KẾ HOẠCH RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH LỚP 10G MỞ ĐẦU: Chúng ta đã biết giáo dục ngày nay có hai mục tiêu lớn là đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng sống cho học sinh – sinh viên. Để đạt được những mục tiêu đó ngành giáo dục đã và đang phấn đấu đổi mới về nội dung, chất lượng và phương pháp. Bên cạnh những thành tựu đạt được của toàn ngành thì một thực trạng chúng ta thấy là đa số học sinh hiện nay còn thiếu kỹ năng sống. Biểu hiện của điều đó là sự gia tăng về bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, liều lĩnh, ứng phó không lành mạnh hay lối sống ích kỷ, vô tâm, khép mình, Đồng thời kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tự phục vụ bản thân giảm, không đáp ứng được yêu cầu trước thềm hội nhập quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng; Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với lứa tuổi học sinh trong giai đoạn hiện nay thì “tài” – tri thức, kiến thức, kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc và “đức” – đạo đức, nhân cách làm người luôn là hai yếu tố song hành, gắn chặt với nhau tạo nên con người hoàn thiện. Một nền giáo dục thành công cần chăm lo phát triển cả hai mặt tài – đức cho học sinh Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho các em học sinh đang thể hiện nhiều vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Sự thiếu hụt trong nhận thức đạo đức của học sinh vừa là hậu quả, vừa thể hiện vấn đề lớn: “Học sinh hiện nay không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó thích đáng với các biến cố đến từ các yếu tố ngoại cảnh cũng như các biến động xuất phát từ chính tâm sinh lý của các em”. Tức là các em thiếu Kỹ năng sống (KNS). Tại sao, hiện nay, nhiều học sinh lại thiếu kỹ năng sống đến vậy? Điều này có thể giải thích đơn giản là ta chưa có phương pháp cụ thể, chưa có hình thức giáo dục cụ thể những kỹ năng sống cho học sinh. Chúng ta tập trung nhiều vào giảng dạy văn hóa, dạy lôgic, suy luận mà bỏ qua nhưng khía cạnh hoạt động tinh thần (cảm xúc, tình cảm). Ở Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu phát triển của người học, giáo dục phổ thông đã và đang được đổi mới mạnh mẽ theo bốn trụ cột của giáo dục thế kỉ XXI mà thực chất là cách tiếp cận kỹ năng sống đó là: học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống . Nhiều người nghĩ rằng, kỹ năng sống là những điều rất căn bản mà ai cũng biết như: phải biết hòa đồng trong tập thể, biết lắng nghe, biết giao tiếp, biết ra quyết định. Nhưng trên thực tế, theo bài “Kỹ năng sống” ngày 25/11/2009 báo Giáo dục và thời đại có ghi: theo kết quả một cuộc điều tra khảo sát học sinh: có trên 95% các em chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống, 76,4% cho biết rất cần tập huấn kiến thức kỹ năng sống và hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong đời sống. Biểu hiện của vấn đề thiếu kỹ năng sống của học sinh thể hiện rất đa dạng ở nhiều vấn đề, có thể kể đến như sau: Vấn đề trẻ vị thành niên nói chung và học sinh cấp nói riêng thiếu kỹ năng sống, thiếu tính tự tin, tự lập, sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân. Trẻ em thiếu tự tin, không biết cách xử lí các tình huống đơn giản trong cuộc sống như: không biết phản ứng thế nào khi bị trêu chọc, bắt nạt; không dám hỏi (yêu cầu) sự giúp đỡ khi gặp khó khăn Tình trạng bạo lực học đường ngày một đáng báo động. Học sinh vi phạm pháp luật, học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên, các clip học sinh, nữ sinh đánh nhau xuất hiện ngày càng nhiều như một bệnh dịch. Nhiều học sinh sống khép kín, bị lôi cuốn vào thế giới ảo trên mạng Internet, nghiện game online. Thời gian gần đây, Bộ giáo dục đã quyết định lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào chương trình học và một số môn học như ngữ văn, giáo dục công dân, Nhiều trường đã tổ chức các hoạt động nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động đó có thể nói là còn hạn chế, các hoạt động hầu hết ở dạng tự phát, cá nhân và ở mức độ thấp. Để thu hút sự chú ý của học sinh thiết nghĩ cần tổ chức các hoạt động mang tính chất “học mà chơi, chơi mà học” trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Xuất phát từ những lý do trên, trường THPT Tran Phu đã chính thức đưa nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vào chương trình hành động của toàn thể đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhằm đưa ra các biện pháp tổ chức hoạt động hiệu quả trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh THPT (vì đây là lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý), sao cho tác động mạnh mẽ đến từng học sinh và có tác dụng thiết thực trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em. KẾ HOẠCH RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH LỚP 10g Tuần 1: GIỚI THIỆU MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG: Điều 27. Mục tiêu của giáo dục phổ thông (theo luật giáo dục năm 2005) 1. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2. Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học THCS. 3. Giáo dục THCS nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. 4. Giáo dục trung học phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. Chỉ thị 40/2008/ CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD – ĐT về phát động phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”: “Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh: - Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm. - Rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác. - Rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội.” Từ các vấn đề mang tính pháp lý nêu trên, ta giải thích cho học sinh: “BGH nhà trường thực hiện tốt công tác chỉ đạo hoạt động giáo dục đạo đức học sinh thông qua giáo dục KNS dẫn đến hệ quả là cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, các lực lượng xã hội khác có nhận thức sâu sắc về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Từ đó chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh được nâng cao tức là đạt được mục tiêu giáo dục ghi trong luật giáo dục và chỉ thị 40 của bộ trưởng Bộ GDĐT”. Tuần 2: CUNG CẤP KHÁI NIỆM KỸ NĂNG SỐNG: Kỹ năng sống là năng lực tâm lí xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, mà đặc biệt tuổi trẻ rất cần để vào đời. Kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực cho phép mỗi cá nhân đối mặt với những thách thức của cuộc sống hàng ngày. Hiện nay có khá nhiều khái niệm về KNS, tuỳ từng góc nhìn khác nhau người ta có những khái niệm về KNS khác nhau, chẳng hạn: - Theo Tổ chức Văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO): KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày – đó là những kỹ năng cơ bản như kỹ năng đọc, viết, làm tính, giao tiếp ứng xử, giới thiệu bản thân, thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm, khám phá những thay đổi của bản thân, tư duy hiệu quả - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): KNS là những kỹ năng thiết thực mà con người cần để có cuộc sống an toàn, khoẻ mạnh. Đó là những kỹ năng mang tính tâm lí xã hội và kỹ năng giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác một cách có hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày. - Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Bình – Viện NCSP – Trường ĐHSP Hà Nội: Kỹ năng sống là năng lực, khả năng tâm lý - xã hội của con người có thể ứng phó với những thách thức trong cuộc sống, giải quyết các tình huống một cách tích cực và giao tiếp có hiệu quả. Mở rộng khái niệm: KNS không phải là năng lực cá nhân bất biến trong mọi thời đại, mà là những năng lực thích nghi cho mỗi thời đại mà cá nhân đó sống. Bởi vậy, KNS vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính dân tộc – quốc gia, vừa mang tính