ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học: 2013-2014 Môn: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 150 phút Câu 1 (4 điểm) Kết thúc truyện "Chuyện người con gái Nam Xương" Nguyễn Dữ viết : " ...Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện. Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào: - Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa. Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ dần rồi biến mất." Nêu cảm nhận của em về cách kết thúc câu chuyện trên Câu 2: (4 điểm) Suy nghĩ của em từ ý nghĩa câu chuyện sau: Diễn giả Le-o Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em bé hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: "Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc." (Theo "Phép màu nhiệm của đời" - NXB Trẻ, 2005) Câu 3 (12 điểm). Bàn về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt có ý kiến cho rằng: "Bài thơ biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời". Bằng những hiểu biết của em về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên. Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Câu 1: (4 điểm) Bài làm của học sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau: A. Về nội dung: Hình ảnh Vũ Nương trở về trong một không gian rực rỡ và tràn đầy ánh sáng như một sự đền bù xứng đáng cho người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp nhưng cuộc đời bất hạnh. Nỗi oan của Vũ Nương đã được giải. Đây là một kết thúc có hậu ta vẫn thường gặp trong truyện dân gian: Ở hiền gặp lành. Cách kết thúc ấy đã làm hoàn thiện thêm vẻ đẹp ở nhân vật Vũ Nương: Đối với chồng con: nàng là người phụ nữ độ lượng, vị tha, ân tình, nhân hậu. Đối với Linh Phi: nàng là người trọng tình, trọng nghĩa giữ trọn lời hứa. Câu truyện kết thúc có hậu song vẫn tiềm tàng tính bi kịch, Vũ Nương mãi mãi không thể trở về trần gian, cuộc sống giàu sang mà nàng có nơi làn mây cung nước chỉ là ảo ảnh, hạnh phúc thực sự sẽ không bao giờ đến với Vũ Nương. Chọn cách kết thúc ấy làm giá trị tố cáo của truyện càng trở nên sâu sắc. Chế độ nam quyền độc đoán đã không cho người phụ nữ quyền hưởng hạnh phúc. Phải chăng với những người phụ nữ phong kiến hạnh phúc đối với họ là quá mong manh, hư không. Hình ảnh Vũ Nương trở về trên kiệu hoa rực rỡ là hình ảnh đặc sắc nhất thể hiện đặc trưng của thể loại truyền kì làm truyện thêm sâu sắc, hấp dẫn. Hình ảnh cuối truyện Vũ Nương hiện lên mờ ảo lúc ẩn lúc hiện nói với chồng vài lời rồi biến mất. Nàng không thể trở lại nhân gian được nữa dù rất thương nhớ chồng con, dù Trương Sinh rất hối hận đau lòng đã nói lên một bài học: Phải có niềm tin với những người thân yêu, bởi nếu thiếu nó thì sẽ rất khó đắp xây hạnh phúc gia đinh, phải biết trân trọng nâng niu những gì mình đang có. B. Về hình thức: Học sinh có thể trình bày và lập luận khác nhau song bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, có khả năng cảm thụ tốt, phân tích thoả đáng làm sáng rõ nội dung yêu cầu của đề bài. Văn viết mạch lạc có cảm xúc. Biểu điểm: 3,5-4 điểm: Cảm nhận đúng, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt 2,5-3 điểm: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, sâu sắc, tinh tế, diễn đạt khá. 1,5-2 điểm: Cảm nhận được nhưng nhìn chung chưa sâu, mắc ít lỗi diễn đạt 0,5-1 điểm: Cảm nhận còn hời hợt, mắc nhiều lỗi diễn đạt. 0 điểm: Làm lạc đề, bỏ giấy trắng. Câu 2: (4 điểm) A- Yêu cầu: I/ Về kĩ năng: HS trình bày dưới dạng bài văn nghị luận xã hội, có hệ thống luận điểm rõ ràng, chính xác, khoa học. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II/ Về kiến thức: 1. Giải thích được nội dung cơ bản của câu chuyện: Em bé đạt giải trong cuộc thi vì em là người biết quan tâm, chia sẻ nỗi đau với người khác. Người được chia sẻ không đòi hỏi gì, chỉ cần một chỗ dựa trong lúc đau đớn cũng là quá đủ. Cách em bé quan tâm đến người khác cũng rất "trẻ con": ngồi vào lòng người hàng xóm. Thế nhưng đó là cách chia sẻ hiệu quả nhất ngay trong tình huống ấy. 2. Chứng minh, bình luận về nội dung câu chuyện: Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những mất mát, đau thương, cần có một mối đồng cảm từ những người xung quanh. (dẫn chứng) Biết quan tâm, sẻ chia với người khác là một hành động đẹp. Nhưng cách thể hiện sự quan tâm đó như thế nào còn tuỳ thuộc ở mỗi người. (dẫn chứng) 3. Bài học cho bản thân. Trong cuộc sống, có những bài học vô cùng quý giá mà ta học được từ những điều hết sức bất ngờ. Những em bé đôi khi cũng có những việc làm mà mọi người phải suy ngẫm. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người khác là mình đã làm được một việc ý nghĩa. Sống đẹp sẽ nhận được cái đẹp từ cuộc sống. B. Thang điểm. Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài làm sáng tạo, văn viết có cảm xúc, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi diễn đạt. Điểm 2: Đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn viết có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt. Điểm 1: Đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản nhưng bình luận chưa sâu, bài học rút ra còn sơ sài, nông cạn. Diễn đạt chưa thật lưu loát. Điểm 0: Bài viết sai lệch cả về nội dung và hình thức. * Lưu ý: Nếu bài viết dưới dạng đoạn văn nhưng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có sáng tạo thì giám khảo linh hoạt cho điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm. Câu 3 (12 điểm) Yêu cầu: * Về kĩ năng: học sinh biết bám sát văn bản ngôn từ, biết phát hiện và phân tích, chứng minh, cảm nhận và biết lập luận và trình bày thành một văn bản hoàn chỉnh. * Về nội dung kiến thức: Học sinh cần bám sát lời nhận định trên và văn bản để trình bày các ý sau: Giải thích lời nhận định: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người: là những người thân trong gia đình, bạn bè, những kỷ niệm, một cây lược, một chiếc bút... gắn bó sâu sắc với ta. Đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời: trở thành điểm tựa, nguồn động lực, cho ta sức mạnh trong mỗi bước đường đời. Chứng minh nhận định: Trong bài thơ Bếp lửa, những gì thân thiết của tuổi thơ người cháu là bà, là bếp lửa, là những hình ảnh của quê hương... Những hình ảnh đó đã in đậm trong cháu từ thuở ấu thơ. (Dẫn chứng) Bà với tình yêu thương, đức hy sinh, niềm tin yêu cuộc sống; Bếp lửa với sự ấm nồng, thân thiết đã là chỗ dựa cho cháu, nhen lên trong cháu những tâm tình, những niềm tin, là nơi chắp cánh ước mơ cho cháu...(Dẫn chứng) Khi cháu lớn lên, học tập và công tác nơi xa, bà và bếp vẫn là điểm tựa, là nguồn động viên là nơi nâng đỡ...(Dẫn chứng) Suy rộng ra, điều tạo ra sức tỏa sáng, sự nâng đỡ người cháu trong bài thơ còn là quê hương, đất nước. Đánh giá khái quát: Bài thơ kết hợp trữ tình, tự sự, nhiều hình ảnh thơ đẹp... Những hình ảnh, kỉ niệm thân thiết nhất của tuổi thơ người cháu đã có sức tỏa sáng, nâng đỡ cháu, là chỗ dựa, là nguồn cổ vũ động viên cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời cháu. Bài thơ còn ngợi ca vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam, gợi lòng biết ơn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Biểu điểm chấm: Điểm 10: Bài làm đảm bảo các yêu cầu trên. Thể hiện được năng lực cảm thụ văn học. Có kỹ năng phân tích, chứng minh vấn đề, hệ thống luận điểm rõ ràng. Có được những đoạn hay. Điểm 8: Đạt những yêu cầu chính. Văn viết có cảm xúc. Bố cục tương đối hợp lý. Diễn đạt gọn, ít lỗi diễn đạt. Điểm 6: Bài làm chưa sáng tạo, chỉ phân tích tác phẩm, chưa biết chia luận điểm. Cảm nhận chung chung, không sâu, chưa biết sử dụng dẫn chứng để chứng minh. Còn mắc lỗi diễn đạt. Điểm 4: Diễn xuôi thơ, hoặc cảm nhận không xuất phát từ tác phẩm. Chưa có bố cục hợp lí, chưa biết xây dựng hệ thống luận điểm bám sát vào lời nhận định, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt. Điểm 2: Cảm nhận và phân tích chưa đúng hướng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chưa có bố cục, chưa biết tổ chức luận điểm. Điểm 0: Bài làm lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng, sai cả nội dung và phương pháp.
Tài liệu đính kèm: