Phòng Giáo dục và Đàotạo kiểm tra khảo sát học sinh giỏi Hà Trung lớp 9 THCS năm học 2011-2012 Môn thi: Ngữ văn Đề chính thức (Thời gian làm bài : 150 phút – Không kể thời gian giao đề) Họ và tên thí sinh :..SBD: Câu 1: (2.0 điểm) Viết một đoạn văn ngắn triển khai luận điểm: Lão Hạc là người cha rất mực thương con. - Đoạn văn có độ dài khoảng mười dòng. - Đoạn văn có sử dụng một trong các yếu tố: tự sự, miêu tả, biểu cảm. Câu 2: (4.0 điểm) Phân tích tác dụng của các từ tượng thanh và tượng hình trong bài thơ sau: " Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Dừng chân đứng lại trời non nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta." (Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan) Câu 3: (4,0 điểm) Viết bài văn ngắn giới thiệu về tập thơ “Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh. Câu 4: (10 điểm) “Dù sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn thì ít hay nhiều các tác phẩm thuộc phong trào “Thơ mới” cũng thể hiện lòng yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc, mãnh liệt”. Bằng hiểu biết của em về các tác phẩm Thơ mới đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định trên. Đề thi gồm 1 trang Phòng Giáo dục và Đàotạo kiểm tra khảo sát học sinh giỏi Hà Trung lớp 9 THCS năm học 2011-2012 Hướng dẫn chấm đề thi Môn: Ngữ văn Câu 1: (2.0 điểm) + Về hình thức: Đáp ứng được hai yêu cầu của đề (có độ dài khoảng mười dòng; có sử dụng một trong các yếu tố: tự sự, miêu tả, biểu cảm); Diễn đạt trôi chảy, hành văn trong sáng, có tính thuyết phục. + Về mặt nội dung: Thể hiện rõ ràng, chính xác nội dung của luận điểm; Tìm đủ luận cứ cần thiết, sắp xếp lập luận theo một trình tự hợp lý để làm nổi bật luận điểm. Câu 2: (4.0 điểm) Yêu cầu phân tích được tác dụng của các từ tượng hình và tượng thanh trong bài thơ với những nội dung cơ bản sau: - "Qua Đèo Ngang" là bài thơ bộc lộ nỗi u hoài của một lữ khách- nữ sĩ trên đường thiên lý, dừng chân đứng lại Đèo Ngang vào một buổi chiều tà. Cảnh Đèo Ngang thưa vắng, heo hút gợi lòng người một nỗi buồn da diết. Các từ tượng hình và tượng thanh được sử dụng trong bài thơ rất đắc dụng, là một mẫu mực của nghệ thuật dùng từ (1,0 điểm). - Phân tích nghệ thuật dùng từ: + Từ tượng hình: "lác đác", "lom khom" được đảo lên đầu câu tạo ấn tượng mạnh về vẻ thưa thớt, heo hút của Đèo Ngang vào buổi chiều tà. (1,0 điểm) + Từ tượng thanh: "cuốc cuốc", "gia gia" đảo xuống cuối câu, gợi từ đồng âm, tạo sự âm vang cho câu thơ bộc lộ nỗi niềm của người lữ khách. (1,0 điểm) - Có thể liên hệ một vài trường hợp sử dụng từ tượng hình, tượng thanh đặc sắc khác để thấy được khi sử dụng từ đúng chỗ sẽ tạo nên giá trị lớn về mặt nghệ thuật. (1,0 điểm) Câu 3: (4.0 điểm) - Giới thiệu khái quát tập thơ “Nhật ký trong tù " của Bác (0,5 điểm). - Hoàn cảnh ra đời: Tập thơ được sáng tác tháng 8 năm 1942, trong thời gian Bác bị bắt giam tại tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. (0,5 điểm) - Giá trị nội dung: + Lên án, phơi bày bộ mặt nhà tù tào bạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch và xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. ( 0,5 điểm) + Tập nhật ký là bức chân dung tinh thần tự hoạ của Bác trong 14 tháng bị giam ở trong tù thể hiện lòng yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc, tấm lòng nhân đạo bao la, sâu thẳm của Bác, phong thái ung dung, tự tại, tinh thần lạc quan yêu đời, bản lĩnh cách mạng phi thường vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ của Bác. (1,0 điểm) - Giá trị nghệ thuật: Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, hình ảnh thơ có sự vận động khoẻ khoắn, đề tài sinh hoạt đời thường, giọng điệu tự nhiên có lúc hóm hỉnh, tự trào. (1,0 điểm) - Khẳng định lại giá trị của tập thơ. (0,5 điểm) Câu 4: (10 điểm) - Biết dẫn dắt vấn đề một cách tự nhiên, hấp dẫn; Nêu được vấn đề nghị luận (1,0 điểm) - Trình bày khái niệm về phong trào Thơ mới. Phong trào đòi đổi mới thơ ca và đã sáng tác những bài thơ khá tự do, số chữ trong câu và số câu trong bài không có hạn định gọi là "thơ mới". Thơ mới không chỉ để gọi thể thơ tự do mà chủ yếu dùng để gọi một phong trào thơ có tính chất lãng mạn tiểu tư sản xuất hiện từ năm 1932 và kết thúc vào năm 1945. (1,0 điểm). - Chứng minh lòng yêu nước được thể hiện qua các tác phẩm thuộc phong trào Thơ mới. ( 8,0 điểm) + ở tác phẩm “Nhớ rừng” của Thế Lữ lòng yêu nước được thể hiện ở tâm trạng u uất, niềm khát khao tự do mãnh liệt. Tác giả đã khéo léo mượn lời con Hổ để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tù túng, tầm thường và niềm khao khát tự do cháy bỏng bằng những vần thơ tràn đầy cảm xúc lãng mạn. Tâm trạng tủi nhục, đau đớn, uất hận của con Hổ trong “Nhớ rừng” đồng điệu với bi kịch của nhân dân ta đang rên xiết trong xiềng xích nô lệ. Bài thơ như lời nhắn nhủ kín đáo khơi gợi lòng yêu nước của người dân. (dẫn chứng) -2,0đ + ở tác phẩm “Ông đồ” của Vũ Đình Liên yêu nước là nỗi nhớ tiếc những giá trị văn hoá, là hoài niệm về quá khứ huy hoàng đã đi qua, là niềm cảm thương sâu sắc của nhà thơ đối với một lớp nhà nho thời kỳ tàn tạ. (dẫn chứng) -2,0 điểm. + Yêu nước trong bài thơ “Quê hương" của Tế Hanh lại là niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương, là tình yêu và sự gắn bó máu thịt của nhà thơ đối với quê hương (lấy dẫn chứng) - 2,0 điểm Tổng hợp: Tuy các nhà thơ thuộc phong trào "Thơ mới" chưa trực tiếp tham gia cứu nước nhưng tâm sự yêu nước của họ thật chân thành, sâu sắc và đáng trân trọng. Họ không chỉ góp thêm tiếng nói yêu nước mà quan trọng hơn còn giúp ta thấy được những biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng của tình yêu Tổ quốc. (1,0 điểm) Nghệ thuật: Tinh thần yêu nước trong các tác phẩm thuộc phong trào"Thơ mới" được thể hiện rất phong phú, khi thống thiết, khi hào hùng, sôi nổi lúc lại trầm lắng, kín đáo. Với bút pháp lãng mạn, hình ảnh giàu sức biểu cảm, các tác phẩm đã thể hiện lòng yêu nước sâu sắc mãnh liệt. (1,0 điểm) Biết khép lại vấn đề một cách tự nhiên, liên hệ với thực tế. (1,0 điểm) Giám khảo cần vận dụng hướng dẫn chấm một cách linh hoạt
Tài liệu đính kèm: