Đề thi thử THPT quốc gia môn: Ngữ văn trường THPT Trần Tất Văn

doc 8 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2161Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử THPT quốc gia môn: Ngữ văn trường THPT Trần Tất Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử THPT quốc gia môn: Ngữ văn trường THPT Trần Tất Văn
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI PHÒNG
TRƯỜNG THPT TRẦN TẤT VĂN
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút.
(Không kể thời gian giao đề)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Vị vua và những bông hoa
 Một ông vua nọ rất có tài chăm sóc những cây hoa và ông đang muốn tìm một người kế vị mình. Ông quyết định để những bông hoa quyết định, vì thế ông đưa cho tất cả mọi người mỗi người một hạt giống. Người nào trồng được những bông hoa đẹp nhất từ hạt giống này sẽ được lên ngôi.
 Một cô gái tên là Serena cũng muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh để trồng được bông hoa đẹp nhất. Cô gieo hạt giống trong một cái chậu rất đẹp, chăm sóc nó rất kỹ càng, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy hạt giống nảy mầm.
 Năm sau, cô thấy mọi người tụ tập tại cung điện với những chậu hoa rất đẹp. Serena rất thất vọng, nhưng vẫn tới cuộc tụ họp với chậu hoa trống rỗng. Nhà vua kiểm tra tất cả chậu hoa, rồi dừng lại ở chậu hoa của Serena. Ngài hỏi “tại sao chậu hoa của cô không có gì?” “Thưa điện hạ, tôi đã làm mọi thứ để nó lớn lên nhưng tôi đã thất bại” – cô gái trả lời.
“Không, cô không thất bại. Những hạt giống mà ta đưa cho mọi người đều đã được nướng chín, vì thế chúng không thể nảy mầm. Ta không biết tất cả những bông hoa đẹp này ở đâu ra. Cô đã rất trung thực, vì thế cô xứng đáng có được vương miện. Cô sẽ là nữ hoàng của vương quốc này”.
 (Trích Bốn bài học quý giá về cuộc sống – Thanh Thảo (sưu tầm dịch) – báo VietNamNet 30-10-2013)
Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,25 điểm)
Câu 3. Hãy giải thích vì sao cô Serena lại được nhà vua phong làm nữ hoàng ? (0,25 điểm)
Câu 4. Anh/chị hãy rút ra bài học cho bản thân khi đọc xong câu chuyện trên. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
 Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Tôi buộc lòng tôi với mọi người 
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Câu 5. Đoạn thơ trên nằm trong bài thơ nào? Của tác giả nào? (0,25 điểm)
Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong bốn dòng thơ sau. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Jessica Watson là nữ sinh người Úc, 17 tuổi. Năm 2010, cô đã một mình đi vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm. Chuyến đi kéo dài 210 ngày đêm với hành trình 23 000 hải lí, vượt qua những con sóng cao 12m. ”Tôi chỉ là một cô gái bình thường, luôn tin vào giấc mơ của mình. Bạn cũng chỉ cần một giấc mơ, tin vào nó và làm việc thật chăm chỉ”. Jessica đã trả lời truyền thông như vậy khi chuyến đi kết thúc.
Từ những thông tin trên, anh/chị suy nghĩ gì về ước mơ và hành động? Hãy trình bày suy nghĩ đó trong một bài văn (khoảng 600 từ) 
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
 (Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
----- Hết -----
ĐÁP ÁN - THANG ĐIỂM
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ văn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Nội dung: kể về việc một vị vua muốn lựa chọn người kế vị bằng cách thử lòng trung thực của mọi người từ những hạt giống hoa đã được nướng chín và chỉ có duy nhất cô gái tên Serena là người chiến thắng nhờ lòng trung thực của mình; thông qua câu chuyện Vị vua và những bông hoa để khẳng định tính trung thực sẽ đem lại cho chúng ta những món quà bất ngờ
- Điểm 0,5: Ghi lại đúng nội dung trên (chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đúng ý)
- Điểm 0,25: Chỉ trả lời được một nửa ý.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính là phương thức tự sự/tự sự.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3. Cô Serena lại được nhà vua phong làm nữ hoàng vì Cô đã rất trung thực khi trồng đúng hạt giống hoa mà nhà vua ban/ Cô không tìm mọi cách để có chậu hoa đẹp như người khác mà chỉ chăm sóc hạt giống nhà vua đã ban....
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.
- Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4. Bài học của bản thân: Con người cần phải sống trung thực, có lòng tin vào sự trung thực của bản thân/ có lòng trung thực con người sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống... Câu trả lời có sức thuyết phục.
- Điểm 0,5: Nêu được bài học cho bản thân trong 5-7 dòng phù hợp với nội dung văn bản... không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
- Điểm 0,25: Nêu được bài học cho bản thân phù hợp với nội dung của văn bản nhưng chưa đủ dung lượng, chưa rõ ràng và còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt
- Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
+ Nêu bài học nhưng không có liên quan gì đến nội dung văn bản
+ Câu trả sai
+ Không có câu trả lời.
Câu 5. Đoạn thơ trên nằm trong bài thơ Từ ấy của tác giả Tố Hữu.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo đáp án
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 6. Hai biện pháp tu từ: 
+ Ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí – lí tưởng cách mạng
+ So sánh: hồn tôi là một vườn hoa lá
- Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên
- Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện niềm vui lớn và lẽ sống lớn của nhà thơ Tố Hữu khi bắt gặp lí tưởng cộng sản
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
- Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 8. Nêu quan niệm của tác giả thể hiện trong bốn dòng thơ sau: Sẵn sàng tự nguyện chia sẻ, đoàn kết với tất cả mọi người để tạo nên sức mạnh dân tộc...
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
Từ đó, nhận xét về quan niệm của tác giả (đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp).
Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Điểm 0,25: Nêu đầy đủ quan niệm của tác giả và nhận xét theo hướng trên; hoặc nêu chưa đầy đủ quan niệm của tác giả theo hướng trên nhưng nhận xét có sức thuyết phục.
- Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
+ Chỉ nêu được quan niệm của tác giả nhưng không nhận xét hoặc ngược lại;
+ Nêu không đúng quan niệm của tác giả và không nhận xét hoặc nhận xét không có sức thuyết phục;
+ Câu trả lời chung chung, không rõ ý;
+ Không có câu trả lời.
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với ước mơ và hành động của bản thân và những người xung quanh.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích: Câu chuyện của Jessica đặt ra vấn đề ước mơ và hành động
/ Ước mơ là những mong muốn, những mục tiêu mõi người muốn đạt được, thực hiện được...
/ Hành động là những việc làm cụ thể nhằm thực hiện ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực...
+ Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ước mơ và hành động (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với vấn đề ước mơ và hành động. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
(VD chứng minh tính đúng đắn: 
/ Jessica có ước mơ đi thuyền buồm vòng quanh thế giới, một ước mơ lớn lao phi thường...
/ Để thực hiện ước mơ cô đã có một giấc mơ, tin vào nó và làm việc thật chăm chỉ: chỉ cần có niềm tin, kiên định theo đuổi giấc mơ; nỗ lực làm việc, làm việc có kế hoạch; tích lũy tri thức và rèn luyện sức khỏe...)
+ Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề lựa chọn ước mơ và hành động sao cho đúng đắn
- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
- Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ trích từ bài “Tây Tiến” - Quang Dũng và “Việt Bắc” - Tố Hữu.
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
* Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ:
++ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”:
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:
/ Nội dung: hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ: vẻ đẹp hào hùng, hào hoa; khí phách oai phong, lẫm liệt, sức mạnh phi thường dù thực tế là sốt rét, rụng tóc, da xanh...; tâm hồn trẻ trung, hào hoa, lãng mạn...
/ Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn, thủ pháp đối lập được sử dụng hiệu quả khi xây dựng hình tượng; hình ảnh gợi cảm tạo ấn tượng sâu sắc; ngôn ngữ tạo hình độc đáo
++ Đoạn thơ trong bài “Việt Bắc”:
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
/ Nội dung: khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc trong không gian rộng lớn của núi rừng Việt Bắc, thời gian (đêm đêm); con người có sức mạnh phi thường có thể rung chuyển đất trời...
/ Nghệ thuật: sử dụng nhiều từ láy; ngôn ngữ gợi hình; thủ pháp phóng đại...=> khuynh hướng sử thi kết hợp với cảm hứng lãng mạn được thể hiện rõ...
* Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ để thấy được vẻ riêng của mỗi đoạn: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
++ Sự tương đồng: Hai đoạn thơ tiêu biểu cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện vẻ của con người trong chiến đấu, bảo vệ tổ quốc .
++ Sự khác biệt:
+++ Người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng hiện lên rõ ràng, chân thực, có sự đối nghịch giữa ngoại hình với tâm hồn, khí phách; thể thơ thất ngôn mạng âm hưởng cổ điển, trang nghiêm....
+++ Con người Việt Bắc kháng chiến trong thơ Tố Hữu không hiện lên rõ ràng, cụ thể mà thông qua những hành động mà bật lên sức mạnh phi thường; có sự thống nhất, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng giữa quân và dân (quân đi; dân công) thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (từ 10 lỗi trở lên)

Tài liệu đính kèm:

  • doccac_de_thi_nam_hoc_2014205.doc