PHÒNG GD&ĐT THANH OAI TRƯỜNG THCS HỒNG DƯƠNG ĐỀ THI OLYMPIC MÔN: NGỮ VĂN LỚP 8 Năm học 2014-2015 Thời gian làm bài :120 phút ( Không kể thời gian giao đề) Câu 1: (4 điểm). Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ: “ Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng, Cả thân hình nồng thở vị xa xăm; Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. ( “Quê hương”- Tế Hanh ). Câu 2: (6 điểm) Đọc câu chuyện sau: Cánh bướm hồng Bố kể cho con nghe hai câu chuyện của bố: Câu chuyện thứ nhất: Hồi nhỏ, có lần bố thấy con bướm trong bếp, đó không phải là lần đầu bố gặp một con bướm bay lạc vào nhà. Bố thường đơn giản là mở cửa kính để chúng dễ dàng bay ra ngoài. Nhưng con bướm này có màu đặc biệt mà bố chưa từng thấy bao giờ: một con bướm lớn với những chấm tròn màu hồng nhạt. Bố đã loay loay để bắt được nó và giữ chặt nó trong tay. Rồi bố lấy cái hộp bia cũ nhét đầy lá cây và cỏ rồi nhốt con bướm vào đó. Chắc con cũng đoán được điều xảy ra với con bướm phải không? Con bướm chết! Bố không giữ được con bướm bên mình! Câu chuyện thứ hai: Bố nhớ ngày đầu tiên con tập đi xe đạp, bố đã tháo hai cái bánh xe nhỏ ở xe đạp của con ra nhưng con cứ nằng nặc muốn bố phải giữ tay lái và yên xe suốt chặng đường. Bố nói: "Bố thả ra một lát nhé!". Còn con hét ầm lên: "Đừng, đừng bố ơi, con sợ lắm!". Khi con hét lên như thế, bố thấy ấm lòng vì bố biết con vẫn cần bố, cần vòng tay ấp ủ, chở che của bố. Những ngày đông mưa rét, bố cất xe đạp của con đi. Đợi đến mùa xuân trời ấm áp bố lại lấy xuống giúp con trèo lên xe. Bố đẩy xe cho con. "Thả ra bố ơi!", con reo lên và hơi lạng qua lạng lại một chút trước khi có thể chạy thẳng được. Con cười hớn hở khi xe đạp chạy xa dần trên con đường trải nhựa, trong khi bố đứng sững lại nhìn theo con mãi. Lúc đó bố muốn chạy theo đuổi kịp con, giữ yên xe và tay lái để cảm thấy tóc con chạm vào má và cảm thấy hơi thở của con phả nhẹ lên mặt Nhưng bố vẫn gọi theo con : "Đạp mạnh lên con, giữ chắc tay lái". Rồi bố vỗ tay thật to để nói với con rằng : Con lái xe đạp rất tuyệt! Bố sẽ không tìm cách giữ lại con bướm hồng, bố sẽ không giữ chặt con bên mình. Cho dù bố mong muốn biết bao rằng con sẽ mãi mãi là con bé con loạng choạng trên cái xe đạp, má đỏ hồng và kêu lên: "Đừng thả ra bố ơi!". Nhưng rồi cũng có một ngày, bố phải thả tay để con tự đạp xe một mình. Để cho con mãi là một cánh bướm hồng bay mãi trên trên bầu trời xanh thăm thẳm Viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em sau khi đọc câu chuyện trên. Câu 3: (10 điểm) “Chao ôi ! Đối với những người sống quanh ta , nếu ta không cố mà tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổitoàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thươngcái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ các nhân vật: Lão Hạc, ông giáo, vợ ông giáo, Binh Tư trong tác phẩm “Lão Hạc”, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên. HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8 Năm học: 2014-2015 Môn thi: Ngữ văn. Câu 1: (4 điểm). Yêu cầu chung: Học sinh cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp về hình thức và nội dung của bốn câu thơ dưới dạng một đoạn hoặc một bài văn ngắn. Yêu cầu cụ thể: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác bài thơ, trích dẫn bốn câu thơ. ( 0,5 điểm) + Hai câu thơ “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng. Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Hình ảnh những chàng trai sức vóc dạn dày sóng gió. Họ là những đứa con thực sự của đại dương “Cả thân hình nồng thở vi xa xăm”. Nếu là những sinh thể được tách ra từ biển, mang theo về cả những hương vị của biển xa.Câu thơ thật lãng mạn, khoáng đạt. Chân dung người dân chài hiện lên thật tầm vóc và hình khối mà lại rất đặc trưng, chỉ có người dân biển mới có được. (1,5 điểm) + Hai câu thơ: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm. Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” Nghệ thuật nhân hóa biền con thuyền thành một sinh thể sống. - Cụm từ “ im bến mỏi”vừa nói được sự nghỉ ngơi thư giãn của con thuyền sau chuyến đi vất vả trở về, vừa nói được vẻ yên lặng nơi bến đỗ. - Con thuyền như “ nghe” thấy vị muối của biển đang râm ran chuyển động trong cơ thể mình.(1,5 điểm) - Đây là những câu thơ hay trong bài thơ tả cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về, vừa diễn tả được vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài, vừa diễn tả được cuộc sống lao động của người dân chài nơi quê hương. Qua đó, thể hiện tình yêu quê hương của tác giả.(0,5 điểm) Câu 2 (6 điểm) Bài làm cần đáp ứng những yêu cầu sau: A. Về nội dung (4 điểm) - Người bố khi còn nhỏ đã thấy một con bướm màu hồng đẹp lạc vào nhà bếp. Người bố đã rất muốn giữ con bướm màu hồng ấy nên đã nhốt con bướm vào trong một hộp bia cũ kĩ. Nhưng chính vì muốn giữ con bướm đẹp mà người bố đã giết chết nó và mãi mãi không có được nó. (1điểm) Khi người bố có con, người bố dạy con đi xe đạp, người bố muốn đứa con mãi cần mình, bên mình. Nhưng người bố đã không vì thứ tình yêu ích kỉ đó mà giữ người con bên mình. Người bố đã để cho người con được trưởng thành, được tự lập.(1 điểm) - Rút ra bài học cuộc sống: (2 điểm) + Tình yêu ích kỉ chỉ đem lại cho người mình thương yêu sự đau khổ.(0.5 điểm) + Tình yêu thương cũng giống như những hạt cát: càng nắm chặt sẽ càng trôi đi, biết mở rộng tấm lòng tình yêu sẽ lớn lên (0.5 điểm) + Tình yêu thương vô bờ bến của người cha. (0.5 điểm) + Xác định thái độ sống của bản thân: biết vượt lên trên tình yêu thương ích kỉ của mình để làm những gì thực sự là tốt cho người ta yêu thương. (0.5 điểm) B. Về hình thức (2 điểm) - Trình bày suy nghĩ bằng một đoạn văn hay bài văn ngắn.(1 điểm) - Văn viết mạch lạc, có cảm xúc.(1 điểm) Câu 3: (10 điểm) A. Yêu cầu chung: Thể loại: Giải thích kết hợp chứng minh. Nội dung: Cách nhìn, đánh giá con người cần có sự cảm thông, trân trọng con người. B. Yêu cầu cụ thể 1. Mở bài: (1 điểm) - Dẫn dắt vấn đề: Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội nên việc đánh giá con người phải có sự tìm hiểu cụ thể. - Đặt vấn đề: Cách nhìn, đánh giá con người qua câu nói trên. 2. Thân bài (8 điểm) a. Giải thích nội dung của đoạn văn: + Lời độc thoại của nhân vật “Ông giáo”- thông qua nhân vật này- tác giả Nam Cao thể hiện cách nhìn, đánh giá đầy sự cảm thông, trân trọng con người: - Phải đem hết tấm lòng của mình, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để cố mà tìm hiểu, xem xét con người