” “nghèo đói”, chỉ nơi sống và cuộc sống ở đó còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. - “Người đồng mình” có cách sống mộc mạc, hồn nhiên, khoáng đạt. Phân tích hình ảnh so sánh “ Sống như sông, như suối”. Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” chỉ nỗi khó nhọc trong cuộc sống, làm ăn, song “người đồng mình’ không lo cực nhọc” vẫn sống tự tin, thanh thản. * Người cha nhắc nhở con: -Sống phải có nghĩa tình, chung thủy với quê hương mình. - Biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí, bằng niềm tin của mình. => Phân tích qua lời gọi tha thiết “con ơi”, cụm từ “cha vẫn muốn” , điệp ngữ “ không chê”, “sống” để thấy lời mong mỏi tha thiết con sẽ làm được những điều cha mong muốn. *Phần kết đoạn: Bằng giọng thơ thiết tha, trìu mến, cách diễn đạt tình cảm và suy nghĩ với những hình ảnh cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, nhà thơ dân tộc Y Phương qua đoạn thơ trên đã giúp ta hiểu thêm về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của một dân tộc miền núi, nhắc nhở ta gắn bó với quê hương và có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống. c. Về ngữ pháp: Học sinh sử dụng thích hợp, chính xác, gạch chân và chú thích rõ ràng câu ghép và từ ngữ dùng làm phép lặp. Phần II (4 điểm) Dưới đây là một đoạn trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) “ Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: - Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.” (Theo Ngữ văn lớp 9, tập một, NXB Giáo dục, 2010) 1. Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại hay đối thoại? Vì sao? Gợi ý: - Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại, vì đó là lời than của Vũ Nương và cũng là lời nguyền của nàng nói với lòng mình để giãi bày tấm lòng trong trắng của mình trước khi tự vẫn. 2. Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn cảnh nào? Qua đó nhân vật muốn khẳng định những phẩm chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy của nhân vật. Gợi ý: -Lời thoại này được Vũ Nương nói đến trong hoàn cảnh khi bị chồng mình là Trương Sinh nghi ngờ là người vợ không thủy chung. Vũ Nương đã phân trần, khẳng định tấm lòng thủy chung, khát khao cuộc sống gia đình, tình nghĩa vợ chồng, cầu xin chồng đừng nghi oan, tìm mọi cách hàn gắn cuộc sống hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ, song nàng vẫn bị chồng mắng nhiếc, đánh đập, đuổi nàng đi không cho nàng thanh minh, không cho họ hàng, hàng xóm bênh vực và biện bạch cho. Cuộc hôn nhân của nàng và Trương Sinh đã đến độ không thể hàn gắn nổi. Vũ Nương đã đau đớn, thất vọng đến tột cùng, ra bến Hoàng Giang mượn dòng nước con sông quê hương để giãy bày nỗi oan khuất và tấm lòng thủy chung, trong sáng của mình trước khi tự vẫn. * Qua lời thề nguyền, Vũ Nương muốn khẳng định - khao khát được sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. - Tấm lòng thủy chung, trong sáng của mình với chồng. - Lòng tự trọng của một người vợ khi bị chồng đánh đập, hắt hủi. * Học sinh viết tiếp (khoảng 6 câu) bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với tâm sự đau đớn, tuyệt vọng của Vũ Nương, nhưng cũng thấy: - Nàng hiểu được thân phận của mình, tự nhận mình là “kẻ bạc mệnh” có “duyên phận hẩm hiu”, song vẫn khát khao được sống hạnh phúc với chồng con và mong thần sông minh oan cho tấm lòng thủy chung, trong trắng của mình. Lời than, lời thề nguyền của Vũ Nương thật thống thiết, ai oán. - Hành động tự trẫm mình của Vũ Nương là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng người đọc cũng thấy được lòng tự trọng, sự chỉ đạo của lý trí, chứ không như hành động bột phát trong cơn nóng giận như truyện cổ tích miêu tả “Nàng chạy một mạch ra sông, đâm đầu xuống nước tự vẫn”. - Phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương thể hiện qua lời thề nguyền cũng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ lao động xưa: Dù cuộc sống của họ có khổ đau bất hạnh, song họ vẫn luôn giữ tròn phẩm chất thủy chung, sắt son, nghĩa tình của mình. 3. Làm nên sức hấp dẫn của truyện truyền kỳ là những yếu tố kỳ ảo. Nêu hai chi tiết kỳ ảo trong truyện “Người con gái Nam Xương”. Gợi ý: Học sinh có thể đưa các chi tiết kỳ ảo sau: - Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa, sau chạy giặc Minh, chết đuối, lạc vào động rùa của Linh Phi được Linh Phi cứu, đãi yến tiệc rồi trò chuyện với Vũ Nương dưới thủy cung. - Vũ Nương hiện về giữa dòng sông sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang trong cảnh võng lọng, cờ tán rực rỡ, nói vài lời từ biệt với chồng rồi trở lại sống với Linh Phi. Lời giải của cô giáo Phạm Thị Tú Anh, Giáo viên trường THCS Đống Đa-Hà Nội KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THƠNG Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2011 tại TPHCM Môn thi : VĂN Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề) Câu 1: (1 điểm) Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước của nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào? Câu 2: (1 điểm) Kim vàng ai nỡ uốn câu, Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời. Câu ca dao trên khuyên chúng ta điều gì? Điều đó liên quan đến phương châm hội thoại nào? Câu 3: (3 điểm) Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,” (Theo Lí Lan, Cổng trường mở ra) Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về tính tự lập. Câu 4: (5 điểm) Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân: Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. [] Tà tà bóng ngà về tây, Chị em thơ thẩn dan tay ra về Bước dần theo ngọn tiểu khê, Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh. Nao nao dòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. (Nguyễn Du, Truyện Kiều) BÀI GIẢI GỢI Ý Câu 1: Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước của nhân vật ông Hai: Trong lúc đang sống ở vùng tự do, ông Hai được biết tin làng của ông đã trở thành một làng Việt gian. Tin đó đã mang lại rất nhiều xúc động cho ông. Nó khiến ông có nhiều tâm trạng, suy nghĩ và hành động. Qua đó, nó thể hiện lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai. Câu 2: Câu ca dao trên với một số hình ảnh ẩn dụ, kết cấu so sánh đặc sắc: Kim vàng - uốn câu // Người khôn - nặng lời đã đưa ra lời khuyên: chúng ta cần phải có thái độ tế nhị, lịch sự khi nói năng, hội thoại với nhau trong giao tiếp. Điều này liên quan đến phương châm hội thoại lịch sự: khi giao tiếp cần chú ý đến sự tế nhị, khiêm tốn và tôn trọng người khác. Câu 3: Học sinh có thể làm nhiều cách khác nhau miễn là có đủ một số ý theo quy định. Sau đây là một cách làm cụ thể: Mở bài: Nêu lại câu văn trên đề bài để dẫn đến tính tự lập Khi còn nhỏ, chúng ta sống trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ nhưng không phải lúc nào người thân yêu cũng ở bên cạnh chúng ta. Bàn tay dìu dắt của cha mẹ, đến một lúc nào đó cũng phải buông ra để chúng ta độc lập bước vào đời. Hai chữ “buông tay” trong câu văn của Lý Lan như một bước ngoặt của hai trạng thái được bảo bọc, chở che và phải một mình bước đi. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường còn lại chính là một cách thể hiện tính tự lập. Thân bài: + Giải thích: tự lập là gì? ( nghĩa đen: tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác. Tự lập là tự mình làm lấy mọi việc, không dựa vào người khác). Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà không ỷ lại, phụ thuộc vào mọi người xung quanh. + Phân tích: _ Tự lập là đức tính cần có đối với mỗi con người khi bước vào đời. _ Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cha mẹ ở bên để dìu dắt, giúp đỡ ta mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải tập tính tự lập để có thể tự mình lo liệu cuộc đời bản thân. _ Người có tính tự lập sẽ dễ đạt được thành công, được mọi người yêu mến, kính trọng. _ Dẫn chứng. + Phê phán: _ Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. Chỉ biết dựa dẫm vào người khác sẽ trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật sự. Cho nên ngay cả trong thế giới động vật, có những con thú đã biết sống tự lập sau vài tháng tuổi. + Mở rộng: tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. + Liên hệ bản thân: cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn. Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất. Kết bài: Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc. Câu 4: Đây là câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về một nội dung trong một đoạn thơ. Bài viết cần đáp ứng yêu cầu của việc viết một bài văn nghị luận văn học với đầy đủ bố cục có 3 phần. Bài viết cũng cần thể hiện kỹ năng cảm thụ và phân tích một đoạn thơ để nói lên cảm nhận của mình về đoạn thơ ấy. Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau. Sau đây là một số gợi ý: - Giới thiệu vài nét về Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn trường tân thanh (truyện Kiều). - Giới thiệu đoạn thơ được dẫn trong đề bài. - Giới thiệu vị trí của đoạn thơ: 10 câu không liên tiếp trong đoạn trích Cảnh ngày xuân thuộc phần đầu của tác phẩm truyện Kiều. Đoạn thơ miêu tả cảnh mùa xuân trong ngày hội Đạp Thanh. - Phân tích để trình bày cảm nhận về cảnh mùa xuân trong 4 câu thơ đầu: đó là quang cảnh tháng thứ ba của mùa xuân với nét đẹp xanh tươi, thanh khiết và phóng khoáng của: cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Chú ý các chi tiết: hình ảnh con én gợi đến mùa xuân; hình ảnh cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng, từ “điểm” mang lại sức sống cho bức tranh cảnh mùa xuân. Thí sinh có thể liên hệ so sánh với một vài câu thơ miêu tả về mùa xuân (sóng cỏ tươi xanh gợn đến trời – Hàn Mặc Tử; Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc – Thanh Hải) để làm nổi bật nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du. - Phân tích để trình bày cảm nhận về cảnh mùa xuân trong 6 câu thơ cuối của đoạn thơ: đó là cảnh buổi chiều lúc chị em Thúy Kiều trở về. Bức tranh buổi chiều được miêu tả với nét đẹp dịu dàng, thanh nhẹ, nhuốm màu tâm trạng, bâng khuâng, xao xuyến mà con người thường có sau một cuộc vui và trong một buổi chiều tà. Cảnh được miêu tả bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Thí sinh cần khai thác những từ láy được sử dụng một cách khéo léo trong đoạn thơ: tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ. Những từ láy nói trên vừa có tác dụng miêu tả cảnh vật, vừa gợi tới tâm trạng của con người trong cảnh vật. Thí sinh cũng có thể liên hệ so sánh với một vài câu thơ khác (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng / Bóng chiều man mác có dường không / Theo hồi còi mục trâu về hết / Cỏ trắng từng đôi liệng xuống đồng – Trần Nhân Tông) để làm nổi bật nét riêng của buổi chiều mùa xuân trong 6 câu thơ này. - Nhận xét đánh giá chung về đoạn thơ ở nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa: nghệ thuật miêu tả đặc sắc, hệ thống từ giàu chất tạo hình; bức tranh mùa xuân đẹp, thanh khiết, dịu nhẹ và đầy tâm trạng; thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du. Lý Tú Anh (Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM) KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2011 tại Đà Nẵng Môn thi : VĂN Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề) Câu 1: (1 điểm) Tìm lời dẫn trong khổ thơ sau và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp. Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài: “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay”. (Vũ Đình Liên, Ông đồ) Câu 2: (2 điểm) Giáo dục tức là giải phóng(1). Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hòa bình, công bằng và công lí(2). Những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ - gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tùy thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy (3). (Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục – chìa khóa của tương lai, Ngữ văn lớp 9, Tập 2) a/ Chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu 1 và câu 2 của đoạn văn trên. Cho biết đó là phép liên kết gì? b/ Chỉ ra các từ ngữ là thành phần biệt lập trong đoạn văn trên. Cho
Tài liệu đính kèm: