Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2012 -2013 môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1243Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2012 -2013 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2012 -2013 môn: Ngữ Văn
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THỦY
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2012 -2013
Đề chính thức
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi có 01 trang
Câu 1 (4 điểm) : Cảm nhận của em về cái hay của đoạn văn sau:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
 (Trích “Tôi đi học” - Thanh Tịnh)
Câu 2 ( 4 điểm): Trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, nhân vật ông giáo đã có suy ngẫm:
“ Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương (). Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
Trình bày cách hiểu của em về suy nghĩ trên của nhân vật ông giáo bằng một bài văn ngắn ?
Câu 3 (12 điểm): Vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua các bài thơ của Người: Tức cảnh Pác Bó, Ngắm trăng, Cảnh khuya và Rằm tháng giêng.
HẾT
Họ tên thí sinh:  SBD:  
(Cán bộ coi thi không cần giải thích gì thêm)
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THỦY
HƯỚNG DẪN CHẤM
BÀI THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2012 –2013
MÔN: NGỮ VĂN
1-Câu 1 (4 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng :
- HS biết trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của mình dưới dạng một bài văn ngắn hoặc một đoạn văn, không gạch đầu dòng.
- Bố cục của bài văn hoặc đoạn văn phải hoàn chỉnh.
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc. Ngôn ngữ trong sáng, chuẩn xác.
- Kĩ năng viết câu phải đúng ngữ pháp.
- Viết đúng dạng bài cảm nhận, không sa đà, lạc sang kể lể, diễn xuôi ý đoạn văn.
* Yêu cầu về nội dung kiến thức: Cần cảm nhận được cái hay của đoạn văn như sau:
- Về nghệ thuật :
+ Cách dẫn dắt cảm xúc rất tự nhiên: từ ngoại cảnh, từ sự thay đổi của thiên nhiên mà gợi nhớ thời điểm tựu trường. 
+ Diễn tả hết sức tinh tế tâm trạng náo nức, xốn xang, sự rung động khi hồi tưởng lại kỉ niệm lần đầu tiên đi học, những kỉ niệm nhẹ nhàng trong sáng được diễn tả tinh tế là những kỉ niệm mơn man  ... 
+ Sử dụng biện pháp tu từ so sánh rất đặc sắc (hình ảnh những cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng được so sánh với mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng: cách so sánh rất gợi cảm, tinh tế, diễn tả cảm xúc tươi sáng trong trẻo đẹp đẽ bừng nở trong tâm hồn nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đi học).
+ Lựa chọn và sử dụng các từ láy rất tinh tế và giàu sức gợi : nao nức, mơn man...
+ Đoạn văn toát lên chất thơ nhẹ nhàng, bay bổng, tinh tế. 
- Về nội dung : cái hay của đoạn văn là đã diễn tả được những cảm giác nao nức, những rung động nhẹ nhàng mà xốn xang, cảm xúc trong sáng về ngày đầu tiên đi học còn đọng mãi trong tâm hồn.
* Cách cho điểm :
- Điểm 4 : Bài viết tốt, đảm bảo được đầy đủ những yêu cầu đã nêu.
- Điểm 3,5 – 2,5 : Bài viết đảm bảo được các yêu cầu đã nêu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về trình bày hoặc thiếu một vài ý nhỏ.
- Điểm 2,0: Bài làm đạt một nửa yêu cầu về nội dung và kĩ năng, hiểu vấn đề, nhưng diễn đạt còn khô, chưa có cảm xúc hoặc có những chỗ diễn đạt còn vụng.
- Điểm 1,5: Bài làm chưa tốt, sa vào tình trạng diễn xuôi ý đoạn văn, chưa nhận ra được cái hay của đoạn văn. 
- Điểm 1,0 – 0,5 : Bài làm rất yếu, kiến thức chưa chuẩn xác, văn còn lủng củng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ và lỗi ngữ pháp.
Câu 2 ( 4 điểm): 
*Yêu cầu về hình thức :
- Viết thành bài văn ngắn, bố cục hoàn chỉnh, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát.
- Viết đúng kĩ năng dạng bài văn nghị luận giải thích, có lập luận lí lẽ để lí giải vấn đề một cách rõ ràng; không lạc sang kể lại câu chuyện, không diễn xuôi ý lôm côm, dông dài.
* Yêu cầu về nội dung :
+ Đây là suy nghĩ có tính triết lý hòa quyện trong cảm xúc xót thương của nhân vật ông giáo đối với người nông dân, đối với con người trong xã hội cũ. 
+ Suy nghĩ của nhân vật ông giáo đã khẳng định một thái độ sống, một cách ứng xử, một cách nhìn, cách đánh giá con người mang tinh thần nhân đạo: Không thể nhìn cái vẻ bề ngoài để đánh giá con người; cần phải quan sát, suy nghĩ đầy đủ, sâu sắc về những con người hàng ngày sống quanh mình, cần phải nhìn nhận họ bằng lòng đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương. Khi đó mới biết đồng cảm, mới biết nhìn ra và trân trọng những điều đáng thương, đáng quí ở họ. Nếu không sẽ có ác cảm hoặc đánh giá sai lầm.
 (Ý này cho 2,0 điểm) 
+ Qua suy nghĩ của nhân vật ông giáo, Nam Cao đã nêu lên một phương pháp đúng đắn, sâu sắc khi đánh giá con người: Ta cần biết đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của họ thì mới có thể hiểu đúng và cảm thông. Vấn đề cách nhìn nhận đánh giá con người đã trở thành một chủ đề sâu sắc, nhất quán trong sáng tác Nam Cao. Ông cho rằng con người chỉ thực sự xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết đồng cảm với mọi người xung quanh, khi biết nhận thấy và trân trọng vẻ đẹp đáng quí ở họ. 
 ( Ý này cho 1,5 điểm) 
+ Học sinh có thể tự liên hệ bản thân về vấn đề nhìn nhận, đánh giá những người sống quanh mình, để rút ra bài học cho mình 
 ( Ý này cho 0,5 điểm) 
Câu 3 (12 điểm):  
* Yêu cầu về kĩ năng : 
- Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học tổng hợp, biết xâu chuỗi hai tác phẩm sau đó khái quát để hình thành những luận điểm chung. HS có thể trình bày theo từng bài, nhưng đấy không phải là cách tối ưu, không thể hiện được kĩ năng nghị luận chắc chắn. Do vậy nên coi trọng kĩ năng khái quát, tổng hợp và xây dựng luận điểm.
- Bố cục bài hoàn chỉnh, chặt chẽ.
- Biết lập luận hướng vào vấn đề, không sa đà, lan man.
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, văn phong trong sáng.
- Dùng từ chuẩn xác, có tính biểu cảm. Đặt câu chuẩn ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung kiến thức : HS hiểu và khái quát được những luận điểm chính sau đây :
(1)- Hồ Chí Minh là một người chiến sĩ yêu nước, luôn đau đáu, trăn trở vì dân, vì nước (Phân tích dẫn chứng : bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng)
(2)- Tâm hồn Hồ Chí Minh là tâm hồn tràn đầy lạc quan, luôn biết vượt lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt nhất. Niềm lạc quan ở Bác là lạc quan cách mạng.
(Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó để làm rõ điều này : phân tích rõ tinh thần lạc quan, nụ cười vui hóm hỉnh của Bác trước hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, Bác đã biến cái nghèo, cái thiếu thành cái sang ...)
(3)- Hồ Chí Minh có một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm với thiên nhiên. Đối với Bác, thiên nhiên là bạn tri kỉ, tâm giao.
(Phân tích tình yêu trăng của Hồ Chí Minh thể hiện trong các bài : Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Rằm tháng giêng ...) 
(4)- Tâm hồn Hồ Chí Minh là một tâm hồn đầy chất thi sĩ, nghệ sĩ, rất nhạy cảm mà cũng rất phóng khoáng, có những rung cảm tinh tế trước thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc đời. (P.tích dẫn chứng)
- Khái quát: Ở Hồ Chí Minh, người ta thấy rất rõ tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ hòa quyện với con người chiến sĩ. Điều này làm nên nét đẹp ở Bác.
- Có thể liên hệ với một số nhà thơ thời trung đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm 
* Cách cho điểm:
+ Điểm 12: Bài làm tốt, đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu đã nêu, có sáng tạo có năng lực cảm thụ văn chương.
+ Điểm 11 – 10: Bài là đạt mức độ khá, hiểu đúng vấn đề, đảm bảo được các yêu cầu như đã nêu, tuy vậy có thể thiếu một hoặc vài ý nhỏ, hoặc mắc sai sót trong diễn đạt, tình bày.
+ Điểm 9 - 7: Có hiểu vấn đề, triển khai đúng hướng yêu cầu của đề, đảm bảo được các ý cơ bản, có thể thiếu một vài ý nhưng không phải là luận điểm quan trọng. Có thể mắc một vài lỗi về diễn đạt, về dùng từ, đặt câu.
+ Điểm 6: Bài làm ở mức độ trung bình, hiểu vấn đề nhưng chung chung, sơ sài, chưa có lí lẽ lập luận, phân tích chưa tốt, văn khô, viết theo lối diễn ý.
+ Điểm 5 – 4: Bài làm yếu, hiểu vấn đề sơ sài, chung chung, phân tích chưa tốt, sa đà vào diễn ý, hành văn còn vụng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, lỗi về từ.
+ Điểm 3 – 1: Bài làm rất yếu, hiểu và nhận thức về vấn đề chưa chính xác, chưa có kĩ năng phân tích và tổng hợp luận điểm, sa đà vào tình trạng diễn xuôi hoặc kể lể, hoặc viết linh tinh. Mắc nhiều lỗi về hành văn và ngữ pháp.
+ Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
* Trên đây là những gợi ý chung nhất, giám khảo chấm cần vận dụng linh hoạt dựa trên thực tế bài làm của học sinh, không quá máy móc. 

Tài liệu đính kèm:

  • docde_kt_hsg_van_8_TT.doc