ở mọi bình diện thì mới có được cái nhìn đầy đủ, chắt gạn được những nét phẩm chất đáng quý của họ, nếu chỉ nhìn phiến diện thì sẽ có ác cảm hoặc những kết luận sai lầm về bản chất của con người. b. Chứng minh ý kiến trên qua các nhân vật: + Lão Hạc: Thông qua cái nhìn của các nhân vật (trước hết là ông giáo), lão Hạc hiện lên với những việc làm, hành động bề ngoài có vẻ gàn dở, lẩm cẩm - Bán một con chó mà cứ đắn đo, suy nghĩ mãi. Lão Hạc sang nhà ông giáo nói chuyện nhiều lần về điều này làm cho ông giáo có lúc cảm thấy “nhàm rồi”. - Bán chó rồi thì đau đớn, xãt xa, dằn vặt như mình vừa phạm tội ác gì lớn lắm. - Gửi tiền, giao vườn cho ông giáo giữ hộ, chấp nhận sống cùng cực, đói khổ: ăn sung, rau má, khoai, củ chuối - Từ chối gần như hách dịch mọi sự giúp đỡ. - Xin bả chó. + Vợ ông giáo: nhìn thấy ở lão Hạc một tính cách gàn dở “Cho lão chết ! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ ! Lão làm lão khổ chứ ai”, vô cùng bực tức khi nhìn thấy sự rỗi hơi của ông giáo khi ông đề nghị giúp đỡ lão Hạc “Thị gạt phắt đi”. + Binh Tư: Từ bản tính của mình, khi nghe lão Hạc xin bả chó, hắn vội kết luận ngay “Lãocũng ra phết chứ chả vừa đâu”. + Ông giáo có những lúc không hiểu lão Hạc: “Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế ?”, thậm chí ông cũng chua chát thốt lên khi nghe Binh Tư kể chuyện lão Hạc xin bả chó về để “cho nó xơi một bữalão với tôi uống rượu”: “Cuộc đời cứ mỗi ngày càng thêm đáng buồn” Nhưng ông giáo là người cã tri thức, có kinh nghiệm sống, có cái nhìn đầy cảm thông với con người, lại chịu quan sát, tìm hiểu, suy ngẫm nên phát hiện ra được chiều sâu của con người qua những biểu hiện bề ngoài: - Ông cảm thông và hiểu vì sao lão Hạc lại không muốn bán chó: Nó là một người bạn của lão, một kỉ vật của con trai lão; ông hiểu và an ủi, sẻ chia với nỗi đau đớn, dằn vặt của lão Hạc khi lão khóc thương con chó và tự xỉ vả mình. Quan trọng hơn, ông phát hiện ra nguyên nhân sâu xa của việc gửi tiền, gửi vườn, xin bả chã, cái chết tức tưởi của lão Hạc: Tất cả là vì con, vì lòng tự trọng cao quý. Ông giáo nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của lão Hạc ẩn giấu đằng sau những biểu hiện bề ngoài có vẻ gàn dở, lập dị. - Ông hiểu và cảm thông được với thái độ, hành động của vợ mình: Vì quá khổ mà trở nên lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau đồng loại “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu ? Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” . Ông biết vậy nên “Chỉ buồn chứ không nỡ giận”. ® Ông giáo là nhân vật trung tâm dẫn dắt câu chuyện, từ việc miêu tả các nhân vật mà quan sát, suy ngẫm để rồi rút ra những kết luận có tính chiêm nghiệm hết sức đúng đắn và nhân bản về con người. Có thể nói tác giả đã hóa thân vào nhân vật này để đưa ra những nhận xét, đánh giá chứa chan tinh thần nhân đạo về cuộc đời, con người. Đây là một quan niệm hết sức tiến bộ định hướng cho những sáng tác của nhà văn sau này. 3. Kết bài: (1 điểm) - Khẳng định tính triết lí của câu nói trên. Đó cùng là quan niệm sống, tình cảm của tác giả. - Suy nghĩ của bản thân em... Hồng Dương, ngày 10 tháng 01 năm 2015 Tổ trưởng duyệt đề Người lập đề Nguyễn Khắc Hùng Nguyễn Thị Hồng Minh
Tài liệu đính kèm: