Hai hành động và sự đổi thay của một số phận con người

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1352Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Hai hành động và sự đổi thay của một số phận con người", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hai hành động và sự đổi thay của một số phận con người
HAI HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ ĐỔI THAY CỦA MỘT “SỐ PHẬN CON NGƯỜI”!
(Về truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân – SGK lớp 12 Tập 2)
Có ai đó đã từng nói: “Cuộc đời của mỗi con người cũng giống như một bài thơ. Giá trị của nó không phải ở số câu mà là ở nội dung”. Câu nói ấy thật đúng với trường hợp của nhà văn Kim Lân. Cuộc đời sáng tác của nhà văn ấy không nhiều, số trang văn của ông cũng không lớn, vậy mà trang văn nào của ông cũng đáng đọc, đáng xem, đáng để suy ngẫm, bởi nó chứa đựng những giá trị tư tưởng và nghệ thuật hết sức to lớn và độc đáo. Chỉ cần một truyện ngắn “Vợ nhặt” không thôi cũng đã đủ sức tạo dựng cho ông một chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn văn học Việt Nam hiện đại. Ấn tượng chạm khắc mãi vào tâm trí người đọc ở hình tượng người “vợ nhặt” là hai hành động, hai hành động nhưng nó báo hiệu cho sự thay đổi to lớn của một số phận con người: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” và “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”
1) “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” – Khoảnh khắc tồn tại nhọc nhằn trong ranh giới sinh tử!
Có lẽ ban đầu, khi mới đọc tác phẩm, sẽ không có nhiều người có thiện cảm với người đàn bà này. Cái vẻ chao chát chỏng lỏn, chua ngoa đanh đá, cái mặt lưỡi cày xám xịt, cái ngực gầy lép, quần áo rách tả tơi như tổ đỉa và đặc biệt là cái sự “đòi ăn” một cách quá dạn dĩ, cái hành động “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” sao mà trơ trẽn đến thế! Nhưng không, đừng vội phán xét thị ở cái hành động bên ngoài, mà hãy nhìn sâu hơn vào cái căn nguyên đằng sau hành động ấy của thị. Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 – “một cái đám ma khổng lồ” kéo dài “từ Quảng Trị tới Bắc Kì”, người chết đói đầy đường, đầy chợ, đầy làng đang làm no cho những “đám mây quạ” đen kịt trên bầu trời đất nước, người sống cũng đang ngắc ngoải, xanh xám, dật dờ chờ chết. Thần chết thực sự đang hiện hữu khắp nơi, huơ lên cái lưỡi hái tử thần và phả hơi lạnh vào khắp hang cùng ngõ hẻm, tấu lên khúc ai điếu bi ai cho số phận con người bằng “tiếng quạ cứ gào lên từng hồi thê thiết trên những cây gạo đầu làng”. Nhưng “tham sống sợ chết” là lẽ thường của con người. Càng cận kề ranh giới sinh tử mong manh, con người ta lại càng muốn thiết tha níu kéo sự tồn tại. Nhân vật “thị” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân đâu phải là một ngoại lệ. Quy luật “đói thì đầu gối phải bò”, đó là một lẽ đương nhiên. “Thị” đang đói, đói lắm, thị biết rất rõ. “Thị” cũng đang bước những bước chân đầu tiên vào vực thẳm của cái chết đói cận kề, “thị” lại càng biết rõ hơn. Vậy thì trong hoàn cảnh đó, “thị” phải bám vào tất cả những cái gì có thể bám được chỉ để hướng tới một mục đích là dừng lại được trên miệng vực của cái chết. Sự xuất hiện của Tràng thật đúng lúc. Tràng trở thành “cái phao cứu sinh” không phải cho người sắp chết đuối đang ngoi ngóp giữa biển nước mênh mông mà là cho người sắp chết đói đang dật dờ, xiêu vẹo, ngắc ngoải trong một biển “người chết đói như ngả rạ”. Người phụ nữ ấy phải nhanh chóng bám chắc lấy, bởi đó là bản năng sinh tồn của con người. Danh dự, phẩm giá, lòng tự trọng, sĩ diện ... sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì khi mình đang sắp chết đói. Một người con gái trước mặt một người con trai xa lạ, lại mở miệng đòi ăn, lại “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”, chẳng lẽ thị không biết xấu hổ? Không, thị biết, biết rõ lắm, song thị phải dẹp bỏ nó sang một bên để sống đã rồi tính tiếp. Hành động thị theo không về làm vợ Tràng ngay sau đó là sự phát triển tất yếu của suy nghĩ ấy. Trên con đường trở về nhà qua xóm ngụ cư nghèo khổ, dưới cái nhìn có phần soi mói, trước những lời rì rầm bàn tán của mọi người xung quanh, người phụ nữ ấy vô cùng ngượng ngập, bước chân này díu vào bước chân kia nhưng thị vẫn bước đi theo Tràng. Có lẽ, trong khoảnh khắc này, người phụ nữ ấy đang “đánh một ván bài với số phận”. “Ván bài” ấy chưa được “lật ngửa”, thắng hay thua chưa rõ, song dẫu sao, thị vẫn có một cái cớ để mà hi vọng. Có một điểm tựa, “một cái phao cứu sinh”, một gia đình, một người đàn ông bên cạnh, biết đâu ... thị cứ hi vọng thế! Lòng ham sống, khao khát được tồn tại, niềm hi vọng ở tương lai ... của người phụ nữ ấy thật đáng quý biết bao. Vậy thì, thị đâu có đáng trách, đâu đáng để cho ta khinh rẻ? Người “vợ nhặt” ấy thực sự rất đáng được thương cảm, được trân trọng. Bởi ở người phụ nữ ấy, ta thấy được sự kết tinh những phẩm chất đáng quý ở một con người bình thường, đó là lòng khao khát sống và niềm hi vọng không bao giờ tắt ở tương lai. Đặc biệt, khi đã có những cái đó, nghĩa là đã được sống, đã có hi vọng thì những đức tính đáng quý muôn đời của người phụ nữ Việt Nam mà trước đây tưởng chừng như nó đã khuất lấp đi đằng sau cái đói ở người “vợ nhặt” ấy đã lại nhanh chóng trở về!
2) “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng” – Sự chấp nhận, vững tin trong thân phận của một người con dâu mới!
Trước đó, trên con đường trở về nhà với Tràng qua xóm ngụ cư nghèo khổ, khi chứng kiến “căn nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, thị đã đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài. Cái tiếng thở dài ấy không phải là một sự buông xuôi, chán nản mà có lẽ đó là một sự thấu hiểu và chấp nhận. Hơn ai hết, thị hiểu, hoàn cảnh của Tràng và mẹ cũng không khấm khá gì hơn mình. Họ cũng đói nghèo, vất vả và đang “đứng trước nguy cơ bị chìm nghỉm” trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhưng thị chấp nhận nó. Qua đêm tân hôn, trong sự lay lắt của ngọn đèn với hai xu tiền dầu trước gió, trong âm thanh khủng khiếp của tiếng khóc hờ tỉ tê ở những gia đình có người chết đói, người vợ nhặt đã hoàn toàn thay đổi. Không còn cái vẻ bề ngoài chao chát, chỏng lỏn; không còn sự chua ngoa, đanh đá đến mức cong cớn thường thấy trước kia, thay vào đó là sự dịu dàng, tần tảo, đúng mực của một người con dâu mới. Trong bữa cơm thảm hại ngày đói, thị vẫn ăn rất ngon lành, dạ vâng rất ngoan ngoãn. Nồi cháo cám được bà cụ Tứ lễ mễ bưng ra, nghi ngút khói, người “vợ nhặt” lễ phép đón lấy, điềm nhiên và vào miệng. Nhưng trước đó, khi đón lấy bát cháo cám từ tay người mẹ chồng, thị đã “đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại”. Đó không phải là sự bất mãn, phản ứng trước cái đói nghèo, rách rưới ở gia đình nhà chồng mà đó là tâm lí, là phản xạ hết sức thông thường của một con người bình thường. Dù đang ở bên miệng vực của sự chết đói, nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên, Tràng, bà cụ Tứ và cả thị nếm thử cái “hương vị” lạ lùng của bát cháo cám (chắc hẳn là không dễ quen và rất khó ăn. Ngay đến cả bản thân Tràng khi “gợt một miếng” cũng chỉ dám “bỏ vội vào miệng” để rồi ‘mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”) thì cái hành động “hai con mắt thị tối lại” khi trông thấy bát cháo lạ lùng cũng là điều không khó để lí giải. Song khác với cái khuôn mặt “chun lại” của chồng, sau giây phút thoáng qua rất nhanh của chi tiết“đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại”, người “vợ nhặt” điềm nhiên và vào miệng mà không hề thốt ra nửa lời phàn nàn, trách cứ. Chỉ bằng một chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy thôi, nhưng bằng cảm quan nhân đạo và lòng tin vào phẩm giá con người, nhà văn Kim Lân đã diễn tả một cách thần tình sự thay đổi bất ngờ mà tất yếu trong tính cách và số phận của “người phụ nữ theo không” đầy đau khổ ấy. Nếu như hành động “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” của thị trước đây là một sự đánh đổi mọi giá trị con người chỉ để hướng tới một mục đích duy nhất - đẩy lùi sự đe dọa của cái chết đói đang cận kề, thì giờ đây, khi người đàn bà ấy điềm nhiên và bát cháo cám đắng chát, nghẹn bứ vào miệng nghĩa là thị đang chấp nhận hoàn cảnh sống thực tại, chấp nhận một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác, thực tâm chứ không phải bằng một tâm trạng dỗi hờn, cám cảnh cho thân phận nghèo khó đang chờ đợi mình. Thị hiểu, gia cảnh nhà chồng cũng chẳng khấm khá gì hơn. Nghĩa là trước mặt hay sau lưng, vực thẳm của cái chết đói cũng đang rình rập và đang ngoác cái miệng đen ngòm ra chờ đợi, nhưng thị đã, đang và sẽ sẵn sàng đối diện, đối mặt để vượt qua. Người đàn bà ấy có sợ nó không? Chắc hẳn là có, nhưng có lẽ thị lo lắng nhiều hơn. Bởi người ta chỉ nảy sinh tâm lí sợ hãi khi người ta đơn độc. Vậy nhưng giờ đây, thị đâu còn đơn độc nữa. Thân phận bọt bèo của một người phụ nữ khốn khổ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 giờ đây đã tìm thấy bến đỗ bình yên trong gia đình Tràng và bà cụ Tứ. Thị đâu còn là người con gái ngồi vêu ra ở cổng chợ người để “nhặt hạt rơi hạt vãi”, thị bây giờ đã là một người con dâu mới đúng nghĩa. Tình thương yêu, sự cảm thông, chia sẻ của Tràng và bà cụ Tứ đã xóa tan đi bao nỗi ê chề, tủi hổ, xót xa cho thân phận của một người con gái phải theo không về làm vợ người ta. Bên trong cái ngôi nhà rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại là những hạt mầm của niềm hi vọng đang lặng lẽ nhen lên những đốm lửa và mầm non đầu tiên. Bởi thế, sau thoáng chốc có phần ngạc nhiên trước cái món ăn kì lạ mà có lẽ trong đời, đây là lần đầu tiên, người “vợ nhặt” được nhìn thấy và được dịp “thưởng thức”, thị đã nhanh chóng hiểu ra câu chuyện, bình thản đón nhận từ bàn tay mẹ chồng “điềm nhiên và vào miệng”. Thị hiểu ra rằng, đằng sau cái bát cháo đắng chát và nghẹn bứ ở trong cổ họng ấy là vị ngọt của tình người mà Tràng và bà cụ Tứ đã trao cho thị. Miệng của chị có thể đắng chát nhưng trong lòng chị có lẽ cảm thấy thật ấm áp và thanh thản. Trước mặt người “vợ nhặt” ấy là người mẹ chồng đầy tình thương và nhân hậu. Bên cạnh chị có người chồng giàu lòng cảm thông và chia sẻ. Vậy thì chẳng có lí do gì để người đàn bà ấy không đón nhận bát cháo cám từ bàn tay bà cụ Tứ. Bởi vậy, bát cháo cám ấy, kì lạ thay đã trở thành bát cháo của tình người, của niềm tin và hi vọng, góp phần làm thay đổi ngoạn mục số phận của một con người, gieo lại trong lòng người đọc biết bao dư vị và lòng rung cảm chân thành. Dễ hiểu vì sao, trong bữa cơm thảm hại ngày đói ấy, nhà văn Kim Lân đã để cho bà cụ Tứ nói nhiều về niềm hi vọng ở tương lai; Tràng vẩn vơ vì hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới, nhưng chính người “vợ nhặt” lại là người khởi nguồn cho những dự cảm đầu tiên cho con đường đi sắp tới. Có cường điệu quá chăng, khi ta gọi những dự cảm của người phụ nữ ấy chính là “cánh én báo tin xuân” cho gia đình và triệu triệu người dân Việt Nam khốn khổ dưới ách áp bức, bóc lột của bè lũ thực dân, phong kiến, phát xít trước Cách mạng tháng 8 năm 1945?
Ấn tượng và thành công của một tác phẩm tự sự trước hết là thành công ở việc tạo dựng được các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Chỉ bằng hai tình huống tưởng chừng như khuất lấp đằng sau tầng tầng lớp lớp những vỉa tầng giá trị của truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã minh chứng cho sự thấu hiểu vô cùng sâu sắc sự biến đổi của tâm lí con người. Hai tình huống đủ sức làm thay đổi cho cả một số phận. Điều ấy, nhà văn xứ Kinh Bắc không có điều kiện học ở trường học nhưng trường đời đã giúp ông lặng lẽ và âm thầm trải nghiệm để làm nên truyện ngắn “Vợ nhặt” – một “bài ca hi vọng” cho biết bao nhiêu thế hệ con người hôm qua, hôm nay và mai sau!
Thái Văn Phú
GV trường THPT Quỳnh Lưu II – Quỳnh Lưu – Nghệ An
Số điện thoại: 0963.730.739

Tài liệu đính kèm:

  • docSuy_nghi_ve_Vo_nhat.doc