Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Liên Châu

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 4598Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Liên Châu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Liên Châu
 PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
ĐỀ CHÍNH THỨC
TRƯỜNG THCS LIÊN CHÂU
ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7
Năm học: 2014-2015
Môn: Ngữ văn 7
Thời gian làm bài: 120 phút 
Đề thi này gồm 01 trang
Câu 1: ( 4,0 điểm) 
 Cảm nhận của em về những nét đặc sắc trong bài ca dao sau:
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.” 
C©u 2:(6,0 điểm )
 Đọc câu chuyện sau: 
Người ăn xin
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, quần áo tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. 
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt bàn tay run rẩy của ông: 
- Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả. 
Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười: 
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. 
Khi ấy, tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được cái gì đó của ông. 
(Theo Tuốc-ghê-nhép, SGK Ngữ văn 9 tập một, trang 22, NXB Giáo dục Việt 
Nam 2010) 
 Hãy viết một bài văn ngắn bày tỏ ý kiến của em về những điều tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện trên. 

Câu 3: ( 10 điểm )
Nhận xét về hai bài thơ “ Cảnh khuya” và “ Rằm tháng riêng” của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng:
“Hai bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn Bác:Đó là sự hòa hợp thống nhất giữa tâm hồn nghệ sĩ với cốt cách của người chiến sĩ”
Bằng hiểu biết của em về hai bài thơ, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
HẾT..
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS LIÊN CHÂU
HƯỚNG DẪN CHẤMĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7
Năm học: 2014 -2015
Môn: Ngữ văn 7
Hướng dẫn này gồm 04 trang
Câu 1. (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung:
Trình bày cảm nhận những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài ca dao dưới dạng một đoạn văn, một bài văn ngắn, có bố cục chặt chẽ; dùng từ chính xác, gợi cảm.
 * Yêu cầu cụ thể:
	Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải nêu được những ý cơ bản như sau:
	+ Cảm nhận khái quát: Bài ca dao giản dị thể hiện sâu sắc, thấm thía tình yêu quê hương, đất nước gắn bó hài hòa với tình yêu lứa đôi của chàng trai. (0,5 điểm)
+ Thể thơ lục bát truyền thống kết hợp với nhịp thơ chẵn, giọng thơ tâm tình sâu lắng rất phù hợp để diễn tả tình cảm nhớ nhung, bịn rịn. (0,5 điểm)	
+ Điệp từ “nhớ” lặp lại tới năm lần diễn tả tình yêu tha thiết của chàng trai với cảnh vật và con người quê hương. Cách diễn đạt nỗi nhớ cũng thật đặc biệt: Từ xa đến gần, từ chung đến riêng, từ phiếm chỉ đến xác định. (0,5 điểm)
	+ Hệ thống hình ảnh thơ vừa giản dị, vừa gợi cảm được sắp xếp theo trình tự từ chung đến riêng làm nổi bật sự thống nhất giữa tình yêu quê hương và tình cảm đôi lứa: (0,25 điểm)
	- Từ “quê nhà” mang tính khái quát, gợi sự thân thương, gần gũi. Đó có thể là cây đa, bến nước, sân đình gắn với bao kí ức tuổi thơ (0,25 điểm)
	- “ Canh rau muống, cà dầm tương” gợi những món ăn bình dị nhưng chứa đựng nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ai đi xa mà không thèm, không nhớ.(0,25 điểm) 
- Các hình ảnh: “ dãi nắng dầm sương” và “tát nước bên đường hôm nao” diễn tả nỗi nhớ con người quê hương – tảo tần, dãi dầu sương gió, rất đáng yêu, rất đáng trân trọng. (0,25 điểm)
- Tuy nhiên các hình ảnh này còn được đặt trong mối liên hệ với cách xưng hô độc đáo “Anh” – “ai” đã giúp nhân vật trữ tình liên tưởng từ nỗi nhớ quê hương đến nỗi nhớ người yêu thật tự nhiên, hợp lí. Nếu ở hai câu đầu, nỗi nhớ còn chung chung thì hai câu sau, đối tượng của nỗi nhớ trở nên cụ thể hơn. Đại từ “ai” phiếm chỉ nhưng rất xác định. Qua cách xưng hô tình tứ này thì có lẽ đối tượng của nỗi nhớ chỉ có thể là người bạn gái nơi quê nhà. Nhất là cụm từ “ hôm nao”. “ Hôm nao” là cái hôm mà cả hai người đều không thể nào quên được. Nỗi nhớ trở nên thật cụ thể và đáng yêu biết nhường nào. (0,5 điểm)
+ Đánh giá: Bài ca dao vừa là nỗi nhớ quê hương, vừa là lời ướm hỏi, lời thổ lộ tình yêu, kín đáo, tế nhị của người nghệ sĩ bình dân(1 điểm )
C©u 2:( 6,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:( 1 điểm )
- Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lý
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng vài được triển khai tốt.
- Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả,lỗi dùng từ và ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung:( 5 điểm )
1. Điều tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện:
- Tóm lược cốt truyện.( 1điểm ) 
- Điều tác giả muốn gửi gắm: bài học về tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người, nhất là với những người nghèo khổ.( 1điểm ) 
2. Suy nghĩ của bản thân 
- Khẳng định: câu chuyện mang đến cho người đọc ý nghĩa triết lí sâu sắc. 
+ Với một người sống trong cảnh bần hàn như ông lão (đã già, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt, quần áo tả tơi) rất dễ bị coi thường, khinh rẻ, nhưng cậu bé không như vậy. Cậu lục hết túi nọ đến túi kia, nghĩa là rất muốn chia sẻ với ông một chút gì, nhưng chẳng có gì hết. Cử chỉ run nun nắm lấy bàn tay của ông và lời nói chân thành: Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả khiến ông lão cảm nhận được: tình yêu thương, sự trân trọng của một tấm lòng còn quý hơn tiền bạc. (0,5 điểm )
+ Dù chờ đợi mãi mà vẫn không nhận được chút vật chất nào từ cậu bé, nhưng người ăn xin đang đói lả kia cũng không vì thế mà thất vọng, buồn rầuTừ cái nhìn chăm chăm, và nụ cười độ lượng của ông, cậu bé cũng như nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Cách ứng xử của hai người thật đẹp đẽ, cảm động. (0,5 điểm )
 - Bàn luận mở rộng vấn đề 
 + Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta càng phải biết đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn với đồng loại. Nếu con người luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống thì mối quan hệ giữa người với người sẽ thêm gần gũi, gắn bó. Ngược lại, nếu ghẻ lạnh, thờ ơ, những người nghèo khổ, bất hạnh sẽ không thể có sức mạnh và niềm tin để sống; con người sẽ dần trở nên tàn nhẫn, ích kỉ, độc ác. (0,5 điểm )
 + Dân tộc Việt Nam vốn trọng tình nghĩa. Những người biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ đồng loại đáng được trân trọng. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy được truyền thống đạo lí quý báu của dân tộc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. (0,5 điểm )
 - Bài học nhận thức và hành động 
 + Tình yêu thương là nét đẹp trong nhân cách của con người. Mỗi người cần biết rèn luyện cho mình tình yêu thương và cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, với những người gần gũi nhất đến việc tham gia những hoạt động ngoài xã hội. (0,5 điểm ) 
 + Sự giúp đỡ, chia sẻ với người khác phải xuất phát từ thiện tâm, sự chân thành. Làm ơn mà không đợi hàm ơn, không cầu danh lợi. (0,5 điểm )
* Lưu ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh cần tìm được những dẫn chứng sinh động, phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề. 
Câu 3 ( 10 điểm ): Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo yêu cầu sau:
Về hình thức:
Bài làm có bố cục rõ rang, luận điểm đầy đủ chính xác.
Lời văn chuẩn xác, không mắc lỗi chính tả, cảm xúc sâu sắc.
Về nội dung:
+ Mở bài:( 0,5 điểm )
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề: Hai bài thơ “Cảnh khuya” và “ Rằm tháng riêng” của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng:
“Hai bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn Bác:Đó là sự hòa hợp thống nhất giữa tâm hồn nghệ sĩ với cốt cách của người chiến sĩ
+ Thân bài ( 9 điểm )
*Giải thích : HS cần giải thích được:
+Tâm hồn nghệ sĩ: là tâm hồn con người có tình yêu tha thiết, sống giao hòa với thiên nhiên,có những rung cảm tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
+ Cốt cách chiến sĩ: là lòng yêu nước , phong thái ung dung lạc quan của người chiến sĩ .
*Chứng minh: Học sinh cần làm sáng tỏ hai luận điểm cơ bản:
Luận điểm 1: Vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ
- Đó là sự say mê trước vẻ đẹp của âm thanh tiếng suối từ xa vọng lại.
- Là sự rung cảm trước vẻ đẹp của đêm trăng:
+ Trong “Cảnh khuya”: Đêm trăng giữa rừng Việt Bắc, ánh trăng tỏa xuống vòm cây cổ thụ, bóng cây in xuống mặt đất như muôn ngàn bong hoa lung linh huyền ảo, điệp từ “lồng” tạo cho bức tranh như có tầng bậc, giao hòa quấn quýt.
+ Trong bài “ Rằm tháng giêng” vầng trăng đêm rằm sáng vằng vặc, soi tỏ khắp không gian. Điệp từ “xuân”được lặp lại 3 lần tạo nên một vũ trụ tràn đầy sức xuân.
HS lấy dẫn chứng, phân tích làm rõ luận điểm
Đằng sau bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp là tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sự rung cảm tinh tế của thi sĩ Hồ Chí Minh.
Luận điểm 2: Cốt cách chiến sĩ
- Cốt cách chiến sĩ thể hiện ở lòng yêu nước:
+ Niềm băn khoăn trăn trở cho vận mệnh của đất nước.
HS lấy dẫn chứng, phân tích làm rõ luận điểm 
Cốt cách chiến sĩ thể hiện ở tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác:
+ Cả hai bài thơ đều được làm trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ nhưng cả hai bài đều bắt gặp hình ảnh Bác với phong thái thật ung dung.
+ Thể hiện những rung cảm thật tinh tế dồi dào trước thiên nhiên đất nước .Mặc dù phải ngày đêm lo nghĩ việc nước, nhiều đêm không ngủ nhưng không phải vì thế mà tâm hồn Người quên rung cảm trước vẻ đẹp của đêm trăng rừng.
+ Bức tranh thiên nhiên đêm rằm tháng giêng đầy sức sống rộng lớn tươi sáng vừa mang vẻ đẹp của tạo vật vừa ẩn dụ cho tình kháng chiến đầy triển vọng lúc bấy giờ. Đằng sau bức tranh ấy là tinh thần lạc quan, một phong thái bình tĩnh ung dung của Bác.
+ Phong thái ung dung lạc quan còn thể hiện ở hình ảnh con thuyền của vị lãnh tụ và các đồng chí sau lúc bàn việc quân trỏ về lướt đi phơi phới chở đầy trăng. Đặc biệt với chủ thể trữ tình, từ tâm thế của một chiến sĩ luận bàn việc quân trong giây phút đã trở thành một thi sĩ- một tao nhân mặc khách giữa thiên nhiên.
+ Kết luận:( 0,5 điểm )
- Nêu cảm xúc của em về hai bài thơ và thái độ thêm kính yêu Bác.
Khái quát: Hai biểu hiện trong vẻ đẹp tâm hồn của Bác có sự hài hòa thống nhất một cách tự nhiên không tách rời. Đây là vẻ đẹp trong thơ Người cũng là vẻ đẹp nhất quán trong con người của Bác. Đó là một phong cách thanh cao khiến chúng ta thêm ngưỡng mộ, kính yêu Bác.
Cách cho điểm
- Điểm 9-10: Đáp ứng được các yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, lập luận chặt chẽ,thuyết phục. Có thể có một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 7-8: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên, diễn đạt tương đối tốt, có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu nêu trên diễn đạt có thể chưa hay nhưng thoát ý, chưa trọn vẹn về nội dung, lặp luận chưa chặt chẽ, có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Chưa nắm được nội dung của đề bài, bố cục lộn xộn, mắc lỗi diễn đạt dùng từ.
-Điểm từ 1-2: Bài viết yếu, lạc đề
- Điểm 0: Hs không làm bài
* Lưu ý: Trên đây là định hướng chấm, trong quá trình chấm giám khảo cần linh hoạt vận dụng biểu điểu, trân trọng những sáng tạo của học sinh.
Hết

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Olympic van 7 2014 2015 LC.doc