Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh

pdf 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 676Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh
UBND TỈNH BẮC NINH 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN 
NĂM HỌC 2013 - 2014 
Môn thi: Ngữ văn (Dành cho thí sinh thi chuyên Ngữ văn) 
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) 
Ngày thi: 20 tháng 6 năm 2013 
============= 
Câu 1. (4,0 điểm) 
 Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: 
“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,” 
 (Cổng trường mở ra - Lý Lan) 
 Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, 
hãy viết một bài văn (khoảng 350 đến 400 từ) bàn về tính tự lập. 
Câu 2. (6,0 điểm) 
Hình tượng anh bộ đội trong thơ ca thời kì chống Pháp và chống Mĩ vừa mang 
những phẩm chất chung đẹp đẽ của người lính Cụ Hồ vừa có những nét cá tính riêng độc 
đáo. 
Qua hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính 
của Phạm Tiến Duật, em hãy làm sáng tỏ nội dung vấn đề trên. Từ đó, em có suy nghĩ gì 
về dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả? 
============Hết============ 
(Đề thi có 01 trang) 
 Họ và tên thí sinh:  Số báo danh:  
ĐỀ CHÍNH THỨC 
UBND TỈNH BẮC NINH KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2013 - 2014 
 ============= =============== 
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN CHUYÊN 
 (Hướng dẫn chấm có 04 trang) 
Câu 1: (4,0 điểm) 
I. Yêu cầu về kĩ năng. 
- Viết đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội (khoảng 350 đến 400 từ). 
- Bố cục ba phần rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực. 
- Trình bày sạch sẽ, sáng sủa, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi câu từ, chính tả. 
II. Yêu cầu về kiến thức: 
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau: 
1. Nêu được vấn đề cần nghị luận: Khi còn nhỏ, chúng ta sống trong sự bao bọc của ông bà, 
cha mẹ nhưng không phải lúc nào người thân yêu cũng ở bên cạnh chúng ta. Bàn tay dìu dắt 
của cha mẹ, đến một lúc nào đó cũng phải buông ra để chúng ta độc lập bước vào đời. Hai 
chữ “buông tay” trong câu văn của Lý Lan như một bước ngoặt của hai trạng thái được bao 
bọc, chở che và phải một mình bước đi. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường còn lại 
chính là một cách thể hiện tính tự lập. 
2. Giải thích: 
- Tự lập là gì? (nghĩa đen: tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác. Tự lập là 
tự mình làm lấy mọi việc, không dựa vào người khác). 
- Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà không ỷ lại, 
phụ thuộc vào mọi người xung quanh. 
3. Bàn luận: 
 a. Khẳng định: tự lập là đức tính cần có đối với mỗi con người khi bước vào đời. Tự lập là 
một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. 
+ Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cha mẹ ở bên để dìu dắt, giúp đỡ ta 
mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải tập tính tự lập để có thể tự mình lo liệu cuộc đời, bản 
thân. 
+ Người có tính tự lập sẽ dễ đạt được thành công, được mọi người yêu mến, kính trọng. 
b. Phê phán những kẻ không biết tự lập, sống ỷ lại dựa dẫm vào người khác. 
+ Nếu chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, sẽ trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc 
sống sẽ trở nên vô nghĩa. 
+ Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật 
sự. 
c. Mở rộng: 
+ Tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết 
đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. 
+ Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì 
xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc. 
(Mỗi luận điểm cần có dẫn chứng minh hoạ) 
4. Liên hệ bản thân: 
+ Cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn. 
+ Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn 
lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất. 
III. Biểu điểm: 
- Điểm 4: Cảm nhận đầy đủ, sâu sắc, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi diễn đạt. 
- Điểm 3-2. Cảm nhận khá đầy đủ, sâu sắc, bố cục rõ ràng, còn mắc một vài lỗi nhỏ khi diễn đạt. 
- Điểm 1. Cảm nhận còn hời hợt, vụn vặt, tản mạn, bố cục không rõ ràng, mắc lỗi khi diễn 
đạt, trình bày. 
Giám khảo có thể cho điểm theo các ý: 
 Ý 1: 0,5 
 Ý 2: 0,75 
 Ý 3: a: 0,75 điểm; 
 b: 0,75 điểm; 
 c: 0,75 điểm. 
 Ý 4: 0,5 
Trong các ý trên phải thể hiện sự thống nhất giữa nội dung, hình thức và phương pháp. 
Câu 2: (6,0 điểm) 
I. Yêu cầu chung: 
1. Nội dung: Học sinh phải chỉ ra được những phẩm chất chung hết sức đẹp đẽ của người 
lính Cụ Hồ, những nét riêng độc đáo trong tính cách, tâm hồn của người lính trong hai bài 
thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, 
đồng thời chỉ được dấu ấn sáng tạo của mỗi nhà thơ. 
2. Hình thức: Bài viết thể hiện rõ kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học (so sánh đối chiếu 
hai hay nhiều tác phẩm); kết cấu hợp lí, bố cục rõ ràng, cân đối; diễn đạt lưu loát có chất văn; 
chữ viết, cách trình bày sạch đẹp. 
II. Yêu cầu cụ thể: 
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau: 
1. Giới thiệu chung: 
- Về đề tài: Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ là hình tượng trung tâm của nền văn học cách 
mạng, nguồn cảm hứng lớn của thơ ca chống Pháp, chống Mỹ. 
- Về hai tác phẩm: Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đều là những người lính trưởng thành 
trong các cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm viết về đề tài anh bộ đội. Cùng với nhiều bài 
thơ khác, bài thơ “Đồng chí” sáng tác vào đầu năm 1948 khi Chính Hữu chiến đấu trong 
chiến dịch Việt Bắc, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” sáng tác năm 1969 khi Phạm Tiến 
Duật tham gia họat động ở tuyến đường Trường Sơn đã khắc họa thành công về đề tài người 
lính. 
- Về hai hình tượng: Hình tượng anh bộ đội trong thơ ca thời kì chống Pháp và chống Mĩ vừa 
mang những phẩm chất chung hết sức đẹp đẽ của người lính Cụ Hồ vừa có những nét cá tính 
riêng khá độc đáo, thể hiện rõ nét dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của các tác giả. 
2. Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trong hai tác phẩm. 
a. Phẩm chất chung: Đây là người lính của nhân dân nên họ cùng mang những vẻ đẹp 
chung: 
- Yêu đất nước, yêu quê hương, thắm thiết tình đồng đội, chiến đấu cho một lí tưởng cao đẹp. 
Có thể phân tích các câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” (Đồng chí) và “Xe vẫn 
chạy vì miền Nam phía trước” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Có thể phân tích cử chỉ 
“tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí), “nắm tay qua cửa kính” (Bài thơ về tiểu đội xe không 
kính) chất chứa bao tình cảm không lời trong cả hai bài thơ thể hiện sự gắn bó đồng chí. 
- Dũng cảm bất chấp khó khăn, coi thường thiếu thốn, hiểm nguy, vượt qua mọi khó khăn 
gian khổ để quyết tâm tiêu diệt giặc hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những khó khăn gian khổ, 
thử thách được tái hiện bằng những chi tiết hết sức chân thật, không né tránh tô vẽ trong cả 
hai bài thơ. Các chiến sĩ đều có một tư thế ngoan cường “chờ giặc tới”, “ung dung nhìn 
thẳng” 
- Lạc quan tin tưởng: Cả hai bài thơ đều thể hiện tinh thần lạc quan của người lính. Từ 
“miệng cười buốt giá” của anh bộ đội kháng chiến chống Pháp đến “nhìn nhau mặt lấm cười 
ha ha” của anh lính lái xe thời chống Mỹ đều thể hiện tinh thần lạc quan, khí phách anh 
hùng. 
b. Nét riêng khác biệt: 
- Người lính trong bài thơ “Đồng chí” 
+ Những con người mộc mạc, bình dị, chất phác, ra đi từ những luống cày, thửa ruộng; đi từ 
những miền quê nghèo khó. 
+ Những người nông dân mặc áo lính vượt lên những gian khổ, thiếu thốn, tình đồng chí 
thiêng liêng hòa quyện với lý tưởng rực sáng trong tâm hồn. 
 “Súng bên súng đầu sát bên đầu - Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ - Đồng chí!” 
=> Vẻ đẹp của người lính bước lên từ đồng ruộng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ 
trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 
- Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật: 
+ Đậm chất ngang tàng, ngạo nghễ, tâm hồn phóng khoáng, trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời 
của người lính lái xe chống Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. 
+ Đó là thế hệ những người lính có học vấn, có bản lĩnh chiến đấu, có tâm hồm nhạy cảm, có 
tính cách riêng mang chất “lính”đáng yêu. Họ tất cả vì miền Nam ruột thịt với trái tim yêu 
nước cháy bỏng. “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước- Chỉ cần trong xe có một trái tim” 
=> Nét riêng ấy đã thể hiện sự phát triển trong nhận thức, khám phá của các nhà thơ về hình 
tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Đó là sự trưởng thành của người lính đi qua hai cuộc trường chinh 
và là sự lớn lên về tầm vóc dân tộc được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh. 
3. Dấu ấn sáng tạo của mỗi nhà thơ. 
a. Chính Hữu với “Đồng chí”: 
- Ngôn từ mộc mạc bình dị, quen thuộc không phải thô sơ mà được tinh lọc từ lời ăn tiếng 
nói dân gian 
- Hình ảnh đậm chất hiện thực nhưng giàu sức biểu cảm, hàm súc cô đọng 
- Giọng điệu tâm tình thủ thỉ, thấm thía, sâu lắng. 
=> Phong cách thiên về khai thác nội tâm, tình cảm, ít có chuyện đùng đoàng của súng đạn 
(ý của Chính Hữu) 
b. Phạm Tiến Duật với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” 
- Ngôn từ giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên khỏe khoắn mang đậm phong cách của người lính lái 
xe 
- Hình ảnh chân thực nhưng độc đáo, giàu chất thơ 
- Giọng điệu lạ, ngang tàng, tinh nghịch, dí dỏm, vui tươi. Những câu thơ như những câu văn 
xuôi, như lời đối thoại thông thường 
=> Phong cách: cách nhìn, cách khai thác hiện thực, khai thác chất thơ từ sự khốc liệt của 
chiến tranh, khám phá vẻ đẹp trong sự phát triển không ngừng của cuộc sống. 
4. Đánh giá chung. 
- Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ được ghi lại trong hai bài thơ đã lưu giữ trong văn chương 
Việt Nam hai gương mặt đẹp đáng yêu của người lính trong hai thời kỳ lịch sử. 
- Hai bài thơ ở hai giai đoạn văn học khác nhau nhưng đều hoàn thành một cách xuất sắc sứ 
mệnh thi ca sau cách mạng Tháng Tám, thể hiện nhân vật trung tâm của thời đại một cách 
cao đẹp và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ. 
III. Biểu điểm: 
- Điểm 5-6 : Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, luận điểm rõ ràng, bố cục cân đối, không mắc 
lỗi diễn đạt, trình bày. 
- Điểm 3-4: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, bố cục cân đối, song luận cứ chưa phong phú 
sâu sắc. Còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt. 
- Điểm 1-2: Bài viết sơ sài, không rõ luận điểm, phương pháp nghị luận còn yếu. Bố cục 
không cân đối, chữ viết cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt. 
Giám khảo có thể cho điểm theo các ý: 
Ý 1: 0,5 điểm. 
Ý 2a: 2.0 điểm. 
Ý 2b: 2.0 điểm. 
Ý 3a: 0,5 điểm 
Ý 3b: 0,5 điểm 
Ý 4: 0,5 điểm 
Trong các ý trên phải thể hiện sự thống nhất giữa nội dung, hình thức và phương pháp. 
Lưu ý: Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được 
cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. 
================= 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfĐề thi TS Văn chuyên 2013- 2014.pdf