Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 835Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh
UBND TỈNH BẮC NINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học 2011 - 2012
Môn thi: Ngữ văn (Dành cho thí sinh thi vào chuyên Văn)
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 09 tháng 7 năm 2011
==========
Câu 1. (2,0 điểm)
	Một trong những yếu tố nghệ thuật thành công thể hiện rõ đặc điểm Thơ mới qua bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ là sử dụng từ ngữ, hình ảnh. Hãy phân tích ngắn gọn hai câu thơ dưới đây để làm rõ tài sử dụng từ ngữ, hình ảnh của tác giả “như có sức mạnh phi thường” trong việc diễn tả tâm trạng của con hổ bị giam trong vườn bách thú:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.
(Nhớ rừng - Thế Lữ)
Câu 2. (3,0 điểm)
Từ văn bản Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi (Ngữ văn 9, tập hai), hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 350 đến 400 từ) trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ đối với đời sống tinh thần của con người.	
Câu 3. (5,0 điểm)
 Cảm nhận của em về những điểm chung, nét riêng trong nội dung và cách biểu hiện tình mẹ con qua hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 9, tập một) và Con cò của Chế Lan Viên (Ngữ văn 9, tập hai). 
=============Hết=============
(Đề thi có 01 trang)
Họ và tên thí sinh: . Số báo danh: .
Họ tên, chữ ký giám thị 1: ...
Họ tên, chữ ký giám thị 2: 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2011 - 2012
Môn: Ngữ văn (Dành cho thí sinh thi vào chuyên Văn)
===========
(Hướng dẫn chấm có 03 trang)
Câu 1. (2,0 điểm)
	a. Về hình thức: Học sinh có thể viết thành một đoạn văn hoặc một văn bản ngắn có đủ ba phần mở, thân, kết. Diễn đạt trong sáng, rõ ràng. (0,25 điểm)
	b. Về nội dung: Phân tích làm rõ thành công về việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh.
	- Từ “gậm” diễn tả hoạt động dùng răng, miệng ăn dần, cắn dần từng ít, chậm chậm, kiên trì cho hết một đồ ăn rắn, cứng. Con hổ ở đây không gậm thức ăn mà gậm một “khối căm hờn”. Căm hờn là một tính từ trừu tượng kết hợp với số từ, danh từ chỉ loại thể để diễn tả lòng căm giận tích tụ thành khối, thành tảng. Sự bất lực của một chúa sơn lâm mất tự do trong giam cầm, không biết làm gì chỉ biết gậm nhấm khối căm hờn cho hả nỗi u sầu, uất ức. (0,75 điểm)
	- Hình ảnh “nằm dài trông ngày tháng dần qua” làm rõ thêm sự bất lực trước hoàn cảnh bị cầm tù của con hổ. Cái tư thế nằm dài thể hiện sự chán ngán của chúa sơn lâm không còn là chúa tể rừng xanh. Nó thấm thía thân phận “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” và tình thế của mình. (0,75 điểm)
	- Chuyện con hổ ở vườn bách thú là chuyện của con người sống trong xiềng xích bị mất tự do thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX. (0,25 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng.
- Viết đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội (khoảng 350 đến 400 từ).
- Bố cục ba phần rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực.
- Trình bày sạch sẽ, sáng sủa, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi câu từ, chính tả.
2. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
	a. Nêu được vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ đối với đời sống tinh thần của con người. (0,25 điểm)
	b. Sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ:
	- Giúp con người nhận thức được giá trị của cuộc sống, cổ vũ tinh thần giúp họ quên đi những nỗi cơ cực hàng ngày “lời gửi của văn nghệ là sự sống” (0,75 điểm)
	- Đánh thức, nuôi dưỡng tâm hồn con người; giúp con người sống vui vẻ, lạc quan, tin yêu, hi vọng và hướng tới những điều tốt đẹp “Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực sự được sống” (0,75 điểm)
	- Văn nghệ có khả năng cảm hoá, giúp con người nhận ra cái chân, thiện, mĩ để tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhoà đi, ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của ta, và chiếu toả lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”(0,75 điểm)
- Nếu không có văn nghệ, đời sống tinh thần, tâm hồn của con người sẽ trở nên khô cằn, những giá trị nhân văn tốt đẹp sẽ ngày càng mai một. (0,25 điểm)
	c. Đánh giá khái quát giá trị của văn nghệ: văn nghệ là tiếng nói của tình cảm. Nó có sức mạnh kỳ diệu, sức mạnh cảm hoá to lớn. (0,25 điểm)
Câu 3. (5,0 điểm)
A. Yêu cầu chung:
1. Nội dung: Học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học về hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên để làm nổi bật tình mẹ con thắm thiết, thiêng liêng. Cách thể hiện có điểm gần gũi, dùng điệu ru, lời ru của người mẹ, nhưng nội dung tình cảm, cảm xúc ở mỗi bài lại mang nét riêng biệt.
2. Hình thức: Bài viết thể hiện rõ phương pháp làm bài văn nghị luận văn học dưới dạng cảm nhận, có bố cục rõ ràng, mạch lạc. Biết trình bày luận điểm, luận cứ và phân tích dẫn chứng hai bài thơ trong thế đối sánh để làm rõ luận điểm.
B. Yêu cầu cụ thể:
Häc sinh cã thÓ tr×nh bµy theo c¸c c¸ch kh¸c nhau. Cã thÓ t¸ch luËn ®iÓm (chung- riªng, kh¸m ph¸ vÒ néi dung vµ h×nh thøc) hoÆc ph©n tÝch lÇn l­ît hai t¸c phÈm trong thÕ ®èi s¸nh. Nh­ng cÇn nªu ®­îc nh÷ng ý sau: 
1. Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận
- Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 có nhiều tác phẩm viết về cuộc sống và con người Việt Nam với những tình cảm gần gũi bình dị song giữa chúng không có sự lặp lại bởi các tác giả luôn có sự khám phá và thể hiện khác nhau.
- Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên đều viết về tình mẹ con nhưng nội dung tình cảm, cảm xúc và cách biểu hiện ở mỗi bài lại mang nét riêng biệt.
2. Những điểm chung của hai bài thơ.
- Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên được sáng tác sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đều đề cập đến tình mẹ con, ngợi ca tình mẹ con thắm thiết, thiêng liêng.
- Cách thể hiện của hai bài thơ: dùng điệu ru, lời ru của người mẹ, vận dụng sáng tạo chất liệu ca dao, dân ca.
3. Những nét riêng ở mỗi bài thơ.
a. Về nội dung: 
- Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được sáng tác năm 1971, khi tác giả trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, được tận mắt chứng kiến cuộc sống và chiến đấu của người phụ nữ Tà-ôi. Trong gian nan vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khoẻ mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Bài thơ đã thể hiện sự thống nhất của tình yêu con với lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng và ý chí chiến đấu của người mẹ dân tộc Tà-ôi.
- Bài Con cò được viết vào năm 1962. Đó là cảm nhận, suy ngẫm, lời ngợi ca của tác giả về tình mẫu tử thiêng liêng và ý nghĩa lời ru với cuộc đời mỗi con người.
b. Cách biểu hiện:
- Thể thơ: Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ chủ yếu sử dụng thể thơ tám chữ phù hợp với âm điệu hát ru. Bài Con cò sử dụng thể thơ tự do với các câu dài, ngắn khác nhau góp phần diễn tả ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò và thể hiện cảm xúc của nhà thơ.
- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ: 
+ Với bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ: ngôn ngữ giản dị, hàm súc, giàu sức gợi cảm. Hình ảnh trung tâm trong bài thơ là người mẹ Tà-ôi vừa địu con trên lưng vừa tham gia kháng chiến. Đó là một hình ảnh vừa sáng tạo độc đáo, vừa chân thực, cụ thể, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
+ Với bài thơ Con cò: hình ảnh chủ yếu được nói đến là hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ. Con cò trong ca dao được đưa vào trong thơ Chế Lan Viên một cách sáng tạo qua các biện pháp nhân hoá, ẩn dụ đặc sắcCon cò là biểu tượng cho lòng mẹ, biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng bất tử và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Nhiều câu thơ mang đậm chất triết lí, suy tưởng.
- Giọng điệu thơ: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được sáng tác theo làn điệu ru con của đồng bào Tà-ôi, kết hợp với nghệ thuật điệp khúc tạo nên một âm điệu tha thiết, ngọt ngào như lời ru. Bài Con cò sử dụng hình ảnh của ca dao, dùng âm điệu lời ru đặt trong thể thơ tự do tạo nên giọng trữ tình đậm đà tính dân tộc, tính hiện đại. Giọng điệu thơ có lúc dịu dàng như lời ru, có lúc dồn dập như lay gọi, có lúc sâu lắng mang đậm tính triết lí, suy ngẫm.
4. Đánh giá chung.
- Hai bài thơ giúp người đọc cảm nhận sâu sắc, tự hào về người phụ nữ, người mẹ Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường.
- Những nét riêng của mỗi bài thơ thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật của tác giả, góp phần làm phong phú diện mạo thơ ca hiện đại nói riêng và thơ ca dân tộc nói chung.
C. Biểu điểm
- Điểm 5 : Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, luận điểm rõ ràng, bố cục cân đối, không mắc lỗi diễn đạt, trình bày.
- Điểm 3 - 4: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, bố cục cân đối, song luận cứ chưa phong phú sâu sắc. Còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1 - 2: Bài viết sơ sài, không rõ luận điểm, phương pháp nghị luận còn yếu. Bố cục không cân đối, chữ viết cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
Lưu ý: Giám khảo vận dụng sáng tạo việc cho điểm phù hợp với bài viết thực tế của học sinh. Có thể cho điểm các ý như sau:
Ý 1: 0,5 điểm.
Ý 2: 1,0 điểm.
Ý 3: a. 1,5 điểm.
 b. 1,5 điểm
Ý 4: 0,5 điểm
Trong các ý trên phải thể hiện sự thống nhất giữa nội dung, hình thức và phương pháp.
----------Hết----------

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Van Chuyen TS 10 nam 2011-2012.doc