Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Xuân Dương

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3310Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Xuân Dương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Xuân Dương
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH OAI
TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG
ĐỀ THI HỌC SINH OLIMPIC NGỮ VĂN 8
Năm học: 2014-2015
Thời gian làm bài: 120 phút( không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4 điểm)
- Trong chương trình Ngữ Văn  lớp 8, có 2 bài thơ được viết theo kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng. Hãy nêu tên và tác giả của 2 bài thơ đó
- Viết đoạn văn theo cấu trúc tổng- phân-hợp phân tích ý nghĩa của việc sử dụng kết cấu đó trong mỗi bài
Câu 2: (6 điểm)
 Nơi dựa
 “Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, hai bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đưa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.
 ( Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB văn học, Hà Nội, 1983)
 Từ ý nghĩa của văn bản trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.
Câu 3: ( 10 điểm )
Có ý kiến cho rằng: Sức hấp dẫn thuyết phục của văn bản Hịch tướng sĩ chính là nghệ thuật khích tướng. Hãy làm sáng tỏ,
------------------Hết-----------------
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH OAI
TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG
HƯỚNG DẪN CHẤM THI OLIMPIC NGỮ VĂN 8
Năm học: 2014-2015
Câu 1 (4 điểm)
-  Nêu được tên 2 bài thơ viết theo lối kết cấu đầu cuối tương ứng là: Ông đồ (Vũ Đình Liên) và Khi con tu hú (Tố Hữu) (1đ)
-  Viết được đoạn phân tích ý nghĩa của việc sử dụng kết cấu đó trong mỗi bài (5đ)
Đoạn văn đúng cấu trúc tổng – phân – hợp
Phân tích được ý nghĩa kết cấu đó trong mỗi bài
-    Bài thơ Ông đồ
+ Chỉ ra hình ảnh tương ứng ở đầu và cuối bài thơ:  mỗi năm – năm nay: hoa đào nở - đào lai nở; lại thấy – không thấy; ông đồ già – ông đồ xưa.
+ Kết cấu đầu cuối tương ứng đã góp phần làm nổi bật chủ đề  bài thơ: Thể hiện niềm thương cảm chân thành trước một lớp người đang tàn tạ; nỗi tiếc nuối cho 1 nét đẹp văn hóa truyền thống đã bị nhạt phai, quên lãng; thể hiện tâm trạng hoài cổ sâu lắng, thiết tha của bài thơ.
-    Bài thơ Khi con tu hú
+ Chỉ ra hình ảnh tương ứng đó chính là tiếng chim tu hú ở đầu và cuối đoạn thơ 
+ Phân tích được: Tiếng chim tu hú ở câu thơ mở đầu là tiếng gọi hè về náo nức, rộn ràng; tiếng chim tu hú ở 2 câu cuối bài là tiếng gọi của khát vọng tự do, tiếng gọi thôi thúc đấu tranh da diết và cháy bỏng.
Kết cấu đầu cuối tương ứng đã góp phần tạo nên cảm xúc nhất quán của bài thơ: tình yêu thiên nhiên, cuộc sống; tâm trạng ngột ngạt khi phải sống cảnh tù đày và khát vọng trở về với cuộc sống tự do.
Mở rộng: Sự gặp gỡ của 2 tác giả về ý tưởng nghệ thuật và sự khác nhau về nội dung tư tưởng của thơ mới và thơ ca cách mạng.
Câu 2: (6 điểm)
 Nơi dựa
* Yêu cầu về kĩ năng: (1 điểm)
 - Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí.
 - Hệ thống ý ( luận diểm)rõ ràng và được triển khai tốt.
Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung: (5 điểm)
 	- Nhận xét khái quát câu chuyện:
Nguyễn Đình Thi đã ghi lại cảm xúc của mình trong bài thơ “ Tia nắng” về nơi dưa của mỗi người trong cuộc sống bởi vì mỗi người trong chúng ta cũng cần có một điểm tựa hay một nơi dựa để có được một cuộc sống thành đạt, hạnh phúc. (0,5 điểm)
Giải thích được thế nào là nơi dựa và biểu hiện của nơi dựa:
 + Nơi dựa là nơi để mỗi người nương tựa khi gặp khó khăn trong cuộc sống, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực trong hoạt động, là nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên khi gặp sóng gió. (0,5 điểm)
 + Nơi dựa trong bài thơ thể hiện ở biểu hiện bên ngoài, người phụ nữ là nơi dựa cho cậu bé, người chiến sĩ là nơi dựa cho bà cụ. Tuy nhiên ở khía cacnhj tinh thần, cậu bé cũng là nơi dựa cho người phụ nữ, bà cụ cũng là nơi dựa cho người chiến sĩ. (0,5 điểm)
 + Trong cuộc sống có những nơi dựa khác nhau: về mặt vật chất thì đó là tiền bạc của cải Xét về mặt tinh thần thì đó là nững người thân yêu trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị, những bạn bè thân thiết, những kỉ niệm, những giá trị thiêng liêng, ưu điểm, mặt mạnh của bản thân(0,5 điểm)
Chỉ ra được ý nghĩa của nơi dựa:
+ Giúp con người cảm thấy bình yên, thanh thản, vượt qua mọi khó khăn thử thách, có động lực để phấn đấu vươn lênTa cảm thấy vui, hạnh phúc, yên tâm, vững vàng trong cuộc sống (học sinh phân tích lí giải và dẫn chứng) . (0,5điểm)
Bài học về nơi dựa:
 + Bất cứ ai cũng cần có một nơi dựa nhưng đồng thời lại là nơi dựa cho người khác. (0,5 điểm)
 + Cần phải có thái độ trân trọng những nơi dựa tốt đẹp mà mình có được, đồng thời cũng là nơi dựa ý nghĩa cho người khác (học sinh phân tích lí giải và dẫn chứng) . (0,5 điểm)
 + Phê phán những người chỉ biết dụa dẫm, ỷ thế để làm điều xấu xa: những kiểu con ông cháu cha dựa vào quyền thế, tiền bạc của cha mẹ. Cũng cần lên án những kẻ chỉ biết lệ thuộc vào người khác mà không tin vào sức mình để vươn lên. Hoặc những nười chọn những nơi dựa không tốt để đạt được mục đích bằng bất cứ giá nào
(1 điểm)
 + Qua bài thơ chúng ta thấm thía một điều rằng, sợi dây neo vững chắc nhất với cuộc đời của mỗi con người là sự yêu thương. Đó là chỗ dựa vững chắc nhất của con người trong cuộc đời, giúp con người vượt qua những buồn phiền và cay đắng. và như thế mọi bon chen, toan tínhlùi lại phía sau. (0,5 điểm)
Câu 3 (10 đ)
* Yêu cầu về kỹ năng:
-   Viết được bài phân tích và chứng minh nghệ thuật khích tướng hấp dẫn, thuyết phục của tác giả Trần Quốc Tuấn trong bài hịch.
-   Bài viết bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục; ngôn ngữ trong sáng, hành văn mạch lạc, không sai lỗi chính tả, ngữ pháp thông thường.
* Yêu cầu về nội dung:
a) Mở bài: Giới thiệu được vấn đề nêu ở đề bài
b) Thân bài: Trình bày được các ý sau:
-  Giới thiệu xuất xứ, mục đích của bài hịch: Được viết trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2, nhằm mục đích khích lệ lòng yêu nước bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược.
-          Giải thích khích tướng là gì? Khích là tác động vào danh dự, lòng tự trọng của người khác  để họ thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động. Ở đây Trần Quốc Tuấn muốn khích lệ, kích động tinh thần các tướng sĩ dưới quyền trước cuộc kháng chiến đầy thử thách, cam go.
-          Phân tích các dẫn chứng  để chứng minh được những biểu hiện của nghệ thuật khích tướng trong bài hịch:
+ Khích bằng việc nêu gương: Nêu gương trung thần, nghĩa sĩ trong sử sách từ xưa đến nay để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước (Điều đặc biệt ở đây là lấy những tấm gương từ phía quân thù để khích lệ lòng tự trọng, danh dự). Nêu gương về nỗi lòng, ý chí của chính bản thân mình.
+ Lột tả sự ngang ngược  của kẻ thù để khích lệ lòng căm thù. 
+ Nêu mối ân nghĩa, thủy chung của chủ tướng với tướng sĩ để khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đạo vua tôi cũng như tình cốt nhục.
+ Khích bằng cách mỉa mai, phê phán những hành động sai trái của tướng sĩ để đánh vào lòng tự trọng của họ.
+ Khích bằng việc chỉ ra phải – trái; đúng – sai; thiệt – hơn. Phân tích sự sống còn cũng như gắn quyền lợi của mọi người trong từng hoàn cảnh.
+ Khích bằng thái độ nghiêm khắc, kiên quyết, dứt khoát, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chính vị chủ tướng.
- Những yếu tố khích lệ đó được biểu hiện bằng cảm xúc mãnh liệt với giọng văn khi ôn tồn thống thiết; khi chì chiết chua cay; khi vặn hỏi truy bức -  có sức mạnh lay động mạnh mẽ vào tình cảm, nhận thức của người đọc, người nghe.
- Mở rộng, nâng cao: Đánh giá sức thuyết phục về nghệ thuật khích tướng của Trần Quốc Tuấn cũng như ý nghĩa, tác dụng của bài hịch. Vận dụng kiến thức lịch sử  để chứng minh.
c)Kết bài: Khẳng định lại vấn đề; suy nghĩ; cảm xúc riêng của người viết. 
Cách cho điểm:
 	- Điểm 12 đến 14: Đáp ứng được những yêu cầu trên. Văn viết lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, cảm xúc chân thực, suy ngẫm sâu sắc, sáng tạo. Bố cục rõ ràng, diễn đạt trong sáng, có thể có 1 vài sai sót nhỏ.
- Điểm 10 đến 11: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên.
- Điểm 8 đến 9: Đáp ứng được ½ yêu cầu
- Điểm 5 đến 7: Đáp ứng được 1/3 yêu cầu.
- Điêm 2 đến 4: Không nắm vững được yêu cầu của đề, viết lan man, không rõ ý.
- Điểm 0.5 đến 1.75: Bài viết quá sơ sài.
- Điểm 0: Không hiểu đề, làm lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.
 Người ra đề: Trần Văn Thảo
 Người soát đề: Bùi Thị Thu Hà

Tài liệu đính kèm:

  • docOlympic van 8 20142015XD.doc