Đề thi học sinh giỏi môn: Ngữ văn 9 năm học: 2014 - 2015

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3712Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi môn: Ngữ văn 9 năm học: 2014 - 2015", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi môn: Ngữ văn 9 năm học: 2014 - 2015
PHÒNG GD&ĐT HUYỆN THANH OAI
TRƯỜNG THCS BÌNH MINH
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
Môn: Ngữ Văn 9
Năm học: 2014 - 2015
Thời gian: 150 phút(không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4 điểm) Trình bày cảm nhận của em (khoảng một trang giấy thi) về vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ sau:
 	 “ Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
	(Đồng chí - Chính Hữu)
Câu 2: ( 6 điểm )
HAI BIỂN HỒ
 Người ta bảo ở Palextin có hai biển hồBiển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galile. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này
 Nhưng điều kỳ lạ cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
 (Trích “Bài học làm người ”- Nhà xuất bản giáo dục)
 Qua câu chuyện Hai biển hồ, em nhận được bài học ý nghĩa nào cho cuộc sống?
Câu 3: ( 10 điểm) Có ý kiến cho rằng: "Từ một câu chuyện riêng, bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm của con người đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu"
Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
--------- HẾT---------
 Người duyệt đề
Nguyễn Thị Nghiêm
Người soạn đề
 Trần Thị Hinh
PHÒNG GD&ĐT HUYỆN THANH OAI
TRƯỜNG THCS BÌNH MINH
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI
Môn: Ngữ Văn 9
Năm học: 2014 - 2015
Câu 1: Bài làm của học sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
 A. Về hình thức: (1 điểm)
 Bài văn viết có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, trình bày sạch đẹp, không sai lỗi chính tả, khả năng cảm thụ tốt, cảm xúc chân thành, phân tích làm sáng tỏ nội dung, nêu bật được cảm nhận của mình về vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ trên. 
 B.Về nội dung: (3 điểm)
-Học sinh cần tập trung trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh thể hiện được tình đồng chí, đồng đội của người lính và là biểu tương đẹp về cuộc đời của người chiến sĩ. (1 điểm)
-Người lính, khẩu súng, vầng trăng, ba hình ảnh gắn kết với nhau làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình đồng chí, đồng đội, về tình bạn giữa thiên nhiên (vầng trăng) và con người (người lính) trong hoàn cảnh đồng cam cộng khổ chiến đấu. (1 điểm)
-Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng độc đáo(đầu súng trăng treo) được gợi ra bởi những liên tưởng phong phú (gần-xa, hiện thực-lãng mạn, chiến sĩ-thi sĩ)(1 điểm)
Câu 2: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu sau:
A.Về kiến thức và kĩ năng:
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải triển khai các ý cơ bản sau:
 -Từ một câu chuyện (rút ra bài học cho cuộc sống) học sinh trình bày suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng đạo lý- mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống. Hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất. Trong cuộc sống phải luôn biết chia sẻ với người khác. Nếu biết sống vì người khác thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần, cuộc đời sẽ có ý nghĩa thêm bội phần. Có người nói "người ta kính trọng bạn không phải những gì bạn nhận được. Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì mà bạn cho đi". 
 - Với đề bài này học sinh cần giải thích – phân tích để làm rõ bài học giáo dục được gửi gắm trong câu chuyện.
B. Hiểu được ý nghĩa của câu chuyện:
 Nghĩa đen theo nghĩa khoa học:
 + Biển Chết là do vị trí hồ không thuận lợi xung quanh không có kênh rạch hay lối thoát nên nước từ thượng nguồn đổ về đây bị ứ đọng dần dần tích tụ lượng muối lớn, làm cho nồng độ muối trong nước quá cao.
 + Nước quá mặn nên không sinh vật nào sống được nên dẫn đến hoang vu thiếu sự sống.
 + Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
C. Bài học rút ra từ câu chuyện. 
 Câu chuyện đã đem đến bài học thật ý nghĩa trong cuộc sống:
- Trong cuộc sống hằng ngày, con người có những mối quan hệ, những giao tiếp, những sinh hoạt luôn “ trao” và “ nhận”. Xã hội sẽ không tồn tại nếu thiếu quá trình này.
- Hãy biết chia sẻ để nó lan tỏa và biến thành niềm vui
- Biển chết: biểu tượng cho một loại người ích kỷ, thiếu lòng vị tha, nhân hậu, chỉ biết sống cho riêng mình. (dẫn chứng từ thực tế cuộc sống ).
- Biển Galile: biểu tượng cho mẫu người giàu lòng vị tha, nhân hậu, sống vì người khác, luôn mở rộng vòng tay cho và nhận. (dẫn chứng từ thực tế cuộc sống ).
 * Khẳng định cách nhìn, thái độ sống chi phối hoàn cảnh sống, tác động đến các mối quan hệ xung quanh (dẫn chứng- phân tích-so sánh, đối chiếu ).
 * Liên hệ: Cuộc sống cần có sự đồng cảm, biết sẻ chia để nỗi buồn vơi đi, niềm vui, hạnh phúc nhân lên( hãy dang rộng đôi tay với những nạn nhân bị chất độc màu da cam; đồng bào đang chịu cảnh thiên tai bão lụt, những số phận bất hạnh)
* Bài học cho bản thân:
 + Cách ứng xử và thái độ đối với những người xung quanh.
 + Cách ứng xử, cho và nhận đối với cuộc đời.
 Biểu điểm:
- Điểm 5à 6:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát, không sai lỗi chính tả.
- Điểm 4:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 3:
 Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, lập luận chưa chặt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
 - Điểm 1à2:
 Chưa đáp ứng được 1/2 yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
 - Điểm 0: Để giấy trắng.
Câu 3: ( 10 điểm ) Bài viết đảm bảo các yêu cầu sau: 
* Hình thức: Đảm bảo bố cục 3 phần rõ ràng; đúng thể loại nghị luận văn học, luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc; trình bày sạch đẹp, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả.
* Nội dung:
a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và ý kiến nêu trong đề bài. ( 1 điểm)
b. Thân bài: ( 8 điểm)
- Giải thích ý kiến: ( 2 điểm)
Một câu chuyện riêng: câu chuyện có thật của cuộc đời tác giả- người đã từng gắn bó với vầng trăng từ thuở nhỏ qua thời đi bộ đội; đến khi về sống ở thành phố "quen ánh điện cửa gương" thì " vầng trăng đi qua ngõ - ngỡ người dưng qua đường". Rồi một lần " Thình linh đèn điện tắt", trong phòng " tối om" nhà thơ "bật tunng cửa sổ" vầng trăng tròn", từ đó, bao cảm xúc và suy ngẫm của tác giả về những năm tháng gian lao, tình nghĩa đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu,..chợt ùa đến.
- Chứng minh: ( 4 điểm )
 + Ba khổ thơ đầu là lời kể rất tự nhiên về mối quan hệ gắn bó, thân thiết như tình bạn tri kỉ giữa nhà thơ và vầng trăng trong quãng đời từ thơ ấu đến thời gian đi bộ đội,sống và chiến đấu nơi rừng núi. Quan hệ đó tự nhiên mà gần gũi đến nỗi gần như đi đâu,làm gì cũng có nhau và có lẽ nhà thơ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình quên người bạn tri kỉ, tình nghĩa ấy. Đó là quãng đời "trần trụi ", hồn nhiên, chân thật nhất; dẫu thiếu thốn, gian khổ nhưng không thiếu niềm vui, hạnh phúc.
 Vậy mà, cũng rất tự nhiên, anh lại có thể coi người bạn trăng tình nghĩa thuở nào " như người dưng qua đường". Vì sao lại như vậy? Vì thay đổi hoàn cảnh sống... vầng trăng vẫn đi qua phố, qua ngõ nhà anh nhưng anh hoàn toàn không biết hoặc hoàn toàn dửng dưng, vì anh không còn cần đến nó.
 Ý nghĩa của lời kể sâu, rộng hơn nhiều so với chi tiết thật của câu chuyện. Đó là khi ng ười ta thay đổi hoàn cảnh sống thì có thể dễ dàng lãng quên quá khứ, nhất là quá khứ nhọc nhằn, gian khổ. Trước vinh hoa phú quý, người ta cũng có thể phản bội lại chính mình, thay đổi tình cảm với những chuyện tưởng chừng không bao giờ có thể lãng quên.
 + Khổ 4: Tình huống mất điện đột ngột trong đêm là một câu chuyện không hiếm
gặp ở nước ta trong thời điểm tác giả viết Ánh trăng- vốn đã quen với ánh sáng -không thể chịu cảnh tối om. Ba từ vội, bật, tung đặt liền nhau cho thấy sự khó chịu và hành động khẩn trương, hối hả tìm nguồn sáng. Và đột ngột vầng trăng tròn xuất hiện. Ngửa mặt lên nhìn trời, nhìn trăng... Tình huống đó như một cái cớ khơi gợi tâm trạng và suy ngẫm của tác giả.
 + Hai khổ thơ cuối: "Ngửa mặt lên nhìn mặt"-> tư thế tập trung chú ý, mặt đối mặt,
cảm xúc dâng trào. Tác giả không cụ thể, trực tiếp mà dùng phép so sánh, điệp từ, từ
ngữ có cái gì rưng rưng...diễn tả sự xúc động trào dâng khi gặp lại vầng trăng- người bạn tri kỉ, tình nghĩa mà mình từng quên lãng, gợi quá khứ ùa về....
 Phân tích nghĩa của hình ảnh vầng trăng " tròn vành vạnh", " im phăng phắc"; cái " giật mình". Hình ảnh thơ hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lí: " tròn vành vạnh" một vẻ đẹp viên mãn, trăng vẫn thế, vẫn thủy chung, tình nghĩa. Chỉ có lòng người thay đổi “vô tình”. " Ánh trăng im phăng phắc" vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ sáng nhưng mang ý nghĩa nhắc nhở nghiêm khắc, đủ để con người “giật mình” biết tự vấn lương tâm, biết suy nghĩ để nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, nông nổi trong cách sống của mình. Cái giật mình tự nhắc nhở bản thân về lòng ân nghĩa, thủy chung, độ lượng, không bao giờ được làm kẻ phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên.
- Bình luận: ( 2 điểm ). Đúng như ý kiến đã nêu trong đề bài, từ một câu chuyện riêng, bài thơ Ánh trăng ( Nguyễn Duy) là lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa; đối với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu.
 Bài thơ không chỉ là câu chuyện riêng của Nguyễn Duy mà còn có ý nghĩa đối với cả một thế hệ đã trải qua những năm tháng gian khổ trong chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, với nhân dân... nay được sống trong hòa bình và tiếp xúc với nhiều tiện nghi hiện đại văn minh. Hơn nữa bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người bởi nó đặt ra vấn đề thái độ sống đối với quá khứ, với người đã khuất, với cả chính mình khi hoàn cảnh sống thay đổi. Bài thơ nằm trong mạch cảm xúc " uống nước nhớ nguồn", gợi lên đạo lí tình nghĩa thủy chung- một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
c. Kết bài: Nêu cảm xúc, ấn tượng sâu sắc nhất về bài thơ hoặc rút ra bài học sâu
sắc cho bản thân sau khi học bài thơ. (1 điểm)
 Người duyệt đề
Nguyễn Thị Nghiêm
Người soạn đề
 Trần Thị Hinh

Tài liệu đính kèm:

  • docDe HSG van 2014 Binh Minh.doc