Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 1990Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn THPT chuyên - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh
UBND TỈNH BẮC NINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: Ngữ văn
(Dành cho thí sinh thi chuyên Ngữ văn)
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 20 tháng 6 năm 2014
=============
Câu 1 (4,0 điểm). 
ƯỚC VỌNG VÀ HẠT GIỐNG
Ngày xưa có hai đứa trẻ đều có nhiều ước vọng rất đẹp đẽ. “Làm sao có thể thực hiện được ước vọng?”Tranh luận hoài, hai đứa trẻ mang theo câu hỏi đến cụ già, mong tìm những lời chỉ bảo. Cụ già cho mỗi đứa trẻ một hạt giống và bảo:
- Đấy chỉ là hạt giống bình thường, nhưng ai có thể bảo quản nó tốt thì người đó có thể tìm ra con đường thực hiện ước vọng!
Nói xong cụ già quay người rồi đi khuất ngay. Sau đó mấy năm, cụ già hỏi hai đứa trẻ về tình trạng bảo quản hạt giống. Đứa trẻ thứ nhất mang ra một chiếc hộp được quấn bằng dây lụa nói:
- Cháu đặt hạt giống trong chiếc hộp, suốt ngày giữ nó.
Nói rồi nó lấy hạt giống ra cho cụ già xem, thấy rõ hạt giống nguyên vẹn như trước. Đứa trẻ thứ hai mặt mũi xám nắng, hai bàn tay nổi chai. Nó chỉ ra cánh đồng mênh mông lúa vàng, phấn khởi nói:
- Cháu đem hạt giống xuống đất mỗi ngày lo tưới nước, chăm sóc, bón phân, diệt cỏ .tới nay nó đã kết hạt mới đầy đồng.
Cụ già nghe xong mừng rỡ nói :
- Các cháu, ước vọng cũng như hạt giống đó. Chỉ biết khư khư giữ lấy nó thì chẳng có thể lớn lên được. Chỉ khi dùng mồ hôi, sức lực, tưới tắm vun trồng cho nó thì mới có thể biến thành hoa trái, mùa màng bội thu thôi!
 (Theo: Quà tặng cuộc sống/ truyện 186.com)
 	Viết một bài văn ngắn (khoảng 350 đến 400 từ) trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống đặt ra từ câu chuyện trên.
 Câu 2 (6,0 điểm). 
Em hãy viết bài văn làm rõ nét tương đồng và điểm khác biệt về hình ảnh trăng qua các tác phẩm: Đồng chí của Chính Hữu, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận và Ánh trăng của Nguyễn Duy.
============Hết============
(Đề thi có 01 trang)
 Họ và tên thí sinh:  Số báo danh: 
 UBND TỈNH BẮC NINH KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2014 - 2015
 ============= =============== 
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN CHUYÊN
 (Hướng dẫn chấm có 03 trang)
Câu 1 (4,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Viết đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội (khoảng 350 đến 400 từ).
- Bố cục ba phần rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực.
- Trình bày sạch sẽ, sáng sủa, diễn đạt lưu loát, hành văn trong sáng, không mắc lỗi câu từ, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
	Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
1. Phân tích ngắn gọn để rút ra ý nghĩa của câu chuyện.(1,0đ)
- Câu chuyện kể về hai cậu bé giàu ước mơ và khát vọng nhưng chưa tìm được con đường thực hiện ước vọng của mình, và cụ già đã giúp chúng bằng cách để chúng bảo quản những hạt giống.
+ Cậu bé thứ nhất bao bọc hạt giống trong "chiếc hộp bằng giấy lụa" và "suốt ngày giữ nó" . Ước vọng của cậu nguyên vẹn nhưng không có thành công nào cả.
 + Cậu bé thứ hai gieo hạt giống, "chăm sóc bón phân" và cậu đã được "mùa màng bội thu". Ước vọng của cậu đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
- Bài học cuộc sống từ câu chuyện: Phải nỗ lực hành động để biến ước mơ thành hiện thực, đó là con đường để thực hiện ước mơ, khát vọng. 
2. Bàn luận( 2,5 đ)
- Khẳng định sự đúng đắn của bài học cuộc sống mà câu chuyện mang lại (1,5 điểm):
+ Con người sống không thể thiếu ước mơ. Ước mơ, khát vọng tạo động lực để con người phấn đấu, đạt tới những cái đích cao đẹp trong cuộc sống, tạo niềm tin để con người vượt qua những khó khăn, lạc quan trước cuộc sống hiện tại, tin tưởng vào tương lai...
+ Ước vọng sẽ không thành hiện thực khi ta cứ khư khư giữ lấy, cứ ấp ủ mà không bắt tay vào thực hiện, bởi không ai bỏ sức lực để thực hiện ước vọng hộ người khác. Hơn nữa, nếu ước vọng chỉ tồn tại trong suy nghĩ thì dù có cao đẹp đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, đôi khi còn đẩy con người vào những ảo tưởng viển vông, xa dời thực tế. 
+ Ước vọng chỉ có ý nghĩa khi được hiện thực hóa và nó chỉ được hiện thực hoá khi ta hành động để đạt được nó. Bởi không có ước vọng nào, thành công nào đạt được mà không phải đổ mồ hôi và công sức. Nếu ta biết cố gắng, nỗ lực phấn đấu thì chắc chắn một ngày ước vọng sẽ được bén rễ, đơm hoa, kết trái.
- Mở rộng vấn đề ( 1,0 điểm)
+ Câu chuyện mang ý nghĩa định hướng và giáo dục sâu sắc đối với con người, đặc biệt là tuổi trẻ về việc nuôi dưỡng và thực hiện những ước vọng cao đẹp.
+ Câu chuyện cũng phê phán những bạn trẻ có ước mơ nhưng thiếu ý chí, nghị lực để thực hiện ước mơ; những bạn trẻ ôm ấp ước mơ viển vông, xa vời, hão huyền, đặc biệt là những người sống thiếu ước mơ, khát vọng, sống hoài sống phí tuổi trẻ... 
( Mỗi luận điểm cần minh họa bằng các dẫn chứng cụ thể lấy từ cuộc sống)
3. Bài học nhận thức và hành động ( 0,5đ)
 Câu chuyện là lời nhắc nhở giúp chúng ta có nhận thức và hành động đúng đắn để thực hiện ước mơ, khát vọng. Liên hệ ước vọng và con đường thực hiện ước vọng của bản thân. 
Câu 2: ( 6,0 điểm)
I. Yêu cầu chung
Trên cơ sở nắm chắc nội dung ba tác phẩm đã học, bài viết thể hiện được cảm nhận về hình ảnh trăng trong mối tương quan giữa chúng để từ đó chỉ ra nét tương đồng và khác biệt trong cảm nhận và cách thể hiện của mỗi nhà thơ.
Biết viết một bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, không mắc các lỗi.
II. Yêu cầu cụ thể
1. Giới thiệu chung (0,5 điểm):
- Chính Hữu (1926-2007) là nhà thơ chiến sĩ hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Bài thơ Đồng chí được ông sáng tác vào đầu năm 1948 trong thời kháng chiến chống Pháp (1946- 1954).
Huy Cận (1919-2005) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá được viết năm 1958, thời kì đất nước đang xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ và tiếp tục bền bỉ sáng tác. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978 khi đất nước đã hoà bình thống nhất.
- Hình ảnh trăng trong ba tác phẩm của ba nhà thơ trên là sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của các tác giả vừa có nét tương đồng vừa có điểm khác biệt.
2. Nét tương đồng, gần gũi (1,5 điểm):
Trăng trong ba bài thơ đều là hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, trong sáng; là người bạn tri kỉ của con người.
- Trăng gắn bó với cuộc đời của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng hành cùng họ trong những đêm hành quân, những đêm phục kích quân thù “Đêm nay..trăng treo” (Đồng chí của Chính Hữu)
- Trăng đồng hành cùng với những người dân vùng biển trong cuộc sống sinh hoạt lao động hàng ngày (Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận)
- Trăng đi cùng những năm tháng tuổi thơ và quãng đời người lính gắn với đồng, với sông với biển, với rừng...(Ánh trăng của Nguyễn Duy)
=> Có sự tương đồng, gần gũi bởi trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca và là hình ảnh đẹp, biểu tượng cho cảm hứng hiện thực và lãng mạn của nền thơ ca cách mạng. 
3. Nét riêng (3,5 điểm)
- Trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu xuất hiện duy nhất một lần ở cuối bài thơ qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo” nhưng gợi nhiều ý nghĩa. (1,25 điểm)
+ Đây là hình ảnh thực được phát hiện từ chính những đêm hành quân, phục kích của tác giả: “Suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng với chúng tôi như một người bạn” (Chính Hữu). Hình ảnh trăng gợi lên không gian thiên nhiên khoáng đạt bay bổng.
+ Trăng biểu tượng cho tình đồng chí, đồng đội cao đẹp, biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, mộng mơ, tinh tế của người lính. Đó chính là sức mạnh, là đôi cánh nâng đỡ người lính vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.
+ Là hình ảnh sáng tạo, độc đáo, đầy chất thơ và có ý nghĩa khái quát cao làm toả sáng cả bài thơ, được sáng tạo bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn.
- Trăng trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: cũng xuất hiện không nhiều nhưng góp phần không nhỏ vào việc biểu đạt thành công nội dung tư tưởng của tác phẩm. (1,0 điểm)
+ Trăng là cánh buồm đưa thuyền lướt sóng ra khơi và nâng bổng niềm vui lao động của những người dân đánh cá “Thuyền ta lái gió với buồm trăng; Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”
+ Trăng tạo nên gam màu sáng lóng lánh của bức tranh thơ khiến cho cảnh biển đêm giống như một bức tranh sơn mài lộng lẫy: “Cá nhụ cá chim cùng cá đé- Cá song lấp lánh đuốc đen hồng- Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé- Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”.
+ Trăng góp phần thể hiện tâm hồn khoáng đạt, lãng mạn; khí thế hào hứng, sôi nổi, lạc quan trong lao động của những con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống mới.
+ Hình ảnh trăng được thể hiện bằng thủ pháp lãng mạn.
- Trăng trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy là hình ảnh xuyên suốt thể hiện chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Độ lùi của thời gian khiến nhà thơ có điều kiện suy ngẫm về lẽ sống, con người, đất nước đem lại cho hình tượng trăng những tầng ý nghĩa sâu sắc (1,25 điểm) 
+ Trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống.
+ Trăng là người bạn bình dị, hiền hậu, nghĩa tình, trong sáng, thuỷ chung của con người, biểu tượng của quá khứ vẹn nguyên, tròn đầy.
+ Là nhân chứng nghĩa tình, độ lượng, bao dung và cũng rất nghiêm khắc để con người phải giật mình thức tỉnh lương tâm.
+ Mang chiều sâu tư tưởng, là lời nhắc nhở thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.
+ Nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình.
=> Có khác biệt trên bởi sự khác biệt của hoàn cảnh cảm hứng, thời đại và dấu ấn riêng của từng nhà thơ trong sáng tạo nghệ thuật. 
4. Đánh giá khái quát (0,5 điểm): 
- Hình ảnh trăng trong ba bài thơ trở thành biểu tượng đẹp, lãng mạn, giàu ý nghĩa, tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
- Ba hình ảnh, ba cách khám phá, sáng tạo vừa đa dạng phong phú vừa mới mẻ độc đáo thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, những suy ngẫm sâu sắc về hiện thực chiến đấu, dựng xây đất nước, đồng thời in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật riêng biệt của từng tác giả
Lưu ý: Điểm hình thức trong điểm nội dung. 
Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi. 
Điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
 ----------Hết-------

Tài liệu đính kèm:

  • docĐề Chuyên Văn 2014.doc