Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ Văn

doc 3 trang Người đăng haibmt Lượt xem 7301Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ Văn
UBND TỈNH BẮC NINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học 2013 - 2014
Môn thi: Ngữ văn 
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
Ngày thi: 15 tháng 7 năm 2013
==========
Câu 1. (2,0 điểm) 
a. Thế nào là hàm ý? Em hiểu hàm ý câu nói của bác lái xe trong phần trích dẫn sau như thế nào?
“Trong lúc mọi người xôn xao vui vẻ phía sau lưng, bác lái xe quay sang nhà họa sĩ nói vội vã:
- Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn.”
 (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập một)
b. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen.”
Những câu văn trên có trong tác phẩm nào? Ai là tác giả?
Những người gọi nhau là “những con quỷ mắt đen” làm công việc gì? Họ là những ai?
Câu 2. (1,0 điểm)	
	 “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
 Tin sương luống những rày trông mai chờ.
 Bên trời góc bể bơ vơ,
 Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”
 (Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một) 
 Nói “người dưới nguyệt chén đồng” là chỉ ai? Nói như vậy là dùng biện pháp tu từ nào? Cách nói ấy cho ta hiểu gì về Thuý Kiều?
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Ghi lại đầy đủ khổ thơ cuối trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Nêu ngắn gọn nội dung khổ thơ vừa ghi lại.
b. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 dòng) nêu một việc tốt mà em, bạn em hoặc chi đội em đã làm để thể hiện sự “đền ơn, đáp nghĩa” đối với những gia đình có công với nước nhân ngày Thương binh Liệt sĩ (ngày 27 tháng 7). 
(Lưu ý: Khi viết đoạn văn thí sinh không được nêu tên mình, trường mình, xã, phố mình... mà chỉ nêu chung chung (em, bạn em, chi đội em, xã em, phố em...). Trái với điều này là đánh dấu bài thi, bài thi sẽ bị loại).
Câu 4. (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa qua hai khổ thơ sau trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh: 
 	“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã 
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
 (Sang thu - Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập hai)
=========== Hết ===========
(Đề thi có 01 trang)
Họ và tên thí sinh:  Số báo danh: 
 UBND TỈNH BẮC NINH KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2013 - 2014
 ============= =============== 
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm có 02 trang)
Câu 1. (2,0 điểm) 
a. Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy. (0,5 điểm)
- Lời bác lái xe: “Thế nào bác cũng thích vẽ hắn” dùng để giới thiệu anh thanh niên và cũng có ý nói: đó là con người đáng chú ý, là người có sự hấp dẫn đặc biệt, là người sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác cho họa sĩ. (0,5 điểm)
b. Những câu văn trên có trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” (0.25 điểm), tác giả là Lê Minh Khuê. (0,25 điểm).
- Những người gọi nhau là “những con quỷ mắt đen” là ba cô gái: Nho, Thao và Phương Định (0,25 điểm). Họ là những nữ thanh niên xung phong làm công việc đo lượng đất cần lấp vào hố bom, đếm bom nổ chậm và phá bom nổ chậm khi cần. (0,25 điểm) 
Câu 2. (1,0 điểm)	
- “Người dưới nguyệt, chén đồng”: là hình ảnh chỉ Kim Trọng (0,25 điểm)
- Nói như vậy là dùng biện pháp tu từ hoán dụ, lấy kỉ niệm để chỉ người trong kỉ niệm.(0,25 điểm)
- Dùng cách nói ấy, Kiều cho ta hiểu tâm trạng của nàng: nhớ mà không dám gọi tên Kim Trọng bởi xót xa quá. 
Cũng có thể hiểu là kỉ niệm ước hẹn mà nàng không thể nào quên. Nhớ tới Kim Trọng là nhớ tới kỉ niệm. (Học sinh nói được một trong hai ý đều cho 0,5 điểm)
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Ghi lại đầy đủ khổ thơ cuối trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (0,5 điểm).
	Không có kính, rồi xe không có đèn,
	Không có mui xe, thùng xe có xước,
	Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
	Chỉ cần trong xe có một trái tim.
- Nội dung khổ thơ cuối: Cuộc chiến đấu ngày càng dữ dội và khốc liệt, bom đạn của chiến tranh đã làm cho những chiếc xe biến dạng: không có kính, không có đèn, không có mui, thùng xe có xước. (0,25 điểm). 
Nhưng những người lính, những chiến sĩ lái xe, bất chấp hiểm nguy, bất chấp khó khăn gian khổ, họ cùng với những chiếc xe ấy vẫn băng băng tiến về phía trước bởi trong họ đó là trái tim nóng bỏng, thiết tha, mãnh liệt tình yêu Tổ Quốc. Điều đó đã làm nên chiến thắng. (0,5 điểm).
b. Viết được một đoạn văn ngắn, có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn, nêu được một việc tốt mà bản thân hoặc chi đội đã làm thể hiện sự đền ơn, đáp nghĩa, biết ơn đối với những người đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc để có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Việc tốt có thể là thăm nom, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ một bạn cùng học có bố, mẹ là thương binh, liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn hoặc chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ ... (0,75 điểm)
Câu 4. (5,0 điểm)
A. Yêu cầu chung: 
1. Nội dung: Bài viết làm rõ được vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa qua hai khổ thơ trong bài thơ Sang thu, những cảm nhận tinh tế của tác giả.
2. Hình thức: Bài viết có đủ 3 phần mở, thân, kết, thể hiện rõ kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu hợp lí, bố cục rõ ràng, cân đối; diễn đạt lưu loát có chất văn; chữ viết, cách trình bày sạch đẹp.
B. Yêu cầu cụ thể: 
 Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đạt được một số ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
- Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thơ ông thường viết về con người, cuộc sống ở làng quê, về mùa thu.
- Hai khổ thơ đầu trong bài Sang thu thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu, những cảm nhận tinh tế của tác giả.
2. Vẻ đẹp thiên nhiên trong khổ thơ đầu. (2,0 điểm)
Khổ một của bài thơ đã thể hiện những biến đổi của đất trời phút giao mùa: 
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
- Hương ổi thơm ngào ngạt phả vào trong không gian thơm nồng quyến rũ, hoà vào gió se (gió heo may khe khẽ, hơi lạnh của mùa thu) lan toả tạo ra một mùi thơm ngọt mát của trái ổi chín vàng - hương thơm nồng nàn hấp dẫn ở nông thôn Việt Nam.
- Cùng với gió se là những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc nhẹ nhàng như “cố ý” chuyển động chầm chậm sang thu. Sương chùng chình qua ngõ - cái ngõ thực và cái ngõ của thời gian thông giữa hai mùa, cái ngõ của cuộc đời đã bước vào thu có cái gì như tiếc nuối, bâng khuâng. 
- Kết hợp một loạt các từ: “Bỗng - phả - hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng, quyến luyến. Cảm nhận tinh tế của tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh thu của tạo vật đã thấp thoáng hồn người sang thu: chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng, chín chắn, điềm đạm.
=> Khổ thơ nói lên những cảm nhận ban đầu về cảnh sang thu của đất trời. Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình (hương, gió) mờ ảo (sương chùng chình), nhỏ hẹp và gần (ngõ).
3. Vẻ đẹp thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai. (2,0 điểm)
Bức tranh thu từ những gì vô hình chuyển sang những hình ảnh cụ thể hữu hình với không gian rộng dài, cao xa vời vợi.
Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
- Dòng sông thướt tha mềm mại, hiền hoà trôi một cách nhàn hạ, thanh thản, gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu.
- Những cánh chim chiều bắt đầu vội vã tìm về tổ trong buổi hoàng hôn (không còn nhởn nhơ rong chơi hoài bởi tiết trời mùa hạ).
- Hình ảnh đám mây mùa hạ với sự cảm nhận đầy thú vị, sự liên tưởng độc đáo “vắt nửa mình sang thu”: Cảm giác giao mùa được diễn tả cụ thể và tinh tế bằng một hình ảnh đám mây của mùa hạ cũng như đang bước vào ngưỡng cửa của mùa thu. Khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang như có ranh giới cụ thể, hữu hình không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn là sự cảm nhận bằng chính tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.
=> Bằng sự cảm nhận qua nhiều giác quan, sự liên tưởng thú vị bất ngờ, với tâm hồn nhạy cảm tinh tế của tác giả, tất cả không gian cảnh vật như đang chuyển mình điềm tĩnh bước sang thu.
4. Đánh giá chung. (0,5 điểm).
- Hai khổ thơ là bức tranh thiên nhiên mùa thu đất trời quê hương hiện lên nhẹ nhàng, trong sáng gợi cuộc sống yên ả, thanh bình. Nét đặc sắc của khổ thơ là vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên hiện lên trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu và ở trạng thái chuyển động. Cảnh mang tâm trạng con người.
- Bức tranh thiên nhiên mang lại sự rung cảm sâu sắc trong lòng người đọc, giúp mỗi người có tình yêu thiên nhiên, cảm nhận tinh tế trước những khoảnh khắc giao mùa. 
C. Biểu điểm:
Điểm 5: Đạt tất cả các yêu cầu trên, văn viết giàu cảm xúc, kĩ năng tốt.
Điểm: 4: Đạt ¾ các yêu cầu trên, văn có cảm xúc, kĩ năng tốt.
Điểm: 2-3: Đạt được một nửa các yêu cầu trên, kĩ năng khá.
Điểm: 1: Kiến thức còn mơ hồ, kĩ năng yếu.
Lưu ý: Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của các câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
=================

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_Ngu_van_vao_THPT_tinh_Bac_Ninh.doc