xã hội – toàn cầu. Từ những khái niệm trên, KNS trong phạm vi lứa tuổi học sinh THPT thường gắn liền với phạm trù kiến thức, kỹ năng và thái độ mà học sinh được rèn luyện trong quá trình giáo dục. Tổng hợp kết quả giáo dục từ bài học trên lớp và từ những hoạt động HĐGDNGLL, học sinh hình thành được một số kỹ năng sống phù hợp như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng kiên định, kỹ năng đặt mục tiêu, Những kỹ năng này bao giờ cũng gắn với một nội dung giáo dục nhất định như: giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục lòng nhân ái, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, giáo dục sống an toàn, khoẻ mạnh Tuần 3: HƯỚNG DẪN CÁCH PHÂN LOẠI KỸ NĂNG SỐNG: Có nhiều cách phân loại KNS khác nhau. Đây là hai quan điểm phân loại dựa trên góc nhìn xã hội học và tâm lí học. a. Cách phân loại thứ nhất: (Theo quan điểm phân loại xã hội học) phân loại KNS thành những kĩ năng chung và những kĩ năng chuyên biệt (kĩ năng trong các lĩnh vực cụ thể). *) Nhóm kĩ năng chung: - Kĩ năng nhận thức: gồm những kĩ năng cụ thể như: tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, nhận thức hậu quả, ra quyết định, khả năng sáng tạo, tự nhận thức về bản thân, đặt mục tiêu, xác định giá trị - Kĩ năng đương đầu với xúc cảm, gồm: động cơ, ý thức trách nhiệm, cam kết, kiềm chế căng thẳng, kiểm soát được cảm xúc, tự quản lí, tự giám sát và tự điều chỉnh - Kĩ năng xã hội hay kĩ năng tương tác, gồm: kĩ năng giao tiếp, tính quyết đoán, kĩ năng thương thuyết hay từ chối, lắng nghe tích cực, hợp tác, sự thông cảm, nhận biết sự thiện cảm của người khác *) Nhóm kĩ năng chuyên biệt: Ngoài những KNS chung như đã nêu trên, KNS còn thể hiện trong những vấn đề cụ thể khác nhau trong đời sống xã hội như: các vấn đề về giới tính, sức khoẻ sinh sản; vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh sức khoẻ, vệ sinh dinh dưỡng; ngăn ngừa và chăm sóc người bệnh HIV/AIDS; vấn đề sử dụng rượu, thuốc lá, ma tuý; ngăn ngừa thiên tai, bạo lực và rủi ro; đề phòng tai nạn thương tích; hoà bình và giải quyết xung đột; gia đình và cộng đồng; giáo dục công dân; bảo vệ thiên nhiên và môi trường; văn hoá; ngôn ngữ; công nghệ b. Cách phân loại thứ hai: (theo quan điểm phân loại tâm lí học) Theo cách này, KNS được chia làm ba loại chính là: *) Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với chính mình: - Kĩ năng tự nhận thức. - Lòng tự trọng. - Sự kiên quyết. - Đương đầu với cảm xúc. - Đương đầu với căng thẳng. *) Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với người khác: - Quan hệ (tương tác liên nhân cách). - Cảm thông. - Đứng vững trước sự lôi kéo của bạn bè, người khác. - Thương lượng. - Giao tiếp có hiệu quả. *) Nhóm kĩ năng ra quyết định một cách hiệu quả: - Tư duy phê phán. - Tư duy sáng tạo. - Ra quyết định. - Giải quyết vấn đề. Tóm lại: Dù đứng ở góc độ nào để phân loại thì chúng ta cũng cần nắm vững ba quan điểm phân loại này trong thể thống nhất của chúng. Trong thực tế các KNS không hoàn toàn tách rời nhau. Cuộc sống luôn đặt mỗi cá nhân trước những tình huống, hoàn cảnh bất ngờ không bình thường, nên khi cần quyết định vấn đề một cách hiệu quả thì nhiều kĩ năng được huy động đan xen, hoà trộn nhau để vận dụng. Tuần 4: GIỚI THIỆU NHỮNG KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG: 1. Kỹ năng tự nhận thức. 2. Kỹ năng xác định giá trị. 3. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc 4. Kỹ năng ứng phó với căng thẳng. 5. Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ. 6. Kỹ năng thể hiện sự tự tin 7. Kỹ năng giao tiếp 8. Kỹ năng lắng nghe tích cực 9. Kỹnăng thể hiện sự cảm thông 10. Kỹ năng thương lượng. 11. Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. 12. Kỹ năng hợp tác. 13. Kỹ năng tư duy phê phán. 14. Kỹ năng tư duy sáng tạo. 15. Kỹ năng ra quyết định 16. Kỹ năng giải quyết vấn đề. 17. Kỹ năng kiên định. 18. Kỹ năng đảm nhận trách nhiệm. 19. Kỹ năng đạt mục tiêu. 20. Kỹ năng quản lý thời gian. 21. Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin. Tuần 5: SƠ LƯỢC, NHẤN MẠNH NHỮNG KỸ NĂNG SỐNG CẦN THIẾT Ở HS THPT: Qua thực tiễn, chúng ta thấy có 12 kỹ năng sống cần thiết ở học sinh THPT là: 1- Kỹ năng tự phục vụ bản thân 2- Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời 3- Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả 4- Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc 5- Kỹ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân 6- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử 7- Kỹ năng hợp tác và chia sẻ 8- Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông 9- Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống 10- Kỹ năng đánh giá người khác 11- Kỹ năng từ chối 12- Kỹ năng ra quyết định Các kỹ năng trên có thể chia thành bốn nhóm như sau: (1) Nhóm kỹ năng tự nhận thức bản thân (2) Nhóm kỹ năng giao tiếp ứng xử (cách giao tiếp trong môi trường học đường, với bố mẹ, người lớn tuổi ). (3) Kỹ năng hợp tác và chia sẻ (bài tập kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết xung đột trong học đường). (4) Nhóm kỹ năng phân biệt hành vi hợp lý và chưa hợp lý (phân biệt hành vi dũng cảm và liều mạng, hành vi yêu thương và lạm dụng tình dục...). Tuần 6: GIỚI THIỆU KỸ NĂNG TỰ NHẬN THỨC: Tự nhận thức là tự mình nhìn nhận, tự đánh giá về bản thân. Kĩ năng tự nhận thức là khả năng con người hiểu về chính bản thân mình, như cơ thể, tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của bản thân; biết nhìn nhận, đánh giá đúng về tiềm năng, tình cảm, sở thích, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu,của bản thân mình; quan tâm và luôn ý thức được mình đang làm gì, kể cả nhận ra lúc bản thân đang cảm thấy căng thẳng. Tự nhận thức là một KNS rất cơ bản của con người, là nền tảng để con người giao tiếp, ứng xử phù hợp và hiệu quả với người khác cũng như để có thể cảm thông được với người khác. Ngoài ra, có hiểu đúng về mình, con người mới có thể cớ những quyết định, những sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với khả năng của bản thân, với điều kiện thực tế và yêu cầu xã hội. Ngược lại, đánh giá không đúng về bản thân có thể dẫn con người đến những hạn chế, sai lầm, thất bại trong cuộc sống và trong giao tiếp với người khác. Để tự nhận thức đúng về bản thân cần phải được trải nghiệm qua thực tế, đặc biệt là giao tiếp với người khác. Tuần 7: GIỚI THIỆU KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ: Giá trị là những gì con người cho là quan trọng, là có ý nghĩa đối với bản thân mình, có tác dụng định hướng cho suy nghĩ, hành động và lối sống của bản thân trong cuộc sống. Giá trị có thể là những chuẩn mực đạo đức, những chính kiến, thái độ, và thậm chí là thành kiến đối với một điều gì đó Giá trị có thể là giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần, có thể thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, kinh tế, Mỗi người đều có một hệ thống giá trị riêng. Kĩ năng xác định giá trị là khả năng con người hiểu rõ được những giá trị của bản thân mình. Kĩ năng xác định giá trị có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định của mỗi người. Kĩ năng này còn giúp người khác biết tôn trọng người khác, biết chấp nhận rằng người khác có những giá trị và niềm tin khác. Giá trị không phải là bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, theo các giai đoạn trưởng thành của con người. Giá trị phụ thuộc vào giáo dục vào nền văn hóa, vào môi trường sống, học tập và làm việc của cá nhân. Tuần 8: GIỚI THIỆU KỸ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC: Kiểm soát cảm xúc là khả năng con người nhận thức rõ cảm xúc của mình trong một tình hống nào đó và hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đối với bản thân và đối với người khác thế nào, đồng thời biết cách điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một các phù hợp. Kĩ năng xử lý cảm xúc còn có nhiều tên gọi khác như: xử lý cảm xúc , kiềm chế cảm xúc, làm chủ cảm xúc, quản lí cảm xúc. Một người biết kiểm soát cảm xúc thì sẽ góp phần giảm căng thẳng giúp giao tiếp và thương lượng hiệu quả hơn, giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa và mang tính xây dựng hơn, giúp ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn. Kĩ năng quản lý cảm xúc cần sự kết hợp với kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng ứng xử với người khác và kĩ năng ứng phó với căng thẳng, đồng thời góp phần củng cố các kĩ năng này. Tuần 9: GIỚI THIỆU KỸ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI CĂNG THẲNG: Trong cuộc sống hàng ngày, con người thường gặp những tình huống gây căng thẳng cho bản thân. Tuy nhiên, có những tình huống có thể gâu căng thẳng cho người này nhưng lại không gây căng thẳng cho người khác và ngược lại. Khi bị căng thẳng mỗi người có tâm trạng, cảm xúc khác nhau: cũng có khi là những cảm xúc tích cực nhưng thường là những cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Ở một mức độ nào đó, khi một cá nhân có khả năng đương đầu với căng thẳng thì đó có thể là một tác động tích cực, tạo sức ép buộc cá nhân đó phải tập trung vào công việc của mình, bứt phá thành công. Nhưng mặt khác, sự căng thẳng còn có một sức mạnh hủy diệt cuộc sống cá nhân nếu căng thẳng đó quá lớn, kéo dài và giải tỏa nổi. Khi bị căng thẳng, tùy từng tình huống, mỗi người có thể có cách ứng phó khác nhau. Cách ứng phó tích cực hay tiêu cực khi căng thẳng phụ thuộc vào cách suy nghĩ tích cực hay tiêu cực của cá nhân trong tình huống đó. Kĩ năng ứng phó với căng thẳng là khả năng con người bình tĩnh, sẵn sàng đón nhận những tình huống căng thẳng như là một phần tất yếu của cuộc sống, là khả năng nhận biết sự căng thẳng, hiểu được nguyên nhân, hậu quả của căng thẳng, cũng như biết cách suy nghĩ và ứng phó một cách tích cực khi bị căng thẳng. Chúng ta cũng có thể hạn chế những tình huống căng thẳng bằng cách sống và làm việc điều dộ, có kế hoạch, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, sống vui vẻ, chan hòa, tránh gây mâu thuẫn không cần thiết với mọi người xunh quanh, không đặt ra cho mình những mục tiêu quá cao so với điều kiện và khả năng của bản thân, Kĩ năng ứng phó với căng thẳng rất quan trọng, giúp con người: - Biết suy nghĩ và ứng phó một cách tích cực khi căng thẳng. - Duy trì được trạng thái cân bằng, không làm tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, Kĩ năng ứng phó với căng thẳng rất quan trọng, giúp con người: - Biết suy nghĩ và ứng phó một cách tích cực khi căng thẳng. -Duy trì được trạng thái cân bằng, không làm tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. -Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Kĩ năng ứng phó với căng thẳng có được nhờ sự kết hơp của các KNS khác như: kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng xử lý cảm xúc, kĩ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ và kĩ năng giải quyết vấn đề. Tuần 10: GIỚI THIỆU KỸ NĂNG TÌM KIẾM SỰ HỖ TRỢ: Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những vấn đề, tình huống phải cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người khác. Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ bao gồm các yếu tố sau: - Ý thức được nhu cầu cần giúp đỡ. - Biết xác định được những địa chỉ đáng tin cậy. - Tự tin và biết tìm đến các địa chỉ đó. - Biết bày tỏ nhu cầu cần giúp đỡ một cách phù hợp. Khi tìm đến các địa chỉ cần hỗ trợ, chúng ta cần: - Cư xử đúng mực và tự tin. - Cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, ngắn gọn. - Giữ bình tĩnh khi gặp sự cố đối xử thiếu thiện chí. Nếu vẫn cần sự hỗ trợ của người thiếu thiện chí, cố gắng tỏ ra bình thường, kiên nhẫn nhưng không sợ hãi. - Nếu bị cự tuyệt, đừng nản chí, hãy kiên trì tìm kiếm sự hỗ trợ từ các địa chỉ khác,
Tài liệu đính kèm: