Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Thanh Cao

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1562Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Thanh Cao", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Thanh Cao
Phòng GD-ĐT Thanh Oai ĐỀ THI VIOLIMPIC LỚP 7 
Trường THCS Thanh Cao MÔN: Ngữ văn
 Năm học : 2014 - 2015 
 ( Thời gian làm bài 120 phút) 
Câu 1 (4đ): Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của phép tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục... cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi 
Nghe gọi về tuổi thơ”
 ( Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, SGK Ngữ Văn 7, tập I)
Câu 2 (6đ):
 HAI BIỂN HỒ
 Người ta bảo ở Palextin có hai biển hồBiển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galile. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này
 Nhưng điều kỳ lạ cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan
Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
 (Trích “Bài học làm người ”- Nhà xuất bản giáo dục)
 Qua câu chuyện Hai biển hồ trên, đã cho em bài học ý nghĩa nào trong cuộc sống.
Câu 3 (10đ):
	Phát biểu cảm nghĩ của em về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ trong hai bài thơ: “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh (Trong chương trình Ngữ văn 7).
-Hết-
Phòng GD-ĐT Thanh Oai 
Trường THCS Thanh Cao 
 HƯỚNG DẪN CHẤM VIOLIMPIC LỚP 7 
 MÔN: Ngữ văn 
 Năm học : 2014 - 2015 
 ( Thời gian làm bài 120 phút) 
Câu 1 (4đ): 
Yêu cầu:
* Hình thức: Viết thành đoạn văn.
* Nội dung: Học sinh chỉ ra được các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ:
Cả khổ thơ là những rung cảm ban đầu của người lính trên đường hành quân khi nghe tiếng gà trưa.
- Dòng thứ tư “Cục ... cục tác cục ta” với việc lặp âm và những dấu chấm lửng đã mô phỏng sát đúng tiếng gà làm cho chuyện kể như được lồng vào một bức tranh nổi có tiếng gà vang vọng trong không gian.
- Lối dùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác (nghe) thay cho cảm giác (thấy) và điệp ngữ “nghe” lặp lại ba lần ở đầu dòng thơ có tác dụng đem lại ấn tượng như tiếng gà ngưng lại, làm xao động không gian và xao động lòng người.
- Trật tự đảo của kết cấu so sánh: Nghe xao động nắng trưa (nổi bật nghĩa bóng) với Nghe nắng trưa xao động (nổi bật nghĩa đen) xen vào những trật tự đảo của câu trước và câu sau, làm cho âm điệu câu thơ thay đổi, tránh được sự nhàm chán và diễn tả được sự bồi hồi, xao xuyến của tâm hồn.
Biểu điểm:
- Điểm 4: Đáp ứng được đủ các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, biểu cảm, còn mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3: Đáp ứng được đủ các yêu cầu trên, diễn đạt rõ ràng, lưu loát, biểu cảm, còn mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2: Làm được 2 ý, diễn đạt rõ ràng, lưu loát, biểu cảm, còn mắc một vài sai sót nhỏ về chính tả.
- Điểm 1: Làm được 1 ý, diễn đạt rõ ràng, lưu loát, biểu cảm, còn mắc một vài sai sót nhỏ về chính tả, dùng từ.
- Điểm 0,5: Học sinh viết chung chung về nội dung của khổ thơ, không hiểu rõ đề.
- Điểm 0: Không viết được gì hoặc sai lạc cả về nội dung và hình thức.
Câu 2: (6đ)
Bài làm đáp ứng được những yêu cầu sau:
 A.Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải triển khai các ý cơ bản sau:
 -Từ một câu chuyện (rút ra bài học từ cuộc sống) học sinh trình bày suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng đạo lý - mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống. Hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất. Trong cuộc sống phải luôn biết chia sẻ với người khác. Nếu biết sống vì người khác thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần, cuộc đời sẽ có ý nghĩa thêm bội phần. Có người nói "người ta kính trọng bạn không phải những gì bạn nhận được. Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì mà bạn cho đi".
B. Hiểu được ý nghĩa của câu chuyện:
 Nghĩa đen theo nghĩa khoa học:
 + Biển Chết là do vị trí hồ không thuận lợi xung quanh không có kênh rạch hay lối thoát nên nước từ thượng nguồn đổ về đây bị ứ đọng dần dần tích tụ lượng muối lớn, làm cho nồng độ muối trong nước quá cao.
 + Nước quá mặn nên không sinh vật nào sống được nên dẫn đến hoang vu thiếu sự sống.
 + Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
C. Bài học rút ra từ câu chuyện. 
 Câu chuyện đã đem đến bài học thật ý nghĩa trong cuộc sống:
- Trong cuộc sống hằng ngày, con người có những mối quan hệ, những giao tiếp, những sinh hoạt luôn “ trao” và “ nhận”. Xã hội sẽ không tồn tại nếu thiếu quá trình này.
- Hãy biết chia sẻ để nó lan tỏa và biến thành niềm vui
- Biển chết: như một biểu tượng cho một loài người ích kỷ, thiếu đi lòng vị tha nhân hậu chỉ biết sống cho riêng mình.
- Biển Galile: sống vì người khác, mở rộng bàn tay cho và nhận (dẫn chứng từ thực tế cuộc sống ).
 à Khẳng định cách nhìn, thái độ sống, chi phối hoàn cảnh sống, tác động đến các mối quan hệ xung quanh (dẫn chứng- phân tích-so sánh, đối chiếu ).
 à Cuộc sống cần có sự đồng cảm ( hãy dang rộng đôi tay với những nạn nhân bị chất độc màu da cam; đồng bào miền Trung đang bị thiên tai bão lụt)
* Bài học cho bản thân.
 + Cách ứng xử và thái độ đối với những người xung quanh.
 + Cách ứng xử, cho và nhận đối với cuộc đời.
 Biểu điểm :
- Điểm 5à6:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 4à5:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 3à4:
 Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, lập luận chưa chặt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
 - Điểm 0,5à2,5
 Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được 1/2 yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
 - Điểm 0: Để giấy trắng. 
Câu 3 (10đ):
A- Mở bài (0,5 điểm):
* Yêu cầu:
	Giới thiệu cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ qua “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh.
* Cho điểm:
	- Cho 0,5 điểm: Đạt như yêu cầu.
	- Cho 0 điểm: Thiếu hoặc sai hoàn toàn.
B- Thân bài (9,0 điểm):
 - Trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng và suy ngẫm của mình về cảnh sắc thiên nhiên ở bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh:
 + Đọc bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi ta như lạc vào Côn Sơn một nơi thiên nhiên đẹp đẽ, nên thơ, khoáng đạt, dịu mát, cảnh đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình; ta như được thưởng thức âm thanh trầm bổng du dương của tiếng đàn cầm là tiếng suối chảy rì rầm, bất tận ngày đêm không ngớt. ta như được ngồi trên chiếu thảm rêu phơi trên đá, êm đềm, dịu mát. Dưới bạt ngàn rừng thông, , rừng trúc, ta tìm nơi mát mẻ ta nằm chơi, ngâm thơ nhàn nhã  Cảnh Côn Sơn thiên nhiên kì thú, nên thơ làm sao. Cảnh sắc thiên nhiên là suối, đá, thông, trúc nhưng sao ta thấy gần gũi và thân thương đến thế. Nó là tiếng đàn muôn điệu, là nơi con người gần gũi, giao hoà, là nơi con người thả hồn mình cùng những vần thơ.
 + Đến với bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh, ta cũng đến với đêm trăng nơi chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng cảnh cũng thật đẹp tươi, thơ mộng. Ta cũng được thưởng thức cảnh đêm trăng xuân đầy sức sống. Nó cũng làm cho tâm hồn ta thư thái. Cảnh không lạnh lẽo, vắng vẻ nữa. Cảnh núi rừng ở đây không có đá, rêu, thông trúc nhưng ta được thưởng ngoạn ánh trăng mênh mang từ sông nước đến trời mây. Cảnh đêm khuya giữa núi rừng Việt Bắc mà thật thơ mộng, quyến rũ hồn người. Nhưng nổi bật trong cảnh đêm xuân thơ mộng ấy là cảnh con người - những người chiến sĩ đang toạ đàm quân sự. Thiên nhiên ở đây không chỉ làm cho con người thư thái, thảnh thơi như trong “Bài ca Côn Sơn” mà là làm đẹp cho những người chiến sĩ đang hoạt động vì dân, vì nước mà tiêu biểu là Bác Hồ. Chính vì vậy người đọc không thể quên được hình ảnh ánh trăng ngân đầy thuyền, một hình ảnh đầy chất lãng mạn càng làm cho cảnh và con người đẹp hơn.
 - Trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tượng tượng và suy ngẫm của mình về tâm hồn của các nhà thơ ở hai bài thơ này:
 + Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về tâm hồn của nhà thơ, nhà thi sĩ Nguyễn Trãi trong bài “bài ca Côn Sơn” đã chủ động đến với thiên nhiên hoà mình vào thiên nhiên và yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng đầy khí phách, bản lĩnh kiên cường, phong thái ung dung, tự tại. Ta trân trọng tâm hồn thanh cao, trong sạch, ngay thẳng, kiên cường qua cách xưng hô, giọng điệu, hành động và những hình ảnh thiên nhiên.
 + Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về tâm hồn của nhà thơ, nhà chiến sĩ Hồ Chí Minh trong bài “ Rằm tháng giêng”: Cảm mến trước tâm hồn nhạy cảm yêu cảnh thiên nhiên, tâm hồn nghệ sĩ, yêu vẻ đẹp đầy chất quyến rũ của đêm trăng sông nước nơi chiến khu. Với tình yêu ấy, nhà thơ đã thổi hồn vào cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc, làm cho nó hiện lên thật gần gũi, sống động, thân thương. Đó cũng chính là lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, nó thể hiện chất nghệ sĩ của tâm hồn Hồ Chí Minh. Nhưng cái đẹp trong tâm hồn Người không phải chỉ là tâm hồn thanh cao, trong sạch của một ẩn sĩ với thú lâm tuyền như Nguyễn Trãi mà càng say mê yêu mến cảnh Việt Bắc bao nhiêu thì Người càng lo lắng việc quân sự, sự nghiệp kháng chiến bấy nhiêu. Hai nét tâm trạng ấy thống nhất trong con người Bác thể hiện sự hài hoà giữa tâm hồn nghệ sĩ và người chiến sĩ. Ánh trăng ngân đầy thuyền như ngân lên tình yêu quê hương, đất nước của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
* Cho điểm:
 - Điểm 7,25 - 9,0: Các ý đầy đủ, cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc, tinh tế, rõ ràng, trong sáng và chân thực; lời văn thích hợp và gợi cảm, khéo léo trong sự so sánh cảnh vật tâm hồn.
 - Điểm 5,25 - 7,0: các ý đầy đủ, cảm xúc và suy nghĩ khá sâu sắc, tinh tế, rõ ràng, trong sáng và chân thực; lời văn thích hợp và gợi cảm, khéo léo trong sự so sánh cảnh vật tâm hồn.
 - Điểm 3,25 - 5,0: Các ý tương đối đầy đủ, cảm xúc và suy nghĩ rõ ràng, trong sáng và chân thực; lời văn còn đôi chỗ chưa thích hợp và chưa gợi cảm.
 - Điểm 0,25 - 1,0: Tỏ ra có hiểu chút ít yêu cầu của đề
 - Điểm 0: Thiếu hoặc sai hoàn toàn
C- Kết bài (0,5 điểm):
* Yêu cầu: Nhấn mạnh lại cảm xúc và suy ngẫm của mình về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ.
* Cho điểm:
 - Cho 0,5 điểm đạt như yêu cầu.
 - Cho 0 điểm: Thiếu hoặc sai hoàn toàn.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Olympic van 7 2014 2015 TC.doc