Đề và đáp án kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường

doc 3 trang Người đăng dothuong Lượt xem 472Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề và đáp án kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề và đáp án kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường
PHÒNG GD&ĐT
VĨNH TƯỜNG
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn - Lớp 8
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
I. Phần trắc nghiệm (2 đ). 
Câu 1. “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng được viết theo thể loại nào?	
A. Bút kí.
B. Truyện ngắn. 
C. Hồi kí.
D. Tiểu thuyết.
Câu 2. Trong văn bản “Hai cây phong”, người kể chuyện giới thiệu mình làm nghề gì?
A. Nhà văn. 
B. Họa sĩ.
C. Nhạc sĩ. 
D. Nhà báo.
Câu 3. Chủ đề của văn bản là gì?
Là một luận điểm lớn được triển khai trong văn bản
Là câu chủ đề của một đoạn văn trong văn bản.
Là sự lặp đi lặp lại một số từ ngữ trong văn bản 
Là đối tượng mà văn bản nói tới, là tư tưởng, tình cảm thể hiện trong văn bản.
Câu 4. Câu văn “Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền” sử dụng biện pháp tu từ nào để miêu tả hai cây phong?
A. So sánh. 
B. Nói quá. 
C. Điệp ngữ. 
D. Ẩn dụ.
II. Phần tự luận (8 đ).
Câu 5.
Thế nào là câu ghép và cho một ví dụ cụ thể? Trình bày các cách nối vế câu ghép?
Câu 6.
Đọc văn bản “Lão Hạc” của Nam cao có ý kiến cho rằng: “Lão Hạc là một lão nông nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu con”. Em hãy chứng minh nhận xét trên. 
PHÒNG GD&ĐT
VĨNH TƯỜNG
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn - Lớp 8
Phần I. Trắc nghiệm: ( 2,0 điểm). Trả lời đúng mỗi câu được 0,5 điểm.
Câu
1
2
3
4
Đáp án
C
B
D
A
Phần II. Tự luận. (8 điểm).
Câu 5: Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm C- V không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm C- V này được gọi là một vế câu. (0.5 điểm)
Ví dụ: Sáng thứ hai, thầy cô giáo / họp giao ban còn học sinh / tập trung chào cờ.
 Trạng ngữ C1 V1 C2 V2
Ví dụ đúng được 0.5 điểm.
Có hai cách nối các vế câu:
- Dùng những từ có tác dụng nối, cụ thể: (0.5 điểm)
+ Nối bằng một quan hệ từ.
+ Nối bằng một cặp quan hệ từ.
+ Nối bằng một cặp phó từ, đại từ hay chỉ từ thường đi đôi với nhau (cặp từ hô ứng)
- Không dùng từ nối: Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phảy, dấu chấm phảy hoặc dấu hai chấm. (0.5 điểm)
Câu 6: * Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận: chứng minh một nhận định văn học về một nhân vật văn học.
- Bố cục rõ ràng gồm ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
- Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, không sai câu, chính tả...
* Yêu cầu nội dung cụ thể:
A. Mở bài: (0.5 điểm)
- Giới thiệu nhà văn Nam cao, nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930- 1945 với nhiều tác phẩm hay trong đó có truyện ngắn “Lão Hạc”.
- Giới thiệu nhân vật lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Trích nhận định:“Lão Hạc là một lão nông nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu con”.
B. Thân bài: (5 điểm)
1. Lão Hạc điển hình cho cuộc sống nghèo khổ của người nông dân: (2 điểm)
- Lão sống nghèo khổ, cô đơn một mình với con chó Vàng.
- Tài sản: một túp lều, ba sào vườn, con chó.
- Gia cảnh: vợ chết sớm, con trai lão vì nghèo không cưới được vợ phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su.
- Hàng ngày lão cày thuê cuốc mướn kiếm sống, và muốn dành dụm tiền cho con.
- Nhưng lão bị ốm một trận, ốm 2 tháng 18 ngày. Làng mất nghề sợi lão không kiếm được việc gì làm thêm; bão, mất mùa hoa màu không thu được gì; lão và con chó hàng ngày vẫn phai tiêu tốn ba hào gạo. Lão yêu quý con chó nhưng vì không thể nuôi nó thêm đành phải bán nhưng lão ăn năn, day dứt ân hận, đau khổ khi phải bán con chó.
- Sau khi bán chó lão gửi ông giáo trông nom mảnh vườn sau này trao lại cho con; ba mươi đồng bạc để nhờ ông giáo đưa bà con hàng xóm lo liệu việc hậu sự cho lão.
- Lão sống càng khổ hơn trước, kiếm được gì ăn nấy: củ chuối, sung luộc, củ ráy,...
- Cuối cùng lão đã phải xin bả chó và chết đau đớn vật vã mấy tiếng đồng hồ.
Cái chết của lão Hạc phản ánh sự cùng quẫn bế tắc của người nông dân Việt Nam trong xã hội đương thời, việc làm, cái đói, miếng ăn đã đè nặng lên đôi vai người nông dân.
2. Lão Hạc là người nông dân nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu con. (3 điểm)
* Lão Hạc sống trong sạch, giàu lòng tự trọng: (1.5 điểm)
- Lão nghèo khổ nhưng làm ăn lương thiện, kiếm tiền bằng sức lao động của mình.
- Lão từ chối ông giáo khi ông giáo ngấm ngầm giúp lão gần như là hách dịch.
- Lão gửi tiền lo hậu sự vì không muốn làm phiền những người hàng xóm nghèo khổ như mình.
- Lão yêu quý con chó nên khi bán nó đi lão ăn năn, day dứt ân hận, đau đớn và nghĩ mình đã lừa một con chó.
- Lão đã tự chọn cho mình cái chết của một con chó bị lừa ăn phải bả để tự trừng phạt mình.
* Lão Hạc rất yêu thương con và giàu đức hi sinh: (1.5 điểm)
- Nhà nghèo lão không đủ tiền cưới vợ cho con, nên lão động viên con kiếm đám khác; luôn nhớ về con day dứt vì không lo được cho con đám cưới và tính toán cho con sau này khi nó trở về.
- Tình yêu thương con lão gửi gắm qua tình cảm với con chó Vàng vì đó là kỉ vật của con trai lão để lại, lão quý chó như con cháu, trò chuyện đối xử với nó như với người, bán nó ăn năn day dứt ân hận.
- Lão không bán mảnh vườn đi để sống mà dành lại cho con; trao gửi ông giáo trông nom cẩn thận trước khi chết. Sự hy sinh của lão âm thầm mà sâu sắc, cao thượng.
C. Kết bài: (0.5 điểm)
 - Khẳng định lại cuộc đời và phẩm chất của lão Hạc.
- Khẳng định giá trị nhân đạo của tác phẩm
* Lưu ý: Trên đây là một số gợi ý chung mang tính định hướng. Các giám khảo chấm cần linh hoạt. Cần chú ý khuyến khích những bài viết hiểu đề, có chất văn, diễn đạt tốt.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_DA_Van_8_HKI_Vinh_Tuong_20162017.doc