Đề và đáp án thi học sinh giỏi Lịch sử lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Thiệu Hóa

docx 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 622Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề và đáp án thi học sinh giỏi Lịch sử lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Thiệu Hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề và đáp án thi học sinh giỏi Lịch sử lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Thiệu Hóa
Phòng gd& đt
thiệu hoá
Đề kscl học sinh giỏi lớp 8
Năm học 2011 - 2012
Môn thi: lịch sử
(Thời gian : 150 phút, không kể thời gian giao đề)
I.Lịch sử thế giới ( 12 điểm).
Câu 1 ( 4 điểm): So sánh nguyên nhân, tính chất và kết cục của 2 cuộc chiến tranh thế giới. Thông qua kết cục của chiến tranh thế giới, em có suy nghĩ gì?
Câu 2 ( 5 điểm): Trình bày những nét lớn về phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam á cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX? Vì sao phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam á thời kì này đều bị thất bại?
Câu 3 ( 3,0 điểm): Nêu kết quả và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911? Vì sao nói đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản không triệt để?
II.Lịch sử Việt Nam ( 8 điểm).
Câu 4 ( 6 điểm): Tại sao nói: Từ năm 1858 đến năm 1884 là quá trình triều đình nhà Nguyễn đi từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng hoàn toàn trước thực dân Pháp?
 Câu 5 ( 2,0 điểm): Trong các nhân vật lịch sử sau đây, ai là người Thanh Hóa? Hãy nêu ngắn gọn công lao của họ đối với đất nước:
- Triệu Thị Trinh; Mai Thúc Loan; Khúc Thừa Dụ; Dương Đình Nghệ; Ngô Quyền; Lý Thường Kiệt; Phạm Bành; Tống Duy Tân.
PHềNG GD VÀ ĐT
THIỆU HOÁ
HƯỚNG DẪN CHẤM
Thi HSG cụm, mụn Lịch sử 8 – 
Năm học 2011 - 2012
Câu 1 ( 4 điểm): 
* ý 1: So sánh 
1, Nguyên nhân: 
- Giống nhau: do sự hình thành 2 khối đế quốc đối địch nhau, mâu thuẫn gay gắt với nhau về vấn đề thị trường và thuộc địa. Chiến tranh thế giới thứ nhất : khối Liên minh ( Đức, áo-Hung, I-ta-li-a) và khối Hiệp ước ( Anh, Pháp, Nga). Chiến tranh thế giới thứ hai: khối phát xít ( Đức, I-ta-li-a, Nhật) và khối Anh, Pháp, Mĩ. 2 khối đế quốc gây ra chiến tranh thế giới nhằm giải quyết mâu thuẫn này. ( 0,5 điểm)
- Khác nhau: ở cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, 2 khối đế quốc lại cùng chung một mục tiêu là tiêu diệt Liên Xô- nước CNXH. Vì vậy, khối Anh,Pháp, Mĩ đã án binh bất động để khối phát xít châm ngòi nổ cho cuộc đại chiến thế giới lần hai với hi vọng khối phát xít sẽ tiêu diệt Liên Xô. ( 0,5 điểm) 2, Tính chất.
- Giống nhau: mang tính chất đế quốc phi nghĩa bởi nguyên nhân bùng nổ chiến tranh là để nhằm tranh chấp thị trường và thuộc địa. ( 0,5 điểm)
– Khác nhau: ở cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, vào tháng 1/1942, khối Đồng minh chống phát xít được hình thành do ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh làm trụ cột thì tính chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi, nó là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của phe đồng minh. ( 0,5 điểm)
3. Kết quả.
- Giống nhau: + Để lại những hậu quả nặng nề, tàn khốc ; Dẫn đến những biến đổi căn bản của tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. (0,5 điểm)
- Khác nhau: + CTTG thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn tật và những thiệt hại vật chất khổng lồ)Thiệt hại gấp nhiều lần so với CTTG thứ nhất. 
 (0,5 điểm)
ý2: Suy nghĩ của bản thân:
- Chiến tranh gây bao đau thương, tang tóc cho nhân loại mà nhân dân lao động là tầng lớp phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì vậy, tất cả mọi người cần phải lên án chiến tranh, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. (0,5 điểm)
- Bản thân em sẽ luôn cố gắng học tập góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, để đất nước khẳng định vị trí trên trường quốc tế, có tiếng nói quan trọng trong quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình, an ninh thế giới nói chung và quốc gia nói riêng. 
 (0,5 điểm)
Câu 2 ( 5 điểm): 
+ Ngay khi bị xâm lược, nhân dân Đông Nam á đã nổi dậy đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do thế lực đế quốc mạnh, chính quyền PK ở nhiều nước lại không kiên quyết đánh giặc tới cùng, nên phong trào kháng chiến đã thất bại. (0,5 điểm) 
+ Thực dân phương Tây áp dụng chính sách “chia để trị” để cai trị, vơ vét của cải của nhân dân càng làm cho mâu thuẫn dân tộc ở các nước Đông Nam á thêm gay gắt, hàng loạt phong trào đấu tranh nổ ra ( 0,5 điểm).
	- ở In-đô-nê-xi-a, từ cuối thế kỉ XIX, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời. Năm 1905, các tổ chức công đoàn thành lập và bắt đầu quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản (1920). ( 0,5 điểm)
	- ở Phi-líp-pin, cuộc cách mạng 1896 - 1898, do giai cấp tư sản lãnh đạo chống lại thực dân Tây Ban Nha giành thắng lợi, dẫn tới sự thành lập nước Cộng hòa Phi-líp-pin, nhưng ngay sau đó lại bị đế quốc Mĩ thôn tính. ( 0,5 điểm)
	- ở Cam-pu-chia, có cuộc khởi nghĩa của A-cha Xoa lãnh đạo ở Ta-keo (1863 - 1866), tiếp đó là khởi nghĩa của nhà sư Pu-côm-bô (1866 - 1867), có liên kết với nhân dân Việt Nam gây cho Pháp nhiều khó khăn. ( 0,5 điểm)
	- ở Lào, năm 1901, Pha-ca-đuốc lãnh đạo nhân dân Xa-van-na-khét tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang. Cũng năm đó, cuộc khởi nghĩa ở cao nguyên Bô-lô-ven bùng nổ, lan sang cả Việt Nam, gây khó khăn cho thực dân Pháp trong quá trình cai trị, đến năm 1907 mới bị dập tắt. ( 0,5 điểm)
	- ở Việt Nam, sau khi triều đình Huế đầu hàng, phong trào Cần vương nổ ra và quy tụ thành nhiều cuộc khởi nghĩa lớn (1885 - 1896). Phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài tới 30 năm (1884 - 1913) cũng gây nhiều khó khăn cho thực dân Pháp. ( 0,5 điểm)
	+ Nhận xét chung: Phong trào giải phóng dân tộc nổ ra kip thời, mạnh mẽ, liên tục với một tinh thần anh dũng và lực lượng quần chúng nhân dân (chủ yếu là công nhân và nông dân) tham gia đông đảo. Nhưng cuối cùng, các phong trào đều thất bại. ( 0,5 điểm)
- Nguyên nhân thất bại: 
+ Lực lượng tương quan 2 bên chênh lệch (Lực lượng của bọn xâm lược mạnh).
+ Chính quyền phong kiến ở nhiều nước đầu hàng làm tay sai cho kẻ thù.
+ Cuộc đấu tranh của nhân dân thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo chặt chẽ. (1,0 điểm)
Câu 3 ( 3,0 điểm): 
- Kết quả: Cách mạng thắng lợi. Chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ. Thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa (0,5 điểm)
- ý nghĩa:
+ Cách mạng Tân Hợi là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đã lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế Mãn Thanh, thành lập Trung Hoa Dân quốc, tạo điều kiện cho nền kinh tế TBCN ở Trung Quốc phát triển. (1,0 điểm)
+ Cách mạng Tân Hợi có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở Châu á, trong đó có Việt Nam. (0,5 điểm) 
- Nói đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản không triệt để vì: cách mạng không nêu vấn đề đánh đuổi đế quốc, không tích cực chống phong kiến đến cùng, không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân. (1,0 điểm)
Câu 4 ( 6 điểm): Vì triều đình Huế đã dần dần đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác: Kí các hiệp ước mà nội dung thể hiện từng bước đầu hàng. 
+ Ngày 5 - 6 - 1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất, thừa nhận quyền cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn...Mở 3 cửa biển cho Pháp vào buôn bán; Cho phép người Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo Gia-tô, bãI bỏ lệnh cấm đạo trước đây; Bồi thường cho Pháp một khoản chiến chí tương đương 288 vạn lạng bạc; Pháp sẽ trả lại thành Vĩnh Long chừng nào triều đình buộc nhân dân ngừng kháng chiến. 
 (1,0 điểm).
+ Ngày 15/3/1874, triều đình Huế lại kí Hiệp ước Giáp Tuất, theo đó, Pháp rút quân khỏi Bắc Kì; triều đình thừa nhận 6 tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp. (1,0 điểm).
+ Ngày 25 - 8 - 1883, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Hác-măng: triều đình thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kì và Trung Kì, cắt tỉnh Bình Thuận ra khỏi Trung Kì để nhập vào đất Nam Kì thuộc Pháp. Triều đình chỉ được cai quản vùng đất Trung Kì, nhưng mọi việc phải thông qua khâm sứ Pháp ở Huế. Mọi việc giao thiệp với nước ngoài đều do Pháp nắm. Triều đình Huế phải rút quân đội ở Bắc Kì về Trung Kì. 
 (1,0 điểm).
+ Ngày 6 - 6 -1884, Triều đình kí với Pháp Hiệp ước Pa-tơ-nốt có nội dung cơ bản giống với Hiệp ước Hác Măng, chỉ sửa đổi đôI chút về ranh giới khu vực Trung Kì để lấy lòng vua quan triều đình nhà Nguyễn. . Với hiệp ước này, nhà nước phong kiến Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã hoàn toàn sụp đổ. (1,0 điểm).
Nhận xét: 
- Quá trình đi từ các Hiệp ước 1862,1874,1883,1884 là quá trình triều đình Huế cắt từng phần lãnh thổ, rồi đi đến thừa nhận nền thống trị của Pháp trên toàn bộ nước ta. 
 (0,75 điểm)
- Các điều khoản ngày càng nặng nề hơn, tính chất thỏa hiệp ngày càng nghiêm trọng hơn. 
 (0,75 điểm)
- Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884 đã chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độ lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến kéo dài đến cách mạng tháng Tám năm 1945. 
Như vậy với Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng hoàn toàn trước thực dân Pháp. (0,5 điểm)
Câu 5 ( 2,0 điểm):
- Nhân vật lịch sử quê Thanh Hóa là: Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Phạm Bành, Tống Duy Tân. (1,0 điểm)
- Công lao:
+ Triệu Thị Trinh: Khởi nghĩa chống quân Ngô năm 248. (0,25 điểm)
+ Dương Đình Nghệ: Kháng chiến chống quân Nam Hán năm 930-931. (0,25 điểm)
+ Phạm Bành: hướng ứng chiếu cần vương, lãnh đạo khởi nghĩa Ba Đình chống Pháp năm 1886-1887 . (0,25 điểm)
+ Tống Duy Tân: hướng ứng chiếu cần vương, lãnh đạo khởi nghĩa Hùng Lĩnh chống Pháp năm 1887-1892. (0,25 điểm)

Tài liệu đính kèm:

  • docxdtvtttt_HSG_LICH_SU.docx