Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Cự Khê

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1180Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Cự Khê", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Cự Khê
PHÒNG GD - ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS CỰ KHÊ
ĐỀ THI OLYMPIC MÔN: NGỮ VĂN LỚP 7
NĂM HỌC: 2014 - 2015
Thời gian làm bài: 120 phút 
(không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4 điểm)
 Chỉ ra và phân tích ý nghĩa của những quan hệ từ trong những câu thơ sau:
 “ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
 Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
( Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)
Câu 2: (6 điểm)
 Trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
Chiếc bình nứt
 Một người Ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối về nhà. Một trong hai cái bình này đã bị nứt và khi về đến nhà, nước trong bình đã bị vơi đi một nửa. Cái bình nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình. Một ngày nọ, cái bình nứt nói với người chủ của mình: 
Tôi thấy thật xấu hổ vì đã không làm tròn công việc. Vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn. 
 Người gánh nước nói bằng giọng cảm thông:
 - Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không? Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi mà không phải là phía bên kia không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi. Vì vậy, ta đã gieo những hạt hoa bên đó, và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bông hoa này để tặng mọi người và làm đẹp căn phòng của chúng ta
(Theo: Hạt giống tâm hồn.)
Câu 3: (10 điểm)
Cảm nhận của em về bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
------Hết------
PHÒNG GD - ĐT THANH OAI
 TRƯỜNG THCS CỰ KHÊ
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI OLYMPIC MÔN: NGỮ VĂN LỚP 7
Năm học: 2014-2015
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1 (4 điểm)
* Yêu cầu 1 (1 điểm)
 Chỉ ra những quan hệ từ: Mặc dầu, mà.
 - Cho điểm: Chỉ đúng mỗi từ cho 0,5 điểm.
* Yêu cầu 2: Phân tích được ý nghĩa của việc sử dụng quan hệ từ (3 điểm):
 - Việc sử dụng các quan hệ từ mặc dầu, mà chỉ sự đối lập giữa bề ngoài của chiếc bánh trôi nước với cái nhân của nó, chiếc bánh trôi có thể rắn hay nát, khô hay nhão là do tay người nặn nhưng dù thể rắn hay nát, khô hay nhão thì bên trong cũng có nhân màu hồng son, ngọt lịm (1 đ).
 - Đó cũng là sự đối lập giữa hoàn cảnh xã hội với việc giữ gìn tấm lòng son sắt của người phụ nữ (0,5 đ).
 - Việc sử dụng cặp quan hệ từ trên tạo nên cách nói dõng dạc và dứt khoát thể hiện rõ thái độ quyết tâm bảo vệ giữ gìn nhân phẩm của người phụ nữ trong bất cứ hoàn cảnh nào (0,5 đ).
 - Việc dùng cặp quan hệ từ trên cũng đã thể hiện thái độ đề cao, bênh vực người phụ nữ của Hồ Xuân Hương (1 đ)
Câu 2 (6 điểm) :
 a. Yêu cầu về hình thức: (1 điểm) 
- Bài làm phải được tổ chức thành bài làm văn hoàn chỉnh hoặc đoạn văn theo cách lập luận Tổng – Phân – Hợp.
- Kết cấu chặt chẽ; hạn chế lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về nội dung: (5 điểm)
- Học sinh có thể tổ chức bài làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
* Cái bình nứt và ý nghĩa câu chuyện. (1,5 đ)
- Cái bình nứt - hình ảnh ẩn dụ về con người khiếm khuyết, kém may mắn nhưng vẫn mong muốn làm tốt công việc như một người bình thường. Nó buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình và đã bộc lộ với người chủ suy nghĩ của mình.
- Người chủ: trả lời bằng giọng cảm thông: “ Trên đường về. của chúng ta”
=> Ý nghĩa: Câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc về những con người có cách ứng xử cao đẹp. Một người luôn trăn trở về khiếm khuyết của mình mà chưa làm tốt công việc khiến người khác vất vả hơn. Một người lại có tấm lòng bao dung, nhân ái, biết trân trọng, cảm thông, tạo điều kiện cho họ sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn. 
* Nhân cách cao đẹp của cài bình nứt và tấm lòng nhân ái của người gánh nước. (1,5 đ)
- Hình ảnh cái bình nứt - người khiếm khuyết: biết được khiếm khuyết của mình, buồn bã nhưng không bất lực, mặc cảm, buông xuôi mà ngược lại chiếc bình thương người khác đã phải vất vả cực nhọc vì mình, mong ước của chiếc bình trở nên hữu ích hơn cho cuộc sống. Đó là một tấm gương - nhân cách cao đẹp.
- Người gánh nước: Không coi thường, sa thải chiếc bình, ngược lại ông có thái độ yêu thương, trân trọng, sẻ chia,Đó là tấm gương đẹp cao thượng trong cách ứng xử và lòng nhân ái.
* Bài học: (2 đ)
- Mỗi người cần phải nỗ lực vươn lên, nhất là những người có hạn chế. Vì cuộc sống là cuộc hành trình gian nan, vất vả mà mỗi con người đề phải cố gắng vượt qua để sống tốt và cống hiến; vượt qua khiếm khuyết của mình là một điều đáng trân trọng.
- Những người có may mắn hơn cần có thái độ ứng xử tốt với họ vì đó là nguồn động viên vô giá, chỗ dựa tinh thần để họ có thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Nếu dửng dưng, vô cảm trước khó khăn của người khác đó là lối sống ích kỉ, đáng lên án.
- Liên hệ thực tế cuộc sống và bản thân: (nêu dẫn chứng từ thực tế cuộc sống.)
Câu 3: (10 điểm).
* Yêu cầu về hình thức: (1 điểm).
Đúng thể loại văn biểu cảm. 
Bố cục rõ ràng mạch lạc, diễn đạt lưu loát, ít sai chính tả. 
 * Yêu cầu về nội dung: (9 điểm).
 a. Mở bài: (1 điểm). 
 Giới thiệu khái quát về Bà Huyện Thanh Quan : Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa. Thơ của bà trang trọng du dương, rất điêu luyện. Bà hay nói đến hoàng hôn và li biệt. Thơ của bà thấm một nỗi buồn man mác, cô đơn.
+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được Bà viết khi trên đường vào kinh đô Phú Xuân làm nữ quan “ Cung trung giáo tập”. 
b. Thân bài: (7 điểm)
 - Hai câu đề: 
 + Một không gian, thời gian gợi buồn, đó là “Đèo Ngang” với “bóng xế tà”: Không gian mênh mông, thời gian chiều tà gợi trong lòng người lữ khách một nỗi buồn man mác.
 + Nét chung về phong cảnh: nhà thơ gợi một nét về thiên nhiên hoang dã nơi Đèo Ngang (Cỏ, đá, cây, hoa), phân tích cái hay của điệp từ “chen” ® Thiên nhiên rậm rạp, đua nhau trong một không gian sinh tồn. Chỉ có ba sự vật nhưng ta có cảm giác rất nhiều.
® Miêu tả cận cảnh Đèo Ngang với một vài nét chấm phá: từ không gian, thời gian, thiên nhiên đều gợi nét buồn.
- Bốn câu thực, luận: Tả cụ thể hơn cảnh Đèo Ngang
 - Phép đảo ngữ, đối rất cân xứng đã khắc hoạ được sự ít ỏi, nhỏ nhoi của cảnh vật nơi đây, chú ý tập trung vào các từ láy gợi hình: lom khom, lác đác. Có sự xuất hiện của con người nhưng không làm bức tranh vui lên mà gợi trong lòng người lữ khách một nỗi buồn trĩu nặng.
 + Những âm thanh hoang dã nơi Đèo Ngang qua phép đảo ngữ, đối, chơi chữ rất khéo léo, trang nhã của tác giả đã gợi nỗi niềm tâm sự kín đáo, da diết của tác giả: nhớ nước, thương nhà ® niềm hoài cổ. (học sinh phải liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác để rõ hơn ý này).
® Bốn câu thơ đầu tác giả thiên về tả cảnh bằng vài nét phác hoạ, chấm phá mà khá đậm nét, người đọc nhận ra tình cảm của thi nhân trong từng đường nét của cảnh vật (vì mục đích ngụ tình nên tác giả chỉ lựa chọn vài nét hoang vắng, lưa thưa, nhỏ bé của Đèo Ngang), từ câu luận, cảnh thực đã chìm xuống, nhường chỗ cho tâm cảnh. Đi liền với điều đó là sự liền mạch của cảm xúc: từ buồn man mác ® Trĩu nặng ® Da diết, khắc khoải. Tác giả đã chuẩn bị ý tình để hạ hai câu kết:
- Hai câu kết: thâu tóm cảnh và tình mà thực chất là tình của bài thơ
 - Thủ pháp đối lập: không gian rộng lớn > < con người nhỏ bé ® nỗi cô đơn gần như tuyệt đối của tác giả: cách dùng từ đặc sắc “mảnh tình” ® nỗi buồn như kết đọng thành hình khối trong tiếng thở dài “ta với ta” ® Khao khát đuợc chứng giám và trang trải nỗi lòng của tác giả.
c. Kết bài (1 điểm).
Qua đèo ngang là bài thơ nôm thất ngôn bát cú Đường luật rất đặc sắc. Vần thơ, niêm luật, bố cục và phép đối chặt chẽ chứng tỏ một bút pháp nghệ thuật độc đáo, điêu luyện. Hình tượng thơ mang tính ước lệ tượng trưng nhưng biểu cảm.
- Cảnh Đèo Ngang, tâm tình nữ sĩ- khách li hương như chan hòa, như cộng hưởng. Tình yêu thiên nhiên, nỗi nhớ quê nhà, nỗi buồn cô đơn của li khách kết đọng thành vẻ đẹp nhân văn của bài thơ tuyệt cú “ Qua Đèo Ngang”.
 Ký duyệt của tổ CM Người ra đề - Đáp án
	 Phạm Minh Hiếu	Dương Thị Tuyết Nhung 
	 BGH kí duyệt
	 PHT Vũ Thị Hồng Thắm

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Olympic van 7 2014 2015 CK.